Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiải pháp để Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo ở...

Giải pháp để Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông

Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông với mức độ ngày càng nguy hiểm hơn như gia tăng các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các công trình trái luật pháp quốc tế trên vùng biển này; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân… Những hành động trên đã làm leo thang căng thẳng, gia tăng sự bất ổn trong khu vực, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, đe dọa đến hòa bình, an ninh quốc tế, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải của các quốc gia trong khu vực; đồng thời thể hiện rõ tham vọng của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông. Để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông, đã có rất nhiều chuyên gia, học giả khuyến nghị Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay để kiện Trung Quốc là một vấn đề nan giải, cần lựa chọn kỹ phương án và thời điểm kiện Trung Quốc.

Bản chất các loại tranh chấp ở Biển Đông hiện nay

Hiện tại, tại Biển Đông có 2 loại tranh chấp, bất đồng chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của UNCLOS để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn. Hai loại tranh chấp này hoàn toàn khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân… Vì vậy, các nguyên tắc pháp lý để xử lý, giải quyết chúng cũng rất khác nhau.

Tuy nhiên, vì có mối quan hệ với nhau do tồn tại trong cùng một phạm vi địa lý và tác động qua lại của chúng, nhất là trong việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa có tính đến hiệu lực của các quần đảo này như thế nào, cũng là nguyên nhân gây nên những nhận thức khác nhau nói trên.

Loại thứ nhất: thực chất đây là tình trạng tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng mọt phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông. Theo Công pháp quốc tế, để chứng minh, bảo vệ và giải quyết loại tranh chấp này, các bên liên quan hoặc cơ quan tài phán quốc tế đã dựa vào nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”; một nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện đại đang được vận dụng khi xem xét giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông dụng nhất hiện nay. Điều đáng nhấn mạnh là trong UNCLOS không có điều khoản nào đề cập đến nguyên tắc này. Nói một cách khác, UNCLOS không phải là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Loại thứ hai: tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn. Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về Địa-Chính trị, Địa- Kinh tế trên phạm vi toàn thế giới với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 ra đời. Kết quả là, trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á cò khoảng 15 tranh chấp, tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi đường biên giới lưỡi bò của Trung Quốc, vì tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của UNCLOS của nó.

Như vây, rõ ràng là UNCLOS chỉ là căn cứ pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp về biển, trong đó có tranh chấp do việc giải thích và áp dung Công ước Luật Biển không đúng hoàn toàn hay từng phần. Chẳng hạn, việc vạch ra hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa, đường cơ sở của các hải đảo, quần đảo xa bờ, của quốc gia quần đảo…là nội dung thường là có sự khác nhau, nên đã tạo ra các vùng chồng lấn to nhỏ khác nhau cần được các bên tiến hành hoạch định theo những nguyên tắc nhất định, tùy theo chế độ pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa do Công ước quy định. Ví dụ, tại Điều 15, Mục 2, Phần II, Công ước quy định về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hay đối diện nhau: “Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ phi có sự thỏa thuận ngược lai….”. Hay, tại Điều 74, Phần V, Công ước quy định việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau : “ Việc hoạch định ranh giới vung đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng”…, thường được gọi là theo nguyên tắc công bằng…

Ngoài hai tranh chấp ở trên, tại Biển Đông hiện còn tồn tại tranh chấp về việc khai thác, đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, tranh chấp này lồng ghép và có liên quan trực tiếp đối với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về ranh giới các vùng biển, thềm lục địa. Trung Quốc thường xuyên cho tàu cá, tàu quân sự đội lốt tàu cá xâm nhập trái phép vào sâu trong vùng biển, ngư trường truyền thông của Việt Nam cũng như Indonesia, Philippines, Malaysia… để đánh bắt trộm hải sản và tiến hành các hoạt động phá hoại khác. Đã có rất nhiều vụ tàu cá Trung Quốc, thậm chí là các loại tàu chấp pháp như Hải Cảnh, Ngư chính… cố tình đâm va, tàu của Việt Nam ở Biển Đông. Không những vậy, số tàu này của Trung Quốc cùng thường xuyên cướp tài sản của ngư dân Việt Nam như xăng dầu, hải sản đánh bắt được, ngư cụ, tài sản mang theo… Ngoài ra, nhiều nước đã có bằng chứng chứng minh tàu cá Trung Quốc thường xuyên sử dụng các phương thức đánh bắt mang tính hủy diệt và phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông. Những hành động này của tàu Trung Quốc đã làm dấy lên phòng trào phản đối Trung Quốc, khiến nhiều nước phải tăng cường đầu tư cho các lực lượng chấp pháp để tuần tra, giám sát và ngăn chặn hoạt động phi pháp của tàu Trung Quốc trên Biển Đông. Để giải quyết tranh chấp trong những vấn đề này bằng UNCLOS là rất khó khăn. Tuy nhiên, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC, 16/9/2016) cho biết họ sẽ bắt đầu tập trung vào việc thụ lý và xét xử những tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và chiếm đoạt đất đai phi pháp. ICC là tòa án quốc tế được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, đặt trụ sở tại thành phố The Hague (Hà Lan). Thành lập từ năm 2002, thời gian qua ICC chủ yếu xét xử những vụ án hình sự lớn về diệt chủng và tội ác chiến tranh. Thế nhưng nay thì đã khác. Người phát ngôn của ICC cho biết hành động hủy hoại môi trường và chiếm đoạt đất đai có thể đưa tới việc “khởi tố những chính phủ và cá nhân về tội ác chống nhân loại”. Trên thực tế và trong lịch sử xã hội loài người, mặc dù hành vi hủy hoại môi trường hay chiếm đoạt đất đai những năm gần đây đã bị xem là tội phạm hình sự tại nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam với Bộ luật hình sự mới. Tuy nhiên, đánh giá (quốc tế) theo hướng đây là “tội các chống nhân loại” và đưa ra truy tố, xét xử tại các tòa án quốc tế, như tòa án hình sự quốc tế ICC là điều chưa từng có. Đặc biệt là hướng đến việc truy tố xét xử chủ thể là “chính phủ”. Hãng luật về nhân quyền Global Diligence LLP, có trụ sở tại London (Anh), các tội ác về môi trường sẽ được xem xét điều tra theo những thẩm quyền hiện có của ICC. Các nhà vận động chiến dịch và các luật sư nhân quyền cho rằng sự thay đổi này của ICC cho thấy thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của các tội ác gây ra với môi trường. Nó cũng giúp các nạn nhân có thể tìm công lý thông qua hệ thống tòa án hình sự quốc tế nếu đơn khiếu nại của họ không được giải quyết ở cấp tòa án trong nước.

Lựa chọn Tòa Trọng tài để khởi kiện Trung Quốc

Để giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển đảo, đặc biệt đối với giải quyết tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, các bên liên quan có thể sử dụng các thiết chế cơ bản như Toà án Công lý quốc tế, Toà án quốc tế về Luật biển, Tòa trọng tài thường trực La Haye, Tòa trọng tài và Toà trọng tài đặc biệt được thành lập theo UNCLOS, Tòa án Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên để bảo vệ quyền lợi của quốc gia, đặc biệt với chính sách “hai không” của Trung Quốc, đòi hỏi Việt Nam phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng tính khả thi và hiệu quả của thiết chế tài phán quốc tế mà mình sử dụng.

Toà án Công lý quốc tế (ICJ): ICJ là một trong các cơ quan chính của Liên hợp quốc, được thành lập và hoạt động theo Quy chế toà án quốc tế. ICJ có hai chức năng chủ yếu là giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra kết luận tư vấn về pháp lý cho các cơ quan của Liên hợp quốc. Cơ sở thẩm quyền giải quyết tranh chấp của ICJ dựa trên hai điều kiện bắt buộc, đó là: (1) quốc gia trong tranh chấp phải là thành viên của Quy chế Tòa hoặc nếu không là thành viên thì phải có Tuyên bố chấp nhận Quy chế Toà và (2) sự đồng ý rõ ràng của quốc gia. Phán quyết của ICJ mang tính bắt buộc và có hiệu lực thi hành đối với các bên tranh chấp. Đồng thời Hiến chương Liên hợp quốc cũng quy định những biện pháp đảm bảo phán quyết của Toà án sẽ được thực thi, cụ thể: một bên có quyền yêu cầu Hội đồng Bảo an kiến nghị hoặc đưa ra những quyết định trong trường hợp một trong các bên tranh chấp không chịu thi hành bản án. Như vậy, ICJ được xem là một cơ chế hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp quốc tế khi các cơ chế hoà giải khác bị thất bại. Nhưng hiện nay, theo nguyên tắc hoạt động của ICJ như đã phân tích ở trên, việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển, đảo nói chung, các tranh chấp tại biển Đông liên quan đến Việt Nam nói riêng thông qua cơ quan này là một điều hết sức khó khăn và khó mang tính khả thi. Bởi lẽ, việc “thuyết phục” Trung Quốc chấp nhận thoả thuận đưa tranh chấp liên quan đến yêu sách của mình ra giải quyết tại ICJ trên thực tế hoàn toàn là điều không tưởng; và triển vọng về một trong số các quốc gia liên quan kiện Trung Quốc lên ICJ với một yêu cầu đơn phương và hưởng thụ thẩm quyền của Tòa án này cũng đã bị loại trừ. Hoặc giả sử, nếu tranh chấp trên được thụ lý giải quyết bằng phán quyết của ICJ để đánh giá vấn đề một cách toàn diện, thì liệu Trung Quốc có sẵn sàng thừa nhận kết quả giải quyết của Tòa, sẵn sàng thiện chí thực hiện theo phán quyết mà chắc chắn sẽ bất lợi đối với mình? Các bên liên quan có thể tiếp tục yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xử lý theo quy định tại Điều 92.2 Hiến chương Liên hợp quốc khi một bên (như Trung Quốc) từ chối thi hành phán quyết của Tòa? Trong trường hợp này, mặc dù Trung Quốc không được bỏ phiếu, nhưng liệu Trung Quốc có “ngần ngại” vận động các thành viên thường trực khác dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để “dập tắt” vụ việc hay không? Đó là những vấn đề chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng khi xem xét việc lựa chọn thiết chế giải quyết tranh chấp là ICJ.

Tòa trọng tài thường trực La Haye (PCA): PCA là một trong những thiết chế mà Việt Nam có thể xem xét lựa chọn để kiện các yêu sách/hành vi của Trung Quốc. Nhưng xét về mặt bản chất, PCA là thiết chế giải quyết tranh chấp hoàn toàn dựa trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên có liên quan thông qua việc ký Thỏa thuận trọng tài. Vì vậy, để đưa tranh chấp này ra giải quyết trước PCA bắt buộc giữa Việt Nam và các nước có liên quan trước tiên phải có thỏa thuận lựa chọn, trao thẩm quyền giải quyết cho PCA. Nhưng cũng sẽ giống như thủ tục đầu tiên của quá trình giải quyết tranh chấp tại ICJ hay ITLOS, chúng ta sẽ vướng ngay phải trở ngại trên vì một bên tranh chấp chính là Trung Quốc. Hơn nữa, PCA cũng chưa có cơ chế đảm bảo thực thi phán quyết giải quyết tranh chấp của mình một cách hiệu quả. Do vậy, PCA sẽ chỉ là thiết chế tài phán cuối cùng Việt Nam có thể xét đến để áp dụng giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại mà thôi.

Toà án quốc tế về Luật biển (ITLOS): Là một trong những cơ quan giải quyết tranh chấp được thành lập và hoạt động trong khuôn khổ của UNCLOS, ITLOS có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS: (i) giữa các quốc gia tuyên bố bằng văn bản lựa chọn Tòa. Thẩm quyền này được xác định từ trước khi xảy ra tranh chấp. Do vậy, khi tranh chấp xảy ra, một bên liên quan và đã có tuyên bố bằng văn bản lựa chọn Tòa có quyền đơn phương kiện bên tranh chấp với mình ra Tòa với điều kiện bên tranh chấp này cũng đã có tuyên bố bằng văn bản chấp nhận trước thẩm quyền của Tòa; (ii) giữa các quốc gia tranh chấp có cùng thỏa thuận lựa chọn ITLOS bằng một thỏa thuận song phương hoặc đa phương; (iii) ngoài ra, trong trường hợp nếu được sự thoả thuận của tất cả các bên trong một hiệp ước hay một công ước đã có hiệu lực có quan hệ đến một vấn đề do UNCLOS đề cập, thì bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hay áp dụng hiệp ước hoặc công ước đó cũng có thể được đưa ra ITLOS theo đúng như điều đã thoả thuận.

Tuy nhiên, Công ước lại cho phép các quốc gia khi ký kết, phê chuẩn hay tham gia Công ước, hoặc ở vào bất kỳ thời điểm nào sau đó, có thể tuyên bố bằng văn bản về việc mình không chấp nhận ITLOS (hoặc các Tòa trọng tài hay ICJ) có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng các Điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển (bao gồm hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia có đường bờ biển kề nhau hay đối diện nhau) hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử; đồng thời, nếu không có sự thỏa thuận của các quốc gia, ITLOS cũng như các Tòa khác không thể xem xét một vụ tranh chấp nào liên quan đến chủ quyền và các quyền khác trên một lãnh thổ đất liền hay đảo.

Trên thực tế, với Tuyên bố năm 2006 bảo lưu Điều 298 UNCLOS, Trung Quốc đã loại trừ hầu hết các loại tranh chấp trên Biển Đông (trong đó có tranh chấp liên quan đến chủ quyền các đảo) ra khỏi quyền tài phán của một cơ quan tài phán quốc tế. Do vậy, vào thời điểm hiện tại, Việt Nam hay các bên có liên quan sẽ rất khó khăn trong việc đưa yêu sách của Trung Quốc ra ITLOS bởi Trung Quốc đương nhiên từ chối đưa vụ việc ra trước ITLOS, không muốn bất kỳ một bên thứ ba nào can thiệp giải quyết “những vấn đề của Trung Quốc” và các nước liên quan trong tranh chấp biển Đông cũng chưa có tuyên bố bằng văn bản lựa chọn ITLOS để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS. Hơn nữa, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc yêu sách ôm gần trọn diện tích Biển Đông, bao trùm lên các đảo, nhóm đảo mà nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền nên ITLOS sẽ không có thẩm quyền trong trường hợp này (các tranh chấp có liên quan đến chủ quyền đối với các đảo). Có thể nói, khả năng sử dụng ITLOS cũng như các cơ quan tài phán quốc tế khác phụ thuộc chính vào thiện chí của các bên tranh chấp. Do vậy, với tình hình hiện nay Việt Nam có thể nghiên cứu khả năng vận động các nước ASEAN hay chí ít các nước trong tranh chấp có một thỏa thuận quốc tế vì hòa bình, ổn định ở biển Đông, phù hợp với các mục đích của UNCLOS, yêu cầu ITLOS cho ý kiến tư vấn về chế độ pháp lý của các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa hay việc áp dụng Điều 121.3 của UNCLOS vào quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS. Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII UNCLOS (sau đây gọi tắt là Toà trọng tài) sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước (trừ những vụ kiện thuộc thẩm quyền của Toà trọng tài đặc biệt). UNCLOS quy định khi ký hay phê chuẩn hoặc tham gia Công ước, hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, dưới hình thức tuyên bố bằng văn bản, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn một hay nhiều biện pháp sau để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước: Tòa án quốc tế về Luật biển được thành lập theo đúng Phụ lục VI; Toà án quốc tế; Tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII; Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo đúng Phụ lục VIII.

Cụ thể, trong trường hợp các bên tranh chấp đã chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì vụ tranh chấp chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đó, trừ khi các bên có thỏa thuận khác; trường hợp một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp không lựa chọn một biện pháp nào (không được một tuyên bố còn hiệu lực bảo vệ) thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài trù định ở Phụ lục VII; trường hợp các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài đã được trù định ở Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Như vậy, Tòa trọng tài là cơ chế duy nhất mà một bên có thể đơn phương khởi kiện, không cần sự chấp thuận của bên còn lại.

Tòa trọng tài được thành lập và tự quy định thủ tục của mình bằng cách cho mỗi bên có khả năng bảo vệ các quyền và trình bày căn cứ của mình. Hơn nữa, khi một trong số các bên trong vụ tranh chấp không ra Toà hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, bên kia có thể yêu cầu Toà tiếp tục trình tự tố tụng và ra phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay việc một bên không trình bày các lý lẽ của mình không cản trở đến trình tự tố tụng. Bản án của Toà mang tính tối hậu, không được kháng cáo (trừ khi các bên trong vụ tranh chấp đã có thỏa thuận trước về một thủ tục kháng cáo) và có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp. Những tranh cãi có thể xảy ra giữa các bên liên quan đến việc giải thích hay cách thi hành bản án, đều có thể được một trong các bên đưa ra để Toà trọng tài đã tuyên án quyết định; hoặc có thể được đệ trình lên một Toà khác theo đúng Điều 287 nếu tất cả các bên trong vụ tranh chấp thoả thuận.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội ác xâm lược (mặc dù nó không thể hiện và sẽ không có cách nào trước 2017 có thể thực thi quyền tài phán xét xử các tội phạm xâm lược). Đáng chú ý, ICC đã tuyên bố sẽ thụ lý các vụ án liên quan tới các tội ác hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu trái pháp luật đất đai của người dân. Với sự thay đổi đáng kể này, các nhà hoạt động và các luật sư cho biết trong các hợp đồng bàn giao đất trái phép dẫn tới việc phải dùng bạo lực di dời người dân, các giám đốc điều hành doanh nghiệp hoặc các chính trị gia có thể phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế. Từ đó cho thấy, Việt Nam hoặc các tổ chức kinh tế của Việt Nam (Hội nghề cá, Công ty ngư nghiệp, ngư dân…) đều có thể khởi kiện Trung Quôc ra ICC về một số tội danh như tấn công tàu cá, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông; sử dụng các biện pháp khai thác đánh bắt cá (phi pháp) ở Biển Đông với phương thức hủy diệt môi trường sinh thái; việc Trung Quốc cải tạo 7 bãi cạn, đảo đá (phi pháp) ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã tàn phá và hủy diệt môi trường sinh thái trong khu vực, gây nguy cơ diệt vong toàn bộ hệ sinh thái và các dải san hô ở Trường Sa. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tập hợp hồ sơ, khởi kiện Trung Quốc vi phạm tội ác chiến tranh khi sử dụng vũ lực thảm sản 64 cán bộ, chiến sỹ Việt Nam trên đá Gạc Ma (14/3/1988).

Thời gian qua, ngoài Việt Nam, đã có một số nước có ý định kiện Trung Quốc ra ICC. Theo Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Panjaitan, Indonesia có thể cũng sẽ kiện Trung Quốc ra ICC nếu yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược của Bắc Kinh đối với Biển Đông không được giải quyết thông qua đối thoại. Ông Panjaitan nhấn mạnh rằng Jakarta không muốn thấy bất kỳ động thái triển khai sức mạnh nào tại Biển Đông.

Tuy nhiên, để kiện Trung Quốc ra ICC sẽ gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Theo Quy chế Rome 1998, chỉ có bốn khả năng đưa một vụ án môi trường ra trước ICC: Vụ án xảy ra trên lãnh thổ của một trong các quốc gia thành viên của ICC; Nghi phạm có quốc tịch của một trong các quốc gia thành viên của ICC; Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chuyển vụ việc sang ICC; Một quốc gia không phải thành viên của ICC chấp thuận thẩm quyền của ICC trong một vụ việc cụ thể. Vấn đề là, trong số 124 quốc gia thành viên của ICC hiện nay không có tên Việt Nam và Trung Quốc. Khả năng Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc chuyển vụ việc sang ICC là rất thấp vì cơ quan này chỉ xử lý những vụ việc liên quan đến các xung đột hoặc nguy cơ dẫn đến xung đột quốc tế. Hơn nữa, nó đòi hỏi ít nhất 8/15 quốc gia thành viên hội đồng đồng ý, trong đó phải có đủ 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc), và đường nhiên, Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ đồng ý chuyển đơn kiện của Việt Nam qua ICC. Khả năng cuối cùng là chính phủ Việt Nam chấp thuận thẩm quyền của ICC trong các vụ án liên quan ngư dân bị tấn công, cướp tài sản, việc Trung Quốc hủy diệt môi trường sinh thái ở Biển Đông hay vụ Trung Quốc thảm sát 64 cán bộ, chiến sĩ trên đá Gạc Ma bằng cách gửi tuyên bố cho Chánh Lục Sự (Registrar) của ICC. Điều này có nghĩa là Việt Nam không cần tiến hành các thủ tục ký kết và phê chuẩn Quy chế Rome 1998 về ICC, mà vẫn có thể đưa các vụ việc trên ra toà án này.

Với những căn cứ trên, Toà trọng tài được xem là thiết chế tài phán quốc tế mang tính khả thi nhất hiện nay mà Việt Nam có thể lựa chọn cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến những yêu sách vô lý và những hành vi trái pháp luật quốc tế của Trung Quốc, phù hợp với tích chất phức tạp của các tranh chấp và phù hợp với lập trường “không giống ai” của Trung Quốc tại khu vực biển này.

Trước những yêu sách phi lý và những hành vi ngang ngược của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, Việt Nam cần có sự thể hiện thích hợp quan điểm pháp lý của mình và nên nghiên cứu tìm kiếm một phán quyết ràng buộc về mặt pháp lý trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài với nội dung kiện tương tự như của Philippines. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể bổ sung thêm một số vấn đề khác như yêu cầu Tòa Trọng tài xem xét việc Trung Quốc (2014) hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam có vi phạm UNCLOS hay không; tàu cá Trung Quốc sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt hải sản, phá hủy môi trường sinh thái vi phạm quy định nào của UNCLOS; các vụ tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam vi phạm các quy định nào…

Với việc Việt Nam quyết định lựa chọn cách thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài, thì những bài học kinh nghiệm của Philippines sẽ là cơ sở để Việt Nam tham khảo. Phán quyết của Tòa trọng tài có giá trị pháp lý bắt buộc các bên phải tuân theo. Ý nghĩa, tác động của vụ kiện giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với tranh chấp ở Biển Đông sẽ được đánh giá tương tự như ý nghĩa, tác động của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Nếu kiện Trung Quốc, sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam

Ông Jitendra Sharma, Chủ tịch danh dự Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), khẳng định những bằng chứng lịch sử của Việt Nam tạo thế mạnh mẽ hơn so với vị thế của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc; Khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Jitendra Sharma cho rằng những bằng chứng mạnh mẽ này tạo thuận lợi cho Việt Nam trong các vụ kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về những hành động vi phạm chủ quyền của quốc gia trong khu vực Biển Đông.

Đáng chú ý, trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, ông Jitendra Sharma cho rằng không có lý lẽ nào biện hộ cho việc Trung Quốc đặt một vật thể như giàn khoan tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau khi xem xét việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam, IADL đã quyết định gửi thư tới chính quyền Trung Quốc với nội dung: Nhắc nhở tất cả các bên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuyệt đối tuân thủ UNCLOS 1982, Công ước mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là quốc gia thành viên; IADL cũng đề nghị phía Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của các hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đưa tàu, máy bay và tàu quân sự tới hoạt động gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981; tiến hành những hành vi khiêu khích như đâm, bắn vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người cũng như các vụ việc tấn công tàu cá của Việt Nam xảy ra từ ngày 7/5/2014. IADL kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và là một trong 5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, phải tôn trọng, tuân thủ và giữ gìn tuyệt đối Hiến chương Liên hợp quốc; xử sự đúng tư cách của một nước lớn, cũng như đúng tư cách của 1 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc giữ gìn và bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới. IADL cũng yêu cầu chính quyền Trung Quốc phản hồi những đề nghị của Hội về những vấn đề nêu trên.

Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ pháp lý như thế nào

Xác định nội dung Tuyên bố khởi kiện phù hợp với thẩm quyền của Tòa trọng tài: Trung Quốc đã rào trước đón sau rất kỹ về mặt pháp lý để hầu như tránh hết các khả năng bị kiện, đồng thời kiên định thực hiện chiến lược giải quyết tranh chấp song phương nhằm chủ động phòng ngừa những khả năng bị kiện còn lại khác. Có thể thấy với Tuyên bố 2006, trên thực tế Trung Quốc đã loại trừ hầu hết các loại tranh chấp trên biển Đông ra khỏi quyền tài phán của một cơ quan tài phán quốc tế. Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc đánh dấu lần đầu tiên tranh chấp trên Biển Đông được đưa ra trước một cơ quan tài phán quốc tế. Tham khảo Thông báo và   tuyên bố yêu sách của Philippines ngày 22/1/2013, Việt Nam sẽ đưa ra lập luận về việc có những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về việc giải thích hay áp dụng các điều khoản của UNCLOS ngoài các tranh chấp nằm trong vùng loại trừ của Trung Quốc và thuộc thẩm quyền của một cơ quan tài phán quốc tế. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ xác định nội dung khởi kiện Trung Quốc để yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết liên quan đến các vấn đề sau: (1) Tuyên bố Trung Quốc chỉ có thể yêu sách quyền với các vùng biển tính từ lãnh thổ đất liền (bao gồm các đảo), yêu sách từ đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS; (2) Giải thích Điều 121.3 và khả năng áp dụng ở biển Đông. Cụ thể, yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết về việc tất cả các “đảo” do phía Trung Quốc chiếm đóng là “đá” chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý vì chúng không thể “duy trì đời sống con người hay đời sống kinh tế” theo như quy định tại điều 121.3 UNCLOS. Khẳng định Trung Quốc đã đưa ra yêu sách bất hợp pháp đối với các vùng biển ngoài 12 hải lý từ các thực thể đó; (3) Xác định hành vi của tàu Trung Quốc trong thời gian gần đây (tàu hải giám, hải cảnh, tuần ngư… thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) phá hỏng, đánh chìm tàu Việt Nam, gây thương tích cho người Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực. Trên sơ sở đó tuyên bố Trung Quốc sử dụng vũ lực vi phạm Điều 2.4 Hiến chương Liên hợp quốc và Điều 279 UNCLOS. Nội dung kiện này hoàn toàn không nằm trong vùng loại trừ của Trung Quốc; (4) Tuyên bố việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 cùng tàu hộ tống vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và việc Trung Quốc dùng các tàu của mình ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện quyền kiểm tra, khám xét giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56 và Điều 77 của UNCLOS; (5) Tuyên bố các hành vi của Trung Quốc liên quan đến sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (thiết lập vùng an toàn 3 hải lý, cấm các loại tàu bè đi vào vùng biển có bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan HD 981, và va đâm các tàu chấp pháp Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công…) là vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực của Việt Nam và các nước trên thế giới, trái với Điều 58, Điều 60 của UNCLOS; (6) Tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng nước quần đảo hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không phù hợp với các Điều 47, 48, 49 và 121 của UNCLOS; (7) Tuyên bố hành vi bồi đắp, xây dựng với quy mô rất lớn của Trung Quốc (trên các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Tư Nghĩa, Xu Bi, Vành Khăn mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng) trên Biển Đông là trái với quy định về xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo của UNCLOS…

Chuẩn bị hồ sơ pháp lý: Đây là một trong những công việc rất quan trọng. Về cơ bản, hồ sơ pháp lý Việt Nam cần chuẩn bị bao gồm các tài liệu, văn bản sau đây: (i) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp. Trong đơn cần thể hiện một cách cụ thể các yêu sách của Việt Nam, phạm vi các vấn đề có tranh chấp cũng như quan điểm của Việt Nam đối với các nội dung tranh chấp. Đặc biệt cần xác định rõ phạm vi của khu vực tranh chấp cũng như phạm vi những nội dung có tranh chấp, tránh nhầm lẫn giữa khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam bị nước khác chiếm giữ với khu vực cả hai bên cùng tranh chấp cũng như phải giới hạn rõ ràng các nội dung tranh chấp, tranh chấp về thềm lục địa, tranh chấp về đường biên giới trên biển hoặc tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế… (ii) Bản bảo vệ yêu sách của Việt Nam. Đây là văn bản quan trọng nhất để bảo vệ quan điểm của Việt Nam. Cần chú ý lập luận theo một trình tự, định hướng nhất quán, tránh mâu thuẫn, xung đột giữa các quan điểm bảo vệ cho các yêu sách khác nhau của Việt Nam. Việt Nam cần tập hợp các chuyên gia trong lĩnh vực này để tư vấn ý kiến cho việc soạn thảo bản bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình. (iii) Chứng cứ pháp lý chứng minh yêu sách của Việt Nam. Đây là những cơ sở pháp lý chứng minh cho bản yêu sách ở trên vì vậy cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ và khoa học mọi chứng cứ có liên quan. Các chứng cứ phải được phân loại thành từng nhóm theo những tiêu chí nhất định. Ví dụ: chứng cứ xuất phát từ tư liệu lịch sử, chứng cứ xuất phát từ pháp luật quốc tế, chứng cứ xuất phát từ thực địa trên thực tế… (iv) Văn bản tranh luận phản bác lại quan điểm đối ngược của quốc gia tranh chấp với Việt Nam. Trước khi đưa vụ việc tranh chấp ra giải quyết tại bất cứ cơ quan tài phán quốc tế nào Việt Nam cần nghiên cứu các cơ sở pháp lý mà các nước khác sử dụng để chứng minh cho yêu sách chủ quyền của họ cũng như nghiên cứu những yêu sách đó trong tương quan so sánh với những chứng cứ mà Việt Nam đang có để chuẩn bị trước các lập luận phản bác. Văn bản này sẽ nộp cho Tòa trọng tài và gửi cho Trung Quốc trong quá trình Tòa giải quyết tranh chấp. (v) Ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề tranh chấp mà Việt Nam đã tập hợp qua cơ chế tham vấn hoặc tư vấn (trong trường hợp cần thiết). Những ý kiến này thường đến từ các hội thảo khoa học quốc tế, các hội nghị quốc tế giữa các quốc gia có liên quan, các công trình khoa học có liên quan đã công bố… (vi) Tùy từng trường hợp cụ thể có thể có thêm các tài liệu khác. Các tài liệu này được tập hợp, sắp xếp lại thành hồ sơ pháp lý của vụ kiện. Việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cần phù hợp với yêu cầu của quy trình tố tụng mà Việt Nam đã lựa chọn cũng như phải đảm bảo được tính hiệu quả, thuận lợi trong việc sử dụng để bảo vệ yêu sách của Việt Nam.

Tóm lại, việc đưa tranh chấp ra một cơ quan tài phán để giải quyết trong thực tiễn quan hệ giữa các quốc gia là một xu hướng văn minh thể hiện thiện chí của các bên trong việc giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ tuân thủ luật pháp quốc tế, giữ gìn hòa bình, an ninh trong khu vực. Tòa trọng tài là giải pháp khả thi nhất mà Việt Nam có thể lựa chọn trong tình hình hiện nay để kiện Trung Quốc về các yêu sách và hành vi trái pháp luật quốc tế, góp phần quan trọng vào quá trình giải quyết tranh chấp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản các chứng cứ pháp lý, lịch sử và nội dung khởi kiện, cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý như Singapore, Malaysia, Guyana, Suriname, Indonesia, Thái Lan… mà đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm gần đây của Philippines cả về việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, chiến thuật tranh tụng cũng như kinh nghiệm đối phó với những phản ứng về chính trị, kinh tế, ngoại giao của Trung Quốc để chống lại vụ kiện tại Toà trọng tài quốc tế về luật biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới