Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNguy cơ nội bộ Philippines chia rẽ sâu sắc vì Tổng thống...

Nguy cơ nội bộ Philippines chia rẽ sâu sắc vì Tổng thống Duterte

Từ đầu tháng 6 đến này, nội bộ Philippines bắt có dấu hiệu rạn nứt và mâu thuẫn gia tăng do cách ứng xử của Chính quyền Tổng thống Duterte trong quan hệ vói Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.

Nguyên nhân căng thẳng

Cách Chính quyền của Tổng thống Duterte ứng xử trong vụ tàu Trung Quốc (9/6) đâm chìm tàu cá Philippines như giọt nước tràn lý, khiến các quan chức và người dân Philippines thể hiện thái độ bất bình, phản đối chính quyền.

Đầu tiên, thái độ hờ hững của Chính quyền Duterte khi xảy ra vụ đâm chìm tàu cá ở bãi Cỏ Rong. Ngay sau khi vụ việc được truyền thông công bố, chỉ có giới chức Quốc phòng, Ngoại giao đưa ra các tuyên bố thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với hành động thái quá của Trung Quốc; đồng thời cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu xác minh ra tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm và bỏ mặc ngư dân Philippines trên biển. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Duterte lại “im lặng” một cách khó hiểu, ông không hề đưa ra bất cứ phản ứng gì về vụ việc. Chỉ đến khi bị người dân và cộng đồng quốc tế dồn vào thế khó, ông Duterte (17/6) lần đầu tiên lên tiếng và khẳng định đây chỉ là “một vụ va chạm nhỏ”; đồng thời cảnh báo tránh làm tình hình căng thẳng leo thang, cho rằng “những gì xảy ra chỉ giống như một vụ va chạm. Đây là một vụ va chạm hàng hải. Đừng tin vào những chính trị gia ngu dốt, những người muốn triển khai lực lượng hải quân tới đó”; nhấn mạnh “đừng làm cho nó trở nên tồi tệ hơn” và Philippines chưa sẵn sàng đấu lại Trung Quốc.

Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố “mềm yếu” và chịu “lép vế” của Tổng thống Philippines Duterte cho thấy ông không dám đứng ra bảo vệ ngư dân trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông; cho rằng Chính quyền của ông Duterte đã bị Trung Quốc chi phối hoàn toàn.

Thứ hai, những tuyên bố thể hiện sự nhu nhược, yếu thế trước Trung Quốc. Không chỉ thể hiện sự hờ hững, ít quan tâm tới ngư dân, ông Duterte còn đưa ra một số tuyên bố thể hiện sự nhu nhược trước Trung Quốc. Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông “không thể triệu tập Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa” để phản đối vụ việc và rằng ông Triệu Giám Hoa đã làm hết sức của minh, nên Philippines không có gì để gây sức ép với ông Triệu. Ngoài ra, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng việc “mời” phái viên Trung Quốc tới Phủ Tổng thống sẽ gây ra cảm giác rằng phía Philippines có “định kiến” với Trung Quốc. Không những vậy, ông Duterte còn chấp nhận và hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc mở cuộc điều tra chung giữa hai nước liên quan vụ đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1.

Thứ ba, chấp nhận đánh đổi tất cả để đối lấy “tình hữu nghị” với Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte (25/6) cho biết Trung Quốc có thể khai thác hải sản ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines “vì tình hữu nghị giữa hai nước” và rằng Trung Quốc cũng có cùng quan điểm với Manila là việc khai thác hải sản không nên dẫn đến bất cứ sự đối đầu gây đổ máu nào.

Tuyên bố trên của ông Duterte đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề của chính giới, cũng như người dân Philippines. Nhiều quan chức chính phủ Manila đã ngay lập tức cảnh báo rằng cho phép Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là một hành động vi hiến. Theo một số nhà phân tích, với tuyên bố nói trên, ông Duterte có thể bị truất phế vì không bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Trái ngược với thái độ cần có, Tổng thống Philippines (27/6) lại dọa bỏ tù người đòi luận tội ông vì “làm bạn” với Trung Quốc và cho phép Trung Quốc đánh bắt tại vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Philippines. Theo Tổng thống Duterte, điều khoản được quy định trong hiến pháp về vùng EEZ của Philippines chỉ dành cho những kẻ “thiếu suy nghĩ và điên khùng” vì ông cho rằng hiến pháp sẽ chỉ trở thành mảnh giấy lộn nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra vì vùng EEZ; đồng thời cảnh báo tên lửa Trung Quốc có thể bay tới thủ đô Manila của Philippines chỉ trong 7 phút và nhấn tất cả những gì ông đang làm là “bảo vệ đất nước và 110 triệu dân Philippines”.

Thứ tư, “giận cá chém thớt”, đẩy quan hệ với Mỹ và đồng minh đi xa. Để biện minh cho các tuyên bố được cho là thể hiện sự “yếu thế” trước Trung Quốc, Tông thống Duterte (26/6) cho rằng đến ngay cả những nước lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc nhất như Mỹ cũng không làm gì để ngăn chặn Trung Quốc khi Bắc Kinh bắt đầu thực hiện các hoạt động cải tạo phi pháp trên các vùng biển tranh chấp. Ông Duterte cho rằng: “Mỹ là quốc gia duy nhất có đủ tiềm lực để ngăn chặn Trung Quốc, nhưng không bao giờ nhấc đến một ngón tay. Mỹ thực sự không làm bất cứ điều gì bởi nếu muốn, họ hoàn toàn có thể mang Hạm đội 7 tới, đối đầu với Trung Quốc và nói các người không thể xây dựng một hòn đảo trên biển. Kể cả Anh hay Pháp. Họ cũng có thể gửi chiếm hạm tới và nói với Trung Quốc rằng đây không phải là lãnh hải của các người. Các người không thể tuyên bố chủ quyền với một hòn đảo”.  Vị Tổng thống Philippines thách thức các quốc gia phương Tây “nếu đủ can đảm” nên giúp Manila tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển có tranh chấp.

Sự phản ứng cần thiết của người dân Philippines

Người dân trong nước đã tập trung biểu tình phản đối hành động “man rợ” của Trung Quốc và phản ứng hèn nhát của Chính quyền Tổng thống Duterte. Nhiều người dân Manila đã đốt cờ Trung Quốc trong cuộc biểu tình phản đối phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về vụ việc tàu nước này bị Trung Quốc đâm chìm. Họ gọi phát ngôn của ông Duterte là “yếu đuối” và xem thường vụ việc. Những người biểu tình giơ cao biểu ngữ “Chấm dứt sự hiếu chiến của Trung Quốc” và “Trung Quốc tránh xa ngư dân Philippines”. Nhóm biểu tình được tổ chức bởi nhóm “Bảo vệ việc làm Philippines”. Nhóm này cáo buộc ông Duterte “thân Trung Quốc” và phản bội người lao động Philippines vì cho phép người nhập cư trình độ thấp của Trung Quốc làm những công việc lẽ ra là của người dân địa phương.

Quan chức Chính quyền cũng bất mãn với cách hành xử của ông Duterte. Trái ngược với sự “mềm yếu” của Tổng thống Duterte, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo (16/6) cũng đã bày tỏ sự phẫn nộ sâu sắc và kiên quyết yêu cầu Trung Quốc xét xử những người trên con tàu đâm chìm tàu Philippines rồi bỏ rơi 22 ngư dân. Bà Robredo cũng chỉ trích chính quyền ông Duterte về việc đã áp dụng một chính sách “ít quyết đoán hơn” với các yêu sách phi lý của Trung Quốc về Biển Đông. Theo bà Robredo, “vẫn chưa quá muộn, bây giờ là lúc để thay đổi chính sách, từ thụ động sang can đảm hơn trong việc khẳng định các quyền của Philippines ở Biển Đông”. Cùng quan điểm trên, Thượng nghị sỹ Philippines Ping Lacson cho biết, người Philippines rất mong đợi tuyên bố của Tổng thống Duterte về vụ tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm nhưng rồi nhận lại là sự thất vọng và đau lòng. Theo Thượng nghị sỹ Ping Lacson, “Tổng thống phá vỡ sự im lặng nhưng rồi lại khiến chúng ta đau lòng. Ông ấy không nghiên cứu tất cả các nguồn tin sẵn có trước khi thực hiện lựa chọn cuối cùng là đầu hàng. Tôi không gợi ý cho Thế chiến thứ III nhưng ít nhất cần phải cho Trung Quốc thấy được sự cân bằng quyền lực ở Biển Đông”.

Cựu Ngoại trưởng Del Rosario là một trong số các quan chức Philippines lên tiếng phản đối phát ngôn của tổng thống khi ông Duterte nói không thể ngăn Trung Quốc đánh bắt tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines vì hai nước là “bạn bè”. Họ cho rằng việc cho phép Trung Quốc đánh bắt trong vùng EEZ của Philippines là vi phạm hiến pháp của nước này. Cùng quan điểm trên, Thẩm phán tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio dẫn một điều khoản trong Hiếp pháp quy định Tổng thống phải bảo vệ tài nguyên của quốc gia ở vùng biển quần đảo, lãnh hải cũng như EEZ và dành riêng quyền sử dụng và đánh bắt cho công dân Philippines. Tuy nhiên, ông Duterte cho rằng quy định này chỉ dành cho những người thiếu suy nghĩ và nó sẽ chỉ là mảnh giấy lộn nếu chiến tranh nổ ra trên vùng đặc quyền kinh tế. 

Trong khi đó, nhiều nghị sỹ đối lập thách thức Tổng thống Duterte đưa ngư dân tới đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc để “chứng minh tình hữu nghị” mà ông Duterte đã đề cập. Theo ông Renato Reyes, Tổng thư ký của Bayan, “tình hữu nghị không liên quan tới việc duy trì chủ quyền. Tình hữu nghị cũng không thể được viện dẫn cho hành động nhiều lần vi phạm chủ quyền. Tuyên bố của Tổng thống cho thấy ông ấy không hề có ý định duy trì chiến thắng pháp lý mà chúng tôi đã đạt được tại tòa án quốc tế”.

Trung Quốc – kẻ được lợi duy nhất trong vụ việc

Kể từ khi xảy ra vụ việc, Trung Quốc mới chỉ đưa ra những tuyên bố ngoại giao, đồng thời khẳng định sẽ điều tra vụ việc. Ban đầu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (13/6) ngang nhiên tuyên bố nước này vẫn “đang điều tra” và việc Philippines “chính trị hóa vụ việc mà không xác thực” là hành động vô trách nhiệm; khẳng định đây chỉ là “tai nạn hàng hải bình thường khi lưu thông trên biển”. Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng cho biết thêm: “Nếu những thông tin liên quan là đúng, thì dù thủ phạm là người nước nào, hành vi của họ cũng cần bị lên án”.

Sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng tàu cá Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông đã tham gia vào “hoạt động kéo lưới” ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào ngày 9/6. Tàu 42212 “bất ngờ bị 7 hoặc 8 tàu Philippines bao vây” và “trong lúc sơ tán, dây cáp thép trên mạng lưới thắp sáng của tàu va chạm với buồng lái của tàu Gem-Ver 1”; đồng thời khẳng định “thuyền trưởng Trung Quốc đã cố cứu ngư dân Philippines, nhưng sợ bị các tàu Philippines khác bao vây. Vì vậy, khi xác định được những ngư dân đó được các tàu Philippines khác cứu, tàu 42212 mới rời khỏi hiện trường”.

Tuy nhiên, do bị cộng đồng quốc tế đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (17/6) cho rằng vào sáng sớm ngày 10/6, tại vùng biển bãi Cỏ Rong đã xảy ra một vụ tàu cá Trung Quốc và tàu cá Philippines đâm vào nhau ngoài ý muốn. Phía Trung Quốc đã gửi lời thăm hỏi các ngư dân Philippines gặp nguy hiểm trong vụ việc này. Sau khi vụ việc xảy ra, hai bên Trung Quốc và Philippines đã nhiều lần liên lạc giữa nhiều cấp, qua nhiều con đường. Phía Trung Quốc muốn nhấn mạnh, đây là một vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển giữa các tàu đánh cá trên biển; đem vụ việc này gắn với tình cảm hữu hảo giữa nhân dân hai nước, gắn với quan hệ giữa hai nước, thậm chí giải thích theo cách chính trị hóa đều không thích hợp. Phía Trung Quốc với thái độ có trách nhiệm cao, tiếp tục điều tra vụ việc một cách toàn diện và tích cực. Chúng tôi cũng mong muốn phía Philippines tăng cường liên lạc, tăng thêm niềm tin, xua tan nghi ngờ, trao đổi tình hình điều tra, làm rõ nguyên nhân, quá trình diễn biến vụ việc. Tin rằng hai bên có thể giải quyết ổn thỏa vụ việc trên tinh thần hợp tác và hữu nghị, lấy sự thật làm căn cứ. Ông Lục Khảng nhấn mạnh hai nước Trung Quốc và Philippines “cách hải tương vọng” (nhìn nhau qua biển), ngư dân hai nước từ lâu nay chung sống hữu hảo, giúp đỡ lẫn nhau trên Biển Đông, đều đã từng ra tay cứu giúp nhau khi đối phương gặp nạn. Phía Trung Quốc rất coi trọng an toàn trên biển, nguyện tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực liên quan với các nước ven biển như từ trước đến nay.

Không chỉ đưa ra các tuyên bố xoa dịu Philippines và đánh lừa cộng động quốc tế, Bắc Kinh còn đưa ra biện pháp cảnh cáo Manila “đừng đi quá giới hạn”. Theo đó, Trung Quốc (21/6) đã bắt giữ và trục xuất cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khi vừa tới sân bay quốc tế Hồng Công – bất chấp việc ông Albert del Rosario đang sử dụng hộ chiếu ngoại giao. Ông Albert del Rosario bi bắt giữ và trục xuất chỉ vài giờ sau khi đưa ra các tuyên bố cứng rắn lên án Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc ngư dân trôi dạt trên biển. Theo đó, ông Albert del Rosario kêu gọi Manila cần cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vụ đâm chìm tàu cá rồi bỏ mặc thuyền viên; cho rằng kế hoạch tiến hành một cuộc điều tra chung giữa Philippines và Trung Quốc là tin tức tồi tệ nhất.

RELATED ARTICLES

Tin mới