Tiếp theo phần thứ 2 về Dư luận chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, trong bài này chúng tôi giới thiệu đến các bạn về pháp lý chiến của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Chiến tranh pháp lý hay còn gọi là Pháp lý chiến (Legal warfare hay lawfare) là mũi nhọn chính trong “Tam chủng chiến pháp”. Đây vừa là cách đấu tranh độc lập vừa cung cấp tư liệu cho chiến tranh truyền thông. Pháp lý chiến của Trung Quốc đối với Biển Đông được thực hiện từ việc “phù phép” luật pháp của cho đến việc đưa ra những điều luật trái với luật pháp quốc tế phục vụ cho các yêu sách về lãnh thổ và vùng biển của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc sử dụng các bản đồ giả tạo để “minh chứng” cho các yêu sách vô lý về biển như bản đồ “đường chín đoạn” chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông). Trung Quốc còn sử dụng có chọn lọc những điều khoản của UNCLOS và các công ước luật pháp quốc tế, bóp méo luật pháp phục vụ cho mục tiêu độc chiếm Biển Đông của họ, chẳng hạn như họ tự ý thành lập “thành phố Tam Sa” ở Biển Đông nhằm mở rộng quyền quản hạt và khống chế Biển Đông.
Chiến tranh luật pháp là một kỹ thuật dùng để chứng tỏ những hoạt động của Trung Quốc là có hiệu lực pháp lý và củng cố những nỗ lực tâm lý để tạo sự nghi ngờ trong hàng ngũ đối phương, trong những giới chức trách quân sự và dân sự cũng như trong cộng đồng quốc tế về tính chính đáng của hoạt động đối phương. Do vậy, chiến tranh luật pháp là thành phần quyết định trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm mục tiêu xoá bỏ sự ủng hộ của quốc tế đối với đối phương và xa hơn là “thừa nhận” các tuyên bố chủ quyền và tài nguyên của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tham gia và ký kết trên 50 điều ước quốc tế trong lĩnh vực luật biển và xây dựng nhiều văn bản pháp luật trong nước liên quan đến biển, trong đó có những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến Biển Đông. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật biển hiện hành của Trung Quốc có nhiều nội dung trái với luật pháp quốc tế. Các văn bản này chủ yếu phản ánh chính sách bành trướng do trong các văn bản pháp luật Trung Quốc đã đưa ra những nội dung bảo vệ cho các tuyên bố và đòi hỏi phi pháp về chủ quyền ở Biển Đông.
Sau khi Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết ngày 12/7/2016, Trung Quốc càng đẩy mạnh hơn cuộc chiến pháp lý hòng vô hiệu hóa Phán quyết. Để đối phó với việc Phán quyết 12/7/2016 bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn”, Trung Quốc đưa ra một khái niệm mới gọi là “Tứ Sa” gồm: Đông Sa (Pratas), “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa) và Trung Sa (Macclesfield) cùng với đòi hỏi các vùng biển rộng lớn xung quanh các quần đảo này, chiếm phần lớn diện tích Biển Đông không khác gì so với yêu sách “đường 9 đoạn”, thậm chí còn lớn hơn. Lập luận pháp lý mà Trung Quốc đưa ra gồm: một, yêu sách “vùng nước lãnh hải lịch sử” của Trung Quốc; hai, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được xác định từ các phần lãnh thổ (“Tứ Sa”) mà Trung Quốc có “chủ quyền”; ba, “Tứ Sa” bao gồm một phần thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc. Thực chất, yêu sách “Tứ Sa” phản ánh tham vọng không thay đổi của Trung Quốc là tiến tới độc chiếm Biển Đông. Cơ sở pháp lý của Trung Quốc đưa ra không có gì mới đã từng được nêu ra trong các văn kiện luật pháp của Trung Quốc. Đây là một sách lược của Trung Quốc trong chiến tranh pháp lý ở Biển Đông, tìm cách sử dụng mập mờ các quy định của Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 (về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng như thềm lục địa mở rộng) biện hộ cho yêu sách của Trung Quốc hòng đánh lừa dư luận rằng các yêu sách của Trung Quốc “phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý để thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông, song đang gặp phải những khó khăn do: (i) các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, Trung Quốc không thể đưa ra những lý lẽ thuyết phục để bảo vệ cho các yêu sách của mình; (ii) các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông không những không có cơ sở pháp lý mà lại đe dọa phá vỡ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven Biển Đông nên không có tính thuyết phục và bị các nước này phản đối, dư luận quốc tế phê phán.
Để đối phó với Pháp lý chiến của Trung Quốc đối với Biển Đông, các nước ven Biển Đông cần nêu cao ngọn cờ pháp lý ở Biển Đông, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ủng hộ Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, coi đây là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Bên cạnh đó, cần tranh thủ các nước luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Canada, Nhật… và các nước Châu Âu… lên tiếng mạnh mẽ phê phán Trung Quốc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài. Các nước liên quan ở Biển Đông cũng cần công khai lên tiếng yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng pháp lý tại các cơ quan tài phán quốc tế. Hành động khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và kiện Tập Cận Bình ra Tòa án hình sự quốc tế là những hành động dũng cảm, các nước ven Biển Đông khác cần noi theo.
Để chống lại mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Các nước ven Biển Đông cần lên tiếng ủng hộ các hoạt động này.
Mặt khác, các nước ven Biển Đông cần thông qua các kênh học giả, chuyên gia có các công trình nghiên cứu, tài liệu khoa học… vạch trần sự phi lý trong các yêu sách và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tóm lại, ba mặt trận trong “Tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc có liên hệ mật thiết qua lại với nhau. Trung Quốc đang tích cực triển khai mạnh mẽ cả 3 mặt trận này ở Biển Đông, tạo ra một vòng tròn liên hoàn nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm, khống chế Biển Đông. Trung Quốc tập trung xây dựng các lý lẽ bảo vệ yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông, tự đưa ra các quy định về luật pháp liên quan đến Biển Đông mà nhiều ý kiến đều cho rằng đó là “luật rừng” của Trung Quốc (Pháp lý chiến); rồi lấy các lý lẽ hay quy định của “luật rừng” đó để tuyên truyền, tung hỏa mù (Dư luận chiến); qua đó gây tâm lý hoang mang sợ hãi trong các nước ven Biển Đông, đồng thời đánh lừa dư luận quốc tế, chia rẽ các nước trong khu vực (Tâm lý chiến).