Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashinyan ủng hộ giải quyết hòa...

Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashinyan ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế

Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashinyan ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,hai bên khẳng định chuyến thăm Việt Nam lần này sẽ tạo bước ngoặt về chất trong quan hệ song phương, góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Armenia, đáp ứng kỳ vọng của Lãnh đạo và lợi ích của nhân dân hai nước. Hai bên đã thống nhất nhiều phương hướng và biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Armenia thời gian tới. Hai bên đánh giá cao quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nhất trí tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, trên tất cả các kênh Chính phủ, Quốc hội, doanh nghiệp, giao lưu nhân dân; tiếp tục phối hợp hành động tại các diễn đàn Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết…, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển. Hai bên đã trao đổi và thống nhất nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Armenia về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật; tập trung triển khai thành công Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, mà Armenia là thành viên, coi đây là trụ cột quan trọng của quan hệ song phương, là động lực tạo đột phá về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác về giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, an ninh, quốc phòng… Ngoài ra, hai bên  đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có việc giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế các tranh chấp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng, củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Armenia, quyết tâm phát triển quan hệ theo hướng hiệu quả, thực chất và bền vững trên mọi lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước.

Thủ tướng Nikol Pashinyan đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm và khẳng định chuyến thăm Việt Nam sẽ tạo bước ngoặt về chất trong quan hệ song phương, góp phần tăng cường hợp tác nhiều mặt, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo và lợi ích của nhân dân hai nước.

Được biết, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam tư trước đến nay là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thực tiễn quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và khuyến khích các bên xây dựng Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).

Trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (6/7), Thủ tướng Nikol Pashinyan nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có từ lâu. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm Armenia khi đó là một phần của Liên bang Xô Viết. Đất nước và nhân dân Armenia vẫn nhớ về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình cảm ấm áp. Về quan hệ nghị viện, Thủ tướng Armenia khẳng định, chuyến thăm Việt Nam lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Armenia cũng là dịp để tăng cường quan hệ nghị viện giữa hai nước. Trân trọng chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Armenia tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm Armenia, Thủ tướng Nikol Pashinyan bày tỏ tin tưởng, việc Quốc hội hai nước tăng cường quan hệ sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác song phương cũng như trên các diễn đàn nghị viện quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, trong đó có Armenia – đất nước đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như trong sự nghiệp phát triển ngày nay. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Armenia phát triển tốt đẹp, tuy nhiên việc trao đổi đoàn giữa hai nước còn hạn chế, quan hệ kinh tế – thương mại và đầu tư còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác. Chủ tịch Quốc hội hy vọng, trong khóa họp thứ hai Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Armenia sắp tới, hai bên sẽ cùng nhau đánh giá, tìm giải pháp thúc đẩy sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trao đổi đoàn cấp cao và các cấp để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam rất quan tâm thúc đẩy quan hệ với Quốc hội Armenia. Quốc hội Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Quốc hội Armenia trên các diễn đàn khu vực, diễn đàn đa phương và tại Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); trao đổi quan điểm, tham vấn lẫn nhau về những vấn đề hai bên cùng quan tâm và phù hợp với lợi ích của mỗi nước.

Tại hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho rằng, hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế cũng như tại Liên hợp quốc.

Được biết, Việt Nam và Armenia thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Hai nước luôn duy trì và củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp. Hiện nay, hai bên thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, qua đó nâng cao sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới