Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington quan ngại về sự can thiệp của Trung Quốc tới hoạt động truyền thống của Việt Nam ở Biển Đông.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: CNN.
Ngày 20/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã có tuyên bố về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cụ thể, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington quan ngại bởi các thông tin về sự can thiệp của Trung Quốc tới các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, bao gồm hoạt động thăm dò truyền thống của Việt Nam.
Theo đó, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã liên tục có các hành vi khiêu khích nhắm vào việc khai thác ngoài khơi của các nước, đe dọa an ninh năng lượng khu vực và thị trường năng lượng của khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở và tự do.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu hồi đầu năm, Trung Quốc đã ngăn cản các nước ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng chế.
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa ở Biển Đông, cùng các nỗ lực khẳng định tuyên bố chủ quyền phi pháp, đã đe dọa các quốc gia khác, xói mòn hòa bình và an ninh khu vực.
Mỹ kiên quyết phản đối các hành vi dùng vũ lực đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền trên biển. Trung Quốc nên chấm dứt các hành vi đe dọa và ngừng các hoạt động khiêu khích và làm mất ổn định, bà Morgan Ortagus nhấn mạnh.
Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng cách có các hành động “bắt nạt” đối với các nước láng giềng khu vực Đông Nam Á.
“Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là nguyên tắc của tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương được Mỹ và các nước ASEAN chia sẻ. Hành động dùng vũ lực đe dọa với các nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á sẽ phản tác dụng và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”, ông Bolton viết trên Twitter.
Phát ngôn trên Twitter cá nhân của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tàu nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông.
Trong khi Bắc Kinh phản đối các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, Washington và các nước Đông Nam Á bày tỏ thái độ quan ngại về các hành động bồi đắp, cải tạo phi pháp các đảo, đá cũng như gia tăng quân sự ở khu vực.