Việc thực thi hay chấp nhận Phán quyết là điều quan trọng để giải quyết tranh chấp, nhưng quan trọng hơn là các quốc gia và những nước phụ thuộc vào hoạt động giao thương trong khu vực phải tìm kiếm giải pháp hòa bình và thực dụng để cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Điểm lại nội dung cơ bản của phán quyết
Về cơ bản, Biển Đông có 5 tranh chấp biển và các tranh chấp khác có liên quan đến biển, bao gồm: Yêu sách xung đột của các quốc gia trong khu vực về chủ quyền lãnh thổ của các thực thể trong Biển Đông; Quan điểm khác nhau của các nước về tình trạng pháp lý của các thực thể là đảo hay đá Quan điểm khác nhau của các nước về các yêu sách lịch sử ở Biển Đông; Do hệ quả của ba tranh chấp đầu tiên nên dẫn đến quan điểm khác nhau giữa các quốc gia trong việc xác định của các yêu sách chồng lấn đối với vùng lãnh hải , vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa ngoài 200 hải lý từ các đường cơ sở ở Biển Đông và kết quả là các ranh giới biển vẫn chưa được giải quyết; Tồn tại các quan điểm khác nhau của các quốc gia trong khu vực cũng như các quốc gia bên ngoài khu vực liên quan đến luật áp dụng cho các quyền hàng hải trong các khu vực ở Biển Đông.
Nội dung chính của phán quyết: (1) Quyền lịch sử và “đường 9 đoạn”: Toà Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Ngoài ra, dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử chỉ có một mình Trung Quốc thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. (2) Quy chế của các cấu trúc: Toà nhận thấy rằng một số bãi do Trung Quốc yêu sách đã bị làm biến đổi mạnh mẽ do việc bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc; những thực thế Trung Quốc chiếm đóng (phi pháp) không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa; không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.(3)Tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc: Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này; Tòa cũng khẳng định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines. (4) Gây hại cho môi trường biển: Toà nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. (5) Làm trầm trọng thêm tranh chấp: Toà nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên.
Giá trị của Phán quyết
Trên khía cạnh luật quốc tế, các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế (bao gồm cả tòa án và trọng tài) có tính chất ràng buộc với các nước là một bên trong vụ kiện và không có giá trị ràng buộc với các nước khác. Phán quyết của Tòa giữ nguyên giá trị pháp lý và nghĩa vụ tuân thủ đối với trường hợp một bên từ chối tham gia vụ kiện và không công nhận cũng như không tuân thủ phán quyết.
Đối với Trung Quốc: Trên thực tế, trong ba năm qua, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm phi lý của mình liên quan vụ kiện, đó là: Tòa Trọng tài không có thẩm quyền xét xử; Trung Quốc không tuẩn thủ phán quyết; Trung Quốc không thực thi phán quyết. Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, lên án, phê phán của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả 1 bộ phận tầng lớp thanh niên, tri thức Trung Quốc. Song song với hoạt động tuyên truyền bác bỏ phản quyết, Bắc Kinh cũng chủ động thúc đẩy các hoạt động trên thực địa nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông, bao gồm: Hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, đưa quân ra đồn trú, triển khai phi pháp trang thiết bị vũ khí trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); tiến hành tập trận bắn đạn thật trong khu vực; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (dầu khí, băng cháy, hải sản…) trong khu vực “đường 9 đoạn”; gia tăng các hoạt động kiểm soát trên thựa địa (triển khai hệ thống giám sát dưới đáy biển, giám sát qua hệ thống vệ tinh); thúc đẩy các dự án cung cấp năng lượng cho số đảo, đá, bãi cạn đang chiếm đóng phi pháp (điện hạt nhân trên biển, điện gió, sản xuất điện từ sóng biển…); hỗ trợ ngư dân tiến hành các hoạt động đánh bắt hải sản mang tính tận diệt và phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái ở Biển Đông; gia tăng đầu tư, mua sắm trang thiết bị vũ khí cho lực lượng chấp pháp trên biển….
Ngoài việc không tuân thủ phán quyết, Bắc Kinh cũng thúc đẩy các chiến dịch, hoạt động tuyên truyền làm lu mờ, phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài. Bắc Kinh tổng động viên các cơ quan nghiên cứu, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước viết các bài phân tích, cung cấp chứng cứ (đều là ngụy tạo) ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông nói chung và vụ kiện nói riêng. Đáng chú ý, có rất nhiều trương hợp, để tạo được “niềm tin” đối với cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền để được đăng những bài viết trên các tạp chí uy tín trên thế giới nhằm đánh lạc hướng và tạo hiệu ứng dây chuyền để phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài.
Đối với Philippines: Là nước giành chiến thắng trong vụ kiện, Philippines về bản chất luôn tuân thủ và thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, cách mà Philippines áp dụng lại mang tính thực tế và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Philippines đã có bước điều chỉnh chiến lược, mang tính bước ngoặt và có phần thái quá khi gác lại tất cả những nội dung liên quan đã kiện Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ Philippines kiện Trung Quốc chỉ nhằm tạo bằng chứng và căn cứ để mặc cả, thỏa thuận với Bắc Kinh. Và thực tế đã chứng minh, Philippines đã gác lại tranh chấp, gác lại phán quyết để đối lấy viện trợ, đầu tư kinh tế từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã cam kết cung cấp cho Philippines 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm một hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ ngân hàng Bank of China; hai bên cũng đã ký các thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá 15 tỷ USD trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỷ USD; Trung Quốc cũng cam kết chi 3,7 tỷ USD vốn vay ưu đãi để Manila triển khai 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo; hai bên cũng nối lại các thảo luận về hợp tác khai thác năng lượng qua đàm phán giữa công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PXP Energy Philippines; Trung Quốc đồng ý cung cấp 1,7 tỷ USD để mua 900 ngàn tấn gạo và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines; cho Manila vay 500 triệu USD để mua sắm trang bị quân sự, cam kết cung cấp gói viện trợ vũ khí cho cuộc chiến chống ma túy, khủng bố và bàn giao cho Philippines 23.000 khẩu súng trường M4…
Chính vì món hời lớn như vậy mà Tổng thống Philippines Duterte đã nhiều lần tuyên bố sẽ “gác lại” phán quyết của Tòa Trọng tài vì “không muốn áp đặt cho Trung Quốc”. Thậm chí, ông Duterte (19/2/2018) còn mạnh dạn cho rằng các thực thể nhân tạo bất hợp pháp do Trung Quốc xây trên Biển Đông là sự phòng thủ trước nước Mỹ, không phải là bàn đạp để tấn công các quốc gia châu Á khác, bao gồm Philippines và rằng nếu muốn “Trung Quốc có thể biến Philippines thành một tỉnh của mình, giống như Phúc Kiến”.
Đối với cộng đồng quốc tế: Về nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các phán quyết của cơ quan tài phán chỉ ràng buộc các quốc gia là một bên trong tranh chấp và không ràng buộc bên thứ ba. Do đó phán quyết trong vụ kiện không có hiệu lực ràng buộc với các quốc gia khác. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên những khía cạnh sau: (1) Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Vì vậy, hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển này đều là vi phạm luật pháp quốc tế và các nước liên quan hoàn toàn có quyền để can thiệp, ngăn chặn Trung Quốc. (2) Việc xây dựng, cải tạo phi pháp các đá, bãi cạn ở Trường Sa không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa và những hoạt động này của Bắc Kinh không chỉ đe dọa an ninh hàng hải mà còn phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái ở khu vực. Hành vi của Trung Quốc là vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. Cộng đồng quốc tế hoàn toàn có quyền phối hợp bảo vệ sự đa dạng sinh thái ở Biển Đông và ngăn chặn hoạt động phi pháp của Bắc Kinh. (3) Ngoài ra, phán quyết của Tòa Trọng tài cũng là nguồn bổ trợ của luật pháp quốc tế để các nước và cơ quan tài phán có thể dựa vào đó để đối chiếu so sánh khi xét xử, thụ lý những vụ án có tính chất tương tự.
Về tác động đến tình hình tranh chấp ở Biển Đông: Phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines đã tạo ra nhiều tác động tích cực đến tranh chấp ở Biển Đông. (1) Phán quyết là cơ sở pháp lý rõ ràng để bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết được đưa ra bởi một cơ quan tài phán được thành lập theo đúng quy định của Công ước. Phán quyết có giá trị chung thẩm và ràng buộc cả Philippines và Trung Quốc, bất kể Trung Quốc có chấp nhận hay không chấp nhận, có tuân thủ hay không tuân thủ nó. (2) Phán quyết đã xóa bỏ khả năng tạo ra vùng biển rộng hơn 12 hải lý từ các đảo ở quần đảo Trường Sa và nó trực tiếp làm giảm các yêu sách chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông giữa các bên tranh chấp. Ngoài ra, phán quyết cũng làm sáng tỏ phạm vi vùng biển tranh chấp. Trước đây với yêu sách “đường chín đoạn”, Trung Quốc đã tạo ra một vùng biển tranh chấp rộng chiếm 80% diện tích toàn Biển Đông. Việc các quốc gia yêu sách 200 hải lý từ các đảo ở quần đảo Trường Sa cũng tạo ra vùng biển tranh chấp rộng lớn khi chồng lấn với yêu sách hợp pháp từ đất liền. Phán quyết đã giới hạn phạm vi vùng biển tranh chấp chỉ ở những khu vực mà yêu sách biển tính từ đất liền hay từ các đảo chồng lấn lên nhau. (3) Phán quyết đóng vai trò chỉ dẫn cho các nước xác định rõ hơn và chính xác hơn phạm vi yêu sách chủ quyền lãnh hổ của mình đối với các thực thể trên Biển Đông. Tòa đã xác định được quy chế pháp lý của một số thực thể và khẳng định một số thực thể là bãi lúc nổi lúc chìm không thể là đối tượng của thụ đắc lãnh thổ. Cụ thể, các quốc gia trong tranh chấp không có quyền yêu sách chủ quyền lãnh thổ với bãi Xu Bi (Subi Reef), bãi Ga-ven (cụm phía Nam), bãi Tư Nghĩa (Hughes Reef), bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Điều này làm cho các nước liên quan phải rút bớt các yêu sách chủ quyền mà họ từng đưa ra đối với bãi lúc nổi lúc chìm, bãi chìm và chỉ yêu sách chủ quyền đối với các đảo. (4) Phán quyết sẽ tác động dài hạn đến quan điểm, cách hành xử và các cuộc đàm phán thực chất trong tương lai giữa các bên. Các kết luận và lập luận chặt chẽ của phán quyết sẽ đóng vai trò định hướng quan trọng trong việc định hình lại quan điểm của các bên. Không những thế với lập luận chặt chẽ và kết luận hợp lý phán quyết có thể đóng vai trò như một nền tảng nhận thức chung về bản chất pháp lý của tranh chấp ở Biển Đông giữa các bên và ASEAN. (5) Phán quyết là một cơ sở pháp lý vững chắc giúp Việt Nam có ưu thế trong đàm phán, đấu tranh với Trung Quốc nhằm bác bỏ, vô hiệu hóa yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Đồng thời phán quyết là cơ sở cho Việt Nam bảo vệ quyền hợp pháp của mình trên các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Ngoài ra, phán quyết cũng tạo tiền đề cơ sở pháp lý để Malaysia, Indonesia và Brunei đều có thể đơn phương kiện Trung Quốc về các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông. (6) Mỹ và một số nước có thể ủng hộ các nước Đông Nam Á trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn, thẳng thừng hơn. Trước đây họ còn bị ràng buộc, ít nhất là trên danh nghĩa, bởi nguyên tắc “không thiên vị bên nào trong tranh chấp”, song nay với phán quyết này, các nước lớn có thể danh chính, ngôn thuận để can dự vào tranh chấp Biển Đông.
Phán quyết của Tòa đã bị Trung Quốc xem thường và không thực thi
Trong ba năm qua, lập trường, quan điểm, yêu sách và các hành động của Trung Quốc vẫn bộc lộ rõ những âm mưu độc chiếm Biển Đông. Bắc Kinh vẫn tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trên 7 đá mà nước này đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), gồm: đá Gaven, đá Tư nghĩa, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành khăn. Trung Quốc vẫn ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển nằm giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough; tiến hành ngăn chặn, bắt giữ, xua đuổi (phi pháp) ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân các nước đánh bắt hải sản hợp pháp ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy các dự án thăm dò, khảo sát và tìm cách khai thác trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông…
Nhìn chung, Trung Quốc đang triển khai đồng bộ các hoạt động phi pháp trên Biển Đông theo những hướng sau: (1) Mở rộng các hoạt động xây dựng trên các đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, nhằm tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông một cách tổng thể. (2) Lợi dụng những bước đột phá về mặt khoa học kỹ thuật, Bắc Kinh triển khai hàng loạt những dự án để tăng cường giám sát, khai thác kinh tế và hỗ trợ lực lượng quân đội đang đồn trú phi pháp trong khu vực như xây dựng các nhà máy hạt nhân trên các đảo nổi, thành lập một mạng lưới giám sát đối với các tàu hàng hải, phát triển công nghệ mới để tìm và có thể khai thác “băng cháy”. (3) Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi để ngăn cản việc thực hiện phán quyết trọng tài. Các biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện là rất khác nhau, bao gồm việc ban hành chính sách “bốn không”, thông qua các luật và quy định mới như sửa đổi Luật An toàn giao thông hàng hải năm 1984 và củng cố các tuyên bố thông qua học thuyết “Tứ Sa”. (4) Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế, viện trợ không hoàn lại… nhằm cải thiện quan hệ và gia tăng ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, từ đó Bắc Kinh tìm cách chia rẽ đoàn kết trong ASEAN về vấn đề Biển Đông. (5) Bắc Kinh đang cố gắng sử dụng các cuộc đàm phán của COC để ngăn chặn các nước bên ngoài khu vực tìm cách can thiệp, tăng cường hiện diện ở Biển Đông. (6) Đáng chú ý, gần đây Trung Quốc tiến hành cải cách, cơ cấu lại các lực lượng chấp pháp trên biển để tạo tiền đề pháp lý gia tăng các hoạt động trấn áp (phi pháp) và khẳng định “chủ quyền” trên Biển Đông. Vừa qua, Trung Quốc đã chính thức vũ trang hóa lực lượng Cảnh sát biển bằng cách đặt lực lượng này dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc và trang bị súng cho các tàu chấp pháp.
Sau ba năm, tình hình căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp diễn, ô nhiễm môi trường biển ngày càng trầm trọng
Cùng với tần suất các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên thực địa đang ngày càng gia tăng, nhất là việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, triển khai vũ khí sát thương trên các thực thể nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và tự do hàng hải trong khu vựu.
Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với môi trường sinh thái. Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác hải sản ồ ạt, bất hợp pháp, mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc ở các cùng chồng lấn trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy giảm hệ sinh thái biển và nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài sinh vật. Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C. (Mỹ) công bố tháng 9/2017, tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong 20 năm qua; hiện ở Biển Đông có thể chỉ còn 5% lượng cá so với thập niên 1950 và quá trình phục hồi các nguồn cá ở Biển Đông hiện nay rất thấp.
Ngoài ra, cùng với việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và đưa lượng lớn binh lính ra đồn trú phi pháp ở Biển Đông cũng gián tiếp tác động, phá hủy môi trường sinh thái. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển.
Việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết, tiếp tục có các hành động đơn phương đe dọa hòa bình, ổn định ở Biển Đông đã vấp phải sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế.
Mỹ thường xuyên đưa ra các tuyên bố chính thức (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc; triển khai nhiều kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; cử tàu sân bay, tàu chiến, máy bay trinh sát, máy bay ném bom B-52 áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và một số đảo, đá ở Hoàng Sa; tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực tiến hành tập trận, giao lưu hải quân nhằm nâng cao năng lực tác chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên biển; tích cực triển khai chính sách viện trợ kinh tế, vũ khí (tàu chiến, máy bay, súng…) cho một số nước trong khu vực, như Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia…, nhằm hỗ trợ những nước này nâng cao năng lực tuần tra, giám sát và bảo vệ hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngoài ra, các cơ quan luật pháp của Mỹ đã đưa ra nhiều dự luật kêu gọi trừng phạt những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ (Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia…) đều đưa ra những tuyên bố, hành động thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông, nhất là hoạt động tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc. Một số nước trong khu vực cũng tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là đầu tư cho hải quân để nâng cao năng lực phòng thủ và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nhìn chung, ba năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, diễn biến tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng. Những nội dung mang tính lịch sử của phán quyết đã không được Trung Quốc, một trong năm nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuân thủ. Bắc Kinh vẫn dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế để chèn ép, bắt nạn những nước nhỏ trong khu vực, tìm cách củng cố “chủ quyền” ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và đi ngược lại luật pháp quốc tế.