Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLãnh đạo Mỹ - Trung 'không còn gần gũi'

Lãnh đạo Mỹ – Trung ‘không còn gần gũi’

Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục diễn biến xấu dù hai bên đã đồng ý nối lại đối thoại.

Tờ Politico hôm qua dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay quan hệ cá nhân giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không còn được như trước do căng thẳng thương mại. “Tôi thường nói ông ấy là người bạn tốt nhưng có lẽ giờ đây chúng tôi không còn gần gũi đến thế. Tôi phải đứng về phía đất nước của mình. Ông ấy vì Trung Quốc còn tôi vì Mỹ. Đó là điều tất yếu”, Tổng thống Trump chia sẻ.

Sau các hành động “ăn miếng trả miếng” áp thuế suất lên hàng hóa của nhau, quan hệ thương mại song phương trở nên xấu thêm từ tháng 5 khi Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại một số nội dung cốt lõi đã được thông qua trong đàm phán. Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi cuối tháng 6, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đồng ý khôi phục đối thoại và tạm ngừng áp đặt thuế mới. Tuy nhiên, các diễn biến mới nhất cho thấy căng thẳng đang gia tăng trở lại.

Dữ liệu chính thức vừa công bố cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 2 là 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng chậm nhất trong vòng ít nhất 27 năm. Nhà chức trách chỉ ra rằng lượng hàng xuất khẩu đi Mỹ sụt giảm mạnh đã gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và đầu tư. Theo Reuters, Tổng thống Trump lập tức tuyên bố đây là bằng chứng cho thấy chính sách áp thuế của ông có hiệu quả. “Thuế suất của Mỹ đang gây tác động lớn đến các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc để đến những nước không bị đánh thuế. Hàng ngàn công ty đang rời đi”, chủ nhân Nhà Trắng viết trên Twitter.

Phản ứng trước tuyên bố trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm qua tuyên bố sẽ “hoàn toàn sai lầm” nếu cho rằng Bắc Kinh cần thỏa thuận với Washington vì kinh tế tăng trưởng chậm. Theo ông, kết quả kinh tế từ đầu năm đến nay là “không tệ” và nằm trong dự kiến, do bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và tăng trưởng chậm.

Cùng ngày, Tổng biên tập Hoàn Cầu thời báo Hồ Tích Tiến viết trên Twitter: “Tỷ lệ 6,2% vẫn cao hơn nhiều so với tăng trưởng của Mỹ. Hãy chờ đến khi Mỹ tăng trưởng 6,2% rồi hãy cười Trung Quốc”. Nhà báo này còn cho rằng kinh tế Trung Quốc chậm lại “là do tái cấu trúc” chứ không liên quan đến các bước đi của Mỹ.

Trong một động thái cứng rắn hơn, tờ Nhân Dân nhật báo dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn kêu gọi giữ “tinh thần đấu tranh ở mức cao nhất” nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. “Mỹ đã khởi xướng cuộc xung đột kinh tế và thương mại này với chúng ta, vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới, một hành động điển hình cho chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ”, ông Chung cáo buộc.

Ngày 16.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter cho hay chính quyền “sẽ xem xét” cáo buộc Google đang hợp tác với chính quyền Trung Quốc. Trước đó, tỉ phú công nghệ Peter Thiel, nhà đồng sáng lập dịch vụ thanh toán qua mạng Paypal và là người ủng hộ Tổng thống Trump, tuyên bố có 3 câu hỏi cần được làm rõ gồm: Bao nhiêu cơ quan tình báo nước ngoài đã xâm nhập Google? Người Trung Quốc có trong số này hay không? Tại sao Google lại hợp tác với chính quyền Trung Quốc mà không phải Mỹ? Ông Thiel sau đó còn nhấn mạnh FBI và CIA “nên điều tra Google tội phản quốc” dù không đưa ra bằng chứng nào. Đáp lại, đại diện Google tuyên bố không có bất cứ hợp đồng nào với quân đội Trung Quốc và nhấn mạnh cáo buộc của ông Thiel là sai sự thật.

RELATED ARTICLES

Tin mới