Thời báo Hoàn Cầu cho biết, Trung Quốc sẽ công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2019 vào ngày 24/7 và “đây dự kiến là cách quan trọng để thế giới bên ngoài hiểu rõ chính sách quốc phòng của Trung Quốc đã thay đổi và trách nhiệm, nhiệm vụ của quân đội Trung Quốc là gì sau đợt cải tổ quân đội”.
Theo thông tin trên, đây sẽ là Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên được Trung Quốc công bố kể từ Đại hội 19 đến nay. Sách trắng với chủ đề “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” là sách trắng về hoạt động quốc phòng thứ 10 của Trung Quốc kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Trung Quốc đã không công bố sách trắng nào kể từ khi cuộc cải tổ quân đội gần nhất bắt đầu từ tháng 11/2015, vì thế Sách trắng lần này được trông đợi mang đến những thay đổi và kết quả mà quân đội Trung Quốc đã đạt được trong quá trình đổi mới.
Được biết, các sách trắng trước đây bao gồm các nội dung như chính sách quốc phòng Trung Quốc, tình thế an ninh, quân sự quốc gia, việc hiện đại hóa Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc (PLA) và nhiệm vụ, sứ mệnh chiến lược của PLA. Những nội dung này sẽ giúp thế giới bên ngoài hiểu ý đồ chiến lược của nền quân sự Trung Quốc, để các nước liên quan và các khu vực biết đầu là “lằn ranh đỏ” đối với PLA ở đâu khi phải đối mặt với một số vấn đề nhất định.
Tại Sách trắng Quốc phòng năm 2015, về “Chiến lược quân sự Trung Quốc”. Sách trắng 2015 được xây dựng với nội dung chủ đạo là “Chiến lược quân sự Trung Quốc”, trình bày rõ sứ mệnh và nhiệm vụ chiến lược của Quân đội trong thời kỳ mới; Giới thiệu về tư tưởng chủ đạo của chiến lược “Phòng ngự tích cực” và phương châm chiến lược quân sự “Phòng ngự tích cực” trong thời kỳ mới; Làm rõ phương hướng cơ bản và các biện pháp chủ đạo trong xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Toàn văn Sách trắng năm 2015 bao gồm hơn 9000 từ, chia làm 6 phần: Lời nói đầu và tình hình an ninh quốc gia; Sứ mệnh và Nhiệm vụ chiến lược của quân đội; Phương châm chiến lược “Phòng ngự tích cực”; Xây dựng và Phát triển lực lượng quân sự; Chuẩn bị chiến tranh quân sự; Hợp tác an ninh quân sự.
Sách trắng Quốc phòng 2015 đã đưa ra những nhiệm vụ chiến lược chủ yếu của Quân đội Trung Quốc, bao gồm đối phó với các sự kiện đột xuất, sự uy hiếp về quân sự, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên không, trên biển và trên bộ của quốc gia và kiên trì với 8 nội dung bảo vệ sự thống nhất của đất nước. Ở điểm khởi đầu mới của lịch sử, quân đội Trung Quốc cần phải thích ứng với sự biến đổi của môi trường an ninh quốc gia; Bám sát mục tiêu xây dựng quân đội vững mạnh trong thời kỳ mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Quán triệt phương châm chiến lược quân sự “Phòng ngự tích cực” trong thời kỳ mới. Đồng thời, phải đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quốc phòng và quân đội; Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia; Là chỗ dựa vững chắc để thực hiện mục tiêu phấn đấu “hai kế hoạch 100 năm” và giấc mơ của người Trung Quốc về sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa vĩ đại.
Sách trắng Quốc phòng 2015 của Trung Quốc chỉ ra, quân đội nước này cần làm tốt 8 nhiệm vụ cơ bản như sau: Đối phó hữu hiệu với các sự kiện đột xuất và những mối đe dọa về quân sự, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên không, trên biển và trên bộ của quốc gia; Kiên quyết bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Bảo vệ an ninh và lợi ích của Trung Quốc trong những lĩnh vực mới; Bảo vệ an toàn lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài; Duy trì khả năng răn đe chiến lược và năng lực tổ chức hành động phản kích hạt nhân; Tham gia hợp tác an ninh quốc tế và khu vực, và bảo vệ hòa bình thế giới và khu vực; Tăng cường chống thẩm thấu, chống ly khai, đẩy mạnh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ an ninh chính trị quốc gia và ổn định trật tự xã hội; Đảm nhận các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn thiên tai; bảo vệ quyền lợi; cảnh giới bảo đảm an ninh và hỗ trợ xây dựng kinh tế xã hội quốc gia.
Đáng chú ý, một bộ phận cấu thành rất quan trọng của Sách trắng Quốc phòng 2015 là “Xây dựng và Phát triển lực lượng quân sự” đã chỉ rõ những yêu cầu chiến lược trong việc xây dựng lực lượng của các quân, binh chủng và lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc.
Theo đó, Lục quân Trung Quốc cần căn cứ vào yêu cầu chiến lược tác chiến cơ động và công-thủ lập thể, chuyển đổi mô hình “Phòng ngự khu vực” sang mô hình “Cơ động liên khu vực”; đẩy nhanh tốc độ tinh gọn hóa, modul hóa, đa năng hóa, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ khác nhau, tại những khu vực không đồng nhất. Căn cứ vào yêu cầu trên, lực lượng lục quân cần phải phân loại và xây dựng hệ thống lực lượng tác chiến, đáp ứng yêu cầu tác chiến liên hợp, nâng cao năng lực tác chiến đa năng, chính xác, lập thể, liên khu vực, cùng với khả năng duy trì tác chiến lâu dài.
Hải quân Trung Quốc cần phải căn cứ vào yêu cầu trong tác chiến “Phòng thủ ven bờ” và “Hộ vệ tầm xa”, từng bước chuyển đổi mô hình lực lượng hải quân từ “Phòng thủ ven bờ” sang kết hợp giữa “Phòng thủ ven bờ” và “hộ vệ tầm xa”; xây dựng hệ thống tác chiến trên biển mang tính chất hợp thành, đa năng và hiệu quả. Bên cạnh đó, lực lượng hải quân cần phải nâng cao năng lực răn đe và phản kích chiến lược (lực lượng tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom H-6); nâng cao khả năng cơ động tác chiến và tác chiến liên hợp trên biển, khả năng phòng ngự tổng hợp và bảo đảm toàn diện trên biển.
Không quân Trung Quốc cần căn cứ vào yêu cầu công-thủ toàn diện và tác chiến không gian nhất thể để chuyển đổi từ mô hình không quân kiểu cũ, mang tính chất chú trọng về “Bảo vệ không phận quốc gia” sang mô hình “Kết hợp tấn công và phòng thủ không phận”. Để đáp ứng yêu cầu này, không quân Trung Quốc cần xây dựng hệ thống lực lượng phòng thủ không gian đáp ứng yêu cầu chiến tranh thông tin hóa; nâng cao năng lực cảnh báo sớm chiến lược, khả năng tấn công trên không, phòng không/phòng thủ tên lửa, đối kháng thông tin, đổ bộ đường không, không vận chiến lược và bảo đảm tổng hợp.
Lực lượng Pháo binh 2 phải căn cứ vào yêu cầu tấn công hiệu quả và năng lực tấn công toàn diện vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân để tăng tốc chuyển đổi mô hình thông tin hóa, dựa vào khoa học công nghệ để thúc đẩy khả năng tự chủ sáng tạo về vũ khí, trang bị. Lực lượng pháo binh 2 phải bảo đảm tăng cường tính an toàn, tính hiệu quả, đáng tin cậy của vũ khí tên lửa; hoàn thiện công tác xây dựng hệ thống lực lượng kết hợp thông thường và hạt nhân; nâng cao khả năng răn đe và phản kích hạt nhân cùng với năng lực tấn công chính xác tầm trung/xa.
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc cần căn cứ vào yêu cầu chiến lược về bảo đảm hoàn bình, ổn định và yêu cầu tác chiến đa năng/nhất thể để phát triển năng lực chi viện trên không, bảo đảm an ninh, xử lý sự vụ đột xuất giữ gìn ổn định, chống khủng bố, cứu hộ thiên tai, ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Để làm được điều này, lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc cần tập trung xây dựng hệ thống lực lượng lấy khả năng đối phó với tình huống bất ngờ và chống khủng bố, bảo vệ hòa bình, ổn định làm chủ; nâng cao khả năng hoàn thành nhiều loại hình nhiệm vụ, lấy trọng tâm là đối phó tình huống đột xuất.
Trong yêu cầu “Xây dựng và Phát triển lực lượng quân sự” của Sách trắng Quốc phòng 2015 về “Chiến lược quân sự Trung Quốc” có nhấn mạnh yêu cầu từng bước chuyển đổi mô hình lực lượng hải, lục, không quân và pháo binh 2 để đáp ứng yêu cầu tác chiến trong thời kỳ mới, những vấn đề này chúng ta sẽ tìm hiểu trong các kỳ sau.
Tại Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 về “Sự vận dụng đa dạng hóa các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, trong đó giới thiệu chi tiết khái niệm an ninh mới cũng như việc vận dụng các lực lượng vũ trang trong thời bình của nước này. Đây là Sách Trắng Quốc phòng thứ 8 của Chính phủ Trung Quốc kể từ năm 1998. Sách Trắng Quốc phòng vừa được công bố chỉ ra rằng, Trung Quốc giới thiệu một khái niệm an ninh mới, theo đó đề cao sự tin tưởng lẫn nhau, lợi ích chung, sự bình đẳng và phối hợp, đồng thời theo đuổi an ninh toàn diện, an ninh chung và hợp tác an ninh. Sách Trắng cũng nêu rõ, Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền, hành xử theo kiểu bá quyền hay bành trướng quân đội. Văn kiện này cũng cung cấp thông tin chi tiết về việc vận dụng đa dạng các lực lượng vũ trang trong thời bình, đồng thời lý giải điều này là nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh cốt lõi của Trung Quốc cũng như để duy trì an ninh, ngăn chặn khủng hoảng và giành thắng lợi trong các cuộc chiến. Cụ thể, lực lượng vũ trang Trung Quốc được giao nhiệm vụ bảo vệ biên giới và bờ biển, bảo đảm an ninh không phận, nâng cao khả năng trực chiến và gia tăng các cuộc tập trận cũng như diễn tập chiến đấu. Sách Trắng cũng khẳng định, PLA sẽ tăng cường huấn luyện xa bờ và hải quân Trung Quốc sẽ tổ chức huấn luyện nhiều hình thức cho các lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp. Đồng thời, Sách Trắng nêu rõ, lực lượng vũ trang Trung Quốc sẵn sàng chặn đứng và đáp trả kiên quyết bất kỳ hành động khiêu khích gây phương hại đến chủ quyền, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ nước này.
Ngoài ra, Sách Trắng chỉ ra rằng, những năm gần đây, PLA đã tiến hành cải cách như tăng cường chức năng quản lý, thành lập Ban Quy hoạch chiến lược Quân giải phóng, biên chế lại và sáp nhập một số ban ngành; xây dựng lực lượng tác chiến theo mô hình mới, tối ưu hóa cơ cấu các quân, binh chủng, cải cách mô hình tổ chức, tăng cường trang bị vũ khí kỹ thuật công nghệ cao… Theo văn kiện này, bộ đội tác chiến cơ động lục quân hiện nay của Trung Quốc bao gồm 18 tập đoàn quân với 850.000 quân, trong đó lực lượng hải quân có 235.000 người, lực lượng không quân có 398.000 người. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai phiên hiệu của 18 tập đoàn quân thuộc PLA trong Sách Trắng Quốc phòng của nước này. Tân Hoa xã cho rằng, việc công khai là nhằm tăng cường sự minh bạch của lực lượng vũ trang Trung Quốc. Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc cũng nhấn mạnh các vùng biển và đại dương có vai trò quan trọng sống còn đối với sự thịnh vượng của người dân và tương lai của đất nước Trung Quốc.