Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại Phán quyết của Tòa Trọng tài Vụ kiện Biển Đông...

Nhìn lại Phán quyết của Tòa Trọng tài Vụ kiện Biển Đông sau 3 năm

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp quốc vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc đã ra phán quyết. Trong phán quyết của mình, Tòa trọng tài trước hết khẳng định thẩm quyền của mình với các đệ trình số 1 và 2 của Philippines đưa ra vì liên quan đến vấn đề giải thích Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và không rơi vào ngoại lệ mà Trung Quốc đã đưa ra năm 2006.

Phán quyết nêu rõ “đường chữ U’ căn cứ trên những yếu tố và quyền lịch sử của Trung Quốc là phi pháp và không hiệu lực vì tuy các thương nhân, thương thuyền của Trung Quốc có sử dụng Biển Đông trong lịch sử dài, nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sử dụng; hơn nữa thương thuyền và thương nhân các quốc gia khác đã làm điều ấy trước cả Trung Quốc. Như vậy, Phán quyết đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách mơ hồ dựa trên lịch sử mà Trung Quốc đưa ra. Phán quyết chỉ ra rằng, các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng, không đạt tiêu chuẩn là đảo, nên theo quy định của Điều 121 của UNCLOS 1982 không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và tối đa chỉ có thể có lãnh hải 12 hải lý.

Phán quyết mang một ý nghĩa lịch sử không những với tranh chấp tại Biển Đông, mà còn là một án lệ quan trọng đối với luật biển quốc tế, đồng thời làm rõ một số nội dung của UNCLOS 1982; khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong 3 năm qua, Trung Quốc không những không thực hiện và tôn trọng Phán quyết mà còn có nhiều hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế như tiếp tục bồi đắp các đảo đá chiếm đóng trái phép, đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, tăng cường diễn tập quân sự ở Biển Đông cả về số lượng lẫn quy mô, làm cho tình hình căng thẳng ở Biển Đông leo thang; tìm mọi cách đẩy các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông. Đối với Philippines, Trung Quốc một mặt tìm cách lôi kéo, mua chuộc Philippines bằng những lời hứa về hỗ trợ tài chính, đầu tư; mặt khác, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đối với Philippines trên vấn đề Biển Đông, đòi Philippines “cùng khai thác” trong vùng biển được Tòa xác định thuộc thềm lục địa của Philippines, tập trung số lượng lớn tàu cá và tàu dân binh Trung Quốc vây hãm, đâm chìm tàu cá….

Phán quyết là một thắng lợi lớn của Philippines, song do không có chế tài buộc các bên thực hiện phán quyết nên trên thực tế Phán quyết chưa được thực hiện. Philippines hiểu rõ thực lực sức mạnh của mình, không thể bắt Trung Quốc thực hiện Phán quyết. Chính quyền Tổng thống Duterte tạm thời gác Phán quyết sang một bên để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, tuy nhiên sau một thời gian nỗ lực, Philippines không đạt được những mong muốn trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc (Trung Quốc hứa hẹn nhiều nhưng trên thực tế không làm, chỉ là những lời hứa hão huyền) mà trái lại chủ quyền và các vùng biển của Philippines lại bị Trung Quốc xâm phạm nhiều hơn. Thậm chí, tàu của Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc ngư dân Philippines lênh đênh trên biển. Philippines đã phải nêu vụ việc ra Liên hợp quốc và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).Thấy rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh, gần đây nhiều lãnh đạo Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ hơn phản đối hành động ngang ngược của Bắc Kinh, nhất là sau vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines tháng 6 vừa qua; nhiều lần đề cập đến Phán quyết, kể cả trong phát biểu tại Liên hợp quốc, cho rằng Phán quyết không hề vô ích.

Trước các hành động leo thang của Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước ngoài khu vực thể hiện thái độ mạnh mẽ, phê phán đích danh Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, đồng thời tăng cường hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Mỹ đi đầu tăng cường tự do hàng hải, nhiều lần cho tàu đi vào phạm vi 12 hải lý các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa và khẳng định các hành động này để bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, trên thực tế là để thúc đẩy thực hiện Phán quyết. Đồng thời, Mỹ lôi kéo các đồng minh như Úc, Nhật, Anh, Pháp… cùng tham gia diễn tập quân sự. Nhiều nước Châu Âu công khai lên tiếng ủng hộ Phán quyết, coi đây là cơ sở quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Đáng chú ý là Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên liên quan thực thi Phán quyết và một số nước Châu Âu có công hàm gửi Trung Quốc và các nước liên quan, trong đó khẳng định giá trị Phán quyết.

Như vậy, có thể thấy trong 3 năm qua mặc dù Phán quyết chưa được thực thi và Trung Quốc tìm mọi cách để làm chìm Phán quyết, tự đưa ra những quan điểm sai trái để phản bác lại Phán quyết; đồng thời, tăng cường các hoạt động trên thực địa để tạo sự việc đã rồi hòng “vô hiệu hóa” Phán quyết, nhưng có thể thấy những nội dung của Phán quyết vẫn còn nguyên giá trị. Nhiều nước và các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới sẽ tiếp tục nỗ lực để từng bước thực hiện những nội dung của Phán quyết, đó cũng sẽ là dòng chảy chính của thời đại vì nhân loại luôn mong muốn xây dựng một trật tự thế giới dựa trên pháp luật.

Phán quyết tác động hết sức quan trọng đến tất cả các bên tranh chấp khác trên Biển Đông. Đây là một trong những cơ sở pháp lý để các nước ven Biển Đông tham chiếu xác định các vùng biển của nước mình.

Trên bình diện quốc tế, đây là lần đầu tiên trong lịch sử án lệ của tòa quốc tế, điều 121 của UNCLOS 1982 về quy chế pháp lý đảo được giải thích và làm rõ.Tất cả các phân tích hay lập luận pháp lý của Tòa sẽ tác động đến cách thức các quốc gia khác trên thế giới hiểu và áp dụng luật quốc tế. Cụ thể như việc Tòa trọng tài làm rõ các yêu cầu nêu trong điều 121 (3) như thế nào là “khả năng có đời sống kinh tế riêng” hoặc “duy trì sự sống của con người” sẽ cung cấp các hướng dẫn quan trọng để các quốc gia, không chỉ ở Biển Đông, giải thích các điều khoản nói trên, cũng như cách áp dụng chúng vào các thực thể khác trong thực tế.

Một vấn đề quan trọng khác mà phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài mang lại là việc khẳng định xu thế và vai trò của cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết các tranh chấp phức tạp, bao gồm tranh chấp Biển Đông. Chúng ta cứ hình dung nếu Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông của Philippines xác định không có thẩm quyền và không ra được phán quyết thì trong 3 năm qua, Trung Quốc sẽ hoành hành thế nào trên Biển Đông. Mặc dù phản đối phán quyết song Trung Quốc cũng phải có sự kiềm chế nhất định. Hơn thế nữa, Phán quyết trở thành một căn cứ quan trọng để các nước ngoài khu vực, đứng đầu là Mỹ triển khai các hoạt động bảo vệ luật pháp nhất định.

Phán quyết không triệt tiêu khả năng đàm phán song phương giải quyết vấn đề Biển Đông như Trung Quốc luôn đề xuất mà ngược lại nếu Trung Quốc thực sự có thiện chí thì Phán quyết sẽ là một cơ sở để các bên đàm phán song phương giải quyết những bất đồng trên Biển Đông. Mặt khác, Phán quyết cho thấy bên cạnh việc đàm phán (kể cả đa phương lẫn song phương) được xem là một phương thức quan trọng trong quá trình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, các bên liên quan có thể tìm kiếm các lựa chọn khác phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, ví dụ như các cơ quan tài phán quốc tế hay các cơ chế mang tính đa phương khác để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Có thể nói, tuy Phán quyết chưa được thực hiện nhưng nó đã có nhiều tác động đến hành động của các nước đối với Biển Đông. Đến nay, hầu hết các nước (trừ Trung Quốc) đều đề cao tinh thần Phán quyết. Nó sẽ sống mãi với thời gian. Chúng ta cùng hy vọng Trung Quốc với tư cách 1 nước lớn, Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an sớm nhận thức được vấn đề để Phán quyết được thực thi.

RELATED ARTICLES

Tin mới