Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTập Cận Bình lên nắm quyền và “bảo hiểm chính trị”

Tập Cận Bình lên nắm quyền và “bảo hiểm chính trị”

Đến hiện nay, ông Tập Cận Bình vẫn chưa từ bỏ phương thức cai trị đất nước độc đảng chuyên chính như giới quan sát mong đợi, và cơ hội từ bỏ như vậy cũng ngày càng ít. Dưới sự ôm giữ hình thái ý thức, thế lực tham nhũng, hủ bại của Trung Quốc vẫn được giữ lại và tiếp tục phát triển. Nhưng việc ôm giữ không buông như vậy, cũng không thể ngăn cản được sự suy vong của ĐCSTQ. Cục thế này được hình thành từ khi ông Tập lên nắm quyền tại Đại hội 18 ĐCSTQ, dường như có nguyên nhân bí mật mang tính quyết định.

Reuters tiết lộ “bảo hiểm chính trị” đằng sau việc “tập kết Thái tử đảng” tại Đại hội 18

Tháng 11/2012, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, tại Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong số 7 Thường ủy Bộ Chính trị mới, có 4 người là “quý tộc đỏ”. “Thái tử Đảng” lần đầu tiên trở thành chủ đạo trong tầng lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.

Ngày 26/11/2012, Reuters đưa tin, việc cất nhắc cho nhiều “Thái tử Đảng” vào tầng lãnh đạo cao nhất, có liên quan đến “chính sách bảo hiểm chính trị” của ĐCSTQ. Bởi vì “Thái tử Đảng” được coi là người bảo vệ trung thành cho chính quyền ĐCSTQ, có thể được tin tưởng rằng sẽ không đào mộ của ĐCSTQ.

Bản tin nói, “Thái tử Đảng” nổi lên không phải là điều bất ngờ. Áp lực mà hiện nay ĐCSTQ đối mặt là hiếm thấy trong suốt 60 năm qua. Công chúng phẫn nộ vì tham nhũng khắp nơi, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo và suy thoái môi trường trông thấy đang gặm nhấm tính hợp pháp của ĐCSTQ. Mục tiêu cao nhất của ĐCSTQ là duy trì quyền kiểm soát đối với chính quyền của họ.

Bản tin dẫn lời của một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh cho biết, “về cơ bản, ‘Thái tử Đảng’ bảo vệ và duy trì độc tài một đảng”, “đây cũng là lằn ranh giới thấp nhất của họ”.

Mặc dù người anh em hừng hực dã tâm của họ, từng là người cạnh tranh vị trí Thường ủy Bộ chính trị – Bạc Hy Lai, đột nhiên “ngã ngựa”, nhưng các “Thái tử Đảng” này vẫn nổi lên trong tầng lãnh đạo mới.

Reuters còn đưa tin, trong cuộc đấu đá tranh giành vào tầng lãnh đạo mới, “Thái tử Đảng” được sự giúp đỡ của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Ông Giang Trạch Dân hy vọng ủng hộ ông Tập Cận Bình thì có thể giữ được di sản và bảo vệ lợi ích gia tộc của mình. 

Trích dẫn nguồn tin từ nội bộ ĐCSTQ, Reuters nói, ông Giang Trạch Dân cũng tự nhận là “Thái tử Đảng”. Người chú của ông ta mất năm 1939, được ca ngợi là “liệt sĩ cách mạng”. Tuy nhiên, theo Tạp chí Tiền Tiêu tại Hồng Kông và nhiều kênh truyền thông khác, cha của ông Giang Trạch Dân là Giang Thế Tuấn là tâm phúc và cán bộ cốt cán của Hồ Lan Thành thuộc Bộ Tuyên truyền thời chính quyền bù nhìn Uông Tinh Vệ, đồng thời kiêm nhiệm chức thành viên ban chủ nhiệm Ủy ban Xã luận. Để che giấu thân phận Hán gian của cha mình, Giang Trạch Dân không nhận cha, trong bảng kê khai hồ sơ nhân sự, Giang Trạch Dân đã viết người chú thứ 6 Giang Thượng Thanh là cha mình, và xóa bỏ mối quan hệ với người cha ruột Giang Thế Tuấn – người đã nuôi dưỡng Giang Trạch Dân đến lúc vào đại học. 

Nhân sĩ trong nội bộ ĐCSTQ nói, Giang Trạch Dân hy vọng có thể đảm bảo hai người con trai của ông ta được bảo vệ khi thời điểm thanh thế chống tham nhũng ai cũng sợ hãi đang lên cao, khi mà bên ngoài tăng cường dò xét tài phú của gia tộc những người trong tầng lãnh đạo cấp cao. Hai người con này của Giang đều là thương nhân nổi như diều gặp gió. Gia đình Giang Trạch Dân được coi là biểu mẫu của “âm thầm phát tài”.

Khóa Thường ủy mới tại Đại hội 18 cũng là lần đầu tiên “Thái tử Đảng” chiếm vị trí chủ đạo. Thời ông Hồ Cẩm Đào, các Thường ủy chủ yếu là quan chức kỹ thuật, nhưng Tăng Khánh Hồng lại là lãnh tụ “Thái tử Đảng” thời kỳ đó, cũng là trợ thủ giúp ông Giang Trạch Dân (đã nghỉ hưu) can thiệp chính trị, dư luận thường gọi Tăng Khánh Hồng là “quân sư quạt mo” của Giang Trạch Dân.

Một khoảng thời gian dài, đại đa số đảng viên cấp cao của ĐCSTQ đều cho rằng ĐCSTQ đã làm điều giống như “Sa hoàng kinh tế” Trần Vân nói: “Thiên hạ sẽ có một ngày giao cho “Thái tử Đảng”, họ có thể được tin tưởng rằng sẽ không đào mộ ĐCSTQ”. 

Reuters đưa tin nói, ngoài ông Tập Cận Bình, các thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đều có phụ bối là các nguyên lão có công giúp ĐCSTQ xây dựng chính quyền. Trong đó có ông Vương Kỳ Sơn, người nỗ lực lãnh đạo chống tham nhũng; cựu Bí thư Thượng Hải Du Chính Thanh; còn có Trương Đức Giang, người từng học tập kinh tế tại Bắc Triều Tiên và thay thế Bạc Hy lai đảm nhậm chức Bí thư Trùng Khánh.

Nhưng những thái tử đảng này lại không cùng một nhịp điệu, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và tiến hành chiến dịch chống tham nhũng, họ đã nhanh chóng phân chia thành các bè phái khác nhau. Ông Vương Kỳ Sơn chủ quản chống tham nhũng, là đồng minh của ông Tập Cận Bình; Trương Đức Giang là nhân vật hàng đầu của phe Giang Trạch Dân; Du Chính Thanh dường là phe đứng giữa. Ông Giang Trạch Dân vẫn luôn lo lắng, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình rồi cuối cùng sẽ chỉ hướng đến chính mình. 

Tập Cận Bình từng được coi là hy vọng khiến Trung Quốc cởi mở hơn

Khi đó Reuters chỉ ra, ngoài việc “Thái tử Đảng” cam kết giữ sự thống trị của ĐCSTQ ra, nhân sĩ trong nội bộ còn nói, “Thái tử Đảng” có xu hướng can thiệp các việc quan trọng mà Trung Quốc đối mặt, đặc biệt là khuynh hướng cải cách chính trị và kinh tế. Từ khi tiếp nhận vị trí cao nhất, ông Tập Cận Bình đã sử dụng ngôn từ tiêu chuẩn của ĐCSTQ, nói rằng Trung Quốc “cần tiếp tục cải cách và mở cửa”.

 Có nhà phân tích nói, nhiều “Thái tử Đảng” không chịu sự ràng buộc của các chính sách thiên hướng mạnh mẽ, mà là chịu trói buộc bởi đặc quyền của họ và niềm tin rằng họ sinh ra làm kẻ thống trị.

Một số nhà phân tích từng có thái độ lạc quan dè dặt đối với chính quyền ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận, cho rằng nhóm “Thái tử Đảng” này có thể có hành động lớn mật ngoài dự liệu. Một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh nói, “Thái tử Đảng” tin rằng, thống trị là quyền lực khi họ sinh ra đã có, do đó họ sẽ có hành động tương ứng. Nhà phân tích  so sánh họ với giàn lãnh đạo thời ông Hồ Cẩm Đào, và cho rằng thái tử đảng đương nhiên tự tin hơn và to gan hơn so với con của những người bình thường như ông Hồ Cẩm Đào, “‘Thái tử Đảng’ coi những người bình thường (lãnh đạo không liên quan đến quý tộc đỏ) như là kẻ giữ cửa, hoặc như là giám đốc điều hành được thuê để điều hành công ty”.

Nhà phân tích nói, “Giám đốc điều hành sẽ phải càng cẩn thận hơn. Nếu công ty hoạt động không tốt, cổ đông sẽ lo lắng hơn cả giám đốc điều hành. Thái tử đảng có thể sẽ càng mạnh dạn hơn trong thúc đẩy biến đổi.”

Hiện nay nhìn lại, mấy năm đầu khi ông Tập Cận Bình mới lên nắm quyền, thanh thế chống tham nhũng mạnh mẽ, trong đó cả việc lật đổ nhóm thân tín của ông Giang Trạch Dân, xác thực là đã thu phục được không ít lòng dân, cũng khiến cho giới quan sát cho rằng ông có khả năng dùng cờ hiệu “y pháp trị quốc” để đánh đổ “hổ chúa” Giang Trạch Dân, nhưng làm thế thì lại phải động đến thuyết “ba đại diện” trong Điều lệ đảng.

Tuy nhiên, tại Đại hội 19, được coi là đã trải qua một cuộc giao dịch chính trị, “Thái tử Đảng” đắc lực nhất trong các đồng minh của ông Tập Cận Bình là ông Vương Kỳ Sơn lại rút lui, rồi cuối cùng quay trở lại với chức vị hữu danh vô thực – Phó chủ tịch nước. Còn thế lực còn lại của phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng vẫn được giữ lại. Đồng thời, giới quan sát còn thấy việc ông Tập Cận Bình sửa đổi hiến pháp để tại vị ở chức chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tiếp theo, ngoài việc tập trung quyền lực, thì cũng không thấy có khuynh hướng cải cách chính trị gì. 

Một thái tử đảng nổi tiếng quyết rời xa ĐCSTQ đang sống ở ngoài Trung Quốc đã liên tiếp viết 19 lá thư công khai cho ông Tập Cận Bình, cố gắng khuyên ông Tập Cận Bình cải cách, từ bỏ ĐCSTQ và đi con đường dân chủ, nhưng cuối cùng nhận lại đều là sự thất vọng. Đến năm 2019, về cơ bản, hiện nay các nhà phân tích không còn suy nghĩ như vậy nữa. 

Tuy nhiên, tình hình Trung Quốc phát sinh biến đổi to lớn trong năm 2018 và 2019. Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, ông Tập Cận Bình đối mặt với nhiều nguy cơ chưa từng có cả trong lẫn ngoài. Ngoài đối phó với xung đột song phương và đa phương trên trường quốc tế, kinh tế trong nước đi xuống, lòng dân oán hận tích tụ, kẻ địch chính trị trong nội bộ đảng ĐCSTQ chịu áp lực từ chiến dịch chống tham nhũng đang chờ thời cơ phản công, quan trường là cảnh tượng như thời mãn Thanh, lười nhác chính trị phổ biến khắp nơi. Trong tình hình như thế này, quân sư của ông Tập Cận Bình, người chủ quản về hình thái ý thức Vương Hộ Ninh lại dùng tình cảm Cách mạng Văn hóa để cố ý dẫn hướng chính quyền đi theo con đường theo kiểu Mao Trạch Đông.

Hiện nay, các nhà phân tích phần lớn cho rằng, ông Tập Cận Bình đúng là đã hưởng ứng những dự kiến muốn ông bảo vệ đảng để bảo tồn lợi ích của gia tộc đỏ. Nhưng trong trào lưu mạnh mẽ của quốc tế, khi mà giá trị phổ phát được coi trọng, ông Tập Cận Bình cũng bị đặt vào thế khó “trong ngoài không có ai ủng hộ”, còn ĐCSTQ thì vẫn trong đấu đá nội bộ mà đi đến suy bại.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới