Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐiểm tinBáo TQ: Đài Loan hồ hởi cảm ơn lô vũ khí 2,2...

Báo TQ: Đài Loan hồ hởi cảm ơn lô vũ khí 2,2 tỷ USD của Mỹ nhưng thực chất đó là lô hàng “vô giá trị”?

“Mỹ hiểu rất rõ ràng rằng, mua bán vũ khí không có ý nghĩa gì trong việc duy trì cân bằng quân sự giữa hai bên eo biển Đài Loan”, Hoàn cầu cho biết.

Xe tăng M1A2 của Quân đội Mỹ vượt sông Hantan trong cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn hợp đồng bán lô vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan. Đơn hàng này bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, tên lửa Stinger và một số trang thiết bị khác.

Trước động thái của Mỹ, người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Loan Lý Hiến Chương thể hiện sự vui mừng cho biết: “Chính quyền Đài Loan cảm ơn phía Mỹ đã từng bước thực hiện cơ chế bình thường hóa đối với việc mua bán vũ khí của Đài Loan, giúp đảo này có thể ngay lập tức nhận được các trang thiết bị phòng vệ cần thiết, có hiệu quả trong việc nâng cao sức mạnh phòng vệ”.

Trong khi đó, Trung Quốc thể hiện sự phản đối quyết liệt bằng cách trao công hàm phản đối và yêu cầu Mỹ dừng hành động này “ngay lập tức”.

Đây là lần thứ tư chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan trong hơn hai năm qua. Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), so với các hợp đồng vũ khí đối với Đài Loan của các chính phủ tiền nhiệm Mỹ, 2,2 tỷ USD không phải một con số quá lớn, cũng không quá nhỏ nhưng là con số lớn nhất dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump.

Trị giá các hợp đồng mua bán vũ khí với Đài Loan có xu thế tăng dần dưới thời ông Trump, báo Trung Quốc nhận định.

Thực chất của các hợp đồng mua bán vũ khí

Hoàn cầu cáo buộc, Washington đã đi ngược Thông cáo 17/8 được Mỹ-Trung ký kết vào năm 1982, quy định Mỹ giảm các hợp đồng mua bán vũ khí với Đài Loan. Đồng thời, tờ này cho rằng, kể từ chính quyền Tổng thống George H. W. Bush về sau, việc tiến hành các giao dịch mua bán vũ khí quy mô lớn và vừa với Đài Loan đã dẫn đến sự kích động lẫn nhau trên bước phát triển thăng trầm của quan hệ Trung-Mỹ.

“Hiện nay có vẻ như vấn đề mua bán vũ khí cho Đài Loan phụ thuộc vào các biến số của chính đại lục. Đầu tiên, sức mạnh quân sự của đại lục ngày càng trở nên lớn mạnh, khiến vũ khí mới mua của Đài Loan thực sự mất đi ý nghĩa quân sự và con số chi tiêu quân sự nhỏ nhoi khiến đảo này không thể duy trì cân bằng quân sự giữa hai bờ eo biển chỉ bằng cách mua vũ khí.

Thứ hai, việc tăng cường sức mạnh quốc gia khiến Bắc Kinh có nhiều biện pháp để ngăn chặn bên ngoài bán vũ khí cho Đài Loan. Trước đây, Pháp và Hà Lan đều bán vũ khí cho Đài Loan. Bây giờ chỉ còn lại Mỹ”, Hoàn cầu viết.

Theo tờ này, hành động này giúp Mỹ đạt được một số mục đích quan trọng: Kiếm tiền, duy trì ảnh hưởng đối với Đài Loan và dùng lá bài mua bán vũ khí để kiềm chế Bắc Kinh.

“Washington hiểu rất rõ ràng rằng, mua bán vũ khí không có ý nghĩa gì trong việc duy trì cân bằng quân sự giữa hai bên eo biển nhưng đây vẫn là lời nói hoa mỹ của họ trước Đạo luật quan hệ với Đài Loan. Tiêu điểm chính sách của Mỹ sớm đã chuyển từ bảo vệ an ninh Đài Loan sang các phương hướng khác trong cuộc chơi với Trung Quốc”.

Trong khi đó, đối với chính quyền Đài Loan, việc lôi kéo Mỹ là cơ sở để duy trì chính sách xuyên eo biển hiện nay.

“Đài Loan nhận thức rõ ràng rằng, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA đã xây dựng một lợi thế áp đảo so với quân đội Đài Loan. Giờ đây, nếu Bắc Kinh hạ quyết tâm giải phóng Đài Loan, sẽ dễ dàng hơn giải phóng Bắc Bình năm xưa. Việc mua vũ khí của Mỹ đã mất đi ý nghĩa vật lý nhưng điều Đài Bắc muốn chính là hiệu ứng tâm lý. Đài Bắc cần thông qua đó để khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa Đài Loan và Mỹ, và việc đảo này cắt một phần lớn chi phí quân sự cho các nhà buôn vũ khí Mỹ được coi như phí bảo kê”, Hoàn cầu nhận định.

“Bán vũ khí cho Đài Loan đã trở thành một phiền phức lâu dài cho quan hệ Trung-Mỹ nhưng vì những lý do trên, cường độ của rắc rối này thực sự đang dần suy yếu. Đại lục nắm quyền chủ đạo hơn đối với tình hình eo biển Đài Loan”, Hoàn cầu cho biết Bắc Kinh đang luôn kiềm chế nhưng trên thực tế vẫn có khả năng thay đổi luật chơi ở eo biển Đài Loan.

“Chúng ta không sử dụng nó nhưng nó sẽ dần dần phát huy tác dụng”, tờ này viết.

“Mỹ-Đài không thể quá trớn, nếu quá trớn, nhất định sẽ phải trả giá”, Hoàn cầu cảnh cáo và đưa ra giả định, “Nếu một ngày Mỹ và Đài Loan thực hiện một thương vụ mua bán quân sự mà Đại lục không thể chấp nhận, Đại lục tuyên bố rằng nếu những trang thiết bị đó ở lên đảo, chúng tôi sẽ kiên quyết tiêu hủy chúng, khi đó chuyện gì sẽ xảy ra?”.

Tờ này cho rằng, chính quyền Đài Loan sẽ là bên đầu tiên rút lui bởi nếu Trung-Mỹ tiến hành một cuộc xung đột ở eo biển thì đảo sẽ là là đối tượng chịu thiệt nhất.

RELATED ARTICLES

Tin mới