Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư, hai bên cam kết giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ song phương
Trong cuộc hội đàm,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc gìn giữ, kế thừa và phát huy tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt – Trung; cho rằng hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua có nhiều tiến triển tích cực; kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 106,3 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Việt Nam, đồng thời, Việt Nam cũng duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc, triển khai các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi trong việc kiểm dịch, thông quan cho hàng nông sản Việt Nam, tiếp tục chia sẻ thông tin về chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc; tăng cường xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh với các đối tác Trung Quốc. Về hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân, hai bên nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích các địa phương hai nước, nhất là các địa phương biên giới phát huy vai trò của các cơ chế hiện có, tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch; tổ chức tốt các hoạt động giao lưu…
Trong khi đó, Chủ tịch Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư khẳng định, lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; nhấn mạnh hai bên cần đẩy mạnh thực hiện Bản ghi nhớ về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, xây dựng tốt kế hoạch, xác định các lĩnh vực ưu tiên và khởi động đàm phán giữa hai Chính phủ về kế hoạch 5 năm phát triển hạ tầng, xây dựng khu vực kinh tế biên giới, tăng cường đầu tư, liên thông mậu dịch giao thương trên tinh thần cầu thị, linh hoạt… Trung Quốc mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt nối Việt Nam-Trung Quốc – châu Âu, tạo thuận lợi để hàng hóa Việt Nam sang châu Âu; coi trọng trao đổi hàng hóa nông sản với Việt Nam và tạo thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản phù hợp sang thị trường Trung Quốc.
Về hợp tác giữa hai Quốc hội, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của mỗi nước; trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Hai bên cũng cần tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, thiết lập kênh trao đổi thông tin về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Hai nước nhất trí giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế
Về vấn đề trên biển, hai bên cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai bên tăng cường trao đổi các biện pháp nhằm giữ ổn định trên biển, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm giữ hòa bình, ổn định ở khu vực. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước đánh giá tích cực tình hình biên giới trên bộ giữa hai nước những năm qua.
Trong những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa tiếp tục là một trong những tồn tại trong quan hệ Trung – Việt. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngang nhiên tiến hành cải tạo trái phép nhiều đảo đá, bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa, tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.
Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các nước khác, liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức nhau như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc Tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các Tòa Trọng tài.
Trong khi chờ đợi một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện DOC: nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thực tiễn quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng COC.
Trong những năm qua, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và trung Quốc đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa hai nước. Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Thỏa thuận này yêu cầu hai nước trong quá trình đàm phán phải “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần” của Tuyên bố DOC. Nếu Thỏa thuận này được xem là một thỏa thuận có tính chất ràng buộc (một điều ước quốc tế) giữa hai nước thì bằng cách dẫn chiếu đến Tuyên bố DOC, hai nước đã trao giá trị ràng buộc cho Tuyên bố DOC.
Không những vậy, trong các tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây, nghĩa vụ không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp được nhắc lại nhiều lần. Tuyên bố chung về chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (11-15/10/2011) ghi nhận: “Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”
Tuyên bố chung về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Trung Quốc (19-21/6/2013) bắt đầu ghi nhận Tuyên bố DOC: “…Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Việt Nam (13-15/10/2013) ghi nhận: “…Hai bên nhất trí thực hiện đầy đủ, hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).”
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (7-10/4/2015) nhất trí “cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.” Trong cùng năm, Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (5-6/11/2015) nhắc lại nội dung trên.
Nhìn chung, từ năm 2011 đến nay, các Tuyên bố chung đã bắt đầu đề cập đến việc không làm phức tạp, mở rộng tranh chấp trên Biển Đông giữa hai nước. Từ năm 2013, các tuyên bố bắt đầu nhấn mạnh đến việc nghiêm túc tuân thủ một cách toàn diện, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và hướng đến xây dựng Tuyên bố COC.