Trong những năm gần đây, Ấn Độ là một trong những nước tăng cường hợp tác, thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông.
Trước đó, bất chấp việc Trung Quốc đưa ra mời thầu các lô dầu khí ở Biển Đông và phản đối sự hiện diện của các tàu khảo sát của Ấn Độ tại khu vực, ONGC Videsh vẫn quyết định phối hợp với Việt Nam tiếp tục thăm dò lô dầu khí 128 ở Biển Đông và Việt Nam đã gia hạn 5 lần hợp đồng cho công ty này. Tuy nhiên, cuộc đối đầu quân sự căng thẳng dài 73 ngày giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Doklam năm 2017 đã khiến quan hệ song phương đi xuống. Hiện hai bên đang tiến hành các cuộc gặp để bình thường hóa quan hệ. Theo một quan chức chính phủ giấu tên của Ấn Độ, sau quá trình thăm dò, không có nguồn khí ở lô 128 nhưng OVL hiện diện ở đây là do phía Việt Nam muốn vậy và để thực hiện cam kết hợp đồng với Việt Nam, OVL đang thương lượng để chuyển sang một lô dầu khí khác của Việt Nam. Vậy đây là nguyên nhân chính khiến Ấn Độ muốn chuyển sang khu vực khác để thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Tiềm lực của Công ty dầu khí ONGC Videsh Ltd
OVL là một công ty đa quốc gia của Ấn Độ, hoạt động trong ngành thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên. Công ty đặt trụ sở chính tại Dehradun, bang Uttarakhand. Đây là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ Ấn Độ nắm tỉ trọng vốn lớn, thuộc quyền quản lý của Bộ Dầu khí Ấn Độ. ONGC là công ty thăm dò và khai thác dầu khí lớn nhất toàn quốc, sản xuất khoảng chừng 69% lượng dầu mỏ của Ấn Độ (tương đương khoảng 30% tổng nhu cầu về dầu trong nước) và khoảng 62% khí thiên nhiên của Ấn Độ.
ONGC được thành lập ngày 14 tháng 8 năm 1956. Hiện thời Chính phủ Ấn Độ đang sở hữu 69,23% vốn của công ty. ONGC tham gia thăm dò và khai thác dầu khí ở 26 bồn địa trầm tích của Ấn Độ, sở hữu và điều hành trên 11.000 km đường ống dẫn dầu khí trong nước. Công ty con Videsh có dự án ở 15 quốc gia. ONGC đã phát hiện được 6 trong 7 mỏ dầu đang khai thác thương mại ở bồn địa Ấn Độ. Mặc cho sự giảm sút sản lượng khai thác từ các mỏ cũ trên toàn cầu, ONGC vẫn duy trì được sản lượng nhờ sự hỗ trợ của việc đầu tư không tiếc tiền cho các dự án IOR (Improved oil recovery) và EOR (Enhanced oil recovery). Tại nhiều mỏ cũ, tỉ lệ khôi phục của ONGC đạt 25-33%.
Ngày 31 tháng 3 năm 2013, giá trị vốn hóa thị trường của công ty đạt 2,6 ngàn tỉ rupee (48,98 tỉ đô la Mỹ), khiến công ty được xếp thứ hai trong danh sách các công ty đại chúng lớn nhất Ấn Độ. Trong cuộc khảo sát của chính phủ dành cho năm tài chính 2011-2012, ONGC được xếp là doanh nghiệp nhà nước tạo ra lợi nhuận nhiều nhất Ấn Độ. ONGC đứng ở hạng 357 trong danh sách Fortune Global 500 (500 công ty lớn nhất thế giới) vào năm 2012. Công ty đứng hạng 22 trong danh sách 250 Công ty Năng lượng Hàng đầu (Top 250 Global Energy Companies) của Platts.
Quá trình hợp tác khai thác dầu khí giữa Ấn Độ và Việt Nam ở Biển Đông
Ngay từ những năm 1980, Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam. OVL vào Việt Nam từ năm 1988 và đã có được giấy phép khai thác Lô 6.1. Đến năm 2006, công ty này được quyền thăm dò các Lô 127 và 128. Sau đó, Ấn Độ rút ra khỏi Lô 127 ở ngoài khơi Phú Khánh vì không tìm thấy dầu khí.
Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Tuy nhiên, Ấn Độ đã khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ. Ấn Độ cũng bán tàu tuần duyên cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tuần tra ven biển của Việt Nam. Các tàu chiến của Ấn Độ nhiều lần cập cảng Việt Nam và sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ các cơ sở dự án liên doanh trên trong trường hợp bị đe dọa. Vào tháng 10/2014, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam về các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam. OVL đã quyết định lần thứ 3 gia hạn giấy phép thăm dò tại Lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định Lô 128 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS. Trước đó, vào năm 2011, Bắc Kinh đã cảnh báo phi lý OVL rằng, “các hoạt động thăm dò của công ty này ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam là phi pháp và vi phạm chủ quyền Trung Quốc”, song OVL vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển này.
ONGC từng tiết lộ dù bị Trung Quốc gây sức ép, song vẫn tiếp tục tiến hành thăm dò dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam là do không có tàu lớn ra vào lô 127 và 128 mà Ấn Độ đang khai thác trong một thời gian dài; Tòa quốc tế ra phán quyết Trung Quốc vi phạm luật quốc tế. Nếu xảy ra đụng độ trong khu vực, cộng đồng quốc tế sẽ xem xét việc này một cách nghiêm túc.
Hiện OVL đang giữ 45% cổ phần trong Lô 6.1, cách bờ biển Việt Nam 375km. Rosneft Vietnam BV nắm 35% và Petro Vietnam nắm giữ 20% còn lại. OVL đã hoàn thành khảo sát giai đoạn 1 tại Lô 128 khơi miền Trung Việt Nam do họ nắm 100% quyền điều hành. Việt Nam tiêu thụ gần ¼ sản lượng dầu khí của OVL, bao gồm 5,5 triệu tấn dầu và 3,3 tỷ mét khối khí trong giai đoạn 2014 – 2015.
Ngoài mục đích kinh tế, Ấn Độ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông là nhằm đối phó Trung Quốc
Ấn Độ có lợi ích kinh tế quan trọng ở khu vực Biển Đông bởi vì: (1) Tốc độ tăng trưởng thương mại của Ấn Độ với các nước Đông Á là nhanh nhất so với các khu vực khác (28%), đạt mức 250 tỷ USD trong năm 2014. Một số nhà đầu tư hàng đầu tại Ấn Độ hiện nay đến từ khu vực Đông Á; (2) nhiều dòng chảy thương mại của Ấn Độ đi qua khu vực Biển Đông, trong đó có tuyến đường nhập khẩu dầu thô quan trọng từ khu vực Sakhalin của Nga; (3) Ấn Độ đang thúc đẩy chính sách “Hành động phía Đông”, nỗ lực trở thành một phần trong chuỗi cung ứng giá trị ở khu vực Đông Nam Á để tạo sự kết nối lớn hơn với khu vực. Ấn Độ hiện đã ký kết nhiều thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) và thỏa thuận Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) với nhiều nước, khu vực trong đó có ASEAN. Bên cạnh đó, New Delhi cũng đang tích cực tham gia vào các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mở rộng trong khu vực như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); (4) Đông Nam Á là khu vực năng động nhất trên thế giới, Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia trong khu vực này.
Về lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông, có thể nhìn nhận dưới một số góc độ sau: Một là, Biển Đông là trung tâm của Đông Nam Á, là tuyến đường vận tải biển quan trọng của khu vực. Do đó, bất kỳ quốc gia nào kiểm soát được khu vực Biển Đông đều tạo ra được những lợi thế chiến lược to lớn. Hai là, Trung Quốc đang nổi lên như “người chơi thống trị” trong khu vực với những hành động quyết đoán và ngang ngược, phớt lờ sự phản đối cũng như lợi ích của các nước trong khu vực. Ba là, sự gia tăng hiện diện của Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng như các quốc gia liên quan ở khu vực Biển Đông có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Trong tình huống đó, đây không còn là cuộc chiến giữa 2 hoặc 3 quốc gia với nhau mà sẽ có sự tham gia của nhiều cường quốc và sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực cũng như ảnh hưởng đến lợi ích của Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ cần đóng vai trò lớn hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, đồng thời tạo ra sự cân bằng chiến lược cần thiết cho ổn định và phát triển ở khu vực.
