Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiều hạm đội tàu sân bay qua eo biển Đài Loan: TQ...

Điều hạm đội tàu sân bay qua eo biển Đài Loan: TQ đang cảnh cáo Mỹ và đồng minh

Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (25/6) đã đi qua Eo biển Đài Loan nhằm răn đe Đài Bắc và Washington.

Chính quyền Đài Loan cho biết hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng 5 tàu hộ tống đã đi qua eo biển Đài Loan và hướng về cảng Thanh Đảo, phía Đông Trung Quốc. Trước hành động trên của Trung Quốc, cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo: “Xin hãy yên tâm rằng quân đội có khả năng tham gia hoạt động tình báo chung để nắm bắt được toàn bộ hoạt động của nhóm tàu sân bay và đối phó với bất cứ tình huống khẩn cấp nào nhằm đảm bảo an ninh và ổn định khu vực”.

Trung Quốc hiện đang vận hành một tàu sân bay duy nhất có tên là Liêu Ninh. Chiếc tàu sân bay đầu tiên này được tân trang lại từ một chiếc tàu sân bay chưa được hoàn thiện của Ukraine. Nó được chính thức chuyển giao cho Hải quân Trung Quốc vào ngày 25/9/2012. Tàu Liêu Ninh có trọng tải hơn 50.000 tấn. Thiết kế ban đầu của chiếc tàu sân bay này cho phép nó mang theo 30 chiếc máy bay cánh cố định. Tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến hành thử nghiệm cho máy bay chiến đấu J-15 cất cánh và hạ cánh trên con tàu này. J-15 được cho sẽ là lực lượng tấn công chính trên tàu sân bay Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc rất tự hào về chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình nhưng các chuyên gia quốc phòng khẳng định, con tàu được kỳ vọng đó thiếu máy bay tấn công, vũ khí, thiết bị điện tử, các thiết bị đào tạo và cung cấp hậu cần để có thể trở thành một chiếc tàu chiến có khả năng chiến đấu thực sự.

Trước khi đi qua eo biển Đài Loan, hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã đi qua Eo biển Miyako của Nhật Bản, vùng lãnh thổ thuộc đảo Guam, Philippines và qua Biển Đông.

Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ và các nước đồng minh liên tục điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan. Theo đó, Hải quân Mỹ (24/1) đã điều 2 tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện một chuyến tuần tra qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Theo Reuters, hành động này cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa hòn đảo tự trị này với Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. Pháp (6/4) cũng điều tàu chiến Vendemiaire thực hiện hành trình đi qua eo biển Đài Loan. Hải quân Mỹ (28/4) đã điều 2 tàu khu trục William P. Lawrence và Stethem đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời xác nhận không có tương tác không an toàn hoặc không chuyên nghiệp đối với các tàu của quốc gia khác trong quá trình di chuyển. Hải quân Hoàng gia Canada (18/6) đã điều tàu khu trục Regina (FFH 334) tuần tra qua vùng eo biển Đài Loan trước khi đi vào vùng biển Hoa Đông. Trước đó, hải quân hoàng gia Canada (6/2) đã điều tàu hộ tống HMCS Ottawa, tàu hộ tồng HMCS Regina và tàu tiếp tế MV Asterix tham gia các hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Ba tàu sẽ đến Trân Châu cảng ở Hawaii, sau đó tàu Ottawa tham dự cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ rồi quay về Esquimalt sau khoảng một tháng. Tàu Regina và Asterix sẽ tiếp tục chuyến triển khai kéo dài 7 tháng và tham gia nhiều hoạt động huấn luyện, tập trận, thăm cảng các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.

Theo giới quan sát, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá đã nhiều lần dùng Đài Loan làm “con bài” để mặc cả, gây sức ép với Bắc Kinh trên phương diện chính sách: từ vấn đề thương mại đến việc cảnh cáo Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã thông qua đạo luật Du lịch Đài Loan trong đó khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm hòn đảo này. Mỹ còn khánh thành văn phòng mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Mỹ nhằm biểu thị thông điệp của Washington về việc các nước có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế chiến lược và cam kết bảo vệ đồng minh trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.

Để răn đe Đài Loan, cũng như đáp trả Mỹ và các nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự ở eo biển Đài Loan, Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều biện pháp đáp trả. Bắc Kinh cũng nhiều lần điều tàu chiến, máy bay tham gia tuần tra, tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan. Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục đưa ra cảnh báo “lợi ích căn bản” của Trung Quốc là đạt được “thống nhất toàn bộ” đất nước. Để ngăn chặn và kiểm soát Đài Loan tuyên bố độc lập, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị để ngăn cản Đài Loan. Trong thông điệp tại buổi kỷ niệm 40 năm ban hành Văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) một lần nữa lại đưa ra yêu cầu thống nhất với Đài Loan. Không những vậy, Trung Quốc liên tục tập trận, tuần tra sát eo biển Đài Loan nhằm cảnh cáo Đài Bắc sẽ phải trả giá đắt nếu tìm cách tuyên bố độc lập. Trong năm 2018, Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận bắn đạn thật và tuần tra trong khu vực eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Không quân Trung Quốc Đại tá Shen Jinke cho biết, tăng cường các cuộc diễn tập xung quanh đảo Đài Loan là hành động thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Chuyên gia Tống Trung Bình, cựu quan chức thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc nhận định để cảnh báo nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận chung với sự tham gia của cả lục quân, hải quân và không quân. Hành động này nhằm tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn thể hiện “khả năng tấn công chính xác” ngay trong các cuộc tập trận với mục tiêu “dằn mặt” ý định giành độc lập của Đài Loan. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng, thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc muốn cảnh báo Đài Bắc và Washington là không có chuyện vượt qua “lằn ranh đỏ” do Trung Quốc đã vạch ra, cũng như đặt lại vấn đề về lợi ích cốt lõi.

Không chỉ hù dọa bằng quân sự, Trung Quốc còn ra sức cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc. Mới đây Cộng hòa Dominicana sau 77 năm nhận viện trợ của Đài Loan, đã mờ mắt trước số tiền đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh, đã bỏ rơi Đài Bắc, khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 19 nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Đại lục, với rất nhiều ưu đãi.

RELATED ARTICLES

Tin mới