Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLiệu quân đội TQ có trở thành ‘đẳng cấp thế giới’

Liệu quân đội TQ có trở thành ‘đẳng cấp thế giới’

Để thực hiện được tham vọng biến PLA thành lực lượng quân đội “đẳng cấp thế giới” thì ông Tập Cận Bình còn nhiều việc phải làm..

Thời gian qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được đầu tư nhiều ngân sách và vũ khí hiện đại. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng 83% tính theo giá trị thực tế trong giai đoạn 2009 – 2018, có mức tăng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Điều này cho phép Trung Quốc triển khai các tên lửa chính xác và vũ khí chống vệ tinh thách thức quyền lực tối cao của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng “Giấc mơ Trung Quốc” của ông bao gồm “giấc mơ về một lực lượng vũ trang mạnh mẽ”. Theo ông, điều đó liên quan đến việc “hiện đại hóa” PLA vào năm 2035 và biến nó thành một lực lượng “đẳng cấp thế giới” vào năm 2050 – hay nói cách khác là đủ sức đánh bại Mỹ – vào giữa thế kỷ này.

Cải cách tổ chức có thể kém bắt mắt hơn so với những tên lửa hiện đại, máy bay chở hàng không người lái và siêu pháo vận hành bằng điện từ (tất cả đều được Trung Quốc thử nghiệm trong năm qua), nhưng sẽ chẳng ích gì nếu trao vũ khí tối tân cho một lực lượng lỗi thời. Trong Chiến tranh Lạnh, PLA đã phát triển chủ yếu nhằm đẩy lùi Liên Xô và Mỹ trong các cuộc chiến tranh trên bộ lớn trên lãnh thổ Trung Quốc. Bộ binh đông đảo sẽ nghiền nát kẻ thù trong các trận chiến kéo dài. Vào những năm 1990, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bị báo động bởi sức mạnh của Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, đã quyết định tập trung vào việc tăng cường khả năng của PLA nhằm chống lại các cuộc “chiến tranh cục bộ trong điều kiện công nghệ cao”.

Họ đã nghĩ đến những xung đột ngắn, khốc liệt ở vùng ngoại vi Trung Quốc, như ở Đài Loan, trong đó sức mạnh không quân và hải quân cũng quan trọng như lực lượng lục quân. Ông Tập cho rằng muốn chiến thắng trong những cuộc chiến như vậy đòi hỏi phải thay đổi cấu trúc của lực lượng vũ trang.

Mục tiêu chính của ông Tập là nhằm tăng cường khả năng “hợp đồng tác chiến”. Tăng cường khả năng của các lực lượng (lục quân, hải quân và không quân) phối hợp nhanh chóng và thuần thục trên chiến trường. Sự phối hợp này đặc biệt quan trọng trong các cuộc chiến tranh nổ ra ở nước ngoài. Sẽ rất khó khăn cho các chỉ huy tại tổng hành dinh quốc gia trong việc chỉ đạo các binh sĩ, thủy thủ và phi công từ một khoảng cách xa. Các lực lượng khác nhau phải có khả năng phối hợp cùng nhau mà không cần hướng dẫn từ cấp cao.

Mô hình Trung Quốc theo đuổi chính là Hoa Kỳ, nước mà theo Đạo luật oldwater-Nichols năm 1986 đã cải cách mạnh mẽ các lực lượng vũ trang của mình để đạt được mục tiêu này. Lầu Năm Góc chia toàn cầu thành các “bộ chỉ huy chiến đấu”. Các lực lượng sẽ không còn tranh cãi lẫn nhau nữa. Tất cả các binh sĩ, thủy thủ và phi công trong một khu vực nhất định, như Vịnh Ba Tư hoặc Thái Bình Dương, sẽ nhận lệnh từ một sĩ quan duy nhất.

