Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững điểm nhấn tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN

Những điểm nhấn tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN

Ngày 11/7, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 13 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Tại Hội nghị, các quan chức quốc phòng ASEAN đã trao đổi, thảo luận về những sáng kiến khung ASEAN liên quan đến chính sách an ninh, viện trợ y tế quân sự và vai trò của ASEAN trong quản lý biên giới.

Chủ đề “An ninh bền vững”

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN đã thảo luận về những sáng kiến khung ASEAN liên quan đến chính sách an ninh, viện trợ y tế quân sự và vai trò của ASEAN trong quản lý biên giới. Các Bộ trưởng cũng thảo luận về sáng kiến của nước chủ nhà Thái Lan trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, vai trò của quân đội các nước ASEAN trong kiểm soát vấn đề này. Không những vậy, các Bộ trưởng đã tái khẳng định tầm nhìn ASEAN 2025, trong đó hướng tới xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để có thể ứng phó hiệu quả với các thách thức và xây dựng ASEAN thành một khu vực hướng ngoại trong một cộng đồng toàn cầu của các quốc gia trong khi vẫn duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

Cũng tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN đã nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên cùng hợp tác mang tính xây dựng và hòa bình để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn dịnh và thịnh vượng thông qua việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và sớm kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông hiệu quả theo thời hạn được các bên thống nhất.

Vấn đề Biển Đông tiếp tục là tâm điểm quan trọng hàng đầu

Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần này, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC); khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Đồng thời nhất trí về việc cần thiết tăng cường niềm tin, cân nhắc kiềm chế và tránh hành động làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh quyết tâm của cá bên sẽ hợp tác một cách xây dựng để biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Hội nghị ADMM cũng đã tái khẳng định cam kết của ASEAN trong thực thi Bộ Quy tắc chống va chạm ngẫu nhiên trên biển (CUES) và Tài liệu hướng dẫn chống va chạm ngẫu nhiên cho máy bay quân sự trên không (GAME) và các quy định của luật pháp quốc tế có liên quan. Nhấn mạnh việc ADMM và ADMM+ giữa ASEAN và các đối tác đối thoại là nền tảng quan trọng cho các cuộc đối thoại chiến lược về hợp tác quốc phòng an ninh và có khả năng mang lại kết quả bền vững cho khu vực, các Bộ trưởng đánh giá cao sự tiến triển của các sáng kiến ADMM như: Hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng và các tổ chức xã hội dân sự ASEAN về an ninh phi truyền thống; sử dụng trang thiết bị và nguồn lực quân sự của ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN; mạng lưới trung tâm gìn giữ Hoà bình ASEAN…

Vấn đề đánh bắt cá trái phép không khai báo và không theo quy định

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận vấn đề đánh bắt cá trái phép không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing), một trong những sáng kiến của Thái Lan nhằm nâng cao nhận thức về tác động an ninh của vấn đề này. Theo đó, IUU được cho là nhân tố tiềm ẩn dẫn đến thách thức về an ninh biển cũng như một số thách thức an ninh phi truyền thống khác như buôn người, buôn lậu hàng hoá, vũ khí và ma tuý, cướp biển, di chuyển trái phép các đối tượng tội phạm và khủng bố; đồng thời, nguồn tài chính có được từ IUU có thể có liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tái khẳng định Việt Nam ủng hộ nỗ lực chung của khu vực. Việt Nam đang triển khai các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng ngư dân của mình vi phạm vùng biển của các nước khác, cũng như ngư dân các nước khác vi phạm vùng biển của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam ủng hộ và sẽ tích cực tham gia sáng kiến của Thái Lan nhằm phát huy vai trò của lực lượng vũ trang, các cơ quan quốc phòng trong vấn đề IUU Fishing.

Bên cạnh tình hình an ninh, quốc phòng khu vực và quốc tế, các đại biểu nhất trí tăng cường hợp tác đối phó với các vấn đề khủng bố, thảm họa thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, an ninh mạng, xây dựng lòng tin và các vấn đề liên quan đến an ninh biển, an toàn tự do hàng hải và hàng không; và hợp tác trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giữa các nước ASEAN.

Kết quả quan trọng

Hội nghị đã thông qua các văn kiện quan trọng như Đánh giá các sáng kiến trong ADMM nhằm đảm bảo hợp tác thực chất; Tài liệu Khái niệm về mở rộng Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN từ ADMM ra ADMM+; Điều khoản Tham chiếu của Sáng kiến “Con mắt của chúng ta”; Tài liệu Khái niệm về việc thiết lập Hội nghị Quân y ASEAN; Hướng dẫn tương tác trên biển của ADMM; Tuyên bố chung Hội nghị ADMM-13 về “An ninh bền vững”; Đánh giá nhiệm vụ của các Nhóm chuyên gia ADMM+ hiện nay.

ADMM-13 cũng thông qua Tài liệu Khái niệm về vai trò của các cơ quan quốc phòng và lực lượng quân đội các nước ASEAN trong hỗ trợ quản lý biên giới. Đây là sáng kiến do Thái Lan thúc đẩy nhằm tăng cường nhận thức đối với tầm quan trọng của các cơ quan quốc phòng ASEAN trong việc hỗ trợ quản lý biên giới và các biện pháp xây dựng lòng tin tại khu vực biên giới.

Các bộ trưởng cũng đề cập một số nội dung khác như chuẩn bị cho Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) và ADMM+ lần thứ 6. Hội nghị đã thống nhất tổ chức Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với các nước “Cộng,” gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản.

Sau hội nghị, các trưởng đoàn đã ký Tuyên bố chung của ADMM-13 về “An ninh bền vững.” Tuyên bố tái khẳng định việc tăng cường, củng cố và tối ưu hoá hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên ASEAN cũng như với các nước “Cộng”; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như sự cần thiết phải tăng cường tin cậy lẫn nhau, kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình, và theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC một cách trọn vẹn và hướng tới việc hoàn thiện lần đọc đầu tiên của Dự thảo đơn nhất của Văn bản Đàm phán COC vào năm 2019, mở đường cho việc kết thúc sớm đàm phán COC có hiệu quả và thực chất.

Tuyên bố chung của ADMM-13 cũng hoan nghênh Việt Nam sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN và tổ chức ADMM-14 và ADMM+ lần thứ 7 vào năm 2020.

Tuyên bố mạnh mẽ của Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh Hội nghị ADMM-13 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Sau một thời gian phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ASEAN cũng xuất hiện một số thách thức, trong đó có sự gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn tại khu vực, tác động trực tiếp tới ASEAN. Trước thực trạng đó, Việt Nam cho rằng ASEAN cần tăng cường đoàn kết, phát huy tính tự lực, tự cường và nêu cao vai trò trung tâm, dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác khu vực; đặc biệt là phải cân bằng được về mặt chiến lược; như vậy mới đảm bảo được an ninh bền vững tại khu vực. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp nối các sáng kiến của ASEAN, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đồng thời đề nghị các nước ủng hộ và đồng hành cùng Việt Nam để Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ nước chủ nhà năm 2020.

Trong ASEAN, nhiều nước có chung biên giới trên biển, có số lượng lớn ngư dân làm ăn sinh sống trên biển, đa số có trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, trang thiết bị đi biển lạc hậu. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ngư dân vi phạm vùng biển của nước khác trong quá trình đánh bắt cá. Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, mục tiêu thuần tuý của ngư dân là mưu sinh, không cố tình vi phạm luật pháp, vì vậy nên xử lý vấn đề này trên tinh thần nhân đạo, tuân thủ luật pháp quốc tế, quan hệ hữu nghị giữa các nước và tinh thần đoàn kết ASEAN. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề xuất các nước cần phối hợp chỉ đạo Hải quân và các lực lượng hoạt động trên biển khác thuộc quyền, xây dựng tinh thần đối tác, không đối đầu khi xử lý ngư dân vi phạm; tăng cường hoạt động hợp tác với nhiều hình thức khác nhau như giao lưu, tuần tra chung, diễn tập chống buôn lậu và đánh bắt cá trái phép, diễn tập xử lý ngư dân vi phạm; phối hợp tuyên truyền, giao dục ngư dân và đặc biệt là chia sẻ kiến thức pháp luật của mỗi nước đối với vấn đề đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định.

RELATED ARTICLES

Tin mới