Bản tin Biển Đông ngày 22/07/2019.
Mỹ chỉ trích các hành động “ức hiếp” yêu sách năng lượng ở Biển Đông của Trung Quốc
Báo Japan Times ngày 21/7 đưa tin, Mỹ đã bày tỏ lo ngại của mình trong một tuyên bố ngày 20/7 vừa qua rằng Trung Quốc đang cản trở các quốc gia khác hoạt động dầu khí ở Biển Đông và buộc tội Bắc Kinh đã hành động như một “kẻ côn đồ”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những hành động như vậy của Trung Quốc đã đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Cụ thể, những hành vi này đã can thiệp vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết “như Ngoại trưởng Mike Pompeo lưu ý đầu năm 2019: bằng cách ngăn cản hoạt động ở Biển Đông thông qua các hành vi can thiệp, Trung Quốc đang ngăn cản các nước ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la”.
Trung Quốc luôn tuyên bố yêu sách gần như tất cả vùng biển giàu tài nguyên của Biển Đông. Tuy nhiên cộng đồng quốc tế chủ yếu đứng về phía các bên yêu sách khác – Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Đài Loan và Brunei – với lý do tầm quan trọng của tự do hàng hải.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ “Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các đảo đá ở Biển Đông nhằm khẳng định các đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp, bao gồm việc sử dụng lực lượng dân quân biển để đe dọa, ép buộc các quốc gia khác – làm ảnh hưởng đến hào bình và an ninh khu vực”. Và Mỹ kiên quyết phản đối việc bất cứ nước nào đe dọa dùng vũ lực để khẳng định yêu sách chủ quyền. Trung Quốc nên chấm dứt các hành vi bạo lực và kiềm chế các hành động khiêu khích và gây mất ổn định này”.
Thỏa thuận về căn cứ Hải quân ở Campuchia đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc về mạng lưới quân sự
Báo Wall Street Journal ngày 21/7 cho biết, gần đây Campuchia và Trung Quốc đã ký một Thỏa thuận bí mật cho phép các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Campuchia trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động tăng cường khả năng quân sự trên toàn cầu
Thỏa thuận này đã được ký vào mùa xuân năm nay nhưng không được tiết lộ. Thỏa thuận trao cho Trung Quốc đặc quyền đối với một phần của cơ sở hải quân Campuchia trên Vịnh Thái Lan, không xa một sân bay lớn hiện đang được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc.
Một số chi tiết của bản Thỏa thuận không rõ ràng. Các quan chức Mỹ cho biết, bản dự thảo thỏa thuận ban đầu cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ này trong 30 năm và tự động gia hạn sau 10 năm. Trung Quốc có thể gửi quân nhân, vũ khí và đậu tàu chiến tại khu vực này
Việc triển khai các hoạt động quân sự tại căn cứ hải quân và sân bay này sẽ giúp tăng khả năng của Trung Quốc để thực thi các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế ở Biển Đông, đe dọa các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á đồng thời mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở eo biển Malacca chiến lược.
Các quan chức Trung Quốc và Campuchia đã phủ nhận việc không có bất kỳ Thỏa thuận nào cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở Campuchia. Ngày 19/7, Người Phát ngôn của Chính phủ Campuchia cho biết “không có thỏa thuận nào như vậy cả. Tất cả chỉ là tin giả”.
Tuy nhiên, các quan chức của Mỹ và đồng minh của Mỹ cho biết, thỏa thuận giữa Trung Quốc và Campuchia về việc sử dụng căn cứ quân sự của Campuchia đã được ký kết. Ông Emily Zeeberg, phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh cho biết “Mỹ quan ngại rằng mọi bước đi của Campuchia cho phép sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Campuchia” sẽ ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực.
Khu vực quân sự này rộng 76 ha được bao quanh bởi rừng rậm và nhìn qua như một “ngôi chùa” tại vườn quốc gia Ream (Campuchia). Theo dự thảo của Thỏa thuận lúc đầu, Trung Quốc sẽ xây dựng hai cầu cảng mới, một cho người Trung Quốc sử dụng, một cho người Campuchia. Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc có thể sẽ cải tạo thêm cho căn cứ này để các tàu hải quân lớn hơn có thể cập bến.
Dự thảo cũng cho phép các sỹ quan Trung Quốc được mang vũ khí và hộ chiếu Campuchia nhưng yêu cầu người Campuchia phải xin phép Trung Quốc để vào khu vực rộng 25 ha tại vườn quốc gia Ream này.
Bắc kinh “làm xói mòn lòng tin” của ASEAN với các yêu sách ở Biển Đông
Báo Nikkei Asian Review đưa tin ngày 20/7, theo một bản dự thảo tuyên bố chung ASEAN mà Nikkei có được, trong cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 29/7 – 3/8 tại Băng Cốc sắp tới, các nước ASEAN sẽ bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm “xói mòn lòng tin” và “gia tăng căng thẳng”. Cụ thể, Các ngoại trưởng ASEAN sẽ bày tỏ “quan ngại về việc cải tạo đảo đá và các hoạt động động khác ở Biển Đông, gây xói mòn lòng tin, gây gia tăng căng thẳng và đe doa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực”. Những ngôn ngữ này cũng giống với tuyên bố Chủ tịch tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 6 vừa qua. Các ngoại trưởng ASEAN cũng sẽ kêu gọi cac bên kiềm chế, tránh các hành động “có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng”; thúc đẩy sớm hoàn thành COC với Trung Quốc và hoan nghênh các nỗ lực hoàn thành việc đọc bản thảo lần thứ nhất vào năm nay.
Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu của Mỹ
Mạng Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 21/7 đưa tin, Trung Quốc đứng đầu danh sách các mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và có khả năng thay đổi trật tự thế giới theo hướng tốt lên hoặc xấu đi.
Ngày 20/7, phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen thường niên ở Colorado (Mỹ), Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood cho rằng Trung Quốc là một quốc gia có khả năng thay đổi cuộc sống của chúng ta ở Mỹ và thay đổi trật tự toàn cầu theo hướng tốt hoặc xấu.
Ông Chris Brose – cựu giám đốc Ủy ban quân vụ Mỹ chịu trách nhiệm tài trợ và giám sát của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Biển Đông nên là trọng tâm cho các nỗ lực an ninh của Washington. Theo ông Chris Brose, “tôi không biết khả năng bành trướng – vốn đáng lo ngại của Trung Quốc- sẽ đi đến đâu. Mỹ cần tập trung vào việc củng cố ngăn chặn những hành động bành trướng và gây hấn này từ phía Trung Quốc.