Từ ngày 03/7/2019, tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc đã vào vùng biển khu vực bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát để “thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn”. Sau vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014 thì đây là vụ việc xâm lấn nghiêm trọng nhất của Trung Quốc trong vòng 5 năm qua. Hiện Việt Nam đang quản lý và thực thi quyền chủ quyền của mình đối với khu vực này bằng việc xây dựng nhiều nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Trong một tin nhắn Twitter gửi đi hôm 09/07, ông Ryan Martinson, Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War College), chiếc tàu khảo sát được nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, trong đó ông nhận dạng được chiếc Hải Cảnh 37111. Ngày 10/07, ông Martinson tiết lộ thêm rằng trong số tàu hải cảnh Trung Quốc được phái đi hộ tống chiếc tàu khảo sát, có chiếc mang ký hiệu 3901, với lượng giãn nước hơn 10.000 tấn. Ông Martinson còn đưa lên Twitter một sơ đồ cho thấy 4 tàu hải cảnh Trung Quốc bị ba chiếc tàu của Việt Nam kèm chặt, trong đó có hai chiếc tàu kiểm ngư Việt Nam mang ký hiệu Kn-472 và Kn-468, cùng với chiếc tàu cảnh sát biển Nam Yết 207008.
Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào vùng quanh Tư Chính của Việt Nam là hành động xâm lấn, vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm pháp luật Việt Nam và vi phạm các thỏa thuận song phương về Biển Đông mà hai bên đã ký và công bố.Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam từng xuống ở mức thấp nhất trong một thập kỷ vào tháng 5/2014, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa miền Trung Việt Nam. Việt Nam đã gửi tàu đến để ngăn chặn giàn khoan này khoan xuống đáy biển, các tàu hộ tống của Trung Quốc đã đối đầu lại với các tàu Việt Nam. Đã xảy ra những va chạm giữa các tàu bè 2 bên ở khu vực này và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra khắp Việt Nam.
Lâu nay, Trung Quốc thường có các hành động xâm lấn trên biển đối với Việt Nam trước hoặc trong thời gian các chuyến thăm Trung Quốc của Lãnh đạo cấp cao của Hà Nội. Lần này cũng vậy, sự việc này xảy ra trước và trong khi có chuyến thăm Trung Quốc của chủ tịch Quốc hội Việt Nam bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Đây là cách làm hết sức nguy hiểm, có chủ đích của Bắc Kinh nhằm chặn họng Hà Nội công khai vụ việc. Trung Quốc cho rằng có hành động xâm lấn ở Biển Đông vào lúc có các chuyến thăm Trung Quốc của Lãnh đạo Việt Nam thì Việt Nam sẽ không làm to chuyện vì sợ ảnh hưởng đến chuyến thăm. Hà Nội đã rơi vào cái “bẫy” của Bắc Kinh khi sau 2 tuần kể từ khi tàu Hải Dương 8 hoạt động ở Tư Chính vẫn im hơi, lặng tiếng.
Đây không phải là hành động đơn lẻ mà là một loại hành động được tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm khẳng định trên thực địa tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn biển Đông, giới hạn bởi “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 khúc”. Ba năm trước, ngày 12/7/2016 Toà Trọng tài Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của “đường lưỡi bò”, đồng thời cũng không công nhận các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa là đảo và vì vậy Trường Sa không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không công nhận phán quyết này.
Tư chính là khu vực Trung Quốc đã từng bán quyền khai thác dầu khí cho công ty Crestone của Mỹ hồi năm 1992 và khi đó Việt Nam đã lên tiếng phản đối. Năm 1994, Trung Quốc đã từng cho tàu Thực nghiệm (Shiyan 2). Tàu vũ trang Việt Nam đã buộc tàu thăm dò rời đi sau 3 ngày đối đầu. năm 2012, công ty Dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí bao trùm lên khu vực này. Không có công ty nước ngoài nào tham gia đấu thầu 9 lô dầu khí này bởi họ biết rõ tuyên bố mời thầu của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đây là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển.
Việt Nam nên làm gì để bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trước hành động xâm lấn mới của Trung Quốc ở Tư Chính. Việt Nam cần đấu tranh kiên quyết chống lại sự bá quyền của Bắc Kinh, nếu không Trung Quốc sẽ càng lấn tới trong chiến lược thôn tính Biển Đông. Việc Việt Nam đưa các tàu của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển ra khu vực này để đối đầu với các tàu Trung Quốc như thông tin của ông Ryan Martinson trên Twitter là đáng khích lệ. Tuy nhiên, có thể thấy lực lược cảnh sát biển và kiểm ngư khó lòng mà đối đầu được với lực lượng chấp pháp của Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bồi đắp, mở rộng rồi quân sự hóa đá Chữ Thập thành một tiền đồn quân sự thì sẽ khó khăn hơn cho các lực lượng của Việt Nam đối đầu với các tàu Trung Quốc trên thực địa. Một số nguồn tin còn cho biết bên cạnh các tàu chấp pháp, Trung Quốc còn huy động hàng chục tàu cá và tàu dân binh Trung Quốc tham gia bảo vệ cho tàu khảo sát.
Nếu như trước đây, Trung Quốc khó có thể điều một số lượng lớn tàu đến khu vực này để bảo vệ cho các hoạt động bất hợp pháp của mình vì khu vực này cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 600 hải lý thì nay với tiền đồn quân sự Chữ Thập rất gần khu vực này, Trung Quốc có thể nhanh chóng điều một số lượng lớn các tàu ra bảo vệ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần dùng biện pháp đấu tranh công luận và pháp lý để đẩy lùi sự xâm lấn của Bắc Kinh bảo vệ lợi ích của mình. Đây chính là sở đoản của Trung Quốc và là thế mạnh của Việt Nam.
Trước hết, Việt Nam cần nhanh chóng đưa vụ việc ra công luận, vạch trần bộ mặt thật của Bắc Kinh, tranh thủ dư luận quốc tế lên án hành động xâm lấn của Trung Quốc. Giữa lúc Mỹ và các nước đang lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, việc Việt Nam công khai vụ việc sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước này. Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông vừa tròn 3 năm hôm 12/7/2019, Việt Nam cần đề cao và vận dụng những nội dung của phán quyết trong đấu tranh dư luận. Đặc biệt, thời gian qua, Mỹ đã nhiều lần công khai lên tiếng phản đối việc Trung Quốc gây sức ép với các nước ven Biển Đông, các nước Châu Âu, Nhật, Úc, Ấn Độ cũng nhiều lần khẳng định cần duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông thì việc sớm công khai hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Tư Chính sẽ là tiền đề để các nước này lên tiếng phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc.
Mặt khác, Việt Nam cần sẵn sàng cho việc kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 về hành động xâm lấn vi phạm các điều khoản của Công ước. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc sử dụng đấu tranh pháp lý trong vụ việc này bởi lẽ:
Một là, nội dung liên quan đến vụ việc này là việc áp dụng các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 trong việc xác định vùng biển này thuộc về ai nên Tòa Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền để xét xử như trong vụ kiện Biển Đông mà Philippines đã khởi sướng năm 2013.
Hai là, phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, bác bỏ về cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông. Do vậy, việc Trung Quốc yêu sách một vùng biển cách xa lãnh thổ Trung Quốc đến hơn 600 hải lý là hoàn toàn bất hợp pháp.
Ba là, bất luận trong trường hợp nào thì khu vực này cũng hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Một số ý kiến có thể băn khoăn việc đường cơ sở thẳng phía Nam của Việt Nam chưa phù hợp. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp Việt Nam thu đường cơ sở ở khu vực này sát vào bờ biển thì Côn Đảo và Phú Quý của Việt Nam có đầy đủ điều kiện để được hưởng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam 200 hải lý tính từ các đảo này theo Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Khu vực Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tính từ Côn Đảo hay Phú Quý.
Nhà chức trách Hà Nội hãy tiếp tục có những hành động phù hợp, kiên quyết, kiên trì để không bị Trung Quốc lấn chiếm các vùng biển của mình.