Theo ghi nhận của ông Ryan Martinson, người đầu tiên đăng các hình ảnh theo dõi tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính, tàu giám sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) tính đến hôm qua 21/7.
Trợ lý giáo sư Martinson, người làm việc tại trường Hải chiến Hoa Kỳ cũng thông tin trên Twitter rằng Trung Quốc đã điều thêm một tàu tuần duyên số hiệu 3402 nặng 4.000 tấn tới gây sức ép đối với hoạt động dầu khí của Việt Nam ở phía tây Bãi Tư Chính.
Chính quyền Trung Quốc hiện giữ im lặng sau khi bị Hà Nội tố cáo đích danh vi phạm chủ quyền và bị Mỹ lên án đối với hành vi bắt nạt láng giềng trên biển Đông.
Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất cùng các tàu hải giám hộ tống đã gây ra cuối đối đầu căng thẳng với lực lượng hải giám Việt Nam trong hơn chục ngày qua.
Bản đồ do ông Martinson cập nhật đến hôm 21/7 cho thấy nhóm tàu này từ ngày 3/7 đến 21/7 vẫn liên tục hoạt động tại vùng EEZ của Việt Nam.
Tuần trước, tàu hộ tống hải giám Haijing 35111 Trung Quốc đã thao tác một cách mà theo mô tả của CSIS (Trung Tâm nghiên cứ Chiến lược và Quốc tế) là “đầy đe dọa” đối với các tàu Việt Nam đang bảo vệ một giàn khoan của Nhật mang tên Hakuryu-5, do tập đoàn quốc doanh Nga Rosneft (ROSN.MM) thuê, hoạt động tại lô dầu 06.1 của Việt Nam, ở cách Việt Nam 370 km (230 hải lý) về hướng đông nam.
Mỹ tố cáo việc Trung Quốc đưa tàu đến nhằm gây áp lực với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam, đồng thời cưỡng ép các nước có tranh chấp ký vào một Bộ Quy tắc ứng xử có lợi cho Trung Quốc và âm mưu kiểm soát toàn bộ tài nguyên biển Đông của Trung Quốc.
Bản đồ cho thấy tàu Trung Quốc liên tục hoạt động trong vùng biển Việt Nam từ ngày 3/7 cho đến nay
Hôm 19/7, Hà Nội chính thức có phản ứng bằng một tuyên bố nghiêm khắc tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền và yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngay sau đó, Mỹ có động thái dường như cho thấy rõ sự ủng hộ Việt Nam, mạnh mẽ lên án hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc đối với các nước láng giềng khu vực. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus lên án Trung Quốc “liên tục có hành vi khiêu khích nhắm tới hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của những nước có tuyên bố chủ quyền khác và đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực, phá hoại thị trường năng lượng tự do và cởi mở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Bà Ortagus đề nghị Trung Quốc “ngừng hành vi bắt nạt và kiềm chế thực hiện các loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn như thế này”.
Trước đó, vào ngày 17/7, Trung Quốc cũng đã gọi tên Việt Nam trong thẳng trên biển Đông và nói “hy vọng Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển liên quan và không có hoạt động gì nhằm phức tạp tình hình”.
Hôm 12/7, khi lần đầu được hỏi về vụ đối đầu với Việt Nam trên biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải trên Biển Đông”.
Tuy nhiên sau khi bị Việt Nam tố cáo đích danh hôm 19/7, đến nay Trung Quốc chưa thấy có phản ứng gì về mặt ngoại giao.
Trên Twitter, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton chỉ trích các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các láng giềng Đông Nam Á và cho rằng nó sẽ phản tác dụng.
Cũng trên Twitter, giáo sư về Luật Biển quốc tế James Kraska bình luận, “Vi phạm trắng trợn UNCLOS. Việt Nam nên kiện Trung Quốc theo phụ lục VII của Công ước, sẽ thắng”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đăng một thông cáo dài bày tỏ sự “quan ngại” đối với việc Trung Quốc cố tình can thiệp vào hoạt động dầu khí của Việt Nam trên biển Đông:
“Hoa Kỳ lo ngại bởi các báo cáo về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí ở Biển Đông (SCS), bao gồm cả các hoạt động thăm dò và khai thác lâu dài của Việt Nam. Các hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí của các bên đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng tới thị trường năng lượng tự do và mở ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Như Bộ trưởng Pompeo đã lưu ý hồi đầu năm nay, “bằng cách ngăn chặn sự phát triển ở SCS thông qua các biện pháp cưỡng chế, Trung Quốc ngăn các thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ đô la”.
Sự cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp của Trung Quốc ở SCS, cùng với những nỗ lực khác để đưa ra các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, bao gồm việc sử dụng dân quân trên biển để đe dọa, cưỡng chế và ngăn cản các quốc gia khác, phá hoại hòa bình và an ninh của các quốc gia khác.
Áp lực gia tăng của Trung Quốc lên các nước ASEAN buộc các nước này phải chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử với các điều khoản hạn chế quyền hợp tác với các công ty hoặc các nước khác cho thấy ý định muốn khẳng định quyền kiểm soát tài nguyên dầu khí ở Biển Đông của Trung quốc.
Hoa Kỳ kiên quyết phản đối sự ép buộc và đe dọa bởi bất kỳ yêu sách của bên nào để khẳng định các đòi hỏi về lãnh thổ hoặc hàng hải của mình.
Trung Quốc cần chấm dứt hành vi bắt nạt và ngừng các hoạt động khiêu khích gây bất ổn này.”