Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ công chiếu 7 tập phim tuyên truyền mới về chủ quyền...

TQ công chiếu 7 tập phim tuyên truyền mới về chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông

Từ ngày 15-21/7, Trung Quốc cho trình chiếu 7 bộ phim về Biển Đông mang tên “Nam Hải, Nam Hải” (Biển Đông) trên các kênh truyền hình chính thức của nước này như CCTV 12, CCTV+ nhằm tuyên truyền về những thành quả trong quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông.

Nội dung các tập phim tuyên truyền về các thành tựu nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị quân sự mới như hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên; thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tàu sân bay nội địa đầu tiên, máy bay tiêm kích J-20…; hoạt động tập trận bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; triển khai (bất hợp pháp) tên lửa phòng không HQ-9B và tên lửa chống hạm YJ-12B trên 3 thực thể địa lý đã bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo gồm đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ngoài ra, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng thông qua phương tiện truyền thông giải thích, biện minh cho việc cải tạo phi pháp các thực thể ở Biển Đông thuộc “phạm vi chủ quyền” của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần cho rằng việc Bắc Kinh xây dựng ở Trường Sa là nhằm cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống của nhân viên trên đảo, đồng thời thực hiện tốt hơn các cam kết quốc tế; khẳng định việc triển khai tên lửa phòng không ở Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập là nhằm “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”.

Trung Quốc cũng tuyên truyền về việc thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ công nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực, cụ thể: Trung Quốc thử nghiệm các chuyến bay dân sự tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cho phép “Công ty vận tải tư nhân Hải Hiệp” đưa khách du lịch (đoàn viên thanh niên, sinh viên ra Hoàng Sa); tuyên truyền về việc hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu; xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn về giao thông liên lạc, năng lượng, bệnh viện, rạp chiếu phim ở Hoàng Sa và Trường Sa; xây dựng và đưa vào sử dụng một loạt các ngọn hải đăng ở Hoàng Sa và Trường Sa; hoàn thiện lắp đặt và phủ sóng mạng 4G ở Biển Đông…

Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả các phương diện về “quyết tâm, thiện chí và nỗ lực” trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định Trung Quốc luôn tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần tuyên bố “nhờ nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN thời gian qua, tình hình Biển Đông đã ổn định”, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh muốn duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Thông qua giới chuyên gia, học giả trong nước, Chính phủ Trung Quốc đưa ra những bình luận, bài viết tìm cách bao biện cho “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông và lấp liếm các hành động phi pháp của Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn thông qua nhiều biện pháp khác để tuyên truyền về “chủ quyền” ở Biển Đông như thuê, mua chuộc các hãng báo chí quốc tế và nhà nghiên cứu viết bài ủng hộ lập trường của Trung Quốc; sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin (phát hành các loại game, lồng ghép bản đồ có đường 9 đoạn vào các dịch vụ ứng dụng công nghệ của Trung Quốc…) để kích động tinh thần bảo vệ biển đảo, xuyên tạc, gây ngộ nhận cho người dân.

Trung Quốc đang tập trung sử dụng cơ quan truyền thông đại chúng (các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí như Tân Hoa xã, Phượng Hoàng, Hoàn Cầu, Sina, Sohu, CCTV…) để đưa tin, hình ảnh, bài viết cập nhật về hoạt động bảo vệ “chủ quyền” biển đảo của quân, dân Trung Quốc trong những năm qua. Trong đó, có nhiều trang (chính thống và phi chính thống như diễn đàn quân sự, diễn đàn Nam Hải…) chuyên đăng các thông tin liên quan Biển Đông nhằm tuyên truyền về vấn đề “chủ quyền”, kích động tinh thần dân tộc và tán phát các thông tin xuyên tạc sự thật khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế ngộ nhận về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngư nghiệp, Văn phòng Quốc vụ Viện và Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc là những cơ quan hoạt đông hết công suất trong việc tuyên truyền về “chủ quyền” biển đảo của Trung Quốc, đồng thời những cơ quan trên cũng là lực lượng phản bác, bác bỏ tất cả các thông tin liên quan (không có lợi cho Trung Quốc), tìm cách đổ lỗi và chỉ trích các nước trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, quan chức Trung Quốc cũng không ngừng tìm cách lồng ghép các tuyên bố có liên quan vấn đề Biển Đông tại các cuộc gặp, hội nghị, diễn đàn quốc tế.

Chính phủ Trung Quốc, các Viện nghiên cứu, trường Đại học, hãng phim truyền hình… cũng xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa liên quan vấn đề Biển Đông như “Điệp vụ Biển Đỏ/Operation Red Sea” (Theo nội dung thông cáo, 36 giây cuối phim có hình ảnh thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và phát hiện ra một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng không rõ nét. Loa từ tàu của Trung Quốc phát ra thông điệp rằng: “Chú ý, đây là Hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”); phát hành dưới nhiều hình thức bản đồ, trong đó thâu tóm trái phép gần như toàn bộ Biển Đông; Nhà xuất bản Nhân dân (Trung Quốc) phát hành cuốn sách khoe khoang về “lịch sử, nguồn tài nguyên và vai trò quốc phòng” của cái gọi là “thành phố Tam Sa” – đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam; xuất bản cẩm nang du lịch in bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Trung Quốc cũng đã, đang dùng hình thức thông qua các hoạt động du lịch của người dân để tuyền truyền, khẳng định “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông. Theo số liệu thống kế, du khách từ Trung Quốc đại lục đã có hơn 71,3 triệu chuyến đi nước ngoài trong nửa đầu năm 2018, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Bắc Kinh đã tích cực tận dụng lợi thế này khi hậu thuẫn cho người dân tìm cách tuyên truyền về “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông khi đi du lịch. Vụ việc điển hình nhất là một nhóm du khách Trung Quốc (13/5) khi đến Việt Nam mặc áo in bản đồ “đường lưỡi bò”. Song song với việc người dân Trung Quốc đi du lịch ngày càng tăng, đòi hỏi cần có một đội ngũ hướng dẫn viên đông đảo đi cùng. Trung Quốc đã ngầm ủng hộ hoặc gián tiếp cho phép hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc học tập, tiếp cận và tuyên truyền sai sự thật về lịch sử, chủ quyền của các nước. Tại Việt Nam, hiện có một bộ phận hướng dẫn viên người Trung Quốc đến Việt Nam phân phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho du khách Trung Quốc.

Trong những năm qua, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc công bố, tuyên truyền về các hoạt động củng cố kiểm soát trên thực địa bằng nhiều biện pháp trong đó tập trung vào các hoạt động dân sự có hàm lượng công nghệ cao; tìm cách biện minh, giải thích các hành động trên là nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế biển, kết nối thương mại, cung cấp dịch vụ công cho hoạt động hàng hải ở khu vực; chủ động lồng ghép vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn “Vành đai, con đường” nhằm xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn các nước bên ngoài tìm cách can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc cũng lợi dụng việc phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật để gia tăng ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, chia rẽ đoàn kết trong nội bộ ASEAN, ép buộc một số nước phải lệ thuộc và ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới