Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ quyết sử dụng vấn đề tự do hàng hải để bảo...

Mỹ quyết sử dụng vấn đề tự do hàng hải để bảo vệ lợi ích quốc gia trên các vùng biển

Trong những năm gần đây, Mỹ tích cực triển khai các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia tại những vùng biển chiến lược.

Mỹ thành lập liên minh quân sự quốc tế bảo vệ tự do hàng hải ở ngoài khơi Iran và Yemen

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ- Tướng Joseph Dunford cho biết, hiện Mỹ đang cùng với một số nước xem xét liệu chúng tôi có thể kết hợp thành một liên minh để đảm bảo tự do hàng hải ở Eo biển Hormuz và Bab al-Mandab; đồng thời cho rằng có lẽ trong vài tuần tới Mỹ sẽ xác định rõ được nước nào có ý chí chính trị có thể hỗ trợ cho sáng kiến này và sau đó Washington sẽ làm việc trực tiếp với lực lượng quân đội các nước để xác định năng lực cụ thể cho việc hỗ trợ sáng kiến vừa được nêu ra.

Trước đó, Phó Đô đốc Jim Malloy, Tư lệnh Hạm đội 5 thông báo, Hải quân Mỹ không loại trừ khả năng đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đi qua eo biển Hormuz nếu động thái này là cần thiết. Hormuz là eo biển chiến lược chia tách vịnh Ba Tư – Biển Arab.

Kế hoạch thành lập liên quân mới được Bộ Quốc phòng Mỹ hoàn thiện gần đây, trong đó Mỹ sẽ triển khai tàu chỉ huy và lực lượng trinh sát chủ chốt. Những nước tham gia liên quân sẽ cung cấp tàu chiến để tuần tra vùng biển gần tàu chỉ huy Mỹ, cũng như hộ tống tàu hàng mang cờ nước họ qua hai eo biển. Đề xuất thành lập liên quân tuần tra vịnh Ba Tư dường như đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước đồng minh của Mỹ sau loạt vụ tấn công tàu thương mại trên eo biển Hormuz hồi tháng 5 và 6, cũng như vụ Iran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái (UAV) trị giá hơn 200 triệu USD của Mỹ hôm 20/6.

Trong khi đó, kế hoạch tăng cường an ninh tại eo biển Bab el-Mandeb ngoài khơi Yemen là yếu tố chưa từng được đề cập trước đây. Mỹ, Arab Saudi và UAE từng tỏ ra lo ngại nguy cơ phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tấn công tàu hàng đi qua Bab el-Mandeb, nơi có gần 4 triệu thùng dầu di chuyển qua mỗi ngày để tới Mỹ, châu Âu và châu Á.

Anh hiện là một trong những đồng minh thân cận của Mỹ đã có hành động cụ thể nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở eo biển Hormuz. London (9/7) đã điều tàu hộ vệ tên lửa HMS Montrose và một tàu quét mìn lớp Sandown tham gia hộ tống tàu chở dầu Pacific Voyager của Anh di chuyển qua eo biển Hormuz. Đây là các tàu chiến vừa được London triển khai dài hạn tới căn cứ ở Bahrain, tham gia hoạt động chống cướp biển và bảo đảm tự do hàng hải tại Vùng Vịnh. Dữ liệu định vị cho thấy hai tàu chiến Anh di chuyển ngay phía sau tàu Pacific Voyager trong hành trình từ vịnh Ba Tư đến vịnh Oman. Tàu dầu Anh vượt qua eo biển Hormuz mà không gặp trở ngại nào. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh cho biết, London luôn duy trì sự hiện diện hải quân ở Vùng Vịnh và Anh sẽ tiếp tục theo dõi tình hình an ninh ở đó và cam kết duy trì tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.

Việc Anh triển khai chiến hạm hộ tống tàu dầu dường như là biện pháp răn đe Iran, sau khi Tehran đe dọa sẽ trả đũa vụ thủy quân lục chiến Anh bắt tàu dầu MT Grace 1 của Iran ngoài khơi vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar hôm 4/7. Lời đe dọa này làm dấy lên lo ngại tàu dầu của Anh có thể bị Iran bắt khi di chuyển qua eo biển Hormuz.

Được biết, eo biển Hormuz là chỗ hẹp nhất trong tuyến hàng hải kết nối các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Kuwait, Bahrain, Iran, Iraq và Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) với Ấn Độ Dương, cũng là tuyến đường chở phần lớn khí thiên nhiên hóa lỏng từ Qatar. Iran từng nhiều lần dọa phong tỏa eo biển này khi căng thẳng leo thang với Mỹ.

Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong việc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông

Tuy Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình và đồng minh, Mỹ đã tích cực triển khai các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Thông qua các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông còn là cách để Mỹ thực hiện một số mục tiêu quan trong: (i) Gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại. (ii) Thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. (iii) Duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cũng như hệ thống luật pháp quốc tế. Theo đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường ở Biển Đông. Từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo quân đội triển khai nhiều hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong năm 2017, hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra tự do hàng hải; năm 2018, hải quân Mỹ tiến hành 9 cuộc tuần tra nữa; đến tháng 2/2019, Mỹ đã 3 lần điều tàu chiến tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ đóng vai trò đầu tàu trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực là nhằm: (i) Trước hết là vấn đề ngăn chặn việc vận chuyển nhiên liệu bất hợp pháp cho các tàu chở dầu của Triều Tiên ở biển Hoa Đông, một chiến thuật mà Bình Nhưỡng sử dụng nhằm lách các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Để đập tan nạn buôn lậu, Mỹ và Nhật Bản đã tập hợp được một liên minh các quốc gia nhằm xác định và báo cáo về những con tàu tham gia vào việc chuyển dầu từ tàu này sang tàu kia một cách bất hợp pháp. (ii) Sau đó là Biển Đông, nơi Bắc Kinh tiếp tục gia tăng lực lượng quân sự và đã tăng gấp đôi các yêu sách về hàng hải trái với luật pháp quốc tế. Các lực lượng hải quân bên trong và bên ngoài khu vực đã phản ứng với hành xử hung hăng của Trung Quốc bằng cách tiến hành nhiều hoạt động hơn, trong đó có tập trận, thu thập thông tin tình báo và đi qua các vùng biển đang tranh chấp nhằm duy trì tự do đi lại trên không và trên biển, một công tác mà các quan chức Mỹ ủng hộ.

Có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và các đồng minh đang hình thành một liên minh quân sự tuần tra hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông. Giới chuyên gia nhận định, từ hoạt động của Mỹ và các nước đồng minh ở Biển Đông trong những năm qua cho thấy nhiều khả năng các nước trên đã hình thành một “liên minh quân sự” mới để tuần tra đảm bảo hòa bình, tự do hàng hải ở Biển Đồng, đồng thời ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực, cũng như tìm cách kiểm tra, giám sát việc thực thi các Lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

Đáng chú ý, các nước đồng minh của Mỹ đang tích cực hưởng ứng kế hoạch trên. Trong những năm qua, Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thể hiện quyết tâm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông; đưa ra nhiều tuyên bố chính trị ủng hộ các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và phản đối các hoạt động đơn phương đe dọa ổn định, hòa bình trong khu vực. Nhật Bản cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuần tra, tập trận trong khu vực nhằm đảm bảo hoạt động giao thông hàng hải trên Biển Đông không bị gián đoạn. Ngoài ra, Nhật Bản đã triển khai nhiều chính sách viện trợ trang thiết bị quân sự (máy bay tuần tra, tàu tuần tra…), hỗ trợ đào tạo cho một số nước trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia… nhằm phục vụ các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Hải quân Pháp đã cho tàu tuần tra vùng Biển Đông như là một cách duy trì tự do hàng hải trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong năm 2016, Pháp đã cử chiến hạm tàng hình lớp La Fayette tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Năm 2017, Pháp cho tàu hộ vệ đa dụng Auvergne tiến hành tuần tra trên Biển Đông. Năm 2018, Pháp cử tàu chiến Pháp Dixmude và một tàu khu trục của Pháp đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa. Anh cũng tích cực hiện diện quân sự ở Biển Đông bằng cách điều tàu chiến tham gia tuần tra tự do hàng hải trong khu vực. Tháng 1/2018, Hải quân Hoàng gia Anh điều tàu HMS Sutherland với 220 thành viên thủy thủ đoàn đã lên đường tới châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có đi qua Biển Đông để thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại. Trước đó, tàu khu trục HMS Sutherland và Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh (3/2018) cũng đã tiến hành tuần qua hàng hải ở Biển Đông, sau khi tham gia huấn luyện với Hải quân Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Mỹ, Anh, Australia và các nước khác đang tăng cường “khẳng định giá trị của mình” ở Biển Đông. Việc Anh điều tàu đến Biển Đông để góp phần duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cho thấy sự ủng hộ của họ đối với quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế. Cũng trong năm 2018, Anh đã đưa các tàu chiến gồm tàu khu trục nhỏ chống ngầm Sutherland, tàu HMS Albion và HMS Argyll tới Biển Đông. Theo đó, tàu đổ bộ HMS Albion thuộc Hải quân Hoàng gia Anh (31/8) đã di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và phản bác các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới