Chuyên gia khẳng định bản chất thương chiến Mỹ-Trung là 1 loạt các “container mâu thuẫn”, để kết thúc cuộc chiến cần thời gian và nhiều nhượng bộ nữa từ 2 phía.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, hồi cuối tuần trước, khép lại với một thỏa thuận nhỏ giữa hai bên, mang đến niềm hy vọng le lói cho nền kinh tế toàn cầu sau một năm “co giật” theo thương chiến Mỹ-Trung.
Trả lời câu hỏi của PV VTC News về khả năng đi đến một thỏa thuận kết thúc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, khẳng định “thỏa thuận nhỏ” mà hai bên đạt được vừa qua là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể đã đến ngưỡng, tuy nhiên để dứt điểm cuộc thương chiến này chắc chắn sẽ cần rất nhiều thời gian, rất nhiều nhượng bộ nữa từ cả hai bên.
Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Trong bối cảnh sản xuất, thương mại và đầu tư của cả thế giới đang có tính hội nhập rất cao, dù là nền kinh tế lớn đến cỡ nào cũng không thể tự đứng một mình được nếu không có sự hỗ trợ của các nền kinh tế khác thông qua chuỗi cung ứng. Và vì là hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới, nên việc Mỹ và Trung Quốc xảy ra thương chiến sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế còn lại có liên quan, dù là nền kinh tế rất nhỏ.
Khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu chững lại. Bởi một khi hàng Trung Quốc không bán được sang Mỹ, hay ngược lại, thì tất cả chuỗi cung ứng phía sau cũng sẽ phải dừng lại. Và một khi cuộc chiến này bị đẩy lên cao trào thì nó sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch thương mại của Trung Quốc, của Mỹ cùng với của tất cả các nền kinh tế khác, đồng thời sẽ đẩy không phải hàng triệu, mà là hàng chục triệu, hàng trăm triệu người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Từ đó mà tăng trưởng GDP toàn cầu cũng sẽ giảm theo.
Một khi kinh tế gặp khó khăn, sẽ không loại trừ khả năng cuộc thương chiến sẽ “biến tướng” thành một cuộc chiến bom đạn thực sự. Nhìn vào mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, không phải không có cơ sở cho suy nghĩ rằng nếu ông Trump cứ mãi áp thuế với hàng hóa Trung Quốc và chèn ép Huawei, khiến ông Tập không vui, thì nước Mỹ có thể sẽ không bao giờ có được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên, hay thậm chí là có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc chiến còn thảm khốc hơn rất nhiều dẫu cho, một cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim vừa diễn ra tuần trước.
Thương chiến Mỹ-Trung còn xa mới có thể “đáp đất”
Mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ nằm trong 300 tỷ USD hàng hóa mà ông Trump hứa ngừng đánh thuế. Do đó, cam kết của ông Trump cũng không giải quyết được cuộc chiến này, bởi đây là một cuộc chiến đầy ắp những “container mâu thuẫn” giữa hai bên.
Vấn đề ở chỗ, Mỹ đang muốn Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường khổng lồ trong nước, giảm sự hỗ trợ nhà nước đối với các doanh nghiệp nội địa, đồng thời ngừng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với các công ty Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh lại luôn phủ nhận mọi cáo buộc của Washington và từ chối thực hiện các thay đổi lớn liên quan đến hệ thống kinh tế trong nước.
Theo chuyên gia, việc Tổng thống Mỹ tuyên bố tạm ngừng tăng thuế chỉ là một quyết định đầy ngẫu hứng, nhưng phải khẳng định rằng đối với con người ông Donald Trump thì mỗi quyết định ngẫu hứng đều không phải không có sự cân nhắc. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, ông Trump hiểu rằng ở thời điểm hiện tại không nên đẩy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, cũng như với các đối tác thương mại lớn như Canada, Mexico hay Liên minh châu Âu, lên cao được nữa.
Tuy nhiên, để có thể giải quyết dứt điểm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn cần rất nhiều thời gian, rất nhiều nhượng bộ của cả hai bên. Đồng thời, Trung Quốc phải sửa đổi căn cơ quan hệ thương mại với Mỹ và với nhiều quốc gia khác trên thế giới thì cuộc thương chiến này mới có thể tìm được hướng giải quyết. Bởi Mỹ sẽ không bao giờ để cho Trung Quốc yên nếu còn chèn ép các nền kinh tế khác, đặc biệt là của các đồng minh của Mỹ.