Chuyên gia Philippines cho biết mức thiệt hại thực sự mà Trung Quốc gây ra đối với hệ sinh thái trên Biển Đông có thể còn “choáng váng” hơn con số 880 triệu USD/năm.
Hoạt động đánh bắt ồ ạt của đội tàu cá Trung Quốc gây thiệt hại tới hệ sinh thái biển. Ảnh minh họa: Reuters.
Đội tàu cá khổng lồ và các hoạt động bồi đắp trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc gây thiệt hại ít nhất 880 triệu USD mỗi năm đối với hệ sinh thái tại các rặng san hô ở vùng biển này, Straits Times dẫn lời các chuyên gia Philippines.
“Con số ước tính bao gồm tất cả những giá trị mà rặng san hô đem lại cho chúng ta, như việc điều hòa khí hậu, và những lợi ích mà chúng ta nhận được từ hệ sinh thái”, Tiến sĩ Deo Florence Onda, một nhà khoa học tại Viện Hải dương học, thuộc trường Đại học Philippines, cho hay.
Tiến sĩ Onda còn nói thêm rằng mặc dù con số trên khá “khủng khiếp”, nhưng đó mới chỉ là ước tính có phần “dè dặt” ban đầu. Mức thiệt hại thực sự có thể còn choáng váng hơn thế.
Vị tiến sĩ này cùng 73 nhà sinh vật học – hải dương học và các chuyên gia đã thực hiện chuyến thám hiểm khảo sát dài 2 tuần tại Biển Đông hồi tháng 4 vừa qua nhằm kiểm tra tình trạng hệ sinh thái biển tại khu vực Philippines coi là một phần thuộc “vùng đặc quyền kinh tế” của nước này.
Ông Onda cho biết nhóm nghiên cứu của mình đã dựa trên công thức của một công ty thông tin Hà Lan, và đặt mức tham số cơ bản là 353.429 USD/ha/năm đối với các rặng san hô bị hư hại vì các hoạt động nhân tạo trên biển.
Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy có ít nhất 1.850 ha rặng san hô bị hư hại xung quanh đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát trái phép, và một số nơi khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chuyên gia về luật hàng hải Jay Batongbacal cho biết, mức thiệt hại vừa được các nhà khoa học Philippines công bố vẫn chưa bao gồm các khu vực nằm ngoài phạm vi của vệ tinh.
Cũng theo lời ông Batongbacal, Trung Quốc là quốc gia gây ra nhiều thiệt hại nhất, do việc khai thác hàng loạt sò tai tượng và san hô, cũng như các hoạt động bồi đắp đảo trái phép trên Biển Đông.
Đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép 7 đảo nhân tạo từ các bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời, nước này còn xây dựng các đường băng, hệ thống radar, triển khai các loại pháo, tên lửa và vũ khí khác lên các đảo nhân tạo phi pháp này.
Theo lời các chuyên gia, để bồi đắp được 1.300 ha đảo nhân tạo trái phép trên, Trung Quốc đã phải tiến hành nạo cát và đá tại Biển Đông.
“Chúng tôi [Philippines] không hề đùa khi nói rằng nếu như chúng tôi không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc hoạt động trên vùng biển của chúng tôi, thì rất có thể họ sẽ vét cạn nguồn tài nguyên biển của chúng tôi chỉ trong vòng vài năm tới”, Giáo sư Batongbacal nói.
Ông này nói thêm: “Ở khu vực bãi cạn Scarborough, họ thậm chí còn tự tay hủy hoại bãi đá. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, thì chỉ trong vòng 5 năm tới, bãi cạn sẽ bị xóa sổ hoàn toàn”.
Chính sách gây tranh cãi của Philippines
Tổng thống Philippines được cho là có những chính sách gây tranh cãi về vấn đề đánh bắt cá trên Biển Đông, khi ông này có những hành động mềm mỏng với Trung Quốc nhằm nhận được sự ủng hộ của phía Bắc Kinh.
Những tranh cãi về quyền lợi của Philippines trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông ngày càng nóng hơn kể từ sau vụ một tàu đánh cá của nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ rơi hồi tháng trước. Việc ông Duterte tuyên bố vụ việc là “tai nạn đơn thuần trên biển” cũng gây tranh cãi trong dư luận nước này.
Trong tuyên bố được đưa ra hôm 3/7 vừa qua, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, đã tái khẳng định rằng Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có “thỏa thuận miệng”, cho phép tàu cá Trung Quốc được đánh bắt trong vùng biển của Philippines.
Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã trực tiếp phản bác phát ngôn của ông Panelo và nói rằng ông không biết đến sự tồn tại của “thỏa thuận miệng” nói trên.