Tổng thống Mỹ xoáy sâu vào nỗi đau kinh tế Trung Quốc mà bỏ quên thiệt hại kinh tế Mỹ cũng không hề kém cạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/7 (giờ địa phương) viết trên Twitter cá nhân, tự ca ngợi các nỗ lực của mình gây áp lực lên Trung Quốc và khiến nền kinh tế nước này chịu vào cảnh thê thảm.
“Tăng trưởng quý 2 của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong hơn 27 năm. Thuế quan của Mỹ đã có tác động mạnh tới các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc để chuyển sang các nước không bị đánh thuế” – Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 15/7.
Các dữ liệu này được Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố chính thức vào cùng ngày, cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II của Trung Quốc chỉ đạt 6,2% – mức thấp nhất trong vòng 27 năm qua.
“Đây là lý do tại sao Bắc Kinh muốn chốt một thỏa thuận với Washington và họ đang ước gì đừng phá hỏng thỏa thuận ban đầu” – ông Trump hào hứng.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, trái ngược với thảm cảnh ở Bắc Kinh, Mỹ đang nhận được hàng tỷ USD tiền thuế từ Trung Quốc, và có thể sẽ còn nhiều hơn nữa. Những mức thuế này được trả do hành vi phá giá của Trung Quốc, chứ không phải do người nộp thuế Mỹ.
Nền kinh tế Trung Quốc đã được dự báo là bị tác động mạnh từ các ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại do ông Trump tác động. Con số tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử 30 năm qua đã thể hiện rõ tình trạng thực tế ở Trung Quóc hiện nay.
Con số 6,2% là mức tăng trưởng GDP thấp nhất của Trung Quốc kể từ khi các số liệu tăng trưởng được thống kê kể từ năm 1992. Thậm chí trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tăng trưởng GDP hàng quý của Trung Quốc cũng không xuống dưới 6,4%. Năm 2018, GDP của Trung Quốc tăng 6,6%.
Tuy nhiên, dường như ông Trump đã mừng hơi sớm.
Cuối tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang New York công bố số liệu tính toán cho thấy, mỗi gia đình Mỹ ước bị thiệt hại 831 USD/năm do thương chiến Mỹ- Trung Quốc.
Cơ quan này đưa ra thông báo trên chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ gói viện trợ trị giá 16 tỉ USD cho nông dân Mỹ chịu thiệt hại nặng nề vì chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Tính toán của các nhà kinh tế học tới từ các trường đại học hàng đầu tại Mỹ như Đại học California-Berkeley, Đại học Columbia, Đại học Yale và Đại học California ở Los Angeles cũng cho thấy, thiệt hại của việc tiêu dùng và sản xuất tại Mỹ lên tới 68,8 tỷ USD vì thuế nhập khẩu cao hơn.
Kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng bị áp thuế liên quan đến chiến tranh thương mại lần lượt giảm 31,5% và 11%.
“Sau khi tính toán đầy đủ phần thu ngân sách nhờ việc tăng thuế và doanh thu của các doanh nghiệp Mỹ từ giá bán hàng hóa cao hơn, tổng thiệt hại là 7,8 tỷ USD” – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. Con số này tương đương 0,04% tổng GDP của Mỹ.
“Sau khi đã tính đến doanh thu thuế quan cao hơn và tiền lời của các nhà sản xuất trong nước do giá hàng hóa cao hơn thì thiệt hại tổng thể về lợi ích xã hội là 7,8 tỷ đô la, tương đương 0,04% GDP” – các nhà nghiên cứu cho biết.
Tự nhận mình là ‘người đánh thuế’, ông Trump đã cam kết từ khi vận động tranh cử và khi lên nắm quyền sẽ giảm thâm hụt thương mại bằng cách chặn đứng những mặt hàng nhập khẩu được giao thương không công bằng và tái đàm phán các hiệp định thương mại tự do.
Các tác giả nghiên cứu nói rằng mặc dù thuế quan của Mỹ có lợi cho những ngành nghề nằm ở hạt mang tính ‘cạnh tranh về chính trị’, thuế quan trả đũa đánh vào hàng hóa Mỹ đã vô hiệu những lợi ích này.
“Chúng tôi nhận thấy rằng những người lao động ở những khu vực kinh tế có liên quan đến giao thương ở những địa hạt có đông đảo cử tri Cộng hòa là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại” – các nhà kinh tế cho hay.
Chưa kể thương chiến Mỹ- Trung cũng gây thiệt hại nặng cho ngành công nghiệp chip của Mỹ.
Gã khổng lồ chip bán dẫn Broadcom Inc dự báo doanh thu của hãng này năm nay có thể bị “bốc hơi” 2 tỷ USD do những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc và lệnh cấm làm ăn với Huawei Technologies.
Cổ phiếu của Broadcom đã giảm tới 8,6%, xóa sạch hơn 9 tỷ USD giá trị thị trường của công ty có trụ sở chính và niêm yết chính tại Mỹ. Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất chip của Mỹ như Qualcomm, Applied Materials Inc, Intel Corp, Advanced Micro Devices Inc và Xilinx Inc đều giảm từ 1,5% đến 3%.
Cổ phiếu của các nhà cung cấp linh kiện cho Huawei khác như Analog Devices Inc, Skyworks Solutions và Qorvo Inc cũng giảm.
Ông Trump khẩu chiến vì muốn có thỏa thuận?
Bất kể thiệt hại từ thương chiến Mỹ- Trung được cân đo đong đếm thế nào, Tổng thống Donald Trump cũng đang cho thấy ông nóng lòng muốn có một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có kết thúc thương chiến Mỹ- Trung trước bầu cử? |
Khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị tái khởi động đàm phán thương mại, rất ít nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh nhìn thấy lộ trình rõ ràng hướng đến một thỏa thuận lâu dài.
Hàng chục quan chức, cố vấn chính phủ và các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh tỏ ra bi quan về thỏa thuận thương mại sau cuộc gặp bên lề hội nghị G20 và cho rằng, thời điểm mà ông Trump có thể chấp nhận một thỏa thuận với phía Trung Quốc có thể là lúc Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Ông Ngụy Kiến Quốc, cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, hiện là chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc nhận xét: “Mục tiêu lớn nhất của Trump là tái đắc cử tổng thống năm 2020. Tất cả các hành động của ông ấy đều nhắm đến mục tiêu này”.
Ông Trump có thể sẽ phải đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước khi bước vào năm 2020 để làm hài lòng nhóm cử tri trung thành của ông. Bởi vậy, Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ nhượng bộ trước các yêu cầu từ Trung Quốc trong các vòng đàm phán trực tiếp tới đây.
Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể sẽ tiếp tục duy trì căng thẳng thương mại với Trung Quốc trong suốt cuộc vận động tranh cử, đặc biệt là nếu nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn trụ vững.
Hiện ông đang đối mặt với một nhóm ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, những người về cơ bản ủng hộ chính sách cứng rắn trước Trung Quốc. Nếu vậy, sự thay đổi quyền lực ở Mỹ (nếu có) sau bầu cử cũng không phải là tín hiệu tốt cho Bắc Kinh.
Dù điều gì xảy vào năm 2020, hầu hết các quan chức Bắc Kinh đều đồng tình rằng Trung Quốc cần sẵn sàng ứng phó một cuộc đối đầu thương mại kéo dài.
Các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa ngồi xuống trong các cuộc gặp trực tiếp kể từ khi Trump – Tập bắt tay nhất trí thỏa thuận đình chiến thương mại bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.
Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh có chút lạc quan khi nhìn nhận rằng, sự sốt sắng tái khởi động đàm phán thương mại của Trump là một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ không đẩy tình hình tới một cuộc xung đột gay gắt hơn kiểu Chiến tranh Lạnh hay một cuộc vận động tách rời kinh tế Mỹ – Trung.
Động thái đưa Huawei vào danh sách đen đều gây tổn thương cho các công ty Mỹ và chắc chắn, việc bỏ rơi các doanh nghiệp lớn trước thềm một cuộc bầu cử quan trọng không phải điều khôn ngoan.