Friday, December 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiSamsung và nhiều công ty Hàn Quốc "tháo chạy" khỏi TQ, Việt...

Samsung và nhiều công ty Hàn Quốc “tháo chạy” khỏi TQ, Việt Nam là điểm đến hàng đầu

Từng là thị trường tiềm năng nhưng Trung Quốc trở thành nỗi lo của các công ty nước ngoài.

Nạn nhân của những rủi ro chính trị, địa chính trị

Khi đặt chân đến nước Úc vào năm 2017 để tham dự hội thảo, một chính trị gia cấp cao của Uỷ ban Quốc phòng Hàn Quốc đã được Julie Bishop – người sau này trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Úc – chào đón. Bà đã đặt một câu hỏi hóc búa: “Bạn đang làm cách nào để đối phó với mối đe doạ từ Trung Quốc?”

Bà Bishop đã đề cập đến cách Trung Quốc đối đãi các công ty Hàn Quốc hoạt động tại đó – mối quan hệ hai nước vốn trở nên căng thẳng hơn sau khi Seoul đồng ý với yêu cầu triển khai lâu dài Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) từ phía Mỹ.

Tập đoàn Lotte, một trong những “chaebol” của Hàn Quốc có tầm ảnh hưởng rất lớn với nền kinh tế nước này, đã bán một mảnh đất ở quận Seongju cho chính phủ và triển khai hệ thống radar và thiết lập hệ thống tên lửa phòng không. Trong khi Washington và Seoul cho biết động thái này nhằm ngăn chặn mối đe doạ từ Triều Tiên, thì Bắc Kinh lại coi THAAD là mối rủi ro về an ninh. Đó là bởi hệ thống radar này có phạm vi giám sát đến các căn cứ quan sự gần đó của Trung Quốc.

Sau khi được triển khai vào năm 2017, THAAD chính là nguyên nhân của vụ việc Trung Quốc tẩy chay các hoạt động bán lẻ của Lotte. Công ty này đã bị Bắc Kinh trừng phạt, theo đó các kế hoạch phát triển tại Trung Quốc bị đình trệ theo lệnh của chính phủ nước này.

Như Hàn Quốc, Úc cũng phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc, nhưng lại có mối ràng buộc chặt chẽ với Mỹ về mặt quốc phòng và chính trị. Bà Bishop lo ngại rằng nếu Úc khiến Bắc Kinh không hài lòng, thì các công ty của họ cũng chịu rủi ro tương tự Hàn Quốc.

Nhìn vào trường hợp về dầu canola và thịt lợn của Canada đều bị Trung Quốc cấm nhập khẩu, đây được cho là động thái trả đũa vụ việc CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ. Việc này là một ví dụ cho thấy các quốc gia thứ ba có thể bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh của những siêu cường trong thời hiện đại như thế nào.

Từng là thị trường tiềm năng nhưng Trung Quốc trở thành nỗi lo của các công ty nước ngoài

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nỗ lực của các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc nên trở thành tài liệu nghiên cứu cần thiết cho chính phủ và doanh nghiệp phương Tây về những rủi ro chính trị khi kinh doanh tại đây – vốn đang leo thang khi thương chiến Mỹ – Trung đe doạ đến các quốc gia khác và mở đường cho cuộc “đấu đá” địa chính trị trên phạm vi rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, các công ty của Hàn Quốc đã dần rút khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây, ngay cả trước “cuộc khủng hoảng” mà THAAD mang đến. Họ đang di dời để tránh được những rủi ro như Lotte đã gặp phải và né tránh thuế quan từ phía Mỹ.

Ngoài ra, họ còn dời đi bởi các công ty Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều tại thị trường nội địa – nơi các công ty Hàn Quốc từng gặp nhiều thuận lợi trong hơn 1 thập kỷ. Đây cũng là điều có khả năng lớn sẽ xảy ra với các công ty phương Tây đang để mắt tới nhóm khách hàng trung lưu ở Trung Quốc. Hiện tại, khi các công ty Mỹ đang xem xét việc rời khỏi Trung Quốc và thành lập cơ sở tại những quốc gia chịu mức thuế từ Mỹ thấp hơn, thì những công ty Hàn Quốc đã đi trước họ khoảng vài năm.

Một “chaebol” khác, Samsung Electronics, đã vận hành nhà máy đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2008 và sự hiện diện lâu dài này đã giúp họ xây dựng chuỗi cung ứng của các công ty Hàn Quốc, từ đó giúp các công ty khác dễ dàng thành lập cơ sở hơn tại Đông Nam Á.

Do đó, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng 1,97 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, lần đầu vượt Trung Quốc – ở mức 1,6 tỷ USD, trong cùng kỳ, theo số liệu từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Cả năm 2018, tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, xuất khẩu cũng tăng lên 48,6 tỷ USD – cao gấp 121 lần so với năm 1992.

Một cựu quản lý của Lotte Shopping cho hay: “Chúng tôi đã trải qua một số tình huống tồi tệ ở Trung Quốc vài năm trước và nhận ra rằng rủi ro chính trị sẽ không chỉ đơn giản biến mất trong 1 đêm. Trung Quốc có thể thông qua tất cả các luật đảm bảo an toàn cho đầu tư nước ngoài và quyền lợi của các công ty đa quốc gia, nhưng cơ hội ấy lại biến mất khi xảy ra cuộc đối đầu về chính trị quá căng thẳng. Chúng tôi không thể hứng chịu thêm rủi ro nào nữa.”

Hồi tháng 4, Trung Quốc cuối cùng đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Lotte và chính quyền thành phố Thẩm Dương đã cho phép tập đoàn này tiếp tục việc phát triển khu mua sắm và giải trí Lotte World trị giá 2,6 tỷ USD. Lotte hiện đang cân nhắc về việc bán lại tổ hợp này bởi họ không muốn tiếp tục kinh doanh lĩnh vực bán lẻ tại Trung Quốc.

Samsung là một “gã khổng lồ” khác muốn cắt giảm hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sau khi họ đóng cửa dây chuyền sản xuất tại Thâm Quyến vào tháng 5/2018, sau đó là nhà máy ở Thiên Tân vào tháng 12. Dây chuyền sản xuất điện thoại di động cuối cùng ở Huệ Châu cũng đang trong quá trình đóng cửa. Nguồn tin trong công ty tiết lộ, Samsung cũng cân nhắc việc chuyển dây chuyền sản xuất TV từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, họ đang cực kỳ thận trọng khi thực hiện chiến lược dời đi, theo Jason Wright – nhà sáng lập công ty phân tích Argo Associates, ông đang giám sát số lượng các công ty Hàn Quốc đang có ý định rời khỏi Trung Quốc. Samsung vẫn là nhà cung ứng vi mạch lớn của các công ty Trung Quốc như Huawei và việc di dời có thể sẽ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hiện tại.

Ngoài rủi ro về chính trị và thuế quan, Samsung đã chứng kiến thị phần tại đại lục giảm đáng kể do sự cạnh tranh từ các đối thủ nội địa. Theo công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, thị phần trên thị trường smartphone giảm từ 20% trong năm 2013, xuống chỉ còn 0,8% vào năm ngoái. Theo Julien Chaisse, một giáo sư luật thương mại tại Đại học Thành phố Hồng Kông, Lotte cũng đang có kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Không chỉ có hai “chaebol” nổi tiếng, nhà sản xuất ô tô Kia và Hyundai cũng chứng kiến thị phần giảm xuống 2,7% vào năm ngoái, từ mức 10% vào đầu thập kỷ này. Cả 2 công ty đang cân nhắc cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Giáo sư Chaisse cho hay: “Tôi nghĩ rằng các công ty châu Âu sẽ xem xét lại hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc, sẽ sớm thôi. Mỗi thời điểm sẽ là những câu chuyện, nguyên nhân khác nhau.”

RELATED ARTICLES

Tin mới