Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBiển Đông sẽ là khu vực Nhật Bản ưu tiên mở rộng...

Biển Đông sẽ là khu vực Nhật Bản ưu tiên mở rộng hiện diện quân sự

Nhật Bản lần đầu tiên triển khai binh sĩ thuộc Lữ đoàn Đổ Bộ Triển khai nhanh vừa được thành lập năm 2018 tham gia các nhiệm vụ dài hạn trên biển cùng tàu sân bay trực thăng JS Izumo. Đây là sự kiến đánh dấu sự tham gia hiện diện mạnh mẽ hơn của Nhật Bản ở Đông Nam Á và Biển Đông.

Từ ngày 30/4 – 10/7, Nhật Bản điều tàu khu trục hạm trực thăng JS Izumo và tàu khu trục đa dụng JS Murasame huấn luyện tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. Biên đội tàu chiến Nhật Bản cập cảng, thăm một số quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Singapore, Philippines và Brunei. Tư lệnh Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) Hiroshi Yamamura cho biết, chuyến huấn luyện này sẽ giúp cải thiện trình độ chiến thuật của binh sĩ, cũng như tăng cường hợp tác giữa hải quân các nước.

Hãng tin AP cho biết hôm 3/7, tàu sân bay trực thăng Izumo đã bắt đầu rời khỏi một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Philippines sau khi kết thúc đợt tập trận kéo dài hai tháng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương với Hải quân Mỹ cùng một vài nước khác trong khu vực. Nhật Bản cũng cho triển khai thêm hai khu trục hạm Murasame và Akebono trong đợt diễn tập bên cạnh Izumo.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) cũng cho biết đang điều chỉnh tàu sân bay chủ lực Izumo để có thể chở thêm chiến đấu cơ tàng hinh F-35B của Mỹ bên cạnh tuyên bố cũng sẽ đặt mua 42 chiếc F-35. Những động thái này cho thấy vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ, tờ South China Morning Post nhận định. Đại diện của Lữ đoàn Đổ Bộ Triển khai nhanh Nhật Bản cho biết mục đích của các cuộc tập trận gần đây là nhằm tăng tính phối hợp giữa họ và các lực lượng trên bộ nhằm diễn tập các thao tác đổ bộ lên đất liền trong tương lai.

Bên cạnh những cuộc tập trận, Hải quân nước này cũng tổ chức nhiều chương trình huấn luyện tập trung vào đối tượng tham gia là đại diện từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Chương trình huấn luyện này bao gồm các nội dung về luật hàng hải quốc tế, công tác cứu trợ thảm hoạ cũng như tập huấn di chuyển và liên lạc trên biển.

Lâu nay, Tokyo gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển năng lực quốc phòng do Điều 9 Hiến pháp soạn thảo sau Thế chiến II của nước này đã hạn chế đáng kể khả năng phát triển và nâng cấp lực lượng quân sự. Theo đó, vai trò của JSDF bị giới hạn chỉ còn bảo vệ Nhật Bản khi bị xâm lược, ngoài ra không thể được triển khai ra ngoài lãnh thổ nước này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ khi nhậm chức đã nhiều lần cam kết sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp nhằm gỡ bỏ các hạn chế đối với JSDF. Trên thực tế, vào năm 2015, ông đã đạt được thành công nhất định khi mở rộng phạm vi của của nghĩa vụ “phòng thủ” sang bao gồm cả các đồng minh của Nhật Bản.

Tất cả các diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động tuyên bố chủ quyền và hiện diện quân sự ở khu vực biển Đông. Đỉnh điểm của các hoạt động này là loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo đối hạm trái phép gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong cuộc diễn tập quân sự kéo dài năm ngày từ 29/6 đến 3/7 năm 2019. Trước đó, các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc từ tháng 5/2018 đã bí mật triển khai tên lửa hành trình đối hạm và phòng không lên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi của Việt Nam.

Hồi tháng 4/2019, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố trong năm 2018 các chiến đấu cơ nước này đã phải xuất kích khẩn cấp 999 lần để ngăn chặn các máy bay nước ngoài xâm phạm không phận. Trong số đó, 64% là máy bay Trung Quốc. Tại Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ – Nhật Bản (2+2), Nhật Bản và Mỹ đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, an ninh mạng, không gian vũ trụ, đồng thời tuyên bố phản đối các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Tại Đối thoại, các bộ trưởng cũng phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông; cam kết tăng cường phối hợp, cả song phương lẫn đa phương, trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh Mỹ và Nhật Bản phản đối các hoạt động quân sự hóa và gây mất ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông; đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng đầy đủ tiến trình luật pháp và ngoại giao, theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các bên phải tôn trọng Công ước về Luật Biển.

Tại Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7 (3/6) ở Hà Nội, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong cuộc gặp giữa Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản Tướng Koji Yamazaki và Tham mưu trưởng Quân đội Philippines Macairog S. Alberto (4/3), hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Không những vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (13/3) công bố kế hoạch đóng mới 12 tàu tuần tra hạng nhẹ cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) vào năm 2020. Mỗi chiếc dự kiến có lượng giãn nước 1.000 tấn và thủy thủ đoàn 30 người, giúp tăng cường khả năng tuần tra và trinh sát trên biển của nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các tàu tuần tra thế hệ mới sẽ đảm đương nhiệm vụ cho đội tàu khu trục cỡ lớn đang được Nhật sử dụng để tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông và Biển Đông Ngoài ra, Nhật Bản cũng khởi động chương trình đóng mới 22 khu trục hạm, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.900 tấn và thủy thủ đoàn 100 người, nhằm bảo đảm khả năng tuần tra Biển Hoa Đông trước năm 2032.

Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) và hải quân Canada đã tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập chung ở Biển Đông nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa hai lực lượng. Hải quân Hoàng gia Canada (RCN) và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) đã hoàn thành một loạt cuộc tập trận ở Biển Đông, với mục đích cải thiện khả năng tương tác và làm quen giữa hải quân hai nước. Theo đó, cuộc tập trận “KAEDEX” năm 2019 (13-15/6) là hoạt động trên biển song phương được Nhật Bản và Canada tiến hành từ năm 2017. Các lần lặp lại trước đây của cuộc tập trận đã diễn ra ở và ngoài vùng biển ngoài khơi Sasebo, Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc tập trận lần này được tổ chức tại vùng trời và vùng biển ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới