Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông 6 tháng đầu...

Hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông 6 tháng đầu năm 2019

6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gây ảnh hưởng, đe dọa lớn đến hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Hành động phi pháp của Trung Quốc không chỉ đi ngược lại các tuyên bố, cam kết của mình mà còn bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích.

Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động “tẩy não” và tuyên truyền về vấn đề Biển Đông

Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio (17/1) cho biết, học sinh và sinh viên ở Trung Quốc đã được cung cấp những “thông tin sai sự thật” liên quan đến các yêu sách lãnh thổ của nước này ở Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc đã lồng ghép các yêu sách “chủ quyền” (phi pháp) vào trong sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh từ tiểu học cho đến đại học. Các nội dung xuyên tạc của Trung Quốc thường cho rằng Bắc Kinh đã thực hiện các hoạt động ở Biển Đông bắt đầu từ 2.000 năm trước; Trung Quốc là “quốc gia đầu tiên khám phá, đặt tên và tìm ra các nguồn tài nguyên ở Biển Đông”; cho rằng đây là căn cứ lịch sử của Trung Quốc để đòi “chủ quyền” ở Biển Đông.

Đáng chú ý, phát biểu tại một diễn đàn đàn sau lễ kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long (24/4) cho rằng “tự do hàng hải không nên được sử dụng để xâm phạm quyền của các nước khác”. Theo ông Thẩm Kim Long, mọi người phải tuân theo luật lệ và “bảo vệ trật tự tốt đẹp”, đồng thời khẳng định “tự do hàng hải là một khái niệm được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, nó không nên được sử dụng làm cái cớ để xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia duyên hải”. Ngoài ra, ông Thẩm Kim Long còn cho rằng “Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông với các nước tranh chấp khác; đồng thời cam kết biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc (16/3) tán phát video quảng cáo “chiến tích” của Hải quân Trung Quốc từ khi thành lập đến nay, trong đó có lồng ghép hình ảnh về việc quân đội Trung Quốc tàn sát cán bộ, binh lính Việt Nam tại đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 18, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (2/6) cho rằng, tình hình Biển Đông thời gian qua đang ổn định, trong đó Trung Quốc và ASEAN đang nỗ lực đàm phán để xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực này; ngang nhiên lấp liếm cho rằng Trung Quốc chỉ đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo thịnh vượng và cuộc sống tốt hơn cho tất cả những bên liên quan và rằng “Trung Quốc chưa bao giờ kích động chiến tranh hay xung đột, chiếm đất đai hoặc xâm lược một quốc gia khác”, khẳng định “Trung Quốc chưa bao giờ làm mồi nhử cho người khác. Chúng tôi cũng sẽ không để người khác biến thành mồi nhử hoặc gây chia rẽ”. Điều đáng nói, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cáo buộc một số quốc gia nằm ngoài khu vực Biển Đông đang phô trương sức mạnh quân sự ở khu vực thông qua cái gọi là bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược; đồng thời tái khẳng định Trung Quốc luôn giữ cam kết bảo vệ nền hòa bình và ổn định của khu vực cũng như không bao giờ theo đuổi chính sách bành trướng.

Ngoài ra, Trung Quốc (22 – 26/4) tiếp tục ngang nhiên tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 7 trái phép tại khu vực đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động phá hủy môi trường sinh thái, đồng thời tìm cách ngụy biện cho hành động trên

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI, 20/5), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết các đội tàu đánh bắt nghêu khét tiếng phá hoại môi trường của Trung Quốc lại gia tăng hoạt động tại Biển Đông. Theo AMTI, các đội tàu này thường gồm nhiều tàu nhỏ đi cùng với nhóm các “tàu mẹ” có tải trọng lớn hoạt động thường xuyên tại bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trong khi đó, để đánh lừa cộng đồng quốc tế, Bộ Tài nguyên Trung Quốc (1/1) thông báo Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc khảo sát để xác định thêm các khu vực nơi san hô sẽ được bảo vệ và khôi phục sử dụng phương pháp “khôi phục tự nhiên” để giúp các rạn san hô tự hồi phục, được bổ trợ bằng các phương pháp nhân tạo và các kĩ thuật được phát triển đặc biệt cho Trường Sa. Theo đó, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở bảo vệ và khôi phục san hô trên các bãi Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, đồng thời khẳng định hoạt động trên bước đầu đã giúp khôi phục hệ sinh thái ở các vùng biển xung quanh Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.

Truyền thông Trung Quốc cũng ra sức hỗ trợ Chính quyền tuyên truyền, kêu gọi các nước hợp tác “bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông”. Thời báo Hoàn Cầu (17/2) đưa tin, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng hợp tác nghề cá ở Biển Đông cần vượt lên trên quan niệm về khu vực tranh chấp và coi việc bảo vệ các đàn cá là mục tiêu chính của vấn đề hợp tác. Các nước quanh Biển Đông có thể tiến hành “nghiên cứu khoa học chung về biển” như một hình thức hợp tác hoàn toàn về môi trường. Theo giới chuyên gia Trung Quốc, các đàn cá di cư không thể biết về các ranh giới gây tranh cãi, việc hợp tác quản lý nghề cá khu vực nên được tiến hành dựa trên hệ sinh thái tổng thể của vùng nước, không nên giới hạn bởi các đảo, đá còn tranh chấp. Hoạt động hợp tác quản lý nghề cá hiện nay ở Biển Đông vẫn đang ở giai đoạn thấp, chủ yếu là song phương, giữa Trung Quốc và Việt Nam hay Trung Quốc – Philippines và chủ yếu liên quan đến quản lý hoạt động thực thi pháp luật và đào tạo kỹ thuật nghề cá. Các chuyên gia cho rằng, việc các nước ven biển đưa ra các khái niệm khác nhau về thời gian nghỉ đánh bắt cá và chính sách cấm đánh bắt cá đã gây ra tình trạng đánh bắt cá quá mức và ngăn cản các nước tiến hành hoạt động đánh bắt hiệu quả. Các chuyên gia đề xuất, tình trạng xung đột trên biển do không có các đường ranh giới trên biển rõ ràng có thể được giải quyết dựa trên kinh nghiệm hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Theo đó, hai nước cần tôn trọng quyền của ngư dân mỗi bên, chứ không phải áp dụng nội luật của mình để chống lại ngư dân nước khác.

Bắc Kinh tiếp tục đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, hậu thuẫn các lực lượng chấp pháp cướp, phá tàu cá các nước

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (1/5) thông báo bắt đầu đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông kéo dài ba tháng rưỡi trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Trung Quốc ngang nhiên áp dụng lệnh cấm này với ngư dân trong nước và ngư dân nước khác, tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp bị coi là vi phạm.

Đáng chú ý, tàu chấp pháp Trung Quốc mang số hiệu BKS 44101 (26/3) ngang nhiên đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong tháng 6, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 46305 chặn cướp tài sản của tàu cá QNa-91441 của ngư dân Quảng Nam khi đánh bắt cá trong vùng biển gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến 9/6, một đội tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Philippines mang số hiệu F/B GIMVER 1 ở khu vực gần bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc bao biện cho các hành vi phi pháp của lực lượng chấp pháp trên biển. Về việc tàu cá Việt Nam đang đánh bắt cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) đã nhiều lần bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm va, thậm chí bị phía Trung Quốc cướp bóc hải sản đánh bắt được, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (3/1) đã ngang nhiên đưa ra tuyên bố vô trách nhiệm, ngang ngược nhằm bao biện cho các tuyên bố chủ quyền (phi pháp) của Bắc Kinh trên Biển Đông; cho rằng “tàu công vụ của Trung Quốc đang tiến hành tuần tra thường kỳ hợp pháp trong vùng biện thuộc quyền quản hạt của Trung Quốc, việc áp dụng một số biện pháp đối với tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của Trung Quốc là hành động bình thường và cũng là phương thức hạn chế thấp nhất”. Đáng chú ý, ông Lục Khảng còn ngang ngược cho rằng đây là vụ việc “cá biệt” và thường phát sinh trên thế giới, đồng thời ông Khảng cũng không quên tuyên truyền về việc Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đang giữ kênh liên lạc liên quan việc chấp pháp nghề cá và đã hợp tác tốt trong một số lĩnh vực trên biển.

Trên thực tế, Trung Quốc còn thường xuyên duy trì các loại tàu quân sự, chấp pháp, máy bay tuần tra xua đuổi, bắt giữ tàu cá, cản trở các hoạt động cứu hộ cứu nạn, hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tàu cá Trung Quốc cũng thường xuyên xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản với số lượng lớn. Kèm theo đó là các tàu trinh sát giả dạng tàu cá vào sâu trong lãnh hải Việt Nam để trinh sát nắm tình hình.

Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa và triển khai vũ khí trái phép ở Biển Đông

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc (30/1) ngang nhiên ra thông cáo cho biết đã hoàn thành việc xây dựng một trung tâm cứu hộ trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Chữ Thập là một trong 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988 rồi bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự hóa. Đây là công trình mới nhất trong loạt tòa nhà, cơ sở quân sự và đường băng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Bắc Kinh tuyên bố các công trình này phục vụ mục đích dân sự và tìm kiếm cứu nạn, nhưng tình báo Mỹ đánh giá đây là những cơ sở lưỡng dụng có thể phục vụ cho mục đích quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc lần này cũng nói rằng trung tâm cứu hộ mới sẽ “góp phần bảo đảm an toàn vận tải và hàng hải trên biển Biển Đông”, thậm chí còn khẳng định công trình này là “biện pháp cụ thể của chính phủ Trung Quốc nhằm thực hiện công ước quốc tế”.

Đáng chú ý, Trung Quốc (17/3) đang có kế hoạch xây dựng “căn cứ dịch vụ hậu cần trọng điểm quốc gia” tại đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng các công trình trọng điểm năm 2019, trong đó có mục tiêu xây dựng căn cứ dịch vụ hậu cần trọng điểm quốc gia” tại đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, hành động trên của Trung Quốc là nhằm thử phán ứng của dư luận và đáp trả các hoạt động gần đây của Mỹ trên Biển Đông. Không những vậy, Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống định vị khu vực có độ chính xác cao, hay còn gọi là hệ thống Bắc Đẩu dưới nước, trong một chương trình thí điểm tại Biển Đông nhằm cung cấp thông tin về vị trí, định vị và liên lạc dành cho người dùng toàn cầu. Theo Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn. Hệ thống UGPS sẽ hoạt động dựa trên hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Hệ thống Bắc Đẩu do Trung Quốc tự phát triển và sử dụng dịch vụ định vị của nước này, thay vì dịch vụ định vị toàn cầu GPS của Mỹ.

Trung Quốc cũng đã biên chế máy bay ném bom chiến lược H-6J cho Hạm đội Nam Hải nhằm đối phó với mối uy hiếp của hải quân nước ngoài trên Biển Đông và bảo vệ an ninh đường biển, đường không ở khu vực này. Hiện nay, Hạm đội Nam Hải có khoảng 14 đến 18 chiếc H-6G. So với H-6G, H-6J có thể mang số lượng tên lửa chống hạm nhiều gấp 3, bán kính tác chiến tăng thêm 50%, đạt tới 3.500km.

Mới đây, Trung Quốc (19/6) vừa triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm “tăng cường năng lực tác chiến”; răn đe chiến lược đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…); thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá năng lực quốc phòng và quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” biển đảo cho người dân Trung Quốc, để từ đó khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trực tiếp là trung thành với Tập Cận Bình. Liên quan vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (29/6) giải thích sai trái rằng “đó là lãnh thổ của Trung Quốc và không có tranh chấp” dù trên thực tế là quốc tế không hề công nhận điều Trung Quốc nói (Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm). Với nhận thức sai lầm, ông Nhậm còn lên giọng thách thức: “Đó là quyền hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền khi triển khai các căn cứ và tiến hành huấn luyện trên lãnh thổ của mình. Các hành động bên phía Trung Quốc là hợp pháp, hợp lý và công bằng và các bên liên quan không nên ngạc nhiên”.

Dân quân biển Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp ở Biển Đông

Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI, 9/1) vừa tiến hành một cuộc điều tra công phu, với kết quả ban đầu cho thấy lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đang hiện diện ngày càng đông đảo và là một mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực. Theo AMTI, các hoạt động của dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông có quy mô quan trọng hơn nhiều so với những gì được biết. Sự hiện diện đông đảo của dân quân biển Trung Quốc, thường là các tàu cá vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia vào các hoạt động quân sự, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa, làm tăng khả năng va chạm giữa các tàu thuyền và nguy cơ đụng độ giữa lực lượng vũ trang các nước ven Biển Đông. Giám đốc AMTI Gregory Polling nhận định, ngày càng có nhiều tàu cá mang danh khai thác hải sản, nhưng chỉ dành một phần thời gian cho hoạt động này và được sử dụng như một phương tiện của lực lượng dân quân biển chính thức của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nước quan tâm thích đáng hơn đến vấn đề dân quân biển tại Biển Đông.

Không những vậy, Trung Quốc (5/3) còn ngang nhiên điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này.

Bắc Kinh tăng cường các hoạt động tập trận trái phép trong khu vực

Cục Hải sự Trung Quốc (29/6) cho biết, hải quân Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận bắn đạn thật từ lúc 0 giờ ngày 29/6 và sẽ kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 3/7, tại khu vực được bao quanh bởi 4 địa điểm có tọa độ 13048’ vĩ Bắc/114010’ kinh Đông, 12048’ vĩ Bắc/114010’ kinh Đông, 12048’ vĩ Bắc/116002’ kinh Đông và 13048’ vĩ Bắc/116002’ kinh Đông. Khu vực tập trận được ước tính nằm cách quần đảo Trường Sa khoảng 50 hải lý về phía Bắc. Thông báo cũng yêu cầu tàu thuyền không tiến vào vùng biển nêu trên trong thời gian diễn ra cuộc tập trận. Cục Hải sự Trung Quốc không nói rõ số lượng binh sĩ cũng như chiến hạm tham gia tập trận. Tuy nhiên, cuộc tập trận này gây nhiều sự chú ý vì trước đây Trung Quốc đa số thực hiện các cuộc tập trận quân sự quy mô ở phía Bắc Biển Đông, với diện tích khoảng 22.500 km2.

Hải quân Trung Quốc (2-4/6) cũng tổ chức tập trận trái phép trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời ngang nhiên “yêu cầu tàu thuyền các nước không được đi vào vùng biển này”. Theo thông báo trên, phía Trung Quốc tiến hành tập trận trái phép tại vùng biển có tọa độ: 16-51.87N/112-18.73E; 16-52.44N/112-21.12E; 16-50.33N/112-20.12E; 16-49.75N/112-17.78E. Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông không chỉ đi ngược lại luật pháp quốc tế mà còn xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Trước đó, Trung Quốc còn tích cực tổ chức tập trận đánh chiếm đảo trái phép ở Biển Đông. Theo đó, Hạm đội Nam Hải Trung Quốc đã điều hạm tàu đổ bộ Type 071 và 3 tàu đổ bộ đệm khí cao tốc type 726 tiến hành tập trận ở Biển Đông. Với ưu thế tốc độ cao, phù hợp với mọi loại địa hình bãi đổ bộ, các tàu đổ bộ này có thể nhanh chóng gác bãi để các chiến xa và lính thủy đánh bộ bất ngờ tiến công đánh chiếm đảo, bãi. Các chuyên gia quân sự cho rằng, sử dụng loại tàu đổ bộ đệm khí cao tốc này có thể rút ngắn rất nhiều thời gian so với phương pháp đổ bộ truyền thống trước đây.

Trung Quốc đẩy mạnh chế tạo các loại trang thiết bị khí tài hiện đại cho lực lượng chấp pháp

Công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc (CSOI) đang phát triển một loại tàu mặt nước nhỏ không người lái có tên JARI USV. Tàu này nặng 20 tấn, dài 15m, nhỏ hơn rất nhiều so với các tàu khu trục Type -055 của hải quân Trung Quốc nhưng có cùng nhiệm vụ: chống ngầm, chống tàu mặt nước và cả phòng không. Theo đó, JARI USV được trang bị các cảm biến điện-quang, radar mảng pha, thiết bị thủy âm, 8 ống phóng thẳng đứng, một ống phóng ngư lôi và một súng gắn phía mũi tàu, một dàn phóng rocket. Giới chuyên gia cho rằng, với việc nghiên cứu, chế tạo tàu JARI USV, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ ưu tiên biên chế cho Hạm đội Nam Hải nhằm nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc đưa JARI USV ra Biển Đông sẽ là hành động vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các nước ven Biển Đông mà còn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động tự do hàng hải trong khu vực. Ngoài ra, cùng với việc triển khai JARI USV, năng lực tác chiến của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ vượt xa so với các nước trong khu vực, hành động này sẽ đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Cơ quan An toàn Hàng hải Quảng Đông đã ký hợp đồng chế tạo tàu tuần tra 10.000 tấn đầu tiên của Trung Quốc. Công ty đóng tàu Huangpu Wenchong thuộc Tổng công ty đóng tàu quốc gia Trung Quốc cho biết tàu sẽ do Trung Quốc thiết kế, có chiều dài 165m và rộng hơn 20m. Tàu trên sẽ giúp “cứu hộ tàu của Trung Quốc và nước ngoài ở vùng nước quốc tế” và nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trở thành một cường quốc biển của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc thông báo đã chi 23,5 triệu USD đóng một tàu tuần tra mới cho lực lượng Hải Cảnh, nhằm tăng cường tuần tra trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo đó Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương ở Vũ Hán chịu trách nhiệm đóng mới tàu Hải Cảnh trên. Con tàu được đóng mới dài 102m, có thể chở theo 50 thủy thủ. Tốc độ hải trình của tàu tuần duyên này vào khoảng 33,4 km, tối đa là 42,6 km/h, phạm vi hoạt động của con tàu khoảng 11.000 km. 

Hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc đang dần hình thành năng lực tác chiến

Trung Quốc liên tục điều hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh, Type 001A thử nghiệm và diễn tập tác chiến trên biển. Theo đó, từ ngày 25/2 – 6/3, Trung Quốc vận hành thử nghiệm cùng lúc hai tàu sân bay của nước này là Liêu Ninh và Type 001A trên vùng biển bị phong tỏa. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quân sự Bắc Kinh, việc phong tỏa biển Hoàng Hải để chạy thử tàu Liêu Ninh chỉ là phụ, mục đích chính của Trung Quốc là để chạy thử Type 001A, đặc biệt là hệ thống bay của tàu này. Type 001A là tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc tự đóng dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh, với kích thước lớn hơn và công nghệ hiện đại hơn. Tàu sân bay Type 001A đã trải qua 4 chuyến thử nghiệm trên biển sau khi được hạ thủy tháng 4/2017. Ảnh vệ tinh cho thấy trên tàu sân bay Type 001A đã có xe kéo máy bay, xe cứu hỏa và tấm chắn luồng xả phản lực từ động cơ máy bay để bảo vệ boong tàu cùng đội vận hành đường băng. Chuyên gia Li Jie nói trước khi Type 001A đi vào biên chế, Trung Quốc phải huấn luyện phi công về kỹ năng cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay.

Về hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí

Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC, 26/6) ngang nhiên thông báo mời thầu khai thác 8 lô dầu khí ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo thông báo, CNOOC sẽ mời thầu thăm dò 8 lô dầu khí với tổng diện tích lên đến 9.761km2, trong đó có 5 khu vực ở bồn địa Châu Giang Khẩu với diện tích 993km2; 1 khu vực ở bồn địa Quỳnh Đông Nam và 1 khu vực ở bồn địa Oanh Ca Hải, với diện tích 2.257km2; 1 khu vực hợp tác chiến lược ở Quỳnh Đông Nam, với diện tích lên đến 6.511km2. Ngoài ra, CNOOC còn kêu gọi hợp tác khai thác tại 6 giếng dầu và bồn địa khác ở khu vực Châu Giang Khẩu, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam. CNOOC cho biết, đây là những khu vực thăm dò dầu khí nước sâu, sẽ hợp tác trên tinh thần “cùng thắng”. Thời gian mở thầu từ ngày 11-12/7/2019.

Trước đó, CNOOC tuyên bố sẽ hỗ trợ phát triển Khu vực Vịnh Quảng Đông-Hong Kong-Macao bằng cách xây dựng hai mạng lưới truyền tải năng lượng bao gồm một loạt các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông. Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định, động thái này sẽ “tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc” và giúp đảm bảo nguồn cung của Bắc Kinh. Trong khi đó, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, dự kiến các mạng lưới trên sẽ cải thiện việc truyền năng lượng cho Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macao. Được biết, CNOOC đã xác định Biển Đông là khu vực chính để thăm dò và phát triển dầu khí và tập đoàn này đã xây dựng một chiến lược thăm dò nước sâu. CNOOC đang có kế hoạch xây dựng một loạt các mỏ dầu nước sâu ở phía Đông Biển Đông trong vài năm tới. Tập đoàn này cũng sẽ phát triển mỏ khí nước sâu 100 tỉ mét khối đầu tiên ở phía Tây Biển Đông.

Bắc Kinh không từ bỏ kế hoạch điên rồ – điện hạt nhân trên biển

Giám đốc Viện năng lượng hạt nhân Trung Quốc, Luo Qi cho biết, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm 2019. Theo Luo Qi, các nhà máy điện hạt nhân nổi được xây dựng nhằm cung cấp năng lượng cho việc tìm kiếm dầu khí trên thềm lục địa cũng như trên các đảo; cho rằng một nhà máy điện hạt nhân nổi không chiếm nhiều không gian, không phải đối mặt với các mối đe dọa động đất và không gây ô nhiễm môi trường. Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) nắm giữ tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ cần thiết để tạo ra các nhà máy điện hạt nhân nổi. Trước đó, chủ tịch CNNC cho biết tập đoàn đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện nổi này ngoài khơi phía đông của tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm chi tiết về dự án. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, dự án dự kiến ​​sẽ tốn chi phí khoảng 14 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ euro) trước khi đưa vào vận hành vào năm 2021. Được biết, trạm điện hạt nhân nổi trên biển là kế hoạch được Trung Quốc ấp ủ từ lâu. Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc nghiên cứu, chế tạo trạm điện hạt nhân nổi trên biển từ những năm đầu của Thế kỷ 21. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chế tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu nhỏ và làm chủ công nghệ hạt nhân của Bắc Kinh còn hạn chế.

Tiếp tục lôi kéo Philippines bằng cách tổ chức cuộc họp lần thứ 4 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM)

Ngày 3/4, Trung Quốc và Philippines đã tổ chức cuộc họp lần thứ 4 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM). Tại cuộc họp lần này, hai bên đã trao đổi về tình hình hiện nay và các mối lo ngại ở Biển Đông cũng như thảo luận về vấn đề hợp tác biển. Truyền thông Trung Quốc tuyên truyền cho rằng hai bên đã nhất trí duy trì sự tự kiềm chế và không có hành động làm phức tạp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của BCM là nền tảng cho thúc đẩy đối thoại chặt chẽ thường xuyên giữa hai nước; qua đó hai bên sẽ tìm cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, xử lý đúng đắn sự khác biệt, ngăn chặn và kiểm soát các sự cố trên biển, liên tục tăng cường đối thoại và hợp tác chung. Phía Trung Quốc cho rằng hai nước đã trao đổi quan điểm thẳng thắn, thân thiện và xây dựng về các vấn đề quan tâm gần đây đối với tình hình Biển Đông và các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực; thảo luận biện pháp quyết các vấn đề mâu thuẫn còn tồn tại thông qua hợp tác và đàm phán song phương. Hai bên nhắc lại rằng sự khác biệt có liên quan giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông không phải là toàn bộ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines và không nên để vấn đề này ảnh hưởng đến “hợp tác cùng có lợi” trong các lĩnh vực khác giữa hai nước. Hai bên đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp theo các nguyên tắc được thừa nhận trong luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, mà không cần dùng đến vũ lực hoặc Lực lượng vũ trang đe dọa.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh rằng hai bên đã tiến hành trao đổi hiệu quả về tăng cường hợp tác hàng hải thông qua nhóm làm việc kỹ thuật thuộc BCM. Các lĩnh vực liên quan bao gồm sự phát triển của tình hình an ninh chính trị ở Biển Đông, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, an toàn hàng hải, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường. Với tiền đề không ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và vị trí tài phán tương ứng của họ, hai bên cũng thảo luận về hợp tác phát triển dầu khí ngoài khơi.

Ngoài ra, Trung Quốc và Philippines khẳng định tầm quan trọng của các nền tảng đa phương khác bao gồm Đối thoại Trung Quốc – ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á… trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên đã tái khẳng định cam kết của mình đối với việc thực thi đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, tích cực thúc đẩy đảm phán, tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Trung Quốc liên tục “phản đối” các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải hợp pháp của các nước ở Biển Đông

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Mỹ và các nước đồng minh (Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia…) đã nhiều lần cử tàu chiến, máy bay tham gia các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không một cách hợp pháp trong khu vực Biển Đông. Trước các hoạt động trên, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố ngang ngược nhằm chỉ trích, lên án và đe dọa hoạt động hợp pháp của Mỹ và các nước đồng minh, cụ thể: (1) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (7/1) phản đối Mỹ điều tàu khu trục Mỹ USS McCampbell đi vào vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, cho biết Bắc Kinh đã lập tức cử máy bay quân sự để xác minh và nhận dạng tàu Mỹ, đồng thời cảnh cáo xua đuổi tàu chiến Mỹ và đưa ra giao thiệp nghiêm khắc với phía Mỹ; ngang ngược cho rằng tàu USS McCampell “tự ý đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà chưa được phép của Trung Quốc”, cho rằng động thái của tàu chiến Mỹ đã “vi phạm luật pháp quốc tế liên quan…, phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trật tự của vùng lãnh hải này”, đồng thời lớn tiếng cảnh cáo “Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động liên quan của Mỹ và kêu gọi Mỹ ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích tương tự. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc”. (2) Ngay sau khi Mỹ tiến hành tuần tra quanh đá Vành Khăn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tỏ ra bất mãn, ngang nhiên cho rằng: “Các hoạt động của tàu chiến Mỹ đã gây tổn hại an ninh, hòa bình và trật tự tại các vùng biển liên quan. Phía Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng và kịch liệt phản đối động thái này. Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như các chuyến bay dựa trên luật pháp quốc tế về Biển Đông, kiên quyết phản đối bất cứ nước nào gây tổn hại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển”; nhấn mạnh “trong bất cứ hoàn cảnh nào, hành động khiêu khích, gây căng thẳng tại Biển Đông là không chấp nhận được, đồng thời hối thúc Mỹ ngay lập tức dừng các hoạt động khiêu khích và tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông”. (3) Phản ứng trước hoạt động tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần ra thông cáo thể hiện sự tức giận khi cáo buộc chiến hạm Anh đã “vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế”, xâm phạm cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” và bày tỏ “thái độ không hài lòng”, thậm chí còn gọi đây là “hành động khiêu khích”. (4) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (6/5) cho rằng hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon của Mỹ tiến vào “vùng biển xung quanh Đá Ge Ven và Đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa của Trung Quốc mà “không được chính phủ Trung Quốc cho phép”; ngang nhiên cho rằng các hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đã “vi phạm chủ quyền” của Trung Quốc và “phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự” ở các vùng biển liên quan. Phía Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ và phản đối kiên quyết hành động trên của Mỹ; kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động “khiêu khích”, tôn trọng “chủ quyền và lợi ích an ninh” của Trung Quốc và tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Trong khi đó, Người phát ngôn Chiến khu Nam Bộ quân đội Trung Quốc (PLA), Đại tá Lý Hoa Mẫn tuyên bố lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ được đặt trong “tình trạng báo động cao” và sẽ “áp dụng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền quốc gia”. (5) Sau khi Mỹ điều tàu tàu USS Preble (DDG-88) được trang bị tên lửa Tomahawk đã đi dọc theo bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (20/5) cho rằng các hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đã vi phạm “chủ quyền” của Trung Quốc và “phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự tốt ở các vùng biển liên quan”; khẳng định Trung Quốc “luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không” ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế; đồng thời cảnh báo Mỹ “phớt lờ ý chí chung của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông” và liên tục dùng “tự do hành trình và vượt biên” để phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực; khẳng định “Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Việc Trung Quốc triển khai các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng các quy định luật pháp quốc tế

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cũng như bằng chứng lịch sử cho thấy chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tuyên bố mọi hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nói trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có hoạt động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới