Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThông tin khẩn: TQ điều tàu định xâm chiếm Bãi Tư Chính...

Thông tin khẩn: TQ điều tàu định xâm chiếm Bãi Tư Chính của Việt Nam

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP, 12/7) đưa tin, Trung Quốc và Việt Nam đang có đối đầu căng thẳng liên quan tàu “khảo sát” của Trung Quốc triển khai trái phép tới khu vực Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bãi Tư Chính ở đâu?

Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông, cách đất liền Việt Nam 220 hải lý về phía Đông Nam và cách bãi Phúc Nguyên 30 hải lý về phía Nam Tây Nam. Bãi này nằm gần lộ trình hàng hải quốc tế, cách lộ trình Hồng Kông – Singapore 60 hải lý về hướng Đông Nam. Bãi dài 63 km, rộng 11 km. Phần mặt bằng rạn quan sát được có diện tích 33,88 km². Nơi nông nhất nằm đầu mút phía bắc, có độ sâu 16 m. Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía Nam, không thuộc quần đảo Trường Sa và bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa.

Về mặt hành chính, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Người ta lắp đặt cấu trúc thép gọi là nhà giàn DK1 kể từ năm 1989. Về sau, mẫu nhà giàn được thiết kế lại, rộng rãi và vững chắc hơn, có kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu. Hiện có ba nhà giàn đang hoạt động: Nhà giàn DK1/11 (tức nhà giàn Tư Chính C hay Tư Chính 3), hoàn thành 5 tháng 5 năm 1994; Nhà giàn DK1/12 (tức nhà giàn Tư Chính D hay Tư Chính 4), hoàn thành 8 tháng 8 năm 1994; Nhà giàn DK1/14 (tức nhà giàn Tư Chính E hay Tư Chính 5), hoàn thành 20 tháng 4 năm 1995.

Tại bãi Tư Chính có hai hải đăng, đều có chiều cao tháp đèn 22 m, tầm hiệu lực 12 hải lý, ánh sáng trắng. Đặc tính ánh sáng: một hải đăng chớp nhóm 2, chu kỳ 13 giây; một hải đăng chớp nhóm 3, chu kỳ 8 giây.

Không những vậy, binh sĩ Việt Nam đồn trú thuộc biên chế Tiểu đoàn DK1, lúc đầu thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân Nhân dân Việt Nam, về sau trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

Trung Quốc điều tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam

Phó Giáo sư Ryan Martinson, Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ nhận định, vụ việc bắt đầu từ ngày 03/7, khi Trung Quốc điều tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để “thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn”. Hành động phi pháp trên của Trung Quốc nhằm can thiệp vào khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.

Theo thông tin trên, “các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tuần tại khu vực một rạn san hô ở Biển Đông, sự kiện có nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ lớn nhất giữa hai quốc gia trong năm năm trở lại đây”. Trong khi đó, có thông tin cho rằng Trung Quốc đã điều 6 tàu chấp pháp trang bị vũ khí hạng nặng “càn phá” khu vực Bãi Tư Chính. Các tàu hộ tống của tàu này bao gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang trọng tải 12.000 tấn, số hiệu 3901, kết hợp với máy bay trực thăng và tàu bảo vệ bờ biển 2.200 tấn số có hiệu 37111. Để đối phó với những hoạt động khiêu khích của Bắc Kinh, Việt Nam đã điều 4 tàu Cảnh sát biển ra ngăn chặn và xua đuổi tàu Trung Quốc. Phó Giáo sư Ryan Martinson, Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ cho biết, Việt Nam đã điều chiế tàu kiểm ngư Việt Nam mang ký hiệu KN-472 và KN-468, cùng với chiếc tàu cảnh sát biển Nam Yết 207008 tham gia ngăn chặn tàu Trung Quốc.

Đáng chú ý, cũng có thông tin cho biết, vào ngày 10/7/2019, Trung quốc đưa tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam với hành động trá hình “thăm dò dầu mỏ”. Trong số 40 tàu vũ trang bao vây bên ngoài, Trung Quốc đưa 20 tàu vũ trang vào khu vực giàn khoan DK1 của Việt Nam. Tuy nhiên, những con tàu này đã bị các tàu cảnh sát biển Việt Nam chống trả quyết liệt, giữ vững vị trí không để mất chủ quyền. Hiện nay Bộ Tư Lệnh Hải Quân báo động đỏ, 4 tàu hải quân và nhiều tàu Cảnh sát biển đang di chuyển ra khu vực nhà giàn DK1 và bãi Tư Chính.

Đến ngày 11/7/2019, 4 tàu cảnh sát biển Việt Nam “thường xuyên bám đuổi các tàu Hải cảnh và tàu HD 8 của Trung Quốc… Hai bên đã có những đối đầu căng thẳng, rượt đuổi và phun nước vào nhau. Trong khi đó, chiều 11/7, ở cách không xa khu vực căng thẳng, Lữ đoàn hải quân 162 đã tiến hành tập trận.

Cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc

Giới truyền thông nhận định, vụ việc diễn ra trong bối cảnh hết sức nhạy cảm. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đang thăm chính thức Trung Quốc, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực lập pháp. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết “hai nước nên bảo vệ hòa bình và ổn định hàng hải bằng các hành động cụ thể”. Trước đó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng hùng hồn tuyên bố: Về vấn đề trên biển, hai bên cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai bên tăng cường trao đổi các biện pháp nhằm giữ ổn định trên biển, thực hiện tốt Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đi đến ký kết Bộ Quy Tắc về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giữ hòa bình, ổn định ở khu vực”. Ngoài ra, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (5/2019) đã cam kết sẽ giải quyết tranh chấp hàng hải bằng đàm phán. Trong một động thái liên quan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (13/7) đã không xác nhận việc vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, nhưng ngang ngược cho rằng Trung Quốc “quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông”; đồng thời tái khẳng định “cam kết quản lý sự khác biệt của mình thông qua các cuộc đàm phán với các quốc gia liên quan”.

SCMP cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam từng xuống ở mức thấp nhất trong một thập kỷ vào tháng 5/2014, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) điều giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng biển gần Hoàng Sa. Việt Nam đã gửi tàu đến để ngăn chặn giàn khoan này khoan xuống đáy biển, các tàu hộ tống của Trung Quốc đã đối đầu lại với các tàu việt Nam. Trong vụ việc trên , Bắc Kinh và Hà Nội cáo buộc nhau “cho phép tàu bè đâm đụng” vào tàu bên kia. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra khắp Việt Nam. Tuy nhiên, căng thẳng giảm bớt vào tháng 7/2014, khi Trung Quốc nói giàn khoan đã hoàn thành công việc và được rút khỏi vùng biển tranh chấp. Kể từ đó, hai nước đã nỗ lực cải thiện quan hệ.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas của Singapore) nhận định, Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào vùng quanh Tư Chính của Việt Nam là hành động vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm pháp luật Việt Nam và vi phạm các thảo thuận song phương về hợp tác ở Biển Đông mà hai bên đã ký và công bố. Việc này xảy ra trước và trong khi có chuyến thăm Trung Quốc của chủ tịch Quốc hội Việt Nam bà Nguyễn Thị Kim Ngân, là một thách thức trực tiếp đối với quyền lực chính trị Việt Nam. Nó cho thấy Trung Quốc tự coi thường các thỏa thuận mà họ đã ký và cam kết thực hiện với Việt Nam, đồng thời coi thường giới lãnh đạo Việt Nam. Hành động đưa tàu thăm dò kể trên vào vùng Tư Chính cũng thách thức dư luận quốc tế, thách thức các nỗ lực thực thi pháp luật trên biển của tất cả các quốc gia có lợi ích ở biển Đông, có đi lại trong, qua vùng Biển Đông. Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, lúc này Trung Quốc tự coi mình là siêu cường. Nên họ có thể làm những việc bất chấp luật pháp quốc tế như một số siêu cường khác đã từng làm trước đây. Mục tiêu của Trung Quốc lúc này là tiếp tục đẩy Mỹ ra khỏi mọi nỗ lực liên quan đến Biển. Nói cách khác, Trung Quốc muốn xây dựng một hình thái quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ như chính họ nói, cụ thể hóa việc chia sẻ quyền lực và ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình dương, trước hết bắt đầu từ Biển Đông. Ngoài ra, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng đây không phải là hành động đơn lẻ, đây là một loại hành động được tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm khằng định trên thực địa tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông theo “đường 9 đoạn”.

Giới chuyên gia cũng cho rằng phản ứng của Việt Nam lần này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với nội dung DOC mà Trung Quốc đã ký với ASEAN, hành động của các tàu cảnh sát biển Việt Nam lần này tương đối nhẹ nhàng. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam liên lạc với phía Trung Quốc yêu cầu rút tàu thăm dò khỏi vùng biển Việt Nam có chủ quyền. Các tàu cảnh sát biển Việt Nam đang tự kiềm chế, chưa sử dụng quyền của mình để áp chế tàu vi phạm Trung Quốc phải rút. Tuy nhiên, Cảnh sát biển Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp hợp pháp mạnh mẽ hơn, nếu phía Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu hợp pháp của Việt Nam.

Chủ trương của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông

Trong những năm qua, tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định cho khu vực và thế giới. Vì thế, vấn đề Biển Đông luôn là mối quan tâm của các nước trong khu vực, các nước lớn và cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp, bởi liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Đối với Việt Nam, giải quyết vấn đề này được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Đảng và Nhà nước ta.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, đối với các vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và một quốc gia khác thì giải quyết song phương. Với các vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên, liên quan đến tự do, an toàn hàng hải thì cần sự bàn bạc của các bên liên quan. Trong trường hợp các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải thực hiện bằng các phương thức khác, như: trung gian, hòa giải hoặc các cơ chế tài phán quốc tế. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực cũng như đóng góp mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này; ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ DOC và khuyến khích các bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Việt Nam không chấp nhận yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc để tạo thành vùng chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam khẳng định, sẽ tiếp tục khai thác và bảo vệ các lợi ích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó có những hoạt động của các công ty dầu khí; đồng thời, hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài có thực lực và kinh nghiệm tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam.

Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Thứ nhất là: Phải huy động và phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của khu vực, quốc tế về việc làm chính nghĩa của Việt Nam và phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Bằng cách là phải thể hiện cho được lập trường rõ ràng, chính nghĩa của Việt Nam, phải công khai minh bạch mọi thông tin có liên quan đến tình hình trên biển, đặc biệt là những diễn biến từ thực địa.

Thứ hai là: Chủ động và kịp thời lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đúng với tính chất và mức độ vi phạm ngay từ đầu. Tuyệt đối không nên để xảy ra tình huống phải bị động đối phó với tình hình trên thực địa, như vậy sẽ gặp nhiều bất lợi. Tăng cường công tác thông tin truyền thông kịp thời, chuẩn xác, có nội dung khoa học và khách quan, không gây mâu thuẫn, kích động cực tả hoặc cực hữu.

Thứ ba là: Các phương án đấu tranh, ứng xử trên thực tế cần đúng thủ tục pháp lý quốc tế và các cam kết khu vực, phải thật sự mềm mỏng, bình tĩnh, khôn khéo với phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến, đó là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo với phương pháp mềm dẻo, linh hoạt đúng quy phạm luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam và các thỏa thuận khu vực, tuyệt đối không để mắc mưu khiêu khích của đối phương. Đặc biệt là tuân thủ sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp có thẩm quyền, phải hết sức kiềm chế, không được manh động, tự do vô tổ chức có thể từ yếu tố chiến thuật sẽ trở thành vấn đề chiến lược.

Thứ tư là: Cần phải thống nhất nhận thức luận, đó là việc cung cấp và xác định kịp thời, chính xác sự việc xảy ra ở vị trí nào, thuộc phạm vi nào, khu vực nào trong Biển Đông, hành vi đó có vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam không. Điều này rất quan trọng, bởi vì trong Biển Đông có nhiều khu vực khác nhau về các quyền và lợi ích quốc gia, quy chế pháp lý, thủ tục xử lý ở từng vùng biển cũng khác nhau.

Thứ năm, triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý nhất là biện pháp pháp luật trên thực địa và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế và khu vực đối với các hoạt động của nước ngoài nhằm xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong Biển Đông. Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khi cần thiết phải sử dụng đến chế tài quốc tế.

Thứ sáu, tiếp tục tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới và khu vực, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng UNCLOS năm 1982, bởi vì Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, thúc đẩy tiến trình thông qua COC, đặc biệt không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Thứ bảy, đấu tranh pháp lý là biện pháp đấu tranh hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép và ủng hộ, trên cơ sở Hiến chương của Liên Hợp Quốc, hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế về biển, nhất là những quy định của UNCLOS. Bởi vậy, việc sử dụng biện pháp đấu tranh pháp lý hiện nay là điều phải chuẩn bị kỹ càng chu đáo, thấu lý, đạt tình, có cơ sở khoa học, căn cứ và chứng cứ pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.

Thứ tám, chúng ta cần phải cảnh giác trước mọi động tháí của Trung Quốc trên Biển Đông, không loại trừ Trung Quốc sẽ tuyên bố Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới