Tháng 1/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố chiến lược phòng thủ tên lửa mới (NMD 2019), xây dựng các giải pháp đặc biệt về an ninh quốc phòng nhằm nâng cao năng lực ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa hành trình, tên lửa siêu thanh từ các đối thủ chính, trong đó có Trung Quốc.
Quyết định công bố chiến lược phòng thủ tên lửa (tiếng Anh: National Missile Defense – NMD) mới của Mỹ là phản ứng trước sự đột phá công nghệ tên lửa của Nga và Trung Quốc, do: i) Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng các công nghệ tên lửa, bao gồm cả công nghệ siêu thanh tối tân, nhiều khả năng sẽ không thể bị đánh bại bởi các hệ thống phòng thủ thông thường. Năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa siêu thanh, thậm chí nhiều hơn số lần thử mà Mỹ tiến hành trong một thập kỷ. Trung Quốc đang sở hữu 75-100 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 125 đầu đạn hạt nhân và 4 tàu ngầm tên lửa hạt nhân với 48 quả tên lửa đạn đạo. Bên cạnh Trung Quốc, Nga cũng thử thành công tên lửa siêu thanh Avangard vào tháng 12/2018. Avangard là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược được trang bị phương tiện phương tiện lướt siêu vượt âm. Theo các nguồn tin công khai, vũ khí “đột phá” này được phát triển bởi Hiệp hội Nghiên cứu và Chế tạo máy ở thành phố Reutov thuộc khu vực Moscow. Loại vũ khí mới đã được đưa vào thử nghiệm từ năm 2004, có tốc độ vượt 27 lần tốc độ âm thanh và loại vũ khí “khủng” này sẽ được triển khai ngay trong năm 2019. Ngoài ra, theo hiệp ước New START năm 2010, Nga được phép triển khai tổng cộng 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ biển và bom hạng nặng cùng với 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược. ii) Các hệ thống radar và cảm biến của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Mỹ được thiết kế chỉ để đánh chặn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được bắn đi từ đối thủ như Iran hay Triều Tiên. Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 hay THAAD của Mỹ có thể đánh chặn và phá hủy các tên lửa ICBM có đường bay định sẵn, tuy nhiên, không thể đánh chặn những tên lửa siêu thanh như Avangard (của Nga, với ưu thế bay nhanh ở tầm thấp, tránh được sự phát hiện của radar và hệ thống tên lửa đất đối không). Chiến lược mới mang tính cương lĩnh, kế thừa khi liên kết với các chính sách phòng thủ ban hành trước đó của Tổng thống Donald Trump như Chiến lược An ninh quốc gia (công bố ngày 19/12/2017), Chiến lược Quốc phòng mới (công bố ngày 19/1/2018) và Chiến lược mới về hạt nhân (công bố ngày 2/2/2018) khi xác định các mối đe dọa an ninh quốc gia chính của Mỹ hiện nay là Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên và tăng cường triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Chiến lược NMD năm 2019 gồm 5 thay đổi lớn là: (1) ưu tiên bảo vệ người dân Mỹ, (2) chuẩn bị cho mọi cuộc tấn công tên lửa, (3) coi không gian là một chiến trường, (4) loại bỏ mọi chướng ngại vật đối với các dự án của Mỹ, (5) yêu cầu chia sẻ gánh nặng ngân sách từ đồng minh. Thứ nhất, NMD tập trung phát triển các hệ thống tên lửa cả mặt đất, trên biển và trên không, cụ thể: Một là, xem xét khả năng cải thiện Hệ thống phòng thủ mặt đất (GMD), ưu tiên tăng cường hệ thống đánh chặn trên mặt đất trong vài năm tới, trong đó tăng số tên lửa đánh chặn (từ 44 lên 64) đặt tại cơ sở quân sự Fort Greely, bang Alaska. Hai là, nghiên cứu khả năng sử dụng các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) rẻ hơn, tầm bắn ngắn hơn như SM-3 Block IIA. Tên lửa SM-3 Block IIA sẽ được thử nghiệm đánh chặn ICBM vào năm 2020; là sản phẩm liên kết sản xuất giữa hai nhà thầu Raytheon Co (Mỹ) và Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản). Ba là, nghiên cứu khả năng tạm thời hoặc chuyển đổi Trung tâm thử nghiệm phòng thủ tên lửa trên bờ Aegis do hãng Lockheed Martin phát triển trên quần đảo Hawaii thành một đơn vị hoạt động chính thức nhằm củng cố năng lực phòng thủ ở bang Hawaii, chống lại các đợt tấn công tên lửa tiềm tàng từ Triều Tiên. Bốn là, nghiên cứu phát triển việc sử dụng tia laser trên máy bay không người lái nhằm theo dõi và phá hủy các tên lửa đối phương sau khi rời bệ phóng. Năm là, xem xét khả năng của các cảm biến không gian, các phương tiện đánh chặn tên lửa tương tự như đã được đề ra trong chương trình “Chiến tranh các vì sao” (Star War) của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hồi thập niên 80. Sáu là, xem xét trang bị cho các máy bay F-35 Lightning II cảm biến phòng thủ tên lửa để có thể bắn hạ tên lửa hành trình hoặc các tên lửa loại khác ngay trên không. Bảy là, bố trí lại các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 và THAAD, cũng như các tàu hải quân có trang bị hệ thống phòng thủ Aegis với các tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA có năng lực đánh chặn tên lửa đạn đọa để đối phó với các mối đe dọa mới. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, từ năm 2013 đến nay, Quốc hội nước này đã phê chuẩn gói tài chính trị giá hàng chục triệu USD giúp đánh giá khả năng triển khai căn cứ phòng thủ tên lửa ở bờ Đông nước Mỹ. Khu vực dự kiến đặt căn cứ là Fort Drum, bang New York. Mỹ đang triển khai 2 căn cứ phòng thủ tên lửa là Fort Greely (bang Alaska) và Vandenberg (bang California) với lý do phòng ngừa khả năng bị tấn công từ Triều Tiên. Theo các thông tin đã được công bố, Mỹ sẽ chi tới 1.200 tỷ USD trong 30 năm tới để duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Trong đó, 800 tỷ USD được dùng cho công tác duy trì và 400 tỷ USD cho các chương trình nâng cấp và phát triển mới.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch triển khai chiến lược phòng thủ tên lửa mới, Trung Quốc và Nga đồng loạt lên tiếng chỉ trích và phản đối mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chính quyền nước này bất bình và phản đối mạnh mẽ bản báo cáo mới của Mỹ: do nhiều khái niệm đã lỗi thời của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thổi phồng cuộc đối đầu địa chính trị và sự cạnh tranh giữa các cường quốc, và nhận định một cách vô lý về mối đe dọa từ Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc nhận định rằng, những hành động của phía Mỹ không mang tính xây dựng, có thể gây tổn hại cho hòa bình, an ninh khu vực và ảnh hưởng tới tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân hiện nay. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, chiến lược này thực sự “bật đèn xanh” cho cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong không gian, tương đương với việc tái khởi động chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” thời kỳ Chiến tranh Lạnh; kêu gọi Mỹ suy nghĩ rút lại kế hoạch và tham gia vào các cuộc đàm phán với Nga về cách quản lý kho vũ khí tên lửa hạt nhân của thế giới; đồng thời, khẳng định Nga không tham gia vào tiến trình chạy đua vũ trang này.
Thời gian tới, khả năng hiện thực hóa chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ sẽ không dễ dang khi gặp phải những trở ngại sau: Một là, mâu thuẫn nội bộ nước Mỹ: Mỗi khi chính quyền của đảng Cộng hòa tìm cách xây dựng kế hoạch mới thì phe Đảng Dân chủ sẽ tìm cách ngăn chặn. Quan điểm của Đảng Dân chủ trong việc giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân là phải kiểm soát vũ khí hiệu quả hơn chứ không phải xây dựng hệ thống phòng thủ; bất kỳ nỗ lực nào củng cố hệ thống phòng thủ đều gây bất ổn cho thế cân bằng hạt nhân hiện nay do sẽ kích động các đối thủ của Mỹ mua sắm thêm vũ khí. Hiện chưa rõ Quốc hội Mỹ có chấp thuận tài trợ cho tham vọng này của Tổng thống Trump hay không, đặc biệt khi Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Trước đó, kế hoạch tương tự của cựu Tổng thống G. Bush cũng từng bị từ chối. Hai là, việc tạo ra hệ thống phòng thủ quân sự đặc biệt đòi hỏi đầu tư hàng nghìn tỷ USD, đắt gấp 5 lần so với chiến lược “Chiến tranh giữa các vì sao”; dẫn tới làm chậm hoặc ngừng việc thực hiện các chương trình quân sự khác mà Mỹ đang tham gia (bao gồm cả việc phát triển vũ khí hạt nhân thế hệ mới). Ba là, các cơ quan tuyên truyền của Nga sẽ đổ lỗi cho Mỹ, đồng thời phía Nga có thể bắt đầu bác bỏ mọi đề xuất nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước INF và tiến hành trừng phạt ngoại giao nhằm đáp trả những động thái tăng cường vũ khí hạt nhân gây ảnh hưởng tới sự ổn định an ninh thế giới và khu vực. Bốn là, Trung Quốc có thể tiếp tục triển khai các vụ thử vũ khí chống vệ tinh dưới áp lực của Mỹ.