Tuesday, December 24, 2024
Trang chủĐiểm tinDonald Trump ghi điểm lịch sử, nỗi ám ảnh thực sự của...

Donald Trump ghi điểm lịch sử, nỗi ám ảnh thực sự của TQ

Thống thống Donald Trump liên tiếp ghi những dấu ấn mới trong bối cảnh khó khăn và áp lực không hề nhỏ. Đây có lẽ là nỗi ám ảnh đối với chính quyền Bắc Kinh của ông Tập Cận Bình.

Đồng loạt lên đỉnh

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ vừa ghi nhận những đỉnh cao lịch sử mới. Trong đó, chỉ số S&P 500 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 3.000 điểm trong bối cảnh cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ có những tín hiệu đồng thuận với mong muốn giảm lãi suất của ông chủ Nhà Trắng Donald Trump .

Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng lên mức cao mọi thời đại. Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 27.000 điểm, trong khi đó Nasdaq cũng lần đầu tiên lên trên ngưỡng 8.200 điêm.

Trước đó, hồi cuối tháng 4/2018 khi ông Donald Trump đánh dấu 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, chỉ số Nasdaq lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 6.000 điểm sau một thời gian 2 thập kỷ vật lộn quanh mốc 5.000 điểm.

Con số 27.000 điểm của chỉ số Dow Jones cũng vô cùng thần kỳ. Chỉ 3 tháng sau khi ông Trump nhậm chức, chỉ số Dow Jones đã 2 lần phá ngưỡng lịch sử. Đó là mốc 20.000 điểm và 21.000 điểm. Tốc độ tăng cũng nhanh nhất lịch sử, tăng thêm 1.000 điểm lên 21.000 điểm trong vòng hơn 3 tuần. Trong 120 năm tồn tại, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ cần vài trăm, hàng ngàn, thậm chí vài chục ngàn phiên giao dịch để có thể tăng thêm mỗi 1.000 điểm.

Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở dưới 4%, mức thấp nhất trong gần 50 năm, với khoảng 5 triệu việc làm đã được tạo ra dưới thời Tổng thống Trump. Niềm tin của các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh, lên mức cao nhất 18 năm. Sự lạc quan của doanh nghiệp nhỏ đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đang tiến gần ngưỡng kỷ lục.Nền kinh tế số 1 thế giới có những thay đổi kinh ngạc. Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,2% trong quý 1/2019. Đây là mức tăng trưởng khởi đầu tốt nhất trong 4 năm và vượt xa dự báo của các chuyên gia.

Trong thời gian hơn 2 năm, Tổng thống Trump đã thực hiện thành công hàng trăm cam kết khi tranh cử, vượt qua những thành tựu mà cố Tổng thống Ronald Reagan đạt được trong cùng khoảng thời gian.

Cuối 2018 và đầu 2019 là khoảng thời gian rất thành công đối với ông chủ Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được nhiều mục tiêu đề ra, trong đó có một loạt các giải pháp chống lại 1 đồng USD mạnh, một đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc yếu, giá dầu cao và vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc, vấn đề sở hữu trí tuệ, ăn cắp bản quyền…

Ông Trump đã đưa vào danh sách đen của Mỹ một loạt các thành phần, từ ZTE, Huawei của Trung Quốc cho tới các nhà tài phiệt Nga, Venezuela, Iran… Vấn đề đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, gián điệp kinh tế, trợ giá ngầm sản phẩm… được giải quyết bằng biện pháp áp thuế cao.

Donald Trump thăng hoa, nỗi lo sợ của Trung Quốc

Chỉ sau một thời gian rất ngắn, ông Donald Trump đã có hàng loạt động thái nhằm chặn đứng tham vọng số 1 của Trung Quốc, làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như định hình lại quan hệ kinh tế quốc tế.

Với cuộc chiến thương mại kéo dài trong vòng 1 năm qua, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã rạn nứt và giờ đây trở nên lỏng lẻo, thay vì khá gắn kết như trong gần 3 thập kỷ qua.

Sau hơn 2 năm cầm quyền, có thể thấy, chính sách của ông Donald Trump là nhất quán và không thay đổi, từ những cam kết rút khỏi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phá bỏ Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thay bằng Thỏa thuận Mỹ – Mexico – Canada (USMCA)… cho tới việc trừng phạt Trung Quốc về các vấn đề như: đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, gián điệp kinh tế, trợ giá ngầm sản phẩm…

Quan điểm về vấn đề thương mại của ông Trump không có gì thay đổi, vẫn nhất quán từ trước tới nay. Cách đây 30 năm, ông Trump đã có ý định tranh cử tổng thống với quan điểm không thể chấp nhận thâm hụt thương mại cùng với lời đe dọa áp thuế hàng hóa nhập khẩu, trong khi giảm thuế cho người dân trong nước…

Nhìn một cách kỹ hơn, có thể thấy, cuộc chiến của ông Donald Trump là một cuộc chiến toàn diện, trên nhiều mặt với mục đích rõ ràng là khẳng định vị thế số 1 trên trường quốc tế, đúng như khẩu hiệu “Make America Great Again” và giờ đây là “Keep America Great”.

Thỏa thuận “đình chiến” Mỹ-Trung đạt được bên lề cuộc họp G20 tại Nhật Bản giữa ông Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tháng 6 vừa qua mới chỉ là tạm thời. Quan hệ thương mại Mỹ-Trung trên thực tế vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Với người Trung Quốc, cho đến giờ, cái tên Donald Trump có lẽ thực sự là một cơn ác mộng. Và với những gì vị tổng thống Mỹ này đã làm được theo như cam kết, điều đáng sợ còn ở phía trước bởi khi bước vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump từng không ngần ngại tuyến bố “Trung Quốc không phải bạn”, rồi những cáo buộc như: cướp công ăn việc làm, ăn trộm công nghệ…

Nhiều dự báo cho rằng, ông Trump sẽ tiếp tục mạnh tay với Trung Quốc, ít nhất là đến mùa bầu cử năm 2020 và áp thuế là một vũ khí hữu hiệu của nhà lãnh đạo này. Thật khó có thể dự báo cuộc đối đầu Mỹ-Trung sẽ kéo dài bao lâu, nhưng có một điều được nhiều người khẳng định là nó sẽ không kết thúc một cách nhanh chóng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhắm đến Trung Quốc như ưu tiên chính trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và coi Trung Quốc là đối thủ hàng đầu. Trong khi đó, các nghị sỹ Mỹ phản đối quyết định nới lỏng hạn chế với Huawei của Tổng thống Trump sau thỏa thuận “đình chiến” của Mỹ với Trung Quốc.

Vấn đề mà nước Mỹ đang đối mặt là sự trỗi dậy đáng lo ngại của Trung Quốc và sự phát triển kinh tế không công bằng, mà theo cáo buộc của Mỹ là: đánh cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước và hạn chế các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới