Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVốn TQ vào Việt Nam: Lưới lọc chặn rủi ro

Vốn TQ vào Việt Nam: Lưới lọc chặn rủi ro

Khẳng định không phân biệt đối xử bất kỳ nguồn vốn nào, chuyên gia nhấn mạnh quan trọng là phải có lưới lọc ngăn chặn rủi ro cho kinh tế Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu về vốn đầu tư Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, nguồn vốn FDI từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam tăng nhanh chóng.

Nguồn vốn này đi theo nhiều con đường để vào Việt Nam như qua các hợp đồng EPC (Thiết kế- Cung ứng vật tư, thiết bị – Xây dựng) hoặc thay đổi xuất xứ và tồn tại nhiều bất cập như chậm tiến độ, gặp trục trặc kỹ thuật, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Việt Nam đang cần vốn để phát triển kinh tế nên tất cả các nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam đều được hoan nghênh. Chỉ có điều Việt Nam cần theo dõi, sàng lọc và chỉ tiếp nhận những nguồn vốn thực sự phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trong trường hợp Việt Nam kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, không có cơ chế sàng lọc để từ chối những dự án không phù hợp, không đúng với quy hoạch cũng như không đáp ứng được các yêu cầu về khoa học, công nghệ, môi trường, lao động… thì rốt cuộc, chính nguồn vốn đầu tư nước ngoài đó, dù đến từ Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác, cũng trở thành gánh nặng cho Việt Nam, tiêu tốn các nguồn lực của đất nước trong tương lai.

Đối với nguồn vốn Trung Quốc, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra một số đặc tính mà Việt Nam cần lưu ý và thận trọng hơn khi lựa chọn.

Theo đó, những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt đầu tư đối với một số ngành nghề, lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, năng suất thấp như khai khoáng, dệt nhuộm, hóa chất…

Vì thế, các nhà đầu tư trong những lĩnh vực này muốn chuyển vốn cũng như máy móc, công nghệ ra nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia có cơ chế lỏng lẻo về quản lý, kiểm tra, giám sát về môi trường, yêu cầu về công nghệ, năng suất không cao.

Thứ hai, thương chiến Mỹ-Trung đã bộc lộ nhiều mặt mạnh và mặt yếu của kinh tế Trung Quốc. Trong đó, nhiều mặt hàng của Trung Quốc bị dư thừa lớn và khó xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc muốn chuyển các mặt hàng này sang các quốc gia xung quanh để tiêu thụ, đồng thời có thể xuất khẩu từ các quốc gia như Việt Nam – đang được hưởng ưu đãi từ một óố thị trường mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA).

“Khi đầu tư sang Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ là người sản xuất. Lợi dụng việc Việt Nam chưa quy định chặt chẽ thế nào là hàng hóa “made in Vietnam”, thiếu kiểm tra, giám sát những mặt hàng gắn mác “made in Vietnam” để xuất khẩu, nhà đầu tư Trung Quốc chỉ sản xuất chút ít ở Việt Nam mà chủ yếu là mượn xuất xứ để xuất đi nước khác”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Bởi vậy, theo vị chuyên gia, nguy cơ Việt Nam trở thành nơi xuất khẩu hộ hàng hóa Trung Quốc, thành nơi nhận rác thải công nghệ từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc rất đáng lo ngại.

Ông nhắc lại nguyên tắc Việt Nam không phân biệt đối xử với bất kỳ nguồn vốn nào song nhấn mạnh, điều quan trọng là nguồn vốn ấy đầu tư vào đâu, có phù hợp với Việt Nam hay không.

“Quyền lựa chọn nhà thầu, công nghệ, dự án đầu tư là của Việt Nam. Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả thì chúng ta phải làm chặt ở ngay khâu đầu tiên là sàng lọc, lựa chọn vốn đầu tư”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Đến đây, vị chuyên gia gợi nhắc lại trường hợp của Đồng Nai, Vĩnh Phúc…, những địa phương đã dũng cảm từ chối những dự án FDI công nghệ cũ, lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, không phù hợp với quy hoạch địa phương.

“Những trường hợp như vậy rất đáng hoan nghênh, nhưng mới là ở cấp địa phương. Còn trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị đã thông qua đề án thu hút FDI, trong đó tinh thần là phải có chọn lọc, chú trọng vào các tập đoàn hàng đầu thế giới, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Từ đây, Việt Nam cần có những văn bản mang tính quốc gia để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng thu hút FDI, cũng là để các địa phương có cơ sở để thực thi đồng bộ và  tốt nhất. Chúng ta phải đưa ra được quy hoạch ở các tỉnh, thành phố làm gì, tiếp nhận đầu tư ở ngành nghề, lĩnh vực nào; ngành nghề, lĩnh vực đó yêu cầu mức độ chất lượng, kỹ thuật, trình độ công nghệ, hiệu quả đến đâu…

Doanh nghiệp trong nước phải đi bằng cách nào để tiếp cận; chỗ nào doanh nghiệp trong nước không làm được thì mới thu hút FDI. FDI làm gì, trách nhiệm đến đâu, làm thế nào để cùng doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy kinh tế…, tất cả những vấn đề đó phải được đặt ra.

Cửa đầu tư vào Việt Nam luôn mở rộng nhưng nó chỉ mở rộng đối với những nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, công nghệ, đảm bảo thực hiện đúng các phương án quy hoạch mà phía Việt Nam đưa ra cũng như đảm bảo yêu cầu về năng suất, chất lượng, hiệu quả, đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng như góp phần phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Khi đã có các tiêu chuẩn thì ta mới biết ai làm đúng, làm sai và có cơ sở để chỉnh sửa, xử lý”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Để làm được việc này, theo vị chuyên gia, không khó.

“Chúng ta buộc phải lựa chọn bởi nguồn lực chỉ có thế, nền kinh tế chỉ hấp thụ được chừng ấy vốn. Việt Nam không phân biệt nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của Việt Nam thì mới vào được.

Điều quan trọng là những cơ quan, đơn vị giữ vai trò giám sát, sàng lọc phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, không phải vì lợi ích của bất kỳ nhóm nào.

Vai trò của các nhà quản lý cần phải được nâng lên, cả về trình độ khoa học, quản lý lẫn đạo đức nghề nghiệp, công vụ, khi đó mới mong bài toán FDI nói riêng cũng như các hoạt động nói chung của nền kinh tế mới đi đúng hướng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Việc đặt ra bộ lọc không chỉ áp dụng đối với các dự án FDI trong tương lai, mà ngay cả các dự án mà Việt Nam đã có cam kết với nhà đầu tư nước ngoài, theo vị chuyên gia, Việt Nam vẫn có thể đặt ra các tiêu chuẩn, điều kiện ràng buộc.

“Chúng ta tôn trọng cam kết với nhà đầu tư song cái gì phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thời đại thì nhà đầu tư phải chấp nhận.

Nếu yêu cầu của phía Việt Nam hợp lý, liên quan đến môi trường, chất lượng cuộc sống… thì không ai có thể từ chối được. Bản thân nhà đầu tư nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn đó thì hàng hóa của họ cũng không bán được”, vị chuyên gia nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới