Trong cuộc hội kiến giữa Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Tổng thống Thụy Sỹ Ueli Maurer (4/7), hai bên nhấn mạnh ủng hộ giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tại cuộc hội kiến Tổng thống Thụy Sỹ Ueli Maurer, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sỹ; bày tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực: chính trị – ngoại giao, thương mại – đầu tư, giáo dục đào tạo, hợp tác phát triển.
Về phần mình, Tổng thống Ueli Maurer đánh giá cao thành tự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập Quốc tế của Việt Nam, chúc mừng Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021; khẳng định Thụy Sỹ luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế mà hai bên là thành viên; Khẳng định Thụy Sỹ là đối tác thương mại – đầu tư và hợp tác phát triển quan trọng của Việt Nam tại châu Âu.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao nhằm tạo động lực thường xuyên thúc đẩy quan hệ hai nước; nhất trí ủng hộ về giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trong những năm gần đây, nhất là từ sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 ra phán quyết liên quan vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Thụy Sỹ đã có nhiều động thái thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết, cũng như chủ trương, chính sách của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Ngày 06/12/2016, đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tranh chấp tại Biển Đông – Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và việc thực thi phán quyết” tại Thụy Sỹ. Các diễn giả đã chia sẻ những nghiên cứu xoay quanh hai vấn đề: Tranh chấp tại Biển Đông và Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS; Việc thực thi phán quyết của Tòa trọng tài và các giải pháp hòa bình cho tranh chấp tại Biển Đông. Đáng chú ý, luật sư Pierre Schifferli – thành viên Đoàn luật sư Geneva cho biết Biển Đông là một khu vực ở cách xa châu Âu và người dân “lục địa già” không mấy quan tâm đến các tranh chấp tại khu vực này, bởi họ còn có nhiều vấn đề sát sườn hơn như Ukraine, Syria, Iraq hay các vấn đề đang diễn ra nóng bỏng ngay trong lòng châu Âu như di cư, Brexit. Tổ chức hội thảo này tại Geneva, một trung tâm của các hoạt động ngoại giao, chính trị đa phương, nơi có nhiều cơ quan, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc tế, các nhà tổ chức muốn thu hút sự chú ý của giới truyền thông, các nhân vật chủ chốt trên chính trường quốc tế, cũng như của công luận quốc tế về tình hình tại Biển Đông, một vấn đề xảy ra ở cách xa châu Âu nhưng có thể có những diễn biến ngoài dự kiến và vượt tầm kiểm soát, làm phát sinh những căng thẳng chính trị và quân sự nghiêm trọng.
Ngày 7/6/2019, Hội thảo quốc tế mang tên “Diễn tiến nào trong tranh chấp tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài La Haye?” đã diễn ra tại Câu lạc bộ báo chí Thụy Sĩ ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Phát biểu khai mạc hội thảo, luật sư Pierre Schifferli thuộc Văn phòng Luật sư Schifferli tại Geneva – một trong những người khởi xướng và tổ chức hội thảo – nhấn mạnh hội thảo diễn ra 3 năm sau khi Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII UNCLOS ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, là cơ hội để các nhà nghiên cứu thảo luận chuyên sâu và phân tích về diễn tiến, tương lai trong các tranh chấp tại Biển Đông. Một trong các vấn đề được nhiều diễn giả đề cập đến là quan điểm, hành động của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh quân sự hóa Biển Đông. Giáo sư Nicola Casarini và Tiến sĩ Felix Heiduk tập trung thảo luận về những tác động của bối cảnh quân sự hóa Biển Đông đến an ninh của châu Âu. Các đại diện của EU, cũng như đại diện của các quốc gia thành viên trong liên minh, đã nhiều lần tuyên bố rằng EU có mối quan tâm lớn đối với hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Hầu hết các hoạt động trao đổi thương mại của châu Âu với châu Á đều đi qua Biển Đông. Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ hai và thứ ba của EU.
Trước đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Guy Pamerlin cho biết Thụy Sỹ đang chuẩn bị mở văn phòng tùy viên quốc phòng tại Singapore để nắm bắt tình hình khu vực và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ông Guy Pamerlin cho biết thêm Thụy Sĩ không có hải quân nên không thể đưa chiến hạm đến khu vực Biển Đông, nhưng có thể trao đổi một số phương tiện quốc phòng khác.
Đáng chú ý, bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ – Việt Nam từng cho rằng: “Các nước trên thế giới cần hiểu rõ bản chất của vấn đề là Trung Quốc đang đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; bên cạnh việc cần ủng hộ Việt Nam trong công cuộc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, cũng cần lên tiếng vì hòa bình và công lý, vì một thế giới không có chiến tranh”. Trong cuộc biểu tình phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông năm 2014, nhiều người dân Thụy Sỹ cũng đã tham gia, bày tỏ bất bình trước việc Trung Quốc không tôn trọng UNCLOS, tiếp tục các hành động xâm lấn Biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cũng chưa thực lòng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).