Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngCuộc đối đầu của 4 'ông lớn' không quân trên biển Nhật...

Cuộc đối đầu của 4 ‘ông lớn’ không quân trên biển Nhật Bản

Vụ nổ súng bắn cảnh cáo của tiêm kích Hàn Quốc với máy bay Nga hôm 23/7 dẫn tới cuộc “đấu khẩu” giữa các ông lớn ở Đông Bắc Á.

Vùng biển nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản từng là tâm điểm chú ý của thế giới năm 2017, khi đây là nơi các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên rơi xuống trong các vụ phóng thử liên tiếp. Nhưng gần hai năm qua, khi Triều Tiên chấm dứt các vụ phóng tên lửa tầm xa cũng như thử hạt nhân, biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông) trở nên yên bình, cho đến khi tiếng súng nổ ra vào sáng 23/7.

Tiêm kích Hàn Quốc lần đầu tiên khai hỏa hàng trăm phát đạn để cảnh cáo một máy bay Nga bị cáo buộc tiến vào không phận của nước này trên nhóm đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp với Nhật Bản. Đây là cuộc đối đầu chưa từng có trên vùng biển này, khi nó chứng kiến sự tham gia của máy bay quân sự từ 4 “ông lớn” trong khu vực gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mọi chuyện bắt đầu từ chuyến tuần tra chung của oanh tạc cơ Tu-95 và máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga cùng máy bay ném bom H-6K Trung Quốc vào sáng 23/7 dọc hành trình từ biển Hoa Đông tới biển Nhật Bản. Đây là một phần trong nỗ lực tăng cường quan hệ quốc phòng được lãnh đạo Nga và Trung Quốc thỏa thuận gần đây.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hai chiếc H-6K Trung Quốc cùng hai máy bay Tu-95 Nga bay qua Vùng Nhận dạng Phòng không của nước này (KADIZ) lúc 6h44. Đến 8h40, cả bốn oanh tạc cơ cùng nhau bay trong KADIZ suốt 24 phút.

KADIZ được Hàn Quốc tuyên bố thiết lập năm 1950 và điều chỉnh vào năm 2013, nhằm yêu cầu các máy bay tiến vào khu vực phải thông báo danh tính, địa điểm và hành trình bay. Tuy nhiên, đây không phải là không phận của Hàn Quốc và máy bay các nước đều có quyền hoạt động trên KADIZ.

Đến 9h09, máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga bất ngờ tiến vào khu vực 12 hải lý trên nhóm đảo Dokdo/Takeshima do Hàn Quốc kiểm soát. Hàn Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo này và khẳng định vùng trời phía trên nhóm đảo là không phận của mình.

Tiêm kích F-15K và KF-16 Hàn Quốc đã bắn vài phát đạn pháo 20 mm, khiến máy bay Nga rời đi. Tuy nhiên, đến 9h33, chiếc A-50 lại tiến vào khu vực này một lần nữa, buộc chiến đấu cơ Hàn Quốc tiếp tục bắn cảnh cáo. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho hay các tiêm kích F-15K và KF-16 đã phải khai hỏa hơn 300 phát đạn pháo 20 mm và mồi bẫy nhiệt để xua đuổi oanh tạc cơ Nga.

Điện Kremlin phủ nhận việc máy bay xâm phạm không phận Hàn Quốc, tuyên bố các phi cơ diễn tập theo kế hoạch trên vùng biển quốc tế. Moskva cáo buộc phi đội F-15K và KF-16 có hành động “không chuyên nghiệp” như cắt ngang đường bay phi cơ Nga, phủ nhận thông tin tiêm kích Hàn Quốc nã pháo cảnh cáo và cho rằng các chiến đấu cơ chỉ thả mồi bẫy nhiệt.

Hành trình bay của nhóm oanh tạc cơ Nga – Trung cũng thu hút sự chú ý của Nhật, quốc gia tuyên bố vùng trời trên nhóm đảo Dokdo/Takeshima là không phận của mình. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã triển khai tiêm kích để theo dõi máy bay Nga.

Vụ nổ súng của tiêm kích Hàn Quốc may mắn đã không dẫn đến sự cố đáng tiếc nào, khi các oanh tạc cơ Nga – Trung và tiêm kích Hàn – Nhật đều trở về căn cứ an toàn. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa 4 “ông lớn” sau đó tiếp diễn trên mặt trận ngoại giao.

Tokyo phản đối việc máy bay Nga tiến vào khu vực, đồng thời bày tỏ sự bất bình với việc tiêm kích Hàn Quốc nổ súng trên vùng biển tranh chấp.

Trong khi đó, Trung Quốc nhấn mạnh vùng ADIZ Hàn Quốc không được công nhận là một phần không phận nước này, do đó máy bay nước khác có quyền tự do di chuyển. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Hàn Quốc “nên cẩn thận khi sử dụng từ ‘xâm phạm'”.

Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết đã gửi thông điệp cảnh báo tới Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev, nhấn mạnh Seoul sẽ có “biện pháp mạnh mẽ hơn” nếu Moskva lặp lại hành động tương tự. 

Bộ Ngoại giao và Hội đồng Tham mưu trưởng Hàn Quốc cũng bày tỏ sự phản đối với Trung Quốc bằng cách triệu tập đại sứ và tùy viên quốc phòng nước này. Đáp lại, Nga đã triệu tập tùy viên quân sự Hàn Quốc để phản đối các hành động “nguy hiểm và phi pháp” của các tiêm kích Hàn Quốc.

Nguyên nhân dẫn tới cuộc đối đầu chưa được làm rõ, nhưng giới chuyên gia cho rằng chuyến tuần tra có thể giúp Nga thu thập tin tức tình báo thông qua hoạt động triển khai máy bay đánh chặn của Hàn Quốc và Nhật Bản. “Nhiệm vụ này sẽ giúp họ xây dựng bản đồ chi tiết về mạng lưới phòng không quốc gia của Hàn Quốc”, Peter Layton, nhà phân tích tại Viện Griffith Asia ở Australia, nhận xét.

Đường bay của nhóm oanh tạc cơ Nga và Trung Quốc hôm 23/7. Đồ họa: CNN.

Đường bay của nhóm oanh tạc cơ Nga và Trung Quốc hôm 23/7. Đồ họa: CNN.

“Bắn cảnh cáo trên không là hành động cực kỳ nghiêm trọng và rất, rất hiếm khi xảy ra. Việc tiêm kích Hàn Quốc khai hỏa cho thấy họ coi đây là động thái cố ý xâm phạm”, Carl Schuster, cựu giám đốc trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nhận xét.

Schuster tỏ ý khó hiểu khi máy bay Nga quay lại sau khi bị cảnh cáo lần đầu. “Xâm nhập không phận tới mức bị bắn cảnh cáo thường là kết quả của hành động cố ý bay vào khu vực đó”, Schuster nói thêm.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn cho biết Mỹ đang “phối hợp chặt chẽ” với Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như duy trì giám sát tình hình trong lúc hai nước này liên hệ với Nga và Trung Quốc qua kênh ngoại giao. Washington cũng tái khẳng định cam kết phòng thủ với các đồng minh Đông Á.

Dù khu vực Đông Á đã chứng kiến hàng loạt tranh chấp lãnh thổ suốt nhiều năm qua, Nga và Hàn Quốc hiếm khi xảy ra xung đột. Lãnh đạo hai nước từng ca ngợi quan hệ song phương nồng ấm tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản cuối tháng 6. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gọi Hàn Quốc là “một trong những đối tác then chốt” ở châu Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới