Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCảnh giác với “tam chủng chiến pháp” của TQ ở Biển Đông

Cảnh giác với “tam chủng chiến pháp” của TQ ở Biển Đông

Tháng 12/2003, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân ủy Trung ương phê chuẩn cho khái niệm “Tam chủng chiến pháp”, đó là cuộc chiến nhắm đến thế thượng phong cho Trung Quốc trong các tranh chấp tương lai.

“Tam chủng chiến pháp” thành một bộ phận quan trọng trong tổng thể chiến lược đối ngoại, quốc phòng của Trung Quốc và đang được Trung Quốc áp dụng ở Biển Đông. Trong 3 số liên tiếp, chúng tôi xin giới thiệu về việc Trung Quốc triển khai “Tam chủng chiến pháp” nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông như thế nào.

Trước hết ta đi tìm hiểu về khái niệm của “Tam chủng chiến pháp”. “Tam chủng chiến pháp” gồm: (i) Chiến tranh tâm lý (Psychological warfare): Tìm cách phá hoại năng lực chiến đấu của địch bằng cách ngăn chặn, gây hỗn loạn, làm mất tinh thần quân địch cũng như các nhóm người hỗ trợ dân sự của địch; (ii) Chiến tranh thông tin (Media warfare): Hướng đến gây ảnh hưởng đối với ý kiến trong nước và quốc tế để ủng hộ các hoạt động của quân đội Trung Quốc và làm địch thủ e sợ không dám hành động chống lại lợi ích của Trung Quốc; (iii) Chiến tranh pháp lý (Legal warfare): Sử dụng luật pháp quốc tế và các nước để tranh giành đến mức cao nhất hoặc xác quyết các lợi ích Trung Quốc. Loại chiến tranh này có thể sử dụng để ngăn cản không cho kẻ địch tự do hoạt động và hình thành không gian hoạt động cho quân đội Trung Quốc. Loại chiến tranh này có thể được dùng để gầy dựng sự hỗ trợ quốc tế và quản lý những hậu quả có thể xảy ra đối với quân đội Trung Quốc.

Chiến tranh tâm lý hay còn gọi là Tâm lý chiến là tìm cách tác động lên cảm xúc của đối phương, khiến đối phương hành động theo ý chí của mình. Các hình thức Tâm lý chiến gồm: dọa dẫm, đánh lừa, chia rẽ và gây hoang mang sợ hãi. Cụ thể là những nỗ lực nhằm làm gián đoạn khả năng ra quyết định của đối phương, tạo sự hoài nghi, gây những tình cảm chống đối, lừa đối phương và khiến đối phương mất ý chí chiến đấu. Trong loại hình này, Trung Quốc có thể sử dụng tẩy chay kinh tế, áp lực ngoại giao, dùng tàu cá, tàu ngư chính quấy rối, cho thuê các khu vực khai thác dầu khí mà các nước khác tuyên bố chủ quyền, bày tỏ bất bình, áp đặt bá quyền và bày tỏ sự đe dọa. Đối tượng của Tâm lý chiến là nhằm vào cả cấp hoạch định chiến lược và cả cấp thực thi. Công cụ của Tâm lý chiến có thể là thị uy sức mạnh quân sự, đe dọa sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc tuyên truyền.

Đối với Biển Đông, trong hơn 1 thập kỷ qua, Trung Quốc đã sử dụng nhuần nhuyễn đòn chiến tranh tâm lý, bao gồm cả 4 biện pháp dọa dẫm, hứa hẹn đánh lừa và gây hoang mang với từng nước ven biển Đông và cả khối ASEAN. Một mặt, truyền thông Trung Quốc thổi phồng về sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, tạo ấn tượng việc Trung Quốc là tất yếu và không thể đảo ngược, khiến các nước láng giềng có tâm lý chỉ có một lựa chọn duy nhất là đi theo quỹ đạo của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc đe dọa trả đũa các công ty dầu khí của các nước (như BP, Exxon Mobil…) nếu họ hợp tác với Việt Nam, Philippines để ngăn cản hợp tác dầu khí ở Biển Đông, buộc các nước đi vào “cùng khai thác” với Trung Quốc. Năm 2012, Trung Quốc đã lừa cả Mỹ và Philippines khi đề nghị Mỹ nói với Philippines rằng cả 2 bên (Trung Quốc và Philippines) đều rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough. Mỹ đã tin vào lời nói của Trung Quốc và khuyên Philippines rút tàu. Philippines làm theo lời khuyên của Mỹ rút tàu ra khỏi khu vực này nhưng tàu Trung Quốc không rút mà tiếp tục chiếm đóng bất hợp pháp ở đây, thậm chí không cho ngư dân Philippines đánh bắt ở khu vực này.

Sau Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc đã dụ dỗ, hứa hẹn với chính quyền mới của ông Duteter không nêu cao kết quả Phán quyết để đổi lấy việc tăng cường hợp tác kinh tế với những khoản đầu tư khổng lồ và Trung Quốc sẽ không gây sức ép với Philippines ở Biển Đông. Tuy nhiên, đến nay hợp tác thực chât cũng chẳng được là bao, các khoản đầu tư lớn mà Trung Quốc hứa hẹn cũng chẳng thấy đâu, trái lại Trung Quốc gia tăng sức ép với Philippines trên vấn đề Biển Đông, cho hàng trăm tàu cá dân binh đến bao vây đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng. Thấy được bộ mặt thật của Bắc Kinh qua những “lời nói hão huyền”, Philippines có thái độ cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông thời gian gần đây.

Ngoài ra, Trung Quốc còn thực hiện một cú lừa ngoạn mục đối với Mỹ trên vấn đề Biển Đông. Năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với Tổng thống Mỹ B. Obama rằng họ sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã đẩy mạnh quân sự hóa, xây dựng các kho chứa đạn, bố trí tên lửa và nhiều thiết bị quân sự trên các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Do Trung Quốc thất hứa nên gần đây Mỹ tỏ thái độ quyết liệt hơn cả trên lời nói (phát biểu cứng rắn ở cấp Phó Tổng thống, Cố vân An ninh quốc gia, Bộ trưởng Ngoại giao) và hành động trên thực địa (tăng tần xuất và quy mô, phạm vi FONOPs) đối với vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc dùng tài chính mua chuộc một số nước trong ASEAN, phân hóa chia rẽ các nước ASEAN, tạo tâm lý e ngại trong các nước ASEAN khiến các nước này không dám bày tỏ quan điểm trên v ấn đề Biển Đông; lôi kéo các nước ủng hộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Điển hình là năm 2012 khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 là Hội nghị duy nhất trong lịch sử ASEAN không ra được Tuyên bố chung do không thống nhất được nội dung về vấn đề Biển Đông để đưa vào Tuyên bố chung. Nguyên nhân là do Campuchia bị Trung Quốc mua chuộc, lôi kéo ủng hộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Với tâm lý e ngại, tránh đối đầu với Trung Quốc, một số nước không liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông đã né tránh phát biểu về vấn đề Biển Đông.

Thậm chí trong các cuộc họp của ASEAN hay đàm phán với các nước về vấn đề trên biển, Trung Quốc tỏ thái độ trịch thượng, hăm dọa tạo tâm lý hoang mang, lo ngại của đối phương để buộc đối phương phải chấp nhận quan điểm của Trung Quốc.

Các chuyên gia đều cho rằng đánh lừa là một thủ pháp phổ biến và quan trọng trong “Tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc. Đặc biệt, thủ pháp này đã được Trung Quốc sử dụng khá nhiều trên vấn đề Biển Đông, do vậy các nước cần hết sức tỉnh táo để đừng rơi vào “bẫy Tâm lý chiến” của Trung Quốc.

Phần thứ 2 tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu về Dư luận chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới