Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững điểm nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh G20

Những điểm nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh G20

Hội nghị thượng đỉnh G-20 (28-29/6) tại Osaka, Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố chung Osaka, trong đó đã nhấn mạnh rằng hội nghị lần này đã thống nhất quan điểm chung về việc duy trì, phát triển thể chế thương mại tự do, công bằng và không phân biệt.

Nội dung chính được thảo luận tại G-20

Hội nghị lần này đã thống nhất quan điểm chung về việc duy trì, phát triển thể chế thương mại tự do, công bằng và không phân biệt; nhất trí quan điểm trong vấn đề lưu thông dữ liệu tự do dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, thống nhất mục tiêu theo đề án của Nhật Bản là đến năm 2050 sẽ không còn rác thải nhựa trên biển; nhất trí việc tác thành văn bản với xu hướng duy trì Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với sự tham gia của 19 quốc gia và khu vực mà không có Mỹ. Tuy nhiên, Hội nghị chưa đạt được đồng thuận trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nước tham gia Hội nghị G20 cũng đã thông qua nguyên tắc mới liên quan đến duy trì khả năng trả nợ của các nước được cho vay sử dụng vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển; thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, trong đó tiêu điểm là xung đột thương mại Mỹ-Trung và ảnh hưởng của xung đột này đối với kinh tế thế giới và từng nước nói riêng; trao đổi về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng liên quan đến hạt nhân, tầm quan trọng của cộng đồng quốc có tiếng nói chung hướng tới thế giới không có hạt nhân.

Các đại biểu cũng cho rằng Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cần phải cải cách thể chế thương mại đa phương để phù hợp với thời đại; khẳng định các nước cần tăng cường hợp tác trong việc duy trì, thúc đẩy kinh tế số và cải cách Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Các nước tham dự G-20 cũng khẳng định tăng cường hợp tác thực hiện Nghị sự 2030 về phát triển bền vững; hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đúng thời hạn các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo, hạ tầng chất lượng cao, giáo dục, môi trường, y tế, năng lượng; tái khẳng định cam kết phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy giáo dục bình đẳng và bao trùm; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện các mục tiêu SDG; đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nước đang phát triển mở rộng phổ cập y tế toàn dân, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng, dinh dưỡng, nước sạch…

Các nước G20 khẳng định phấn đấu thu hẹp khoảng cách về lao động, việc làm giữa phụ nữ và nam giới còn 25% đến năm 2025; cam kết tăng cường giáo dục, đào tạo cho học sinh nữ, nhất là các kỹ năng số để đáp ứng các yêu cầu của việc làm mới trong tương lai; tiếp tục triển khai sáng kiến cung cấp tài chính cho doanh nhân nữ (We-Fi) nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nhân nữ ở các nước đang phát triển.

Các cuộc gặp song phương quan trọng

Bên lề G-20 đã diễn ra hàng loạt các cuộc tiếp xúc song phương giữa nước chủ nhà và các quốc gia, khu vực, tổ chức, quốc gia là khách mời, giữa các nước tham gia với nhau đã được tiến hành. Trong đó, nổi bật là các cuộc gặp song phương giữa Mỹ – Trung, Nhật – Trung, Mỹ – Nga, Nhật – Hàn, Nhật – Nga, Trung – Nga, Nga – Trung – châu Âu và các nước Saudi Arabia. Các cuộc gặp ngoài việc thống nhất biện pháp tăng cường quan hệ song phương đều thảo luận về những vấn đề nổi cộm, ít nhiều ảnh hưởng tới lợi ích của từng quốc gia như xung đột thương mại Mỹ-Trung, an ninh ở Biển Đông, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hạt nhân Iran, nhân quyền và chủ nghĩa dân chủ. Những cuộc tiếp xúc này một mặt giúp các bên hiểu nhau hơn, một mặt cũng đóng góp vào thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G20 Osaka, Nhật Bản.

Trong cuộc gặp Mỹ – Trung, hai bên đã đạt được những bước tiến quan trọng khi thống nhất được việc khởi động lại các cuộc đàm phán song phương, khả năng Mỹ sẽ không áp thuế thêm đối với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Đây là kết quả mà giới doanh nhân mong chờ nhất từ cuộc gặp này, sau khi cuộc chiến thuế trong một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu. Thế giới cảm thấy dễ thở hơn khi hai nhà lãnh đạo nhất trí hoãn thực thi các kế hoạch áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa của nhau để các nhà đàm phán thương mại hai bên sẽ có thêm thời gian tìm điểm chung và đi đến một thỏa thuận thương mại song phương có thể cứu thế giới thoát khỏi một cơn “đại hồng thủy” về thuế.

Trong cuộc gặp Mỹ – Nga, Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga Vladimir Putin với nhất trí cần cải thiện mối quan hệ song phương vì lợi ích chung của hai bên, cũng như của cả thế giới.

Trong cuộc gặp Trung – Nhật, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đạt một thỏa thuận 10 điểm nhằm cùng thúc đẩy phát triển bền vững mối quan hệ song phương. Theo đó, lãnh đạo hai nước đã có được đà thuận lợi trong việc phát triển quan hệ song phương dù vẫn có những khác biệt, đồng thời nhất trí cần tập trung vào thỏa thuận đã đạt được và giải quyết bất đồng, hợp tác thúc đẩy quan hệ Trung – Nhật đi đúng hướng; nhất trí cùng nỗ lực để thúc đẩy “thương mại công bằng và tự do” trong các cuộc đối thoại, đồng thời nhất trí nỗ lực để G-20 đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy các cuộc đàm phán Thỏa thuận tự do thương mại Trung – Nhật và nỗ lực để hoàn tất các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay.

Một số đề xuất quan trọng

Phát biểu tại G-20, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đề xuất yêu cầu các công ty công nghệ cần có giải pháp để bảo vệ người sử dụng internet trước các nội dung bạo lực, cực đoan cũng như khủng bố; đồng thời thuyết phục được các nhà lãnh đạo G20 ra thông cáo chung về ngăn chặn các đối tượng sử dụng mạng xã hội để truyền bá khủng bố. Theo ông Morrison, sự ủng hộ này cho thấy thế giới có sự kỳ vọng cao đối với các công ty công nghệ, nhằm đưa ra các biện pháp để nền tảng của họ không bị sử dụng vào các mục đích xấu.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra sáng kiến liên quan đến nền kinh tế số – nền kinh tế của thế kỷ 21. Theo đó, số hóa đang làm thay đổi mọi khía cạnh của các nền kinh tế và xã hội và việc sử dụng hiệu quả số hóa sẽ đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội ở tất cả các nước. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi ích mà kinh tế số mang lại, rất cần xây dựng các quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực này. Chính vì tầm quan trọng của kinh tế số như vậy, các nhà lãnh đạo đã tuyên bố khởi động Osaka Track, thúc đẩy các cuộc thảo luận chính sách về việc xây dựng các quy tắc quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các khía cạnh thương mại của thương mại điện tử.

Phát biểu tại phiên họp về khí hậu – môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bất ổn an ninh năng lượng đang thách thức sự tồn vong của nhân loại; đề nghị các nước có những đột phá, sáng tạo về huy động phân bổ hiệu quả nguồn lực và thực hiện đầy đủ các cam kết về khí hậu, môi trường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam thực hiện nghiêm túc cam kết Thỏa thuận Paris về khí hậu; đề nghị các nước và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ thiết thực cho các nước dễ tổn thương về biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh rác thải nhựa biển làm suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái biển, là vấn đề cấp bách toàn cầu; đề nghị các nước chung tay xây dựng các thể chế, quy định về biển và đại dương nhằm kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển – đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh.

Vị thế của Việt Nam

Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự Hội nghị G20 lần thứ 14. Năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tham gia G20 với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Điều này thể hiện vị thế quan trọng của Việt Nam trong nền chính trị thế giới và nền kinh tế Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ. Việt Nam tham dự Thượng đỉnh G20 lần này tại Nhật Bản giúp Việt Nam nói tiếng nói cùng những nền kinh tế đang nổi, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới.

Bên lề G-20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc gặp và trao đổi song phương với nhiều nguyên thủ và các vị lãnh đạo thế giới:

Trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres chúc mừng Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2012, cho rằng Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng, đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới, trong đó có việc tiếp tục cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan; khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt các vai trò tại Liên hợp quốc.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những cuộc gặp trước đây và nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, tiếp tục tăng cường, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo hai nước đã trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại, năng lượng. Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh và khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược về năng lượng và đề nghị hai nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi; hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại của Chính phủ Việt Nam; nhấn mạnh tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam và luôn ủng hộ phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh triển khai các thoả thuận hai bên đã cam kết trong các chuyến thăm chính thức cấp cao giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau nhất trí chia sẻ các đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là phối hợp trong triển khai và tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP để tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường phát huy hiệu quả, đưa vào chiều sâu quan hệ giữa hai nước về kinh tế, thương mại, năng lượng, an ninh quốc phòng, giáo dục-đào tạo, giao lưu văn hoá, du lịch và tăng cường kết nối hàng không giữa hai nước.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam không chỉ trong khuôn khổ song phương đang phát triển tốt đẹp hiện nay mà còn trên các khuôn khổ đa phương, nhất là tăng cường hợp tác của Việt Nam với Liên minh Thái Bình Dương (PA) và hợp tác Chile-ASEAN.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Australia, ông Scott Morrison đánh giá cao quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh thời gian qua; khẳng định cam kết của chính phủ Australia đưa quan hệ đối tác chiến lược hai nước lên tầm cao mới trên nhiều lĩnh vực; đồng thời ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN (cơ chế ASEAN + 1).

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đánh giá cao nhiều hoạt động trao đổi hiệu quả về các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất hơn trong thời gian tới.

Trong cuộc trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, hai bên nhất trí thúc đẩy các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và phối hợp trên các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hoá trên trên bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Junker nhấn mạnh ngày 30/6 sẽ đi vào lịch sử của quan hệ Việt Nam-EU khi hai bên ký Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA; đồng thời thể hiện mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực thúc đẩy để Nghị viện châu Âu thông qua các Hiệp định quan trọng này trong năm nay, sớm mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Trong cuộc gặp với Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với Việt Nam và đánh giá cao những nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; mong Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm tại Hội nghị cấp cao về chăm sóc y tế toàn dân sẽ diễn ra tại New York tháng 9 năm nay.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch WB, ông David Malpass đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng cơ sở của Việt Nam, khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam không chỉ trong các dự án đầu tư cụ thể mà còn hỗ trợ tư vấn chính sách phát triển bền vững.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch ADB, ông Takehiko Nakao đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, dự kiến năm nay có thể đạt mức khoảng 7%; đồng thời coi Việt Nam là điển hình tốt trong phát triển bền vững, quản lý kinh tế vĩ mô.. Chủ tịch ADB đề nghị hai bên sớm ký kết các thỏa thuận cho vay trong lĩnh vực chăm sóc y tế, phát triển nguồn nhân lực trị giá 255 triệu USD, đồng thời, trong tài khóa 2019, dự kiến cho Việt Nam vay 315 triệu USD để triển khai các dự án về nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường đô thị.

RELATED ARTICLES

Tin mới