Ngày 17/6/2019, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 đã khai mạc với sự tham dự của các quốc gia thành viên Công ước, đại diện các thiết chế được thành lập theo Công ước như Tòa án quốc tế về Luật biển, Ủy ban Ranh giới thềm lục đia, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, một số nước quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành về biển.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật biển 1982, bản “Hiến pháp về biển và đại dương của loài người”, trong việc thúc đẩy, duy trì hòa bình, hợp tác, an ninh, ổn định và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, vấn đề biển đảo đang phải đối diện với nhiều thách thức như việc hủy hoại các rặng san hô, suy giảm nguồn lợi hải sản, rác thải nhựa, a-xít hóa biển và đại dương, nước biển dâng, biến đổi khí hậu…sẽ tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế, xã hội của nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia đảo nhỏ, ven biển. Đồng thời, ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ và hiệu quả Công ước và các văn kiện liên quan, nhấn mạnh toàn thể cộng đồng quốc tế cần chung tay có hành động cụ thể để cải thiện chất lượng của biển và đại dương, thông qua việc tiếp tục tăng cường thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu số 14 về biển và đại dương.
Đại diện Liên minh châu Âu, các nhóm Mỹ Latin, châu Phi, Nhóm 77 và gần 30 nước khác đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước trong việc tạo dựng và xây dựng một trật tự pháp lý về biển, kêu gọi các quốc gia thực thi một cách nghiêm túc các quy định của Công ước, giải quyết hòa bình tranh chấp liên quan đến biển và đại dương, bảo đảm quyền tự do hàng hải phù hợp với quy định của Công ước… Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trên cơ sở tinh thần và các quy định của Công ước nhằm bảo đảm trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, ứng phó các thách thức và sử dụng bền vững biển, đại dương và nguồn tài nguyên biển.
Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Philippines Teodoro L. Locsin Jr. nhắc lại việc Philippines là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết UNCLOS vào năm 1982 và phê chuẩn chỉ 2 năm sau đó. Năm 2016, trên cơ sở của UNCLOS, Manila đệ đơn khiếu nại lên Tòa trọng tài Quốc tế tại The Hague (Hà Lan), phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn nuốt trọn gần cả Biển Đông; nhấn mạnh vai trò của Công ước, khẳng định trên cơ sở các quy định liên quan của Công ước, Philippines đã đề nghị Tòa trọng tài ở La Haye làm rõ tình trạng pháp lý của khu vực Biển Đông, để loại bỏ sự mơ hồ hoặc viện cớ mơ hồ để biện minh cho việc vi phạm. Ông Locsin cũng bày tỏ cảm ơn ngư dân Việt Nam đã cứu giúp 22 thuyền viên Philippines trong vụ va chạm chìm tàu ngày 09/6/2019 ở khu vực Bãi Cỏ Rong; đồng thời khẳng định nghĩa vụ cứu giúp người gặp nạn trên biển trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong trường hợp có va chạm trên biển, là nghĩa vụ phổ cập đã được quy định trong không chỉ Công ước Luật biển mà còn trong nhiều điều ước quốc tế đa phương như các Công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); nhấn mạnh đây không chỉ là nghĩa vụ của các quốc gia mà của cả người dân các nước và cần được thực hiện bằng hành động cụ thể.
Được biết, Việt Nam là một trong những thành viên được đánh giá là tích cực và gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của UNCLOS. Sau khi Công ước Luật biển 1982 được thông qua ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia đầu tiên tham gia ký công ước tại Montego Bay. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.
Tại các Hội nghị quốc gia thành viên Công ước Luật Biển, Việt Nam đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 các quốc gia thành viên UNCLOS (11 – 14/6/2018), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết là một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, đồng thời nhận thức rõ tác động tiêu cực của các tranh chấp biển đảo đến bảo tồn và sử dụng biển bền vững. Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; nhấn mạnh Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực chung của các quốc gia liên quan nhằm xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hoà bình, ổn định và phát triển bền vững, trong đó có việc khởi động đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Việt Nam kêu gọi các tất cả các quốc gia thành viên tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thúc đẩy sử dụng biển và đại dương một cách bền vững, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại các vùng biển, tránh các hoạt động đơn phương, trong đó có hoạt động quân sự hoá các cấu trúc đang chiếm đóng, đi ngược lại với mục tiêu của UNCLOS, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và tài nguyên biển, cũng như quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia theo UNCLOS và tiến trình xây dựng các quy tắc ứng xử. Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU), thông tin về các nỗ lực của Việt Nam đấu tranh phòng chống khai thác IUU và khẩn trương tiến hành các thủ tục nội bộ để trở thành thành viên Hiệp định về bảo tồn và quản lý các đàn cá lưỡng cư và di cư xa (UNFSA), Hiệp định về các biện pháp của các quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại và xoá bỏ khai thác IUU (PSMA); đồng thời nhấn mạnh công tác phòng chống khai thác IUU cần tính đến hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia, nhất là ở những nước mà việc khai thác thuỷ sản chủ yếu ở quy mô nhỏ và cần bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề cá bền vững và mục tiêu an sinh xã hội, sinh kế cho cộng đồng dân cư ở các vùng duyên hải. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Việt Nam cam kết tôn trọng và thực thi đầy đủ các quy định của Công ước, hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế bảo tồn và phát triển bền vững biển và đại dương vì tương lai chung của nhân loại. Trước đó, tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga (7/12/2016) khẳng định, UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng nhất quy định tất cả các hoạt động liên quan đến đại dương và biển, đóng góp cho hoà bình – an ninh, đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không trên biển và là khuôn khổ toàn diện và hiệu quả để giải quyết hoà bình các tranh chấp. Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải thực hiện các quy định của UNCLOS một cách thiện chí và trách nhiệm. Là một trong những quốc gia đầu tiên ký và phê chuẩn Công ước, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của UNCLOS, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác và tích cực tham gia các hoạt động được tổ chức theo khuôn khổ của Công ước.
Tại Hội nghị lần thứ 27 các quốc gia thành viên UNCLOS (12-16/6/2017), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá cao kết quả của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về thúc đẩy thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển vừa được tổ chức trong tuần trước cũng như hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nêu rõ tầm quan trọng của Biển Đông đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và thế giới, nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không, hợp tác trong việc sử dụng bền vững Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Việt Nam tích cực hợp tác với các nước thông qua các diễn đàn song phương và đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; an ninh, an toàn hàng hải và hàng không; tìm kiếm và cứu nạn; ứng phó với tình huống khẩn cấp và tác động tiêu cực của biển đối khí hậu, chống tội phạm ở Biển Đông. Ở cấp quốc gia, Chính phủ và nhân dân các địa phương Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp như bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, ứng phó với tình huống khẩn cấp và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ở các vùng ven bờ của Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với các nước khu vực trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việt Nam kêu gọi các bên liên quan không có các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả DOC và sớm hoàn thành COC.