Từ 7-31/7, Mỹ – Australia tiến hành tập trận “Talisman Saber 2019” tại cảng Brisbane (Australia).
Tàu do thám lớp Dongdiao của Trung Quốc
Theo Reuters, cuộc tập trận năm nay còn có sự tham dự của các nước Anh, Nhật Bản, New Zealand và Canada, với 34.000 quân nhân. Các phái đoàn từ Ấn Độ và Hàn Quốc là quan sát viên. Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Thượng nghị sĩ Hon Linda Reynold, cho biết, cuộc tập trận được tổ chức nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang Australia và Mỹ. 18 quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng đã được mời tham gia chương trình với tư cách khách mời quốc tế. Bà Linda Reynold đánh giá cuộc tập trận diễn ra 2 năm/lần này phản ánh sức mạnh của liên minh Australia-Mỹ cũng như mối quan hệ gần gũi về mặt quân sự giữa hai nước.
Đáng chú ý, các quan chức quốc phòng Australia (8/7) cho biết, họ đang chú ý một tàu giám sát của Trung Quốc neo ngay bên ngoài lãnh hải Australia để theo dõi cuộc tập trận quân sự nói trên. Trung tướng Greg Bilton, chỉ huy các hoạt động chung của Lực lượng quốc phòng Australia, tiết lộ, tàu giám sát Trung Quốc có lẽ đã đến bờ biển phía Đông Bắc Australia để có cái nhìn trực tiếp về cuộc tập trận quân sự trên. Theo Trung tướng Greg Bilton, “Australia đang dõi theo (tàu trinh sát Trung Quốc).Chúng tôi chưa biết đích đến của nó nhưng có thể nó sẽ đến bờ biển phía đông của Queensland và chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp”.
Trước đó, hãng tin ABC (7/7) dẫn nguồn tin quân sự cho biết giới chức Canberra đang hết sức để tâm tới tàu do thám thuộc lớp Type 815G Đông Điều của hải quân Trung Quốc. Theo đó, tối 7/7, con tàu này xuất hiện ở khu vực ngoài khơi phía Bắc Papua New Guinea và được cho là đang hướng về Australia để do thám cuộc tập trân Talisman Saber ngoài khơi bờ biển Queensland, miền Đông Australia.
Cuộc tập trận trên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây liên quan chiến tranh thương mại và những hành động gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, bao gồm các động thái xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại khu vực Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn khu vực Biển Đông giàu tài nguyên và là nơi thông thương của hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Australia và Trung Quốc cũng đang cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Nam Thái Bình Dương, vẫn còn thưa thớt dân cư, ít kiểm soát và giàu tài nguyên.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên đưa ra các tuyên bố chỉ trích Australia vì tăng cường hiện diện và can dự vào tranh chấp ở Biển Đông; cho rằng hành động của Australia chỉ khiến căng thẳng gia tăng và không hỗ trợ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trên thực tế, Australia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song khu vực này có ý nghĩa sống còn đối với Australia, nhất là việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa thương mại qua Biển Đông. Hiện hầu hết các tuyến đường thương mại của Australia đến khu vực Đông Bắc Á, Đông Á đều đi qua Biển Đông. Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott (10/2013) từng nhấn mạnh gần 60% thương mại của Australia đều thông qua Biển Đông. Chính vì vậy, việc hàng hóa, tàu thuyền tự do lưu thông không bị cản trở, kiểm soát ở Biển Đông là một trong những vấn đề được Australia đặc biệt quan tâm. Trong những năm gần đây, Australia đã đóng vai trò tích cực nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và giao lưu kinh tế cho các tuyến đường thương mại của Australia qua vùng biển này.
Không những vậy, việc Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo phi pháp và trên khai vũ khí trên các thực thể nhân tạo ở Trường Sa, nhất là một số loại tên lửa có khả năng vươn tới một bộ phận lãnh thổ Australia đã đe dọa trực tiếp môi trường hòa bình và ổn định của Australia. Tình hình an ninh khu vực Biển Đông cũng có tác động trực tiếp đến hoạt động giao thông hàng hải và vận chuyển hàng hóa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thương mại của Australia. Ngoài ra, khi tình hình an ninh khu vực trở nên căng thẳng sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Khi đó, Australia là nước có lợi ích thiết thực ở Biển Đông sẽ bị kéo theo và ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng, nhất là hoạt động của hải quân Australia.
Xuất phát từ lợi ích thiết thực của mình, Australia đang ngày càng tăng cường hiện diện và can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Về quan điểm chính thức, Australia tuyên bố sẽ không ủng hộ hoặc liên minh, liên kết với bất kỳ nước nào trong các tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định Australia giữ vai trò trung lập, nhưng kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực không bị ảnh hưởng, lên án các hành động quân sự hóa trong khu vưc. Về mặt công khai, Australia bày tỏ thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế Australia vần ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Một mặt thông qua các kênh ngoại giao cùng các diễn đàn quốc tế để tạo áp lực yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động phi pháp ở Biển Đông; mặt khác Australia tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, tích cực tham gia các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.