Ngày 12/ 7/2019, Tờ báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Hải dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) được hộ tống bởi tàu hải giám vũ trang 12.000 tấn số hiệu 3901, tàu hải giám 2.200 tấn 37111 và một máy bay trực thăng đã tiến hành khảo sát địa chấn trong vùng biển gần bãi Tư Chính. Theo thông tin từ một trang tin Ấn Độ, khu vực xảy ra xung đột được biết dưới tên bãi Tư Chính, Vũng Mây. Bãi Tư Chính không thuộc Trường Sa, không nằm trong vùng tranh chấp mà nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, thuộc lô 136 trong Cụm khoa học dịch vụ kỹ thuật dầu khí tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, viết tắt là DK1. Trang tin này cho biết thêm vào ngày 10 tháng 7 năm 2019, Trung quốc đưa tàu Hải dương Địa chất số 8 cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam với hành động trá hình “thăm dò dầu mỏ”. Trong số 40 tàu vũ trang bao vây bên ngoài, Trung Quốc đưa 20 tàu vũ trang vào khu vực giàn khoan DK1 của Việt Nam. Tuy nhiên, những con tàu này đã bị các tàu Cảnh sát biển Việt Nam chống trả quyết liệt, giữ vững vị trí không để mất chủ quyền. Tuần trước, khi được phóng viên hỏi về vụ việc trên, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã không trả lời cụ thể mà chỉ tuyên bố rằng “Trung Quốc luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”. Hay nói cách khác, ông Cảnh Sảng khẳng định bãi Tư Chính là lãnh thổ của Trung Quốc và tàu Trung Quốc vào vùng biển của bãi Tư Chính là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là căn cứ vào đâu mà ông Cảnh Sảng tuyên bố bãi Tư Chính, một bãi ngầm nằm cách bờ biển Trung Quốc gần ngàn km, là lãnh thổ của Trung Quốc?
Có lẽ ông Cảnh Sảng đã dựa trên hai cơ sở. Một là, dựa trên cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa (và quần đảo Hoàng Sa) được nêu trong Sách trắng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30 tháng 1 năm 1980 và trong cuốn sách “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta (Trung Quốc)” do Hàn Chấn Hoa chủ biên và được ấn hành năm 1988. Hai là, dựa trên giả tưởng cho rằng bãi Tư Chính là một phần của quần đảo Trường Sa, do đó, bãi Tư Chính nghiễm nhiên thuộc về chủ quyền của Trung Quốc.
Trước khi đưa ra nhận xét về cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa và Tây Sa), ta hãy xem bãi Tư Chính nằm ở đâu. Nhìn vào bản đồ toàn cảnh khu vực Biển Đông, người ta có thể thấy rằng bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông, cách bờ biển của Trung Quốc gần ngàn km. Bãi này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Tác giả của cuốn sách “Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trên Biển Đông”, ông Brice M.Claget, cũng cho rằng bãi Tư Chính (và khu vực Thanh Long) nằm gọn trong thềm lục địa thuộc quyền của Việt Nam theo điều 76 của Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc. Như vậy, bãi Tư Chính không phải là một phần của quần đảo Trường Sa, mà là một phần của thềm lục địa Việt Nam.
Vậy thực hư về cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa như thế nào ? Tác giả của Sách trắng và cuốn “Tổng hợp sử liệu đảo Nam Hải nước ta” dựa trên các luận cứ “nhân dân Trung Quốc phát hiện sớm nhất, đặt tên sớm nhất, khai thác, kinh doanh, quản hạt và thực thi chủ quyền sớm nhất đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa” để kết luận rằng hai quần đảo này thuộc chủ quyền lâu đời của Trung Quốc. Nghiên cứu kỹ những tài liệu nói trên, người ta có thể rút ra một nhận xét là: những luận cứ và chứng cứ mà tác giả của Sách trắng và cuốn Tổng hợp sử liệu sử dụng được hình thành trên cơ sở xuyên tạc thực tế và sự thật lịch sử, chắp vá tư liệu, suy luận vô căn cứ và không đáng tin cậy. Những luận cứ và chứng cứ đó chỉ có tính chủ quan, phản khoa học, và do đó, không thể biện minh cho cái gọi là chủ quyền lâu đời của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những luận cứ và chứng cứ đó không thể che đậy được một sự thật lịch sử là: quần đảo Trường Sa (và quần đảo Hoàng Sa) chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Không có bất kỳ sử sách cổ hay bản đồ cổ chính thống nào của Trung Quốc chép hoặc thể hiện các quần đảo ở Biển Đông là bộ phận cấu thành của lãnh thổ Trung Quốc. Các triều đại phong kiến Trung Quốc cho đến trước năm 1909 chưa đưa ra bất kỳ đòi hỏi nào về chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông, cũng chưa có bất kỳ hành động nào thực thi chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo đó.
Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và một số bãi, đá ở quần đảo Trường Sa, tạo ra sự hiện diện trên thực tế trên hai quần đảo này là trái với luật pháp quốc tế. Sự hiện diện bất hợp pháp đó không có tác dụng gì cho việc khẳng định chủ quyền hay củng cố danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Do đó, có thể kết luận rằng việc Trung Quốc đưa tàu Hải dương Địa chất 8 vào tiến hành khảo sát địa chấn vùng biển của bãi Tư Chính của Việt Nam với sự hộ tống của các tàu hải giám có vũ trang là hành vi trái với luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng các quyền chủ quyền của Việt Nam. Tuyên bố của ông Cảnh Sảng rằng bãi Tư Chính là lãnh thổ của Trung Quốc và tàu Trung Quốc vào vùng biển của bãi Tư Chính là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc chỉ là những lời lẽ mê sảng nhằm đánh lừa dư luận mà thôi. Nhưng những lời lẽ vô căn cứ đó chắc chắn không đánh lừa được ai.