Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCNOOC lại mời thầu khai thác dầu khí trái phép ở Biển...

CNOOC lại mời thầu khai thác dầu khí trái phép ở Biển Đông và Hoa Đông

Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC, 26/6) ngang nhiên thông báo mời thầu khai thác 8 lô dầu khí ở Biển Đông và Hoa Đông.

Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của CNOOC

Theo thông báo, CNOOC sẽ mời thầu thăm dò 8 lô dầu khí với tổng diện tích lên đến 9.761km2, trong đó có 5 khu vực ở bồn địa Châu Giang Khẩu với diện tích 993km2; 1 khu vực ở bồn địa Quỳnh Đông Nam và 1 khu vực ở bồn địa Oanh Ca Hải, với diện tích 2.257km2; 1 khu vực hợp tác chiến lược ở Quỳnh Đông Nam, với diện tích lên đến 6.511km2. Ngoài ra, CNOOC còn kêu gọi hợp tác khai thác tại 6 giếng dầu và bồn địa khác ở khu vực Châu Giang Khẩu, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam.

CNOOC cho biết, đây là những khu vực thăm dò dầu khí nước sâu, sẽ hợp tác trên tinh thần “cùng thắng”. Thời gian mở thầu từ ngày 11-12/7/2019.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên CNOOC mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí trái phép ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cụ thể: (i) Trung Quốc (6/2012) mời thầu 9 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km­2­­­­­. Qua kiểm tra tọa độ do phía Trung quốc công bố, các lô này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động Dầu khí từ lâu nay. (ii) Tháng 8/2012, CNOOC ngang nhiên công bố mời thầu khai thác 26 lô dầu khí, trong đó có 22 lô ở phía Bắc Biển Đông và nằm gần duyên hải tỉnh Quảng Đông và Hải Nam. (iii) CNOOC (10/2013) loan báo đấu thầu mời các công ty nước ngoài hợp tác thăm dò khai thác tại 25 lô dầu khí trong đó có 17 lô ở Biển Đông, các lô còn lại bao gồm 3 lô ở Biển Hoa Đông, cùng 5 lô ở Hoàng Hải và biển Bột Hải. Tổng cộng 25 lô dầu khí này trải dài trên khu vực rộng hơn 102.000 km2. Thông cáo nói các công ty ngoại quốc có thể tiếp cận dữ liệu liên quan đến các lô vừa kể từ sau khi đăng ký các dự án cho tới cuối năm 2013. (iv) Trung Quốc (11/2014) ngang nhiên mời các tập đoàn ngoại quốc dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc tổ chức đấu thầu quyền thăm dò – khai thác dầu khí cả ở biển Hoa Đông lẫn biển Đông. Diện tích của 33 lô dầu khí (trong đó có 25 lô nằm trong Biển Đông) được đưa ra đấu thầu lên tới 126,000 km2. (v) Trung Quốc ngày (25/2/2016) ra thông báo mời các đối tác nước ngoài tham gia đấu thầu khai thác 18 lô dầu khí tại Biển Đông và Biển Hoa Đông với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Một số lô trong số này nằm gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974. Một số lô khác nằm gần quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Thông báo cho biết, thời gian mở cửa đấu thầu từ 24-30/2/2016. Đối tượng mời thầu bao gồm các công ty tư nhân và tập đoàn nước ngoài, cùng tham gia thăm dò khai thác dầu khí dưới sự điều hành của CNOOC. Được biết, trong các lô dầu khí ở Biển Đông năm 2016 này có một số lô nằm gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo nhận định của giới chuyên gia, mỗi năm, Bắc Kinh đều thực hiện đấu thầu các lô thăm dò, khai thác dầu khí ở ngoài khơi. Tuy niên, rất ít công ty tỏ ra quan tâm vì chi phí thăm dò, phát triển các mỏ dầu này rất đắt đỏ. Ngoài ra, thông tin về giá trị của các mỏ dầu cũng không đầy đủ. Các công ty nước ngoài khi trúng thầu sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí thăm dò và phát triển. Thêm vào đó, họ không thể sở hữu hơn 49% giá trị của dự án.

Không những vậy,

CNOOC đang ngày càng thể hiện rõ âm mưu độc chiếm nguồn dầu mỏ trên Biển Đông và Hoa Đông với tham vọng khai thác 1 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2020, bất chấp việc xâm phạm lãnh hải của các nước khác trong khu vực. Giới chuyên gia chính trị cũng cho rằng bằng cách này CNOOC đang tiếp tục thực hiện mô hình “Đại Khánh ngoài khơi”. Đại Khánh là tên mỏ dầu lớn nhất của Trung Quốc từng được khai thác ở tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1964 với công suất 1 triệu thùng dầu/ngày suốt 40 năm qua và hiện nay còn 800.000 thùng/ngày. Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc lại cho rằng đây chỉ là bước đệm cho chiến lược bành trướng khai thác dầu khí ở Biển Đông. Thời gian tới, CNOOC tiếp tục tiến sâu và mở rộng việc tìm kiếm ở các khu vực nước sâu trên Biển Đông nhằm vừa đáp ứng cơn khát dầu của Bắc Kinh vừa thực hiện âm mưu độc chiếm vùng biển rộng lớn này.

Wall Street Journal dẫn nguồn tin nội bộ giấu tên cho biết trong CNOOC cũng có những ý kiến quan ngại cho rằng việc mời thầu ở Biển Đông lúc đó chỉ là động thái chính trị quá hung hăng nhằm “tiếp lửa” cho tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông mà thôi. Thật ra đây là động thái đánh tiếng, xí phần, giữ chỗ trước để tạo nên “chuyện đã rồi”, chứ Trung Quốc chưa đủ lực và điều kiện an ninh để khai thác.

Ngoài việc mời thầu, Trung Quốc còn thường xuyên sử dụng sức ép về ngoại giao, chính trị và quân sự để ngăn chặn các nước hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp ở Biển Đông, cụ thể: (1) Hồi tháng 6 năm 2007, Tập đoàn Dầu khí British Petroleum (BP) của Anh, tuyên bố tạm ngưng thăm dò tại lô 5.2 và 5.3 vì “áp lực từ tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc”. BP giải thích việc tạm ngưng thăm dò là “để cho các quốc gia có liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề”. (2) Hồi tháng 7 năm 2008, Trung Quốc khuyên tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ nên rút ra khỏi những dự án khai thác dầu với Việt Nam, sau khi có tin Exxon Mobil hợp tác với Petro Vietnam thăm dò các lô 135, 136, khu vực Tư Chính – Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon Mobil cho biết chưa ký thỏa thuận nào về việc thăm dò – khai thác dầu ở biển Đông, trừ việc cùng PetroVietnam lượng định kỹ thuật và thương mại cho một số địa điểm có triển vọng ở biển Đông. Tuy không rút lui nhưng Exxon Mobil không làm gì thêm. (3) Vào tháng 3 năm 2009, Tập đoàn BP của Anh chính thức tuyên bố rút khỏi dự án thăm dò dầu khí tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam, sau gần hai năm tạm ngưng hợp tác thăm dò – khai thác. (4) Đến tháng 5 năm 2010, Việt Nam phải cử chiến hạm hộ tống tàu Aquila Expoler của Công ty thăm dò – khai thác dầu khí Neon Energy (Úc) khi tàu này tiến hành thăm dò địa chấn hai chiều ở lô 120 ngoài khơi Quảng Ngãi. (5) Một năm sau, vào tháng 5 năm 2011, ConocoPhillips – Tập đoàn Dầu khí lớn thứ ba tại Mỹ xác nhận kế hoạch bán cổ phần trong ba công trình khai thác dầu hỏa và khí đốt tự nhiên ở Biển Đông. (6) Năm sau nữa, tháng 6 năm 2011, tờ South China Morning loan báo, Trung Quốc liên tục đe dọa Idemitsu (Nhật), BP (Anh) và ExxonMobil (Mỹ) nếu các tập đoàn này không rút khỏi những dự án hợp tác thăm dò – khai thác dầu với Việt Nam. (7) Tới tháng 10 năm 2011, Trung Quốc cánh cáo “các công ty nước ngoài không tham gia thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp” sau khi ExxonMobil loan báo đã phát hiện ra dầu khí sau mũi khoan thứ hai trong lô 119 ngoài khơi Đà Nẵng. (8) Tháng 2 năm 2012, Lukoil – tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Nga tuyên bố rút khỏi dự án Hanoi Trough-02 (НТ-02), tại Biển Đông. Lukoil mua 50% cổ phần trong dự án từ tháng 4 năm 2011. Ông Vagit Alekperov cho biết. Lukoil “phải rút khỏi dự án này” nhưng không cho biết lý do…

Nhìn lại phản ứng của Việt Nam liên quan vụ CNOOC mời thầu trái phép 9 lô dầu khí ở Biển Đông

Hội dầu khí Việt Nam ra tuyên bố cho biết Thông báo mời thầu của CNOOC đó là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế; Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc huỷ bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên, nghiêm túc tuân thủ Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hội Dầu khí Việt Nam đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hội Dầu khí Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và những người làm dầu khí hai nước Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực. Hội Dầu khí Việt Nam hoan nghênh Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc cũng  như  các  công ty dầu  khí quốc tế khác tham gia hợp tác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Về phần mình, Hội Dầu khí Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam ủng hộ và bảo đảm để các hoạt động hợp tác này được triển khai thuận lợi.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần đưa ra các tuyên bố phản đối CNOOC mời thầu khai thác dầu khí ở Biển Đông. Theo đó, phía Việt Nam khẳng định khu vực mà CNOOC thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp. Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC).

Hội Luật gia Việt Nam cũng ra tuyên bố phản đối hành động của CNOOC; khẳng định Hội Luật gia Việt Nam hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26/6/2012; đồng thời cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái nói trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp. Việc làm của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (tại các Điều 58, Điều 76, Điều 77…) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN ký năm 2002, cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc ký tháng 10/2011. Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc Công ước Luật biển năm 1982 cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; hủy bỏ ngay công bố mời thầu sai trái nói trên. Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và đề nghị các công ty dầu khí quốc tế tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, không tham gia dự thầu 09 lô dầu khí mà CNOOC công bố mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Nhân đây, Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/6/2012 và cực lực phản đối việc Quốc vụ viện Trung Quốc cho thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa”, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hội Luật gia Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân Việt Nam – Trung Quốc nói chung và giữa giới luật gia hai nước nói riêng; đồng thời sẵn sàng làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới