Từ ngày 3-7, nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất 8, tàu thăm dò địa chất) của Trung Quốc đã hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần khu vực Tư Chính – Vũng Mây.
Hoạt động của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.
Xâm phạm ra sao?
Theo quy định của UNCLOS 1982, quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Theo Th.S Phạm Ngọc Minh Trang, hiện là giảng viên bộ môn Luật Quốc tế (Khoa Quan hệ quốc tế, trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG TP.HCM), hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc nếu nhằm mục đích thăm dò trữ lượng dầu khí ở đáy vùng đặc quyền kinh tế (thềm lục địa của Việt Nam) đã xâm phạm các quyền chủ quyền của Việt Nam.
Nếu hoạt động thăm dò địa chất nhằm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học thì dù dưới mục đích hòa bình hay không, Trung Quốc cũng đã xâm phạm quyền tài phán của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc còn đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, xâm hại các quyền tự do đi lại và khai thác kinh tế của Việt Nam cũng như các quốc gia khác (được Việt Nam cho phép) tại đây.
Điều 73 của UNCLOS quy định các quốc gia ven biển có quyền thực thi các hoạt động hành pháp và tư pháp như khám xét, điều tra, bắt giữ và tiến hành các hoạt động tố tụng mà quốc gia này cảm thấy là cần thiết để đảm bảo các quy định và pháp luật của mình phải được tuân thủ. Đây là các quyền tài phán mà công ước cho phép các quốc gia ven biển thực hiện để bảo vệ quyền chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế.
Theo Th.S Trang, đối với các quốc gia nước ngoài, trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, các tàu thuyền của họ được hưởng quyền tự do đi lại nhưng cũng phải tuân thủ theo các luật định của quốc gia ven biển và các quy định khác của luật quốc tế (điều 58).
Như vậy, công ước có các điều khoản và quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Chính Trung Quốc cũng đã dựa vào các cơ sở pháp lý trên mà xua đuổi tàu Impeccable của Mỹ ra khỏi vùng nước của đảo Hải Nam, khi tàu này thực hiện khảo sát tại đây vào năm 2009.
Hành trình tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc ở phía tây quần đảo Trường Sa, theo truy vết của Marine Traffic từ ngày 3 đến 19-7 – Ảnh: Tuổi Trẻ/Marine Traffic
Vùng biển không tranh chấp
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và là thềm lục địa phía nam của Việt Nam.
Đây là vùng biển được hoạch định theo UNCLOS 1982.
Vùng biển này không tranh chấp với nước nào và càng không tranh chấp với Trung Quốc.
Việc Trung Quốc vẽ “đường lưỡi bò” liếm qua 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận.
Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc – một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982 – đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó.
Phán quyết khẳng định rằng “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý, nghĩa là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong “đường lưỡi bò”.
Do đó, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có bãi Tư Chính.
Tòa trọng tài quốc tế kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong công ước, tại các vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn”.
Đi theo bảo vệ tàu còn có ít nhất 3 tàu hải giám của Trung Quốc được vệ tinh phát hiện, đặc biệt là tàu hải cảnh 12.000 tấn ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014. Tín hiệu vệ tinh cũng ghi nhận sự hiện diện của 3 tàu hải cảnh Trung Quốc là Haijing 37111, Haijing và Zhonguo Haijing 46303.
Chuyên gia quốc tế nói gì?
Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định nhiều nước trong khu vực đang theo dõi và lo ngại cách Trung Quốc hành xử trong vùng biển Việt Nam.
“Bắc Kinh sẽ không từ bỏ ngăn cản các nỗ lực khai thác dầu khí của bất kỳ nước nào trong “đường lưỡi bò” (vô lý do họ vẽ ra – PV). Họ sẽ tiếp diễn hành động đó bằng việc bắt nạt và hăm dọa các nước khác, nhưng hạn chế sử dụng vũ lực.
Nếu quốc gia đó kiên quyết đối đầu, trong trường hợp này là Việt Nam và có thể là Malaysia chẳng hạn, Bắc Kinh sẽ tìm cách xuống nước nhưng sẽ không thôi thử lại trò đó vào dịp khác” – ông Poling cảnh báo.
Nhà nghiên cứu Collin Koh (Singapore) cảnh báo nếu Trung Quốc quyết tâm leo thang căng thẳng trong vụ việc lần này, hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm mà nước này cố gắng xây dựng sẽ sụp đổ.
“Những tình huống leo thang căng thẳng có thể dẫn tới những khó khăn chưa thể lường trước cho Trung Quốc vào năm tới, khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN. Nó cũng đi ngược lại bức tranh mà Bắc Kinh gắng sức tô vẽ, đó là một Biển Đông hòa bình và ổn định không cần tới sự can thiệp từ bên ngoài” – ông nói.