Ngoài ra, cũng giống như Việt Nam và một số nước ASEAN, Ấn Độ cũng tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực biên giới giữa hai nước. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh liên tục triển khai vũ khí, điều quân đội áp sát khu vực tranh chấp khiến quan hệ song phương ngày càng trở nên căng thẳng. Chính vì vậy, Ấn Độ muốn thông qua việc đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác quốc phòng và thương mại với Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung là một phần chiến lược cân bằng ảnh hưởng và gia tăng ảnh hưởng để đối chọi với Trung Quốc. Thời gian tới, Ấn Độ cần tăng cường hợp tác và phối hợp với Mỹ trong duy trì và đảm bảo an ninh, hòa bình ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bên cạnh đó tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Việt Nam cũng như mở rộng hợp tác với Indonesia để tăng cường vai trò, ảnh hưởng của New Delhi ở khu vực cũng như đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, New Delhi cũng cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương như Ấn-Mỹ-Nhật, Ấn-Việt-Nhật, trước mắt chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, tham gia các cuộc tập trận hải quân chung, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, dần dần hướng tới các cuộc đối thoại chính sách chiến lược đa phương góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Không những vậy, ngoài vấn đề kinh tế và chiến lược, Ấn Độ còn muốn thông qua việc tăng cường hiện diện ở Biển Đông để đảm bảo rằng, lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp hàng hải ở Biển Đông không tái diễn ở Ấn Độ Dương. Những sự kiện diễn ra gần đây ở Biển Đông có thể báo hiệu cho hành vi tiềm năng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong tương lai, đặc biệt nếu Trung Quốc nâng việc bảo vệ các tuyến đường biển lên thành “một lợi ích cốt lõi”, bằng với các lợi ích chủ quyền trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp lục địa và hàng hải cũng như việc tái thống nhất với Vùng lãnh thổ Đài Loan. Hơn nữa, việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của hải quân ở Ấn Độ Dương sớm muộn có thể dẫn đến việc nước này can thiệp vào các cuộc tranh chấp về đường biên giới trên biển giữa Ấn Độ với các nước láng giềng gồm Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Trên thực tế, Trung Quốc đã được phép tham gia vào hoạt động khai thác đáy biển ở khu vực tây nam Ấn Độ Dương từ hồi tháng 7 năm 2011. Diễn biến này cho thấy khả năng có thể xảy ra một kịch bản như nói ở trên. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện còn trong trứng nước của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, trong đó có các chiến dịch chống cướp biển, chắc chắn vấp phải sự hoài nghi. Có nhiều nguồn tin cho biết, một tàu ngầm Ấn Độ và một đơn vị hải quân Trung Quốc từng có “cuộc chạm trán căng thẳng” gần Eo biển Bab-el-Mandeb ở Vịnh Aden hồi tháng 1 năm 2009. Vụ việc này minh chứng Ấn Độ Dương có thể là một “sân chơi” cạnh tranh mới giữa hai cường quốc châu Á – Trung Quốc và Ấn Độ. Lo ngại viễn cảnh này, New Delhi buộc phải can dự vào Biển Đông để có thể ngăn chặn trước kịch bản những hành vi cứng rắn, quyết liệt của Trung Quốc tái diễn ngay ở Ấn Độ Dương – nơi được coi là khu vực sân sau của Ấn Độ.
Trung Quốc nhiều lần tìm cách ngăn cản Ấn Độ khai thác dầu khí ở Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (11/1/2018) cho rằng Bắc Kinh không phản đối việc phát triển quan hệ song phương bình thường giữa các nước láng giềng của Trung Quốc, nhưng “cực lực phản đối các bên liên quan dùng điều đó làm cớ để xâm phạm quyền lợi chính đáng của Trung Quốc tại Biển Đông và tác hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng phản đối Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong những năm qua, Bắc Kinh luôn phản đối hoạt động thăm dò của Tập đoàn Dầu Khí Ấn Độ (ONGC) tại những lô thuộc Việt Nam tại Biển Đông. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du (15/9/2011) từng tuyên bố rằng “Trung Quốc được hưởng chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông và các hải đảo. Vị trí của Trung Quốc là dựa trên những sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tham gia vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”. Hay ), Tổng Vụ phó Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoàng Lệ Nhàn (04/06/2015) cũng từng “nhắc” Ấn Độ không thể tiến hành thăm dò dầu khí tại những nơi có tranh chấp ở Biển Đông.