Friday, October 4, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBáo cáo Internet TQ 2019: Sự thật đáng kinh ngạc

Báo cáo Internet TQ 2019: Sự thật đáng kinh ngạc

Nối tiếp những năm trước, Báo cáo Internet Trung Quốc 2019 tiếp tục cung cấp nhiều thông tin thú vị về thị trường công nghệ đang được xem là hấp dẫn nhất thế giới này.

Những điểm nhấn trong Báo cáo năm 2019

Trong Báo cáo năm 2019, chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý của Trung Quốc liên quan Internet có một số điểm nhấn sau: (1) Khi Trung Quốc tiếp tục cấm sử dụng các ứng dụng VPN và công cụ khác để ngăn mọi người vượt “tường lửa”, công dân nước này phải chung sống trong khu vườn Internet khép kín. Baidu và WeChat được sử dụng thay cho Google và Facebook. Những ứng dụng như vậy trở nên ngày càng quan trọng với cuộc sống trực tuyến, khiến mọi người có ít lý do để “vượt rào”; (2) Trên thế giới, các hãng công nghệ tăng cường vay mượn những công thức thành công từ Trung Quốc. Facebook Messenger có một số tính năng như trò chơi, thanh toán di động. Facebook còn ra mắt Lasso, ứng dụng video dạng ngắn có nhiều điểm tương đồng với TikTok của Bytedance; (3) Trung Quốc đặt mục tiêu ra mắt 5G thương mại tại các thành phố lớn và trung bình, đạt 40 triệu kết nối 5G vào năm 2020. Đến năm 2025, con số này dự kiến đạt 460 triệu kết nối, chiếm 28% cả nước; (4) Từ lắp đặt camera nhận diện gương mặt trên đường phố đến sử dụng robot để bảo vệ khách sạn, Trung Quốc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực. Họ cũng bán công nghệ ra nước ngoài. Các startup như SenseTime, Megvii trở thành nhà xuất khẩu giải pháp trí tuệ nhân tạo cho bảo mật và giám sát lớn tại Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi; (5) Hệ thống tín dụng xã hội dự kiến vận hành vào năm 2020 và đã có một số hạng mục được triển khai. Hàng triệu doanh nghiệp và cá nhân bị xếp vào nhóm không đáng tin và bị cấm mua vé máy bay, đi tàu cao tốc. Ở cấp thấp hơn và thủ công hơn, các thành phố nhỏ chấm điểm công dân để khuyến khích hành vi tích cực như tham gia hoạt động cộng đồng; (7) Mọi người đang mua điện thoại ít hơn trước đây. Dù vậy, các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Huawei lại thắng lớn cả trên sân nhà và nước ngoài. Song, căng thẳng gần đây với Mỹ đe dọa làm chậm lại tham vọng của họ; (8) Trao đổi tiền ảo vẫn bị cấm tại Trung Quốc nhưng blockchain lại là câu chuyện khác; (9) Tencent và NetEase đứng sau một số game “hot” nhất và được quan tâm nhất trên toàn cầu. Hầu như chưa có game thủ nào chưa từng chơi hay nghe danh PUBG Mobile, tựa game của Tencent. Game thủ đang chờ đợi các tựa game chuẩn bị ra mắt như Diablo: Immortal của NetEease và Blizzard, Call of Duty: Mobile của Tencent.

Nhìn lại Báo cáo 2018

Báo cáo Internet Trung Quốc năm 2018 đã đưa ra một số thông tin đáng chú ý, theo đó: (1) Trung Quốc có số người dùng Internet gần gấp 3 Mỹ và khoảng cách này sẽ không ngừng được nới rộng. Lượng người dùng Internet của Trung Quốc đã đạt 802 triệu, chiếm 57,7% dân số nước này, theo dữ liệu của CNNIC. Để so sánh, Mỹ có khoảng 300 triệu người dùng Internet. Tuy nhiên, so sánh về mức độ thâm nhập của Internet trong đời sống, con số này ở Trung Quốc chỉ là 55%, trong khi ở Mỹ là 89%. (2) Bắc Kinh là “thủ đô kỳ lân” của Trung Quốc. Kỳ lân ở đây ám chỉ các công ty khởi nghiệp xuất sắc, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ. Dù nhiều công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc bắt đầu ở Thâm Quyến, nhưng Bắc Kinh vẫn dẫn đầu với 31 “kỳ lân” trong lĩnh vực công nghệ cao. Thâm Quyến mới chỉ có 11 tên tuổi nổi bật. (3) Những “gã khổng lồ Internet” của Trung Quốc đang làm mọi thứ. Từ video trực tuyến đến những chiếc xe tự lái, ba tên tuổi lớn (Baidu, Alibaba và Tencent) đã có mặt ở hầu hết mọi lĩnh vực công nghệ, bằng cách đầu tư vào các công ty khởi nghiệp hoặc tự xây dựng chúng. (4) Chính quyền Trung Quốc chủ động đưa ra các chính sách thúc đẩy và hình thành ngành công nghiệp công nghệ quốc gia. Các cơ quan giám sát ở nhiều tỉnh đã cấm giao dịch tiền điện tử, kêu gọi các công ty không được xâm phạm quyền riêng tư của người dùng và thậm chí loại bỏ các ứng dụng mà họ cảm thấy “không phù hợp”. Giới quan sát nhận định bất kỳ xu hướng công nghệ nào cũng có thể biến mất sau một đêm, nếu chính quyền Trung Quốc muốn làm điều đó. (5) Các “đại gia” trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến của Trung Quốc như Alibaba, JD… bán hàng trực tiếp. Các cửa hàng tạp hóa trên phạm vi cả nước được tích hợp công nghệ cho phép người mua quét thông tin sản phẩm bằng smartphone hoặc sử dụng xe thông minh để hướng dẫn họ đến nơi chọn hàng mong muốn. Người dùng cũng có thể đặt hàng từ ứng dụng để nhận chúng ngay tại cửa nhà. (6) Người dùng Trung Quốc thích các video ngắn. Gần 600 triệu người dùng tại đây cài đặt các ứng dụng video ngắn trên smartphone, chiếm gần 80% tổng số người dùng Internet di động ở Trung Quốc. Trong năm 2017, lượng thời gian người dùng Internet ở Trung Quốc dành để xem video ngắn tăng gấp ba lần so với năm trước. (7) WeChat đang củng cố vị trí như là một hệ điều hành di động ảo của Trung Quốc, dựa vào các chương trình nhỏ. Với dung lượng không lớn hơn 10 megabyte và có thể chạy ngay trong ứng dụng, WeChat hiện lưu trữ hơn một triệu ứng dụng nhỏ và số người sử dụng chúng hàng ngày dự kiến ​​đạt 400 triệu. (8) Trung Quốc đang tụt lại phía sau Mỹ trong lĩnh vực AI, nhưng chính phủ nước này muốn sớm bắt kịp và xóa đi khoảng cách hiện tại. Mục tiêu đặt ra là biến Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030. Rất nhiều kế hoạch đã được đưa ra để cải thiện tình hình, điển hình như việc thu thập dữ liệu từ các công nghệ dựa trên AI đã được sử dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nhận dạng khuôn mặt. (9) Trung Quốc là công xưởng sản xuất loa thông minh nhưng người dùng nước này không mua chúng. Hiện có hơn 100 nhà phát triển loa thông minh ở Trung Quốc, bao gồm cả những công ty công nghệ khổng lồ, nhưng nhu cầu sử dụng loại sản phẩm này ở Trung Quốc rất thấp. Năm 2017, chỉ có 350.000 loa thông minh được bán ra ở Trung Quốc. Để so sánh thì ở Mỹ, con số này là 25 triệu. (10) Trung Quốc hiện là thị trường game lớn nhất thế giới. Doanh thu về game ở đây nhiều hơn tổng doanh thu về trò chơi so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, doanh số khổng lồ này lại chỉ nằm chủ yếu trong tay hai tập đoàn công nghệ là Tencent và NetEase. Hai công ty này nắm giữa hơn 60% thị phần ở Trung Quốc.

Trung Quốc gia tăng kiểm soát Internet

Bằng những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng Internet, công nghệ viễn thông, Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm lên phần còn lại của thế giới mà không cần một cuộc chinh phạt nào.

Tự do Internet rất khác nhau ở từng nơi trên thế giới, nhưng không nơi nào kiểm duyệt và giám sát hoạt động trên mạng chặt chẽ như Trung Quốc. Theo báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Freedom House, quốc gia tỷ dân này thậm chí còn xuất khẩu mô hình “kiểm duyệt kỹ thuật số” sang các nước khác, theo PCMag. Freedom House đã phân tích tự do Internet ở 65 quốc gia trên toàn cầu từ tháng 6/2017 đến tháng 5/2018. Báo cáo cho thấy các công ty công nghệ Trung Quốc đang trang bị cho nhiều quốc gia khác cơ sở hạ tầng viễn thông, giám sát AI và đào tạo kiểm duyệt tương tự như ở đại lục. Theo đó, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ra đời nhằm củng cố cơ sở hạ tầng, thương mại, liên kết đầu tư giữa Trung Quốc và hơn 65 quốc gia khác khắp châu Á, Phi, Âu và cả châu Mỹ.

Theo Ngân hàng Thế giới, thực thể kinh tế này sẽ chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, 62% dân số và 75% các nguồn dự trữ năng lượng. Nói cách khác, đây là hình thức lan rộng quyền lực mềm thông qua kinh tế mà không cần ngoại giao hay bất kỳ cuộc chinh phạt nào. Không những vậy, BRI có nhiều hình thức khác

nhau trong các khu vực khác nhau. Ví dụ, ở châu Phi, Trung Quốc cung cấp các khoản vay, xuất khẩu công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia như Guinea, Kenya, đồng thời khai thác tài nguyên thiên nhiên của chính quốc gia mà họ đầu tư. Ở các quốc gia khác, chính phủ và các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và ZTE mở rộng “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” thông qua mạng cáp quang do Trung Quốc xây dựng, cũng như trang bị cho chính quyền sở tại các công cụ giám sát và kiểm duyệt Internet. Về mặt cơ sở hạ tầng, Huawei hợp tác với Mexico xây dựng mạng Wi-Fi công cộng lớn nhất Mỹ Latin, bên cạnh việc lắp đặt mạng 5G trên khắp châu Âu. Ngoài ra, Huawei và ZTE cũng kiểm soát phần lớn các hợp đồng viễn thông ở Uganda.

Bản thân Trung Quốc đang sở hữu hệ thống tường lửa ngăn chặn nhiều ứng dụng và website. Nước này giám sát người dân bằng công nghệ nhận dạng gương mặt, đẩy mạnh cuộc chiến tranh ngầm về AI và đưa ra các đạo luật kiểm soát Internet như Luật an ninh mạng 2018.

Theo báo cáo của Freedom House, Trung Quốc đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, hội thảo về phương tiện truyền thông và quản lý thông tin với đại diện của 36 trong số 65 quốc gia được khảo sát. Trung Quốc còn tổ chức các khóa đào tạo cụ thể cho quan chức từ Thái Lan, Philippines, các nước Ả Rập bao gồm Ai Cập, Jordan, Lebanon, Libya, Morocco, Ả-rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Freedom House cho biết trong một số trường hợp, hoạt động tương tác giữa các công ty Trung Quốc và quan chức chính phủ nước sở tại diễn ra trước khi luật an ninh mạng ở quốc gia đó ra đời.

RELATED ARTICLES

Tin mới