Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÂm mưu, ý đồ của TQ khi điều tàu thăm dò dầu...

Âm mưu, ý đồ của TQ khi điều tàu thăm dò dầu khí và tàu chấp pháp xâm phạm Bãi Tư Chính của Việt Nam

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (12/7) cho biết, Trung Quốc đã điều trái phép tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam với hành động trá hình “thăm dò dầu mỏ”. Tuy nhiên, đằng sau đó là âm mưu và ý đồ chính trị thâm sâu của Trung Quốc.

Diễn biến vụ việc

Vụ việc bắt đầu từ ngày 03/7, khi Trung Quốc điều tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để “thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn”. Hành động phi pháp trên của Trung Quốc nhằm can thiệp vào khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam. Trong khi đó, có thông tin cho rằng Trung Quốc đã điều 6 tàu chấp pháp trang bị vũ khí hạng nặng “càn phá” khu vực Bãi Tư Chính. Các tàu hộ tống của tàu này bao gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang trọng tải 12.000 tấn, số hiệu 3901, kết hợp với máy bay trực thăng và tàu bảo vệ bờ biển 2.200 tấn số có hiệu 37111. Để đối phó với những hoạt động khiêu khích của Bắc Kinh, Việt Nam đã điều 4 tàu Cảnh sát biển ra ngăn chặn và xua đuổi tàu Trung Quốc, trong đó có tàu kiểm ngư Việt Nam mang ký KN-472, KN-468, tàu cảnh sát biển Nam Yết 207008.

Đáng chú ý, cũng có thông tin cho biết, vào ngày 10/7/2019, Trung quốc đưa tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam với hành động trá hình “thăm dò dầu mỏ”. Trong số 40 tàu vũ trang bao vây bên ngoài, Trung Quốc đưa 20 tàu vũ trang vào khu vực giàn khoan DK1 của Việt Nam. Tuy nhiên, những con tàu này đã bị các tàu cảnh sát biển Việt Nam chống trả quyết liệt, giữ vững vị trí không để mất chủ quyền. Hiện nay Bộ Tư Lệnh Hải Quân báo động đỏ, 4 tàu hải quân và nhiều tàu Cảnh sát biển đang di chuyển ra khu vực nhà giàn DK1 và bãi Tư Chính.

Đến ngày 11/7/2019, 4 tàu cảnh sát biển Việt Nam “thường xuyên bám đuổi các tàu Hải cảnh và tàu HD 8 của Trung Quốc… Hai bên đã có những đối đầu căng thẳng, rượt đuổi và phun nước vào nhau.

Âm mưu, ý đồ thâm sâu của Trung Quốc

Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và quan hệ song phương với Việt Nam để điều trái phép tàu thăm dò địa chất và lực lượng chấp pháp xâm phạm vùng biển của Việt Nam là nhằm thực hiện âm mưu tuyên truyền về tình hình Biển Đông, hướng lái dư luận trong nước và “dằn mặt” Việt Nam.

Thứ nhất, Trung Quốc điều trái phép tàu thăm dò địa chất và lực lượng chấp pháp xâm phạm vùng biển của Việt Nam là nhằm phô trương sức mạnh quân sự, kích động tinh thân dần tộc và lòng yêu nước của người dân, để lái hướng sự chú ý của người dân đối với tình hình Hồng Công, sự suy thoái kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ngoài ra, qua hành động phi pháp trên, Trung Quốc cũng muốn lôi kéo sự chú ý của Mỹ và phương Tây vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hòng phân tán sự chú ý và can thiệp của Mỹ và phương Tây vào vấn đề Hồng Công.

Thứ hai, Trung Quốc chọn thời điểm đúng 3 năm Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines liên quan vấn đề Biển Đông để tiến hành các hoạt động khiêu khích, xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Hành động phi pháp trên của Trung Quốc nhằm phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật để ép buộc các nước giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo cách mà Trung Quốc áp đặt.

Thứ ba, Trung Quốc muốn “dằn mặt” Việt Nam trước chuyến thăm Mỹ. Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam cho biết, gần đây Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn thị Kim Ngân có chuyến thăm Trung Quốc. Chúng ta thấy Theo truyền thống mỗi lần mà chuẩn bị lãnh đạo Việt Nam sang thăm Mỹ thì trước đó một uỷ viên Bộ Chính trị sẽ sang Trung Quốc. Việc bà Kim Ngân sang Trung Quốc có lẽ theo tôi cũng là những chuẩn bị giải thích cho Trung Quốc về chuyến thăm Mỹ sắp tới. Cũng nhân dịp này Trung Quốc cũng muốn cảnh cáo và nhắc nhở Việt Nam là Trung Quốc sẵn sàng có thể ra tay. Tuy nhiên, theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales, Australia, khó có thể kết luận Trung Quốc cố tình làm điều này vào giữa lúc có chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vì dù gì thì Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định chính sách lâu dài giữa hai nước là duy trì hoà bình và ổn định.

Thư tư, Trung Quốc đang âm mưu xâm chiếm vùng biển của Việt Nam. Theo thông tin trên, căng thẳng xảy ra ở khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam dựng nhà giàn DK 1. Đây là khu vực đã từng xảy ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2017 khi Trung Quốc ép Việt Nam phải yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha bỏ khoan thăm dò dầu khí ở lô 136/03. Đây là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển. Tuy nhiên, theo chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải (AMTI) – một trang chuyên theo dõi các hoạt động ở Biển Đông qua các hình ảnh vệ tinh – vụ đối đầu xảy ra ở cách Bãi Tư Chính của Việt Nam khoảng hơn 100 hải lý về phía Bắc, tức nằm gần hơn về phía Tây quần đảo Trường Sa. Khu vực mà tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc đi qua cũng nằm trong khu vực 9 lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra mời thầu vào tháng 6 năm 2012. Chín lô này nằm sâu vào vùng thềm lục địa của Việt Nam, trùng với một loạt các lô dầu khí khác mà Việt Nam đang khai thác từ lô 128 đến 132 và từ lô 145 đến 156. Theo chuyên gia Greg Poling, Trung Quốc đòi chủ quyền với vùng nước lịch sử trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn. Nhưng cả khi không có đường đứt khúc, Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa và đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với quần đảo này. Bắc Kinh sẽ đòi chủ quyền vùng này vì nó nằm trong khoảng 200 hải lý từ quần đảo Trường Sa, dù có hay không có đường đứt khúc 9 đoạn.

Thứ sáu, thông qua hành động trên, Trung Quốc muốn ngăn cản và đe dọa các công ty dầu khí nước ngoài “không được hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông”. Trên thực tế, Trung Quốc điều tàu thăm dò xâm nhập trái phép Bãi Tư Chính của Việt Nam không nhằm mục đích vì dầu khí. Theo các chuyên gia, không có công ty nước ngoài nào sẵn sàng tham gia đấu thầu các lô này vì không có công ty nào thấy hiệu quả vì việc đưa khí từ đó vào đất liền Trung Quốc là hiệu quả. Việc lắp đặt ống đưa khí đốt vào đất liền đi qua vùng nước tranh chấp là quá xa và hiện không hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng nếu họ có thể khiến công ty nước ngoài tham gia đâú thầu vào một trong nhưng lô mời thầu năm 2012 ở phía bắc Bãi Tư Chính thì đó là một chiến thắng về mặt ngoại giao cho Trung Quốc. Họ có thể nói là công ty nước ngoài thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của họ. Giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales của Australia cho rằng cũng có khả năng vụ đụng độ nằm ở gần khu vực nơi Trung Quốc đã từng bán quyền khai thác dầu khí cho công ty Crestone của Mỹ hồi năm 1992. Nếu vị trí này được xác nhận thì khu vực này cũng là thuộc các lô dầu khí 133 và 134 của Việt Nam. Nếu vị trí của tàu khảo sát Trung Quốc thực sự được xác nhận ở phía tây đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa), thì đây sẽ là khu vực cực kỳ nhậy cảm với Việt Nam. Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát và cũng là đông dân nhất trong các đảo của Việt Nam tại đây.

Thứ bảy, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung quốc và Mỹ, có lẽ Bắc kinh muốn dùng sự kiện này làm lu mờ tầm quan trọng của cuộc bao vây kinh tế mà Washington phát động nhằm lái sự bất an của người dân trong nước sang một điểm khác qua chiến lược thôn tính Biển Đông. Bắc Kinh có quyền nghi ngờ sự cương quyết của Việt Nam do những kinh nghiệm trước đây và họ tin rằng kéo dài cuộc căng thẳng này sẽ có lợi hơn là có hại, mặc dù Trung Quốc cũng biết rất rõ nếu không nhượng bộ như lần trước thì nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra.

Giải pháp nào cho Việt Nam

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam. Kiên quyết phản đối bất kỳ một động thái nào của Trung Quốc vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông là việc làm hoàn toàn chính đáng và rất cần thiết trong bối cảnh có những tranh chấp phức tạp đang diễn ra hiện nay, nhất là trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang tìm mọi cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.

Để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông Việt Nam cần chủ động và kịp thời lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đúng với tính chất và mức độ vi phạm ngay từ đầu. Tuyệt đối không nên để xảy ra tình huống phải bị động đối phó với tình hình trên thực địa, như vậy sẽ gặp nhiều bất lợi; Tăng cường công tác thông tin truyền thông kịp thời, chuẩn xác, có nội dung khoa học và khách quan, không gây mâu thuẫn, kích động cực tả hoặc cực hữu; các phương án đấu tranh, ứng xử trên thực tế cần đúng thủ tục pháp lý quốc tế và các cam kết khu vực, tuyệt đối không để mắc mưu khiêu khích của đối phương.

Ngoài ra, Việt Nam cần triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý nhất là biện pháp pháp luật trên thực địa và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế và khu vực đối với các hoạt động của nước ngoài nhằm xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong Biển Đông. Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khi cần thiết phải sử dụng đến chế tài quốc tế; tiếp tục tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới và khu vực, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng UNCLOS, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, thúc đẩy tiến trình thông qua COC, đặc biệt không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

RELATED ARTICLES

Tin mới