Mặc dù phải bỏ ra số tiền tới 2,2 tỷ USD để có được hơn 100 xe tăng cùng vài trăm quả tên lửa, nhưng sức mạnh của lô vũ khí này không thay đổi cán cân quân sự Trung – Đài.
Sẽ không có một chiếc siêu tăng Abrams hoàn thiện cho Đài Loan.
Đầu tuần này, giới quân sự châu Á được phen xôn xao khi Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) tiết lộ rằng, Lầu Năm Góc chấp thuận bán 108 xe tăng Abrams và 250 tên lửa Stinger với tổng trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan.
Đây được xem là hợp đồng vũ khí “khủng” nhất trong khoảng 5-10 năm gần đây giữa Mỹ với Đài Loan. Thương vụ bước đầu được đánh giá là sẽ giúp Quân đội Đài Loan hiện đại hóa một phần lực lượng lục quân đã lạc hậu với khí tài thời chiến Tranh Lạnh.
Dĩ nhiên, ngay lập tức phía Trung Quốc đã có động thái phản đối và thúc giục Washington dừng thương vụ để tránh làm tổn hại quan hệ song phương với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia hợp đồng này sẽ không thay đổi cán cân quân sự Trung – Đài vốn đã thiên lệch về phía Bắc Kinh.
Thật vậy, con số 108 và 250 là rất lớn, nhưng khi đi sâu vào khả năng các loại vũ khí này với đảo Đài Loan thì nó không giúp được gì nhiều để có thắng lợi trong một cuộc chiến thực sự.
Mạnh đấy, nhưng Abrams nào khác “bình hoa di động”
Theo DSCA, Washington chấp thuận cung cấp cho Đài Loan 108 xe tăng Abrams phiên bản M1A2T. Đấy là cấu hình đặc biệt của thế hệ M1A2C thuộc hàng mới nhất của Mỹ hiện nay.
Dù vậy, xe tăng M1A2T sẽ không sở hữu công nghệ giáp dùng vật liệu uranium nghèo tăng khả năng kháng chịu đạn xuyên giáp Nga – Trung. Thay vào đó, M1A2T sẽ sử dụng giáp tổng hợp tương đương.
Về hệ thống phòng ngự chủ động Trophy tích hợp trên phiên bản M1A2C có lẽ cũng không xuất hiện trên M1A2T.
Việc không thể bán Abrams với giáp uranium nghèo cũng khiến cho con đường nhập khẩu loại đạn xuyên mạnh nhất M829 cũng trở nên vô vọng với Đài Loan.
Đây là điều hết sức thiệt thòi với Đài Loan vì đây là 2 tính năng “ngon nhất” trên siêu tăng Abrams của Quân đội Mỹ.
Giáp uranium nghèo tăng cường đáng kể sức kháng chịu trước đạn xuyên giáp của Nga – Trung. Cụ thể, theo các nghiên cứu thì mặt trước tháp pháo M1A2 có chiều dày quy đổi tương đương 700-800mm thép chống đạn xuyên APFSDS hoặc 1.300mm thép chống đạn xuyên nổ lõm.
Mặt trước thân xe đạt khoảng 500-600mm chống đạn xuyên APFSDS hoặc 800mm với đạn xuyên nổ lõm. Chính Quân đội Mỹ từng có lần thừa nhận rằng những chiếc M1 Abrams thiếu giáp uranium nghèo nên mới dễ bị tiêu diệt trong một số cuộc xung đột.
Còn M829 là đạn xuyên giáp có cánh ổn định và vỏ tách rời với đầu xuyên làm bằng vật liệu uranium nghèo. Loại đạn này có nhiều ưu điểm lớn trong chống tăng, có thể gây thiệt hại lớn cho kíp lái và xe địch.
Việc thiếu vắng hai công nghệ tối tân này đẩy siêu tăng Abrams của Đài Loan trở nên không có gì đặc biệt hơn nếu đem so với các loại tăng chủ lực Type 96B hay Type 99 của Trung Quốc. Trong khi về công nghệ bảo vệ xe, tăng Trung Quốc ngoài giáp composite còn có giáp phản ứng nổ (ERA), hệ thống phòng vệ chủ động.
Tất nhiên là trên chiến trường, mọi tham số chỉ để tham khảo, một cuộc chiến thực sự tiềm ẩn nhiều điều bất ngờ, chưa chắc vũ khí mạnh hơn là yếu tố quyết định chiến thắng.
Vấn đề ở đây với Đài Loan là xe tăng Abrams giúp gì cho họ trong việc phòng thủ đảo? Đúng ra điều họ cần nhất bây giờ là các vũ khí trên không hay vũ khí phòng thủ hướng biển.
Bởi xe tăng thường đóng vai trò là vũ khí đột kích, tấn công trên bộ, Đài Loan là một hòn đảo, một khi chiến tranh lan lên đảo thì đó gần như là một dấu chấm hết, thất bại hoàn toàn không thể tránh.
Đó là chưa kể, xe tăng không thể đấu được không quân, các loại máy bay chiến đấu của Trung Quốc có thể “san phẳng” toàn bộ các đơn vị thiết giáp gồm cả Abrams M1A2T.
Bản thân nước Mỹ đã quá rõ điều này, trong chiến tranh vùng Vịnh, các máy bay cường kích A-10, trực thăng Apache đã tha hồ săn lùng xe tăng T-72 của Iraq sau khi Không quân Mỹ chiếm gọn bầu trời.
Ở Đài Loan, mọi thứ tương tự cũng có thể xảy ra nếu có chiến sự, sự thất bại của hải quân và không quân đặt dấu chấm hết cho lực lượng lục quân.
Có thể Đài Loan mất đi hải quân, nhưng nếu phòng không và không quân còn thì vẫn sẽ cứu nguy được cho chính họ. Dẫu vậy, hợp đồng 250 tên lửa Stinger với Đài Loan chẳng khác nào “thùng rỗng kêu to”.
Cũng là “sát thủ” nhưng Stinger chẳng khác nào “đồ trang sức”
Stinger là cái tên phổ biến của “làng” tên lửa phòng không vác vai do Mỹ sản xuất từ những năm 1980. Nó được biết tới nhiều kể từ khi được phiến quân Afghanistan sử dụng để chống lại trực thăng Mi-24 đáng sợ của Hồng quân Liên Xô.
Với đầu dò hồng ngoại cực nhạy, Stinger nhanh chóng trở thành cơn ác mộng với mọi phi công tài ba của Liên Xô lúc bấy giờ.
Và nó cũng được coi là một trong những “sát thủ tầm thấp” đáng sợ nhất.
Theo Military-Today, FIM-92 Stinger trang bị đầu nổ phá mảnh nặng 3kg, đầu dò hồng ngoại bị động có thể đối phó với các mồi bẫy pháo sáng; tầm bắn 4-8km tùy phiên bản và độ cao với tới 3,5-3,8km.
Rõ là nó khá nguy hiểm với trực thăng, nhưng với máy bay chiến đấu phản lực thì không chắc.
Đó là chưa kể, máy bay J-11/15 hay Su-27/30/35 của Trung Quốc rất hiện đại, có thể dùng vũ khí thông minh.
Đối phó Stinger, chúng chỉ việc bay lên tầm cao hơn 3,8km là đủ, rồi thoải mái sử dụng vũ khí thông minh càn quét mục tiêu trên mặt đất.
Thật đúng là hợp đồng 250 quả Stinger có khác nào mua “đồ trang sức rẻ tiền” mà rốt cuộc không đem lại bất cứ lợi thế nào với Đài Loan. Bảo sao phía Mỹ “trấn an Trung Quốc” rằng hợp đồng này không thay đổi cán cân quân sự hai bên!
Rõ là nếu cung cấp F-35 hay vũ khí không quân hiện đại khác, Washington chắc chắn sẽ rất mệt mỏi với sức ép từ Bắc Kinh. Nhưng nếu không bán vũ khí họ cũng sẽ “khó ăn khó nói” với Đài Bắc.
Thế nên cung cấp một loại vũ khí tạm gọi là đẹp lòng với Đài Loan nhưng không thay đổi sức mạnh quân sự hai bên là giải pháp an toàn nhất với Mỹ hiện tại. Dĩ nhiên với Đài Loan thì họ dù muốn dù không cũng không vui vẻ mấy, nhưng biết sao được, tình thế nay đã khác!