Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChủ tịch TQ trở thành ‘Chiến binh cô đơn’ ở G20 và...

Chủ tịch TQ trở thành ‘Chiến binh cô đơn’ ở G20 và sự tình ẩn giấu

Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Osaka, Nhật Bản đã kết thúc, nhưng những hình ảnh dễ khiến người ta hình dung người đứng đầu Trung Quốc bị cấp dưới coi thường được lưu lại khiến ông Tập Cận Bình không khỏi xấu hổ, theo Secret China.

Nguyên thủ của một cường quốc như ông Tập, lại ngồi trơ trọi một mình trước cuộc hội đàm với đoàn khách nước ngoài, chờ đợi đoàn đại biểu đi cùng lững thững bước vào chỗ, thậm chí còn có một lần bị đối phương thẳng thừng hủy bỏ cuộc hội đàm. Đó hẳn là những trải nghiệm không muốn nhớ của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tại Osaka, Nhật Bản.

Quan chức Trung Quốc lặp lại vi phạm phép tắc ngoại giao đơn giản nhiều lần

Ngày 27/6, trước khi diễn ra cuộc hội đàm với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, chủ tịch Tập Cận Bình bị ký giả chụp được cảnh ngồi một mình lẻ loi ở bên dãy bàn hội nghị đối diện với ông Abe và các quan chức Nhật Bản khác, chỉ vì đoàn đại biểu Trung Quốc đến muộn. Nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên trên trang Khán Trung Quốc (Secret China) đã nhận xét: “Thần sắc của ông Tập khi đó không khỏi có phần gượng gạo”.

Ông Tập một mình ngồi đối diện với ông Abe và các quan chức Nhật Bản khác chỉ vì đoàn đại biểu Trung Quốc đến muộn. (Ảnh: Kimimasa Mayama/AFP)

Ngày 29/6, ông Tập có buổi hẹn trò chuyện với Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, nhưng đoàn đại biểu Trung Quốc, gồm cả ông Tập trong đó lần nữa lại đến khá muộn. Hai bên sau đó chuyện trò được 25 phút thì phía Brazil đã đơn phương tuyên bố hủy bỏ cuộc trò chuyện. Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở thành trò cười trên trường quốc tế. Tất nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc không hề đưa tin về việc này.

Từ đây, các trang mạng xã hội và truyền thông đã lặp lại nhiều lần biệt danh “chiến binh cô đơn” của ông Tập, vốn do Tổng thống Nga Putin đặt cho ông từ trước đó.

Cách đây hai năm, vào ngày 8/6/2017, ông Tập và ông Putin có cuộc gặp mặt tại Kazakhstan, đoàn đại biểu bên phía Trung Quốc khi đó đều đến muộn, chỉ có ông Tập Cận Bình và người phụ tá Đinh Tiết Tường đối mặt với đoàn đại biểu của Nga, gồm cả Tổng thống Putin trong đó. Ông Putin khi đó đã cười và dùng tiếng Nga gọi ông Tập là “chiến binh cô đơn”.

Trong buổi gặp mặt với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, ông Tập lần nữa rơi vào tình cảnh “chiến binh cô đơn”. Người lãnh đạo ĐCSTQ trước giờ vốn luôn rất xem trọng sĩ diện trên trường quốc tế, vì sao lại nhiều lần dễ dàng bỏ qua cho sự vô lễ, thiếu tôn trọng của cấp dưới như vậy. 

Khoảnh khắc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối diện với phái đoàn Nga. (Ảnh: Reuters)

Văn hóa méo mó từ đại lục ra quốc tế

Nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên đã nhận định, “khía cạnh này một phần là do giáo dưỡng của các quan chức ĐCSTQ xác thực là không được cao. Trung Quốc ngày xưa từng là ‘lễ nghi chi bang’ (một quốc gia của những lễ nghi), nhưng kể từ sau khi ĐCSTQ dựng lập chính quyền, đã phá bỏ toàn bộ văn hóa truyền thống, thay vào đó là một bộ văn hóa méo mó biến dị”.

“Biểu hiện của người Trung Quốc trong công tác và cuộc sống thường ngày chính là không xem trọng lễ tiết, cẩu thả tùy tiện, việc đến muộn từ lâu đã trở thành thói quen, toàn thể người Trung Quốc đều chịu độc hại sâu nặng”.

Tập thể các quan chức Trung Quốc nhiều lần đến muộn, cho thấy họ đã mang tác phong này từ trong nước ra đến trường quốc tế. Hơn nữa, theo ông Trịnh, các quan chức ĐCSTQ trước nay vẫn luôn quảng bá “văn hóa tranh đấu” trong ngoại giao, mà Hoa Kỳ gọi là “ngoại giao răn đe” với những hành vi thấp kém như lớn tiếng quát tháo, thượng cẳng chân hạ cẳng tay cũng không phải là điều gì hiếm hoi. 

Josh Rogi của tờ Washington Post đã từng viết một bài về “Ngoại giao răn đe của Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh APEC” vào năm ngoái, chỉ ra các chính khách Trung Quốc cản trở Hội nghị Thượng đỉnh ra Tuyên bố chung. Trong thời gian hội nghị, đoàn đại biểu của TQ đã gây hàng loạt hành động hung hăng quái gở, muốn làm chủ hội nghị, ép buộc nước chủ nhà và những nước khác phải chấp nhận theo yêu cầu của họ. 

Media player poster frame
 

Vì sao chính quyền Trung Quốc hành xử trái ngược với thế giới tự do

 
 Nhưng bên cạnh văn hóa kỳ cục mang từ đại lục ra nước ngoài, ông Trịnh cho rằng, nhìn từ một góc độ khác, “hiện tượng này hẳn cũng có liên quan tới vấn đề cầm quyền chính thức sau loạt chính sách chống tham nhũng của ông Tập”.

Ông Trịnh cho biết: “Có thể thấy từ các nguồn tin chính thức rằng, mấy năm gần đây quan chức của ĐCSTQ đã rơi vào bầu không khí chính trị uể oải như ngày tận thế. Ngày càng nhiều các trường hợp quan chức liên quan đến đánh bạc, hút ma túy, chơi trò chơi điện tử, lướt web, xem phim khiêu dâm, thậm chí là ngoại tình ngay trong giờ làm việc bị phanh phui”.

Truyền thông Trung Quốc cũng nhiều lần đưa tin về thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhiều lần nổi giận ngay trong hội nghị công tác vì thấy các quan chức không tuân theo chủ trương, phán quyết của chính phủ, thậm chí có lần ông còn ném vỡ ly trà ngay trên bàn. 

Ông Trịnh còn bình luận thêm rằng: “Trên báo chí dễ dàng bắt gặp ảnh ông Lý Khắc Cường với quầng mắt thâm đen, kỳ thực đều là do mệnh lệnh chính trị không ra khỏi Trung Nam Hải khiến ông thật sự mệt mỏi và bất lực”.

Tình trạng biếng nhác chính trị chốn quan trường ĐCSTQ cũng có liên quan với việc ông Tập chống tham nhũng trong mấy năm nay. Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình khiến rất nhiều quan chức Trung Quốc bị ngã ngựa (Ảnh: Tinhhoa)

Ông Trịnh bình luận tiếp: “Ở đây không phải nói là ông Tập chống tham nhũng không đúng, trong nhiệm kỳ đầu ông Tập đã dốc hết toàn lực chống tham nhũng, qua đó đã bắt giữ được không ít tham quan, khiến cho giới quyền quý ngày đêm thấp thỏm, bởi vậy đã kết không ít kẻ thù”.

“Mặt khác, ông Tập lại không muốn tiến hành cải tổ chính trị, dưới thể chế ĐCSTQ, càng chống tham nhũng lại càng nhiều tham nhũng, những băng nhóm lớn như Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng vốn là kẻ đối đầu chính trị và đứng đầu danh sách tham nhũng thì ông Tập lại không sờ đến, các quan chức bên dưới nhìn vào đó, không khỏi cười khẩy về chiến dịch chống tham nhũng giả tạo của ông, và tất nhiên sẽ không một lòng với ông”.

Tình trạng biếng nhác, khinh nhờn hiện nay có thể nói là một phương thức khác mà các quan chức lớn nhỏ các cấp áp dụng để đối kháng lại cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập.

Có người đã phân chia chốn quan trường ĐCSTQ thành ba loại người: Một là nhóm những người thích xem tuồng hay, hai là những người ngồi không hưởng lợi, ba là những kẻ mù quáng làm bậy. Có vẻ điều này đã được kiểm chứng trong các buổi họp ngoại giao của đoàn chính khách Trung Quốc. Đoàn thể các quan chức đến muộn có thể đang cố tình khiến ông Tập bị xấu mặt trên trường quốc tế. 

Cuộc đấu đá trong nội bộ đảng

Ông Trịnh cũng cho rằng, các quan chức dám làm cho Tập Cận Bình xấu mặt, hẳn cũng có liên quan đến nhân tố đấu đá giữa các giới chức cấp cao trong nội bộ đảng. “Vì sao lại nói như vậy? Tranh đấu chính trị trong nội bộ ĐCSTQ xưa nay vẫn luôn là “một mất một còn”, từ trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cho đến hiện nay, vẫn luôn tồn tại sự uy hiếp từ kẻ đối địch chính trị”, ông Trịnh giải thích.

Ngày 24/6, trong hội nghị Bộ Chính trị, ông Tập nói đến nguy hiểm lay động gốc rễ của đảng “nơi đâu cũng có”. Nói về nguy hiểm của đảng, thực ra cũng chính là nguy hiểm của bản thân ông Tập Cận Bình.

Ông Trịnh cho biết, “Chỉ riêng Thường ủy Bộ Chính trị chủ quản về tư tưởng và tuyên truyền Vương Hộ Ninh bên cạnh ông Tập Cận Bình, chính là một nhân vật nguy hiểm. Ông Vương Hộ Ninh được ba thế hệ lãnh đạo đảng trọng dụng vì đã có công chế ra một bộ hệ thống lý luận dùng để tẩy não toàn thể đảng viên và người dân cả nước”.

“Giới quan sát bên ngoài nhìn nhận rằng Vương là thân tín của ông Giang Trạch Dân. Hiện nay, ông Tập Cận Bình cố chấp bảo vệ đảng, có lẽ vẫn mơ hồ chưa ý thức được mình đang bị Vương kiểm soát. Còn ông Vương Hộ Ninh, sau khi có được quyền thế đã ngầm sắp đặt mọi thứ để đưa ông Tập vào bẫy”.

Dưới sự thúc đẩy của Vương Hộ Ninh, chính quyền Bắc Kinh, ngoài việc đáp trả cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung với lý thuyết của ĐCSTQ ban đầu, gần đây đã áp dụng thêm thủ pháp của Mao Trạch Đông. Ngày 1/7, báo nhà nước Trung Quốc đã cho đăng lại một bài viết cũ của ông Tập, trong đó có nhắc lại việc Mao Trạch Đông phát động “Chỉnh phong Diên An” kéo dài liên tiếp 3 năm từ 1942, ý là nói ông Tập đang muốn làm trong sạch đảng, củng cố địa vị đứng đầu ĐCSTQ.

“Điều này cũng cho thấy, chính ông Tập cũng không thực sự có niềm tin đối với việc chống tham nhũng mà ông đã phát động trong nhiều năm, đặc biệt là trong tình hình nội bộ đảng có sự chia rẽ, không đồng lòng, thậm chí là trong tâm ông còn có sự sợ hãi”, ông Trịnh bình luận.

Những phen đấu trí đấu lực tinh tế giữa Vương Hộ Ninh và Tập Cận Bình cũng được thể hiện trong hệ thống tuyên truyền. Từ khi diễn ra cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ đến nay, ông Tập vẫn một lòng muốn đạt được thỏa thuận với Tổng thống Trump, nhưng giới truyền thông ĐCSTQ lại tuyên truyền kích động người dân chống Mỹ, khuấy động tình cảm yêu nước chống Mỹ của người dân.

Trước khi ông Tập tham dự hội nghị G20 lần này, trang Tân Hoa Xã – kênh truyền thông của ĐCSTQ ngày 26/6 có đăng bài viết, trong đó có đoạn: “Trong lúc Mỹ – Trung trải qua những phen đối đầu căng thẳng, cần phải nêu cao cảnh giác đề phòng những kẻ ‘ném lựu đạn sau lưng’”.

Ông Trinh lý giải: “Đây rốt cuộc là đang nhắc nhở ông Tập hay nhắc nhở ai khác? Tuyên truyền của ĐCSTQ trên thực tế hoàn toàn đi ngược lại với việc làm của ông Tập, thật không khó để người ta thấy có người gây rối đằng sau”.

Giữa bối cảnh như vậy, quá trình làm việc của ông Tập tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản chắc hẳn có gian nan. Trên mạng xã hội có video quay được cảnh ông Tập một mình lẻ loi đi lại giữa các chính khách quan trọng của các nước trong Hội nghị G20. Những áp lực lên ông Tập có thể phần nhiều là đến từ phe đối đầu chính trị trong nội bộ đảng.

“Ví như các viên chức đồng loạt đến muộn, có thể chính là cấp dưới cố tình mang ông Tập ra đùa cợt, nên cố tình nhớ sai giờ hẹn? Vẫn luôn có nhiều nguồn tin cho hay, cuộc chiến thương mại đã khiến cho ĐCSTQ chia năm xẻ bảy. Trước đó, có một nữ sĩ thuộc thế hệ ‘Hồng nhị đại’ xin được giấu tên tiết lộ với truyền thông bên ngoài rằng, ‘có những người trước mặt ông Tập đã đào sẵn cái hố, sau lưng đào sẵn cái hố”, ông Trịnh chia sẻ.

Nếu những lời này là thật, thì không khó hiểu khi gần đây luôn có tin đồn rằng bầu không khí nội bộ ĐCSTQ hiện nay rất khác lạ, và quyền lực trong tay ông Tập hiện giờ rốt cuộc thế nào vẫn còn là một ẩn đố.

RELATED ARTICLES

Tin mới