Trung Quốc có vẻ đang làm theo điều đó, các chỉ huy lực lượng lục quân và hải quân tại bảy quân khu trong nước sẽ báo cáo cho Bộ Tư lệnh lực lượng của họ, hầu như có rất ít hoặc không có sự phối hợp giữa các lực lượng với nhau. Vào tháng 2 năm 2016, ông Tập đã thay thế các quân khu bằng năm “chiến khu”, mỗi chiến khu do một chỉ huy duy nhất kiểm soát. Chẳng hạn, chiến khu Đông có trụ sở tại Nam Kinh sẽ chuẩn bị chiến tranh với Đài Loan và Nhật Bản. Chiến khu Tây rộng lớn, đóng tại Thành Đô, sẽ đối phó với Ấn Độ. Chiến khu Nam đóng tại Quảng Châu sẽ quản lý Biển Đông. Song song với các chiến khu chia theo phạm vi địa lý này, hai Bộ Tư lệnh khác cũng đã được hình thành vào năm 2015 để nhắm vào các điểm yếu của Mỹ. Các lực lượng Mỹ phụ thuộc vào thông tin liên lạc qua các vệ tinh, mạng máy tính và các kênh công nghệ cao khác. Vì vậy, ông Tập đã tạo ra một Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới để nhắm vào các hệ thống này. Lực lượng này chỉ đạo chiến tranh không gian, chiến tranh mạng, điện tử và tâm lý. Sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á cũng phụ thuộc vào mạng lưới căn cứ và các hàng không mẫu hạm. Ông Tập đã nhắm mục tiêu vào mạng lưới này bằng cách thiết lập một lực lượng mới gọi là Lực lượng Tên lửa Chiến lược, nâng cấp từ lực lượng trước đây ít được biết đến gọi là Quân đoàn Pháo binh số hai.

Ông Tập cũng đã thu gọn các lực lượng vũ trang, mặc dù quân số PLA vẫn ở mức hơn 2 triệu người. Kể từ năm 2015, PLA đã cắt giảm 300.000 lính, hầu hết trong số họ thuộc lực lượng lục quân, trong đó giảm một phần ba số sĩ quan chuyên nghiệp và giảm tỉ trọng của lục quân từ 70% xuống còn một nửa tổng quân số của PLA (mặc dù lục quân vẫn được giữ lại lực lượng văn công mà ban đầu được cho là sẽ bị loại bỏ). Ngược lại, thủy quân lục chiến tăng gấp ba quy mô. Các sĩ quan hải quân và không quân đã giành được nhiều chức vụ quyền lực hơn, bao gồm cả vị trí tư lệnh của hai chiến khu. Điều này phản ánh sự gia tăng ưu tiên của PLA đối với hải quân và không quân.

Thật khó để đánh giá liệu cơ cấu mới của PLA có hiệu quả hơn trên chiến trường hay không. Trung Quốc đã không tham gia một cuộc chiến nào trong bốn thập niên. Những người lính Trung Quốc cuối cùng có kinh nghiệm về một cuộc xung đột quy mô lớn – cuộc chiến với Việt Nam năm 1979 – sẽ sớm nghỉ hưu.

Nhưng có bằng chứng cho thấy PLA đang giỏi hơn về mặt hợp đồng tác chiến. Một số hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc bên ngoài biên giới, đáng chú ý là các hoạt động của máy bay ném bom quanh Đài Loan và trên Biển Đông, cho thấy sự phối hợp ngày càng tăng giữa các lực lượng không quân và hải quân.

Nhưng quân đội Trung Quốc có thể vẫn chưa sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh phức tạp. Ở Mỹ, việc thăng hàm thường phụ thuộc vào khả năng của sĩ quan khi làm việc với các lực lượng khác. Các sĩ quan Trung Quốc lại thường dành toàn bộ sự nghiệp của mình làm việc trong một lực lượng duy nhất, trong cùng một khu vực địa lý và thậm chí chỉ làm một công việc duy nhất. Văn hóa chính trị cũng là một vấn đề khác. “Các cấu trúc mà Trung Quốc đang cố gắng mô phỏng dựa trên sự cởi mở, ủy quyền và hợp tác”, theo lời Đô đốc Scott Swift tại Đại học MIT, người mới nghỉ hưu năm ngoái với tư cách là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ông nói rằng chiến tranh hiện đại đòi hỏi phải ra quyết định phi tập trung vì chiến tranh mạng và điện tử có thể cắt đứt liên lạc giữa chỉ huy và các đơn vị. “Các quân đội được thành lập dựa trên các nguyên tắc dân chủ sẽ trở nên lão luyện hơn trong việc thích nghi với môi trường đó”, Đô đốc Swift cho biết. Ông Tập là một người độc đoán, cố gắng tập trung quyền kiểm soát. Người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào, không kiểm soát chặt chẽ PLA. Đó là bởi vì người tiền nhiệm của ông Hồ, Giang Trạch Dân, đã bổ nhiệm hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, một cơ quan quyền lực giám sát các lực lượng vũ trang. Họ nắm giữ chức vụ đó trong suốt nhiệm kỳ của ông Hồ, làm nản lòng mọi nỗ lực nhằm cải cách PLA, kiềm chế tham nhũng và kỷ luật kém.

Ông Tập quyết tâm không chịu chung số phận. Các cuộc thanh trừng chống tham nhũng của ông đã hạ bệ hơn 13.000 sĩ quan. Ông Tập đã giảm số thành viên quân ủy trung ương từ 11 xuống còn 7 người, loại bỏ một số chỉ huy lực lượng và bổ sung một sĩ quan chống tham nhũng. Cơ quan này cũng được trao quyền kiểm soát cả lực lượng bán quân sự Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, lực lượng sau đó đã tiếp nhận quyền kiểm soát lực lượng Hải cảnh. Có thể thấy quá trình tái cấu trúc đã tạo ra sự bất bình nhất là đối với các sĩ quan cao cấp không hài lòng khi mất đi các đặc quyền. Những người lính bị loại ngũ đôi khi xuống đường để thể hiện sự bất bình. Ngoài ra, nó cũng đang bộ lộ nhiều trở ngại , trong đó lớn nhất là vấn đề con người, theo ông Phillip C. Saunders, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự Mỹ thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ đã nói “hạn chế quan trọng nhất của PLA là phương diện con người, trang thiết bị vũ khí không gặp vấn đề quá lớn, phương diện tổ chức cũng không có trở ngại lớn nhưng các bạn đã có đội ngũ sĩ quan tham mưu đạt tiêu chuẩn chưa, có đội ngũ sĩ quan chỉ huy tác chiến liên hợp đạt tiêu chuẩn chưa? Tôi nhận thấy đây là điểm thiếu sót nhất của quân đội Trung Quốc”. Ông này lấy sĩ quan lục quân PLA làm ví dụ: Trước khi trở thành một phó chỉ huy nòng cốt, các hoạt động chính của một sĩ quan lục quân bị giới hạn trong một chiến khu và đây là một phạm vi rất hạn chế. Bạn có thể hiểu rõ hoạt động của lục quân PLA nhưng bạn không nắm rõ tình hình của các quân chủng khác. Bạn không có tầm nhìn rộng hơn. Bạn không biết cách chỉ huy lực lượng tác chiến liên hợp. Tôi nghĩ đây là một hạn chế thực sự. Căn cứ theo mục tiêu quân sự mạnh mẽ của ông Tập là quân đội biết đánh trận và đánh phải thắng; thì tăng cường khả năng tác chiến liên hợp là trọng tâm của cải cách quân đội nhưng Trung Quốc hiện thiếu đội ngũ sĩ quan chỉ huy liên hợp là những tài năng quân sự.

PLA cũng có những điểm yếu trong lĩnh vực nguồn nhân lực bao gồm: Trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết sâu về kỹ thuật, những thiếu sót về sức khỏe tâm lý và thể chất, tham nhũng và tinh thần chiến đấu v.v…

Đặc biệt, đối với chiến tranh tương lai khi hải quân, không quân và thông tin hóa là lực lượng chính thì các binh sĩ PLA thiếu khả năng tích hợp các trang thiết bị tác chiến thế hệ mới để đưa vào tác chiến thực tế.

Tóm lại, để thực hiện được tham vọng biến PLA thành lực lượng quân đội “đẳng cấp thế giới” thì ông Tập Cận Bình còn nhiều việc phải làm, và trong khi PLA tăng cường đầu tư, hiện đại hóa thì các nước khác trong đó gồm cả những nước có nguy cơ bị Trung Quốc xâm chiếm cũng bổ sung ngân sách, hiện đại quân đội của họ, làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang.

RELATED ARTICLES

Tin mới