Hai sự việc xảy ra gần đây đang khiến nhiều người Philippines bày tỏ sự tức giận sôi sục với Bắc Kinh và thất vọng với cách phản ứng của Chính quyền Tổng thống Duterte. Đầu tiên là vụ việc tàu cá Philippines bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm và bỏ rơi trên biển ngày 09/6. Thứ hai là việc cựu Ngoại trưởng và cũng là người theo đuổi quan điểm chống Trung Quốc nổi tiếng Albert del Rosario bị giam giữ và trục xuất bởi giới chức Hồng Kông tại sân bay Hồng Kông ngày 21/6.
Còn quá sớm để đánh giá sự tức giận trước cách đối xử với ông del Rosario sẽ tiến triển ra sao, tuy nhiên, bầu không khí phản đối trước việc đánh chìm tàu cá ở Bãi Cỏ Rong thì chưa hề giảm nhiệt. Sau khi đâm tàu cá Philippines làm con tàu gần như vỡ làm đôi, tàu cá Trung Quốc bỏ đi, để lại 22 ngư dân giữa biển cả. Những thuyền viên này sau đó may mắn được cứu bởi một tàu cá Việt Nam. Điều trớ trêu là vụ việc này lại xảy ra vào đúng dịp Philippines kỷ niệm “ngày quan hệ hữu nghị Philippines – Trung Quốc”.
Vụ việc sau khi được đưa lên báo chí Philippines đã làm bùng phát cơn giận dữ trong nước không chỉ bởi tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ rơi thuyền viên Philippines giữa biển mà còn bởi vụ việc này xảy ra trong vùng biển của Philippines. Thuyền trưởng tàu cá Philippines khẳng định con tàu đâm chìm tàu Philippines là tàu Trung Quốc và cho rằng đây là một tấn công có chủ ý.
Người dân Philippines đã vô cùng giận dữ khi Trung Quốc cố tình xem nhẹ vụ việc và còn tìm cách đổ lỗi lại phía Philippines. Ngày 13/6 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang nhiên tuyên bố nước này vẫn “đang điều tra” và việc Philippines “chính trị hóa vụ việc mà không xác thực” là hành động vô trách nhiệm; khẳng định đây chỉ là “tai nạn hàng hải bình thường khi lưu thông trên biển”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 14/6 đã công bố báo cáo điều tra sơ bộ về vụ việc. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Trung Quốc khiến Philippines và cộng đồng quốc tế bị bất ngờ, không ai nghĩ Trung Quốc có thể ngụy biện và đổi trắng thay đen một cách ghê gớm như vậy. Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng tàu cá Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông đã tham gia vào “hoạt động kéo lưới” ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào ngày 9/6. Tàu 42212 “bất ngờ bị 7 hoặc 8 tàu Philippines bao vây” và “trong lúc sơ tán, dây cáp thép trên mạng lưới thắp sáng của tàu va chạm với buồng lái của tàu Gem-Ver 1”; đồng thời khẳng định “thuyền trưởng Trung Quốc đã cố cứu ngư dân Philippines, nhưng sợ bị các tàu Philippines khác bao vây. Vì vậy, khi xác định được những ngư dân đó được các tàu Philippines khác cứu, tàu 42212 mới rời khỏi hiện trường”. Tuy nhiên, thông báo này đã bị gỡ bỏ ngay lập tức.
Cách chính quyền ông Duterte xử lý vấn đề sau đó càng làm cơn giận dữ của người dân mạnh mẽ hơn. Thay vì chỉ trích Trung Quốc, chính quyền Philippines cố tình xem nhẹ vụ việc, một vài quan chức thậm chí còn nghi ngờ liệu có phải tàu Trung Quốc chịu trách nhiệm cho vụ việc này hay không – quan điểm đã bị loại bỏ khi chính Trung Quốc thừa nhận liên quan đến “vụ tai nạn”.
Sau nhiều ngày giữ im lặng, ông Duterte cuối cùng đã lên tiếng, nhưng chỉ gọi vụ việc là “tai nạn hàng hải nhỏ”, cho biết sẽ chờ kết quả điều tra và cho rằng việc điều hải quân đến khu vực Bãi Cỏ Rong là liều lĩnh và có nguy cơ gây leo thang chiến tranh. Các quan chức khác của Philippines trong đó có Chủ tịch Hạ viện Vicente Sotto sau đó thể hiện quan điểm ủng hộ ông Duterte.
Các đối thủ và những người chỉ trích ông Duterte sử dụng từ khóa “Duterte hèn nhát” nổi lên trong một thời gian trên mạng xã hội Twitter. Một người biểu tình đã đứng trước trụ sở Bộ Ngoại giao Philippines, vẫy cờ Philippines và kêu gọi Chính phủ hành động quyết liệt hơn. Bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội và nhà văn nổi tiếng Ogie Rosa đã chia sẻ lên mạng Taglog: “Không cần phải là một đám đông để tiếng nói được lắng nghe. Chúng tôi đã nghe thấy thông điệp của ngài rất to và rõ ràng, thưa ngài!”
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã gửi “công hàm phản đối” đến Bắc Kinh, tuy nhiên là không công bố nội dung công hàm. Một vài quan chức chính phủ và những người ủng hộ ông Duterte đã gọi những người phản đối là đang mạo hiểm gây chiến tranh với Trung Quốc. Người Phát ngôn Tổng thống ông Salvador Panelo phát biểu: “Vụ việc ở Bãi Cỏ Rong đang được làm quá và cố tình khơi gợi chủ nghĩa dân tộc bởi những kẻ đang muốn chính trị hóa một vụ va chạm hàng hải bình thường thành một xung đột quốc tế.”
Những người chỉ trích phản đối rằng quan điểm này đang đồng nhất việc chống lại Trung Quốc với hành vi bạo lực. Một vài người còn mỉa mai rằng chỉ vài tuần trước, Tổng thống Duterte đã tỏ ra rất mạnh mẽ và đe dọa gây chiến tranh với Canada bởi vì nước này đã tuồn rác thải và chất thải độc hại vào Philippines.
Cựu Đại sứ Philippines Lauro Baja cho biết ông Duterte dự kiến sẽ nêu vụ việc ở cuộc họp Thượng định ASEAN sắp tới.
Lãnh đạo nổi tiếng của cộng đồng người Philippines gốc Hoa Tessie Ang See cho biết trước đây cũng đã có một số vụ việc tàu cá Trung Quốc đâm tàu cá Philippines nhưng “sự tức giận đang dâng cao ở vụ việc lần này bởi nó xảy ra trong lãnh thổ của Philippines”.
Bộ trưởng Năng lượng Philippines đã đến thăm các thuyền viên của tàu cá bị đâm chìm, tặng các thuyền viên tiền mặt và tàu mới, động cơ mới, mặc dù sau đó những con tàu này được cho là quá nhỏ, không thể đến khu vực nhiều cá ở Vịnh Cỏ Rong và động cơ cũng không phù hợp. Sau buổi gặp, các thuyền viên cho biết mọi chuyện chỉ là “một tai nạn” và sau đó các thuyền viên đã được yêu cầu cùng chụp hình tạo dáng “nắm đấm Duterte”.
Trên mạng xã hội, người dân bình luận về việc các thuyền viên trông mờ nhạt, gương mặt không có sự sôi nổi và Bộ trưởng Năng lượng thì được tháp tùng bởi lực lượng cảnh sát dẹp trật tự.
Giáo sư Heckler, một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội Twitter đã bình luận: “bị bỏ rơi giữa biển, sống sót để kể lại sự thật, bị ép buộc bởi chính phủ của chính mình, bị buộc phải kể những lời nói dối. Đó là hoàn cảnh của những người nghèo và bất lực”. Nghị sỹ quốc hội đối lập Gary Alejano bình luận: “Họ chỉ là những thuyền viên bình thường và không có nhiều chọn lựa. Họ trở thành nạn nhân của hai lần áp bức, một lần bởi người Trung Quốc và một lần nữa bởi chính phủ của chính họ.”
Tuy nhiên, trước đó, khi Phó Tổng thống Leni Robredo thăm các thuyền viên ngày 21/6 và hỗ trợ mỗi người 50,000 pesos (tương đương 971,58 đô la Mỹ), các thuyền viên đều tỏ ra rất vui vẻ. Một thuyền viên cho biết Bộ trưởng Năng lượng đã cố tình xem nhẹ vụ việc và khẳng định vụ va chạm không phải do cố ý.
Liệu rằng chính phủ Philippines có đang cố làm dịu đi tình hình căng thẳng để làm hài lòng Bắc Kinh nhằm đạt được các lợi ích khác về kinh tế? Nhưng có thể thấy, người dân Philippines đã muốn Chính phủ Philippines cần hành động rõ ràng và quyết liệt hơn để bảo vệ quyền chủ quyền của họ ở Biển Tây Philippines và có sự trừng phạt thích đáng đối với “hành động gây nguy hiểm” của tàu cá Trung Quốc vừa qua nhằm tránh xảy ra một vụ việc “đâm tàu và bỏ chạy” hay các hành động gây ảnh hưởng đến an ninh hàng hải khác.