Tuesday, November 12, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTàu đổ bộ trực thăng Type 075: Siêu tàu chiến TQ sắp...

Tàu đổ bộ trực thăng Type 075: Siêu tàu chiến TQ sắp hạ thủy

Truyền thông Trung Quốc mới đây tiết lộ thông tin, Trung Quốc chuẩn bị hạ thủy tàu đổ bộ trực thăng Type 075 – tàu được phát triển, dựa trên các tàu tấn công đổ bộ của Mỹ.

Type 075 sẽ thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trên Biển Đông

Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ hoàn thành tàu đổ bộ tấn công đầu tiên thuộc lớp Type 075 vào năm 2020. Hiện tại, tàu đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Hỗ Đông Trung Hoa (Hudong Zhonghua) tại Thượng Hải, có kích thước gần giống với một trong những tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp (LHD-1) của lực lượng hải quân Mỹ.

Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng cỡ lớn Type 075 của hải quân Trung Quốc bao gồm chiều dài 250m, chiều rộng 30m, mớn nước 8m, lượng giãn nước đầy tải 40.000 tấn, và có thể di chuyển với vận tốc tối đa khoảng 23 hải lý trên giờ tương đương với khoảng 42,5 km/h. Tàu có khả năng mang 30 trực thăng các loại trong khoang chứa phía trong, ngoài ra có 4 thang máy nâng hạ để phục vụ việc đưa máy bay từ trong ra ngoài mặt boong. Những loại trực thăng dự kiến sẽ được Trung Quốc đưa lên tàu đổ bộ Type 075 bao gồm trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9D hoặc loại hạng trung Z-20, đi kèm trực thăng vận tải hạng nặng Z-8. Trong tương lai Trung Quốc sẽ trang bị cho tàu một mẫu tiêm kích hạm tàng hình có khả năng cất hạ cánh tương tự như F-35B Lightning II của Mỹ, đó có thể là chiếc J-26 như một số bản đồ họa từng xuất hiện. Bên cạnh đó do vẫn được thiết kế với khoang đổ bộ ngập nước, Type 075 còn có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ theo cách truyền thống thông qua xuồng đệm khí và xe thiết giáp lội nước.

Theo National Interest, không rõ Trung Quốc có ý định đóng bao nhiêu tàu tấn công đổ bộ Type 075, nhưng những chiếc tàu nặng khoảng 40.000 tấn này sẽ cho phép lực lượng hải quân vũ trang nhân dân Trung Quốc (PLAN) triển khai quân với quy mô lớn. Tuy nhiên, một tính năng mà tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc còn thiếu so với các tàu Mỹ đó là Type 075 không thể vận hành máy bay cánh bằng. Ngoài ra, so với tàu đổ bộ vận tải LPD hay tàu đổ bộ tăng LST truyền thống thì tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng (LHD/LHA) có rất nhiều lợi thế, khi nó vận chuyển được lực lượng phản ứng nhanh tới điểm nóng với thời gian nhanh hơn rất nhiều. Bên cạnh đó với sự kết hợp cùng tiêm kích hạm có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng thì tàu đổ bộ tấn công còn đảm nhiệm được vai trò của tàu sân bay hạng nhẹ lúc cần thiết.

Theo dự báo của giới chuyên gia, những tàu Type 075 mới sẽ bổ sung cho đội tàu hiện có của Trung Quốc gồm 4 tàu đổ bộ vận tải Type 071, tương tự như tàu lớp San Antonio (LPD-17) của hải quân Mỹ. Ngoài ra, nhóm tác chiến viễn chinh tương lai của hải quân Trung Quốc sẽ gồm tàu sân bay trực thăng Type 075 ở trung tâm, được hộ tống bởi một tàu khu trục đa năng Type 055 và khu trục hạm phòng không Type 052C/D. Nhiên liệu, đạn dược và nhu yếu phẩm được bảo đảm bởi tàu tiếp vận hạng nặng Type 901. Nhóm tác chiến viễn chinh này sẽ có trách nhiệm đổ quân kiểm soát các khu vực bờ biển và lãnh thổ đối phương, sau khi hải quân và không quân trên hạm sử dụng hỏa lực pháo và tiêm kích “làm mềm” chiến trường. Các biên đội tàu sân bay trực thăng và tàu đổ bộ hạng nặng có thể hoạt động độc lập hoặc tác chiến hiệp đồng với nhóm tác chiến tàu sân bay. Đây là mô hình được hải quân Mỹ áp dụng trong nhiều năm qua. Khu trục hạm đa năng Type 055 sẽ đảm nhận chức năng phòng không tầm xa, đối phó với chiến hạm đối phương nhờ 112 ống phóng thẳng đứng mang nhiều loại tên lửa khác nhau. Đây là lớp tàu khu trục lớn nhất lịch sử Trung Quốc với lượng giãn nước lên tới 13.000 tấn. Nhiệm vụ phòng không được hỗ trợ bởi tàu khu trục Type 052C/D, mẫu chiến hạm hiện đại nhất của Trung Quốc trước khi Type 055 ra đời. Ngoài ra, các loại tàu tiếp vận hạng nặng như Type 901 đóng vai trò quan trọng trong nhóm tác chiến của hải quân Trung Quốc. Nó có khả năng chuyên chở nhiên liệu, vũ khí và nhu yếu phẩm để cung cấp cho nhiều chiến hạm cùng lúc. Đây là tàu hậu cần lớn nhất trong lịch sử hải quân Trung Quốc với lượng giãn nước tới 45.000 tấn.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự vẫn tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả tác chiến của những tàu trong môi trường chiến tranh hiện đại nhiều mối đe dọa như hiện nay. Bên cạnh đó, chi phí và thời gian bỏ ra để đóng loại tàu này cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Sự quan ngại của cộng đồng quốc tế

Nếu những ước tính về tàu Type 075 là chính xác, tàu này sẽ cho phép quân đội Trung Quốc có khả năng hoạt động quân sự xa bờ chỉ sau Hải quân Mỹ. Các loại tàu đổ bộ cỡ lớn sẽ cho phép quân đội một nước có thể tập trung trực thăng, xuồng đổ bộ đệm khí, binh lính và các cơ sở chỉ huy lên một tàu và đưa đến những khu vực xa xôi.

Trên thế giới, ngày càng nhiều tàu đổ bộ cỡ lớn, có boong chứa máy bay đang được chế tạo khi các quốc gia như Ai Cập, Úc và Hàn Quốc đều bắt tay đóng mẫu tàu của riêng mình. Các tàu này cũng được Mỹ sử dụng thường xuyên như một tàu sân bay hạng nhẹ, nhờ khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng của các máy bay AV-8B Harrier và F-35B.

Cho dù Trung Quốc không chế tạo các phi cơ quân sự cất cánh thẳng đứng của riêng mình hoặc sao chép công nghệ của Nga và Trung Quốc, tàu Type 075 vẫn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Cụ thể, các tàu này sẽ tiến hành các cuộc đổ bộ lên bờ biển với trực thăng, xuồng hơi các loại, đồng thời là trạm chỉ huy điều phối chiến dịch quân sự. Giống như các tàu đổ bộ cỡ lớn của Mỹ, các tàu Type 075 cũng có thể thực hiện các hoạt động cứu trợ thiên tai ở vùng Đông Á. Chính sự đa năng của Type 075 đã khiến nhiều nước trên thế giới đang bày tỏ sự quan tâm. Trong tương lai nước này có thể sẽ công bố một loại trực thăng cánh lật tương tự như MV-22 của Mỹ. Không chỉ có vậy, các loại máy bay không người lái không cần hệ thống hỗ trợ cất cánh cũng sẽ được đưa lên tàu. Nói cách khác, tàu Type 075 có thể thực hiện các nhiệm vụ do thám cũng như tham chiến trên biển như các tàu sân bay thông thường. Việc Trung Quốc bắt tay chế tạo tàu Type 075 cũng cho thấy rằng Bắc Kinh đang có những tham vọng khẳng định sự hiện diện quân sự không chỉ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cả trên toàn cầu.

Tốc độ đóng tàu nhanh chóng mặt

Hải quân Trung Quốc từ lâu đã thèm khát được sở hữu một tàu đốc đổ bộ trực thăng tương tự chiếc LHD lớp Wasp đang phục vụ trong biên chế hải quân Mỹ. Trung Quốc đã chính thức làm lễ khởi công đóng mới tàu đổ bộ tấn công trang bị trực thăng cỡ lớn với mã định danh là Type 075 trong năm 2017.

Tiến độ thi công chiếc chiến hạm mang nhiều kỳ vọng này là mối quan tâm không chỉ của riêng Trung Quốc mà còn được nhiều quốc gia theo dõi sát sao. Gần đây đã xuất hiện vài bức ảnh hiếm hoi về tình trạng của con tàu tại nhà Hỗ Đông Trung Hoa, đây có thể xem là ảnh thật đầu tiên của Type 075 thay vì ảnh đồ họa. Mặc dù chưa có được cái nhìn tổng thể về khối lượng công việc hoàn thành cũng như thiết kế chi tiết, nhưng dễ dàng nhận thấy rằng quá trình thi công đang diễn ra rất thuận lợi. Truyền thông Trung Quốc dự đoán rằng nếu tiến độ vẫn diễn ra như trên thì chậm nhất đến giữa năm 2020 tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn mang trực thăng Type 075 của nước này sẽ được hạ thủy.

Những năm gần đây, tốc độ và trình độ chế tạo, sản xuất tàu chiến của Trung Quốc đang ngày càng được cải thiện. Trung Quốc đã dần theo kịp trình độ của một số cường quốc quân sự trên thế giới. Từ năm 2013 đến 2018, Trung Quốc đã đóng mới và đưa vào biên chế 77 tàu chiến các loại, từ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến khinh hạm, tàu hậu cần. Con số đó chưa bao gồm các tàu đang được thử nghiệm trên biển và sẽ sớm gia nhập hải quân Trung Quốc trong 1, 2 năm tới. Trong đó, năm 2016, Trung Quốc đã biên chế đưa vào sử dụng 25 tàu chiến, tàu hộ vệ hoạt động trên mặt nước, trong đó có 1 tàu khu trục, 3 tàu khu trục loại nhỏ, 7 tàu hộ vệ, 2 tàu phá mìn, 5 tàu đổ bộ, 3 tàu tiếp dầu, 2 tàu phá băng và 2 tàu địa lý thủy văn. Năm 2017, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tổng cộng 17 tàu chiến mới, ít hơn năm 2016 (không tính đến tàu ngầm), gồm: 2 tàu khu trục lớp 052D có trọng tải 7.000 tấn gồm tàu Tây Ninh số hiệu 117 và tàu Hạ Môn số hiệu 154; 2 tàu khu trục loại nhỏ (khinh hạm) lớp 054A có trọng tải 4.053 tấn gồm tàu Vu Hồ số hiệu 539 và tàu Hứa Xương số hiệu 536; 8 tàu hộ vệ chống tàu ngầm lớp 056A có trọng tải 1.340 tấn gồm các tàu mang các số hiệu 514, 551, 552, 553, 520, 556, 518, 535; 1 tàu tiếp dầu Hồ Hô Luân lớp 901 số hiệu 965 (trọng tải 50.000 tấn); 1 tàu đặt cọc tiêu quân sự lớp 744A (trọng tải 1.750 tấn); 1 tàu huấn luyện Thích Kế Quang lớp 927 số hiệu 83 (trọng tải 9.000 tấn); 1 tàu kéo ngoài khơi (trọng tải 6.000 tấn); 1 tàu tình báo điện tử lớp 815A số hiệu 856 (trọng tải 6.000 tấn).

Nếu so sánh với năm 2016, số tàu chiến mới đưa vào sử dụng năm 2017 giảm 32% về số lượng và giảm 33,13% về trọng tải (trọng tải 105.576 tấn năm 2017 so với 157.881 tấn năm trước đó). Ngoài ra, số tàu đổ bộ và tàu tiếp liệu cũng giảm. Ngược lại, các loại tàu hàng đầu đóng mới như tàu khu trục, tàu hộ vệ vẫn giữ nguyên. Việc Trung Quốc giảm số lượng tàu chiến đưa vào sử dụng trong năm qua chỉ đơn giản do các công xưởng hải quân Trung Quốc thay đổi chu kỳ sản xuất. Ví dụ nhà máy đóng tàu Đại Liên ở miền Bắc Trung Quốc sản xuất cùng lúc 1 tàu sân bay lớp 002, 2 tàu khu trục lớp 055 trọng tải 12.000 tấn và 5 tàu khu trục lớp 052D trọng tải 7.000 tấn. Hay như nhà máy đóng tàu Giang Nam Trường Hưng đã bắt đầu xây dựng cơ ngơi để chuẩn bị đóng tàu sân bay thứ ba. Nhà máy này đang đóng 3 tàu khu trục trọng tải 12.000 tấn, tối thiểu 4 tàu khu trục trọng tải 7.000 tấn, nhiều tàu ngầm tấn công diesel và tàu đệm khí. Năm nhà máy đóng tàu khác của Trung Quốc cũng đang hoạt động hết công suất.

Hiệp hội ngành đóng tàu quốc gia Trung Quốc mới cho biết nước này vẫn giữ vững vị trí đứng đầu trong lĩnh vực đóng tàu toàn cầu năm 2018. Cụ thể, số tàu mà các công ty của Trung Quốc đóng được trong năm 2018 chiếm 43,2% tổng số tàu được đóng mới trên thế giới, tăng so với tỷ trọng 41,9% được ghi nhận năm 2017, qua đó củng cố vị trí dẫn đầu của nước này trong lĩnh vực đóng tàu toàn cầu. Cũng trong năm 2018, Trung Quốc nhận được 43,9% lượng đơn đặt hàng mới và đang nắm giữ 42,8% số đơn đang thực hiện trên toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới