Tuesday, October 22, 2024
Trang chủĐàm luậnCOC: Giấc mơ của ASEAN

COC: Giấc mơ của ASEAN

Trung Quốc cố tình chậm chạp trong việc hoàn tất bộ quy tắc COC. Trong khi đó, họ đã xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo này. Đây chính là chiến thuật “câu giờ” của Trung Quốc để kiểm soát được Biển Đông

Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. Ảnh: Phil Star.

Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) là văn kiện chính trị đầu tiên có tính đột phá mà ASEAN và Trung Quốc đạt được về vấn đề Biển Đông.

Việc ký văn kiện này là kết quả sự nỗ lực và kiên trì đáng ghi nhận của các nước ASEAN, đặc biệt là của 4 nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Trường Sa (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Không thể phủ nhận tác dụng tích cực của DOC trong những năm qua. Ít nhất, về mặt hình thức, các nước liên quan đều tỏ ra là quốc gia văn minh, tôn trọng các cam kết chung. ASEAN, nhất là những nước có tranh chấp trực tiếp chủ quyền Biển Đông như Việt Nam, Philippines, mỗi khi có sự cố căng thẳng, thường coi DOC như một trong những cơ sở chính trị để kêu gọi các bên liên quan tuân thủcam kết và thực thi trách nhiệm.

Thực tế trái với mong muốn. Do tính chất không ràng buộc về pháp lý của DOC, việc thực thi có trách nhiệm văn kiện này đã không diễn ra, nhất là đối với Trung Quốc.

Trung Quốc ngày càng quá quắt trong yêu sách chủ quyền; luôn dùng sức mạnh cơ bắp răn đe các nước ASEAN, đồng thời ra sức triển khai chủ trương đàm phán song phương mà thực chất là “chia để trị”, nhằm phân hóa các nước ASEAN.

Trong thực tế, Trung Quốc đã lôi kéo, mua chuộc được một số nước trong vấn đề này với những tuyên bố, việc làm có lợi cho Trung Quốc.

Cũng với chính sách này, Trung Quốc còn thành công trong việc chi phối kết quả một số hội nghị có tính khu vực của các quốc gia Đông Nam Á.

Tình hình biển Đông ngày càng diễn biến xấu, phức tạp hơn với những xung đột căng thẳng, trực tiếp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines.

Thậm chí, biển Đông trở thành vấn đề toàn cầu với sự can dự cả bằng lời nói và hành động của Mỹ, các nước Tây Âu, Nhật Bản, Australia với danh nghĩa “bảo đảm tự do hàng hải quốc tê”.

Do vậy, với các nước ASEAN, DOC chỉ là bước đầu tiên có tính nền tảng. Đích tiếp theo phải là một bộ công cụ có tính ràng buộc pháp lý như một bộ “Luật biển khu vực”.Chỉ như thế mới có thể hy vọng duy trì ổn định biển Đông và hòa bình trong khu vực.

Biển Đông phức tạp. Ai cũng hiểu điều đó. Nhưng nguyên nhân gây nên phức tạp là ai ?

Những gì diễn ra cho thấy, thủ phạm là Trung Quốc với tham vọng biến biển Đông thành “ao nhà” của họ. Về cơ bản, trừ Trung Quốc, các bên liên quan đều muốn giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Đó là chưa kể, cho dù muốn, họ cũng không đủ lực để “làm loạn” tình hình trong khu vực này.

Những nhà ngoại giao ASEAN nhiều lần nhấn mạnh tính cấp thiết của COC, khẳng định rằng: COC đem lại lợi ích không chỉ cho ASEAN, Trung Quốc mà cho tất cả các nước ở trong và ngoài khu vực.

Trung Quốc không cho là như vậy. Họ hiểu rằng, xét trong bối cảnh hiện nay, tính pháp lý của COC, nếu được ký kết, sẽ trói buộc chính họ trong việchiện thực hóa tham vọng trên biển Đông mà điển hình là đường lưỡi bò 9 đoạn.

Nếu không phải Trung Quốc thì là ai, trong nhiều năm qua đã bất chấp DOC, bất chấp Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tiến hành các hoạt động phi pháp xâm phạm lợi ích chính đáng, hợp pháp của hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN ?

Nếu không phải Trung Quốc thì là ai đã nhẫn tâm gây ra các vụ va chạm đáng ngờ, gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, Philippines ?

Nếu không phải Trung Quốc thì là ai đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây đường băng, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng ?… 

Vì lẽ đó, dù hầu hết các nước ASEAN đều thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong đàm phán với Trung Quốc, nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, đàm phán giữa ASEAN và TQ về COC đã bế tắc hơn một thập kỷ.

Ngay tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN lần thứ 34 (22-23/6) tại Bangkok (Thái Lan) vừa qua, ASEAN cũng chỉ hy vọng, chứ không phải tin tưởng, rằng COC sẽ được hoàn tất và ký kết.

Nguyên nhân đàm phán xây dựng COC giậm chân tại chỗ do sự “câu giờ” của Trung Quốc.

“Câu giờ” là từ của cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario – được biết đến là người duy trì đường lối ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian tại nhiệm.

Ông Albert Del Rosario chính là người đề xuất đưa vụ tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài quốc tế năm 2013 và kết quả, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết có lợi cho Philippines vào năm 2016. Gần đây, ngày 23/6, ông bị từ chối cho nhập cảnh và trục xuất khỏi đặc khu Hong Kong một ngày sau khi bình luận Trung Quốc “không đáng tin” vì đâm chìm một tàu cá Philippines trên Biển Đông.

Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với CNN Philippines ngày 25/6, ông Del Rosario nói: “Những năm gần đây, Trung Quốc đang cố tình chậm chạp trong việc hoàn tất bộ quy tắc COC. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, họ đã xây dựng các đảo nhân tạo, họ đã quân sự hóa các đảo này, do đó, Trung Quốc đang tìm cách câu thêm giờ để hoàn thành nốt những gì họ muốn làm để có thể kiểm soát được Biển Đông”.

Ông Del Rosario còn cảnh báo: “Những gì Trung Quốc đang làm sẽ không phải là sử dụng COC để bảo vệ cho những thứ mà họ đã dựng lên một cách phi pháp”.

Xem ra, với cảnh báo trên, ông Albert Del Rosario, thêm một lần nữa, đã chỉ đúng tim đen của Trung Quốc.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới