Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ chính thức thông qua hợp đồng bán tên lửa và xe...

Mỹ chính thức thông qua hợp đồng bán tên lửa và xe tăng cho Đài Loan

Chính quyền Tổng thống Trump đã phê duyệt hợp đồng bán xe tăng Abrams và tên lửa Stinger cho Đài Loan, trong bối cảnh quá trình đàm phán thương mại với Trung Quốc đang căng thẳng.

Xe tăng Abrams mà Mỹ chuẩn bị bán cho Đài Loan

Quốc hội Mỹ (8/7) đã được thông báo về việc Bộ Ngoại giao chấp thuận việc bán cho Đài Loan 108 xe tăng Abrams M1A2T và những thiết bị liên quan, cùng với 250 tên lửa Stinger. Hợp đồng mua bán những chiếc xe tăng có trị giá lên tới 2 tỷ USD trong khi giá trị của 250 tên lửa đất đối không Stinger được ước tính vào khoảng 223 triệu USD.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc (DSCA) cho biết việc bán xe tăng phục vụ “lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ” bằng cách hỗ trợ Đài Loan “tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì khả năng phòng thủ một cách đáng tin cậy”. Cơ quan này cũng cho biết việc bán tên lửa Stinger sẽ cải thiện khả năng an ninh và phòng thủ của Đài Loan, nơi được cơ quan này gọi là “một thế lực quan trọng cho sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực”. Tuy nhiên, DSCA cho biết cả hai hợp đồng này đều không “thay đổi cân bằng quân sự cơ bản ở khu vực”.

Được biết, Đài Loan gần đây ngày càng lo ngại về các động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bao gồm việc tăng 7% ngân sách quốc phòng năm 2019 và triển khai oanh tạc cơ chiến lược H-6 ở căn cứ không quân Hưng Ninh, tỉnh Quảng Đông, cách đảo Đài Loan chỉ 450 km. Khiến  Đài Loan đang tìm cách mua thêm các vũ khí hiện đại từ Mỹ, đồng thời đưa các công ty của hòn đảo này vào chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng của Washington, bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc đại lục. Giới chuyên gia nhận định, Đài Loan đang có tham vọng mua nhiều loại hình vũ khí của Mỹ để nâng cao năng lực tác chiến, đề phòng khả năng bị Trung Quốc tấn công bất ngờ. Trong đó, một số loại vũ khí Đài Loan muốn sở hữu gồm công nghệ tàu ngầm, tiêm kích tàng hình F-35 và xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams.

Trước đó, bất chấp phản đối của chính quyền Trung Quốc đại lục, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý thông qua 2 thỏa thuận vũ khí với Đài Loan trong vòng chưa đầy 18 tháng. Hai thỏa thuận lần lượt được thông qua vào tháng 6/2017 và tháng 9/2018 với giá trị là 1,4 tỷ USD và 330 triệu USD. Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Đài Loan Rupert Hammond-Chambers, Washington dự kiến sẽ tiếp tục phê chuẩn một thỏa thuận vũ khí nữa với Đài Bắc vào cuối năm nay, dự kiến có giá trị khoảng 50 triệu USD. Nếu được thông qua, đây sẽ là thỏa thuận vũ khí thứ 3 của Mỹ và Đài Loan kể từ khi ông Trump nhậm chức. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu phòng vệ của Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo này theo đúng quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan; nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục làm vậy nhằm hỗ trợ an ninh cho hòn đảo và bảo vệ hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan.

Đáng chú ý, phản ứng trước việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ và luật pháp quốc tế, xâm phạm lợi ích quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc; kêu gọi Washington tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” bằng việc chấm dứt các hợp đồng bán vũ khí và cắt quan hệ quân sự với Đài Bắc, nhằm tránh làm tồn hại quan hệ Trung-Mỹ và duy trì hòa bình ổn định tại eo biển Đài Loan. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định rằng quân đội Trung Quốc giữ vững “quyết tâm không sao lay chuyển được” để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Được biết, quan hệ Mỹ – Đài Loan thời gian gần đây đang ngày càng được cải thiện và thắt chặt hơn. Động thái này khiến Trung Quốc nhiều lần tỏ thái độ khó chịu và đưa ra các tuyên bố phản đối Mỹ tìm cách “can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh”. Mới đây nhất, khi có thông tin cho rằng nhà lãnh đạo Đài Loan, Thái Anh Văn sẽ lưu trú 4 đêm tại Mỹ khi tới thăm các nước ở khu vực Caribe trong tháng này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ không cho phép nhà lãnh đạo Đài Loan quá cảnh, thận trọng và xử lý thích hợp các vấn đề liên quan đến Đài Loan để tránh làm tổn hại đến quan hệ Trung – Mỹ cũng như hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan.

Có thể nhận thấy kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực thi những chính sách thúc đẩy quan hệ thân thiện với Đài Loan rất rõ ràng. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn 10 phút với bà Thái Anh Văn. Tháng 3/2018, Đạo luật đi lại Đài Loan đã được Tổng thống Donald Trump ký ban hành, cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp gỡ những người đồng cấp. Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật bảo lãnh Đài Loan năm 2019 mà không có bất kỳ ý kiến phản đối nào nhằm ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc như Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA), Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Trong tương lai, các chuyên gia tin rằng việc Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật này với nhiều số phiếu thuận áp đảo chỉ còn là vấn đề thời gian.

RELATED ARTICLES

Tin mới