Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ thuê căn cứ hải quân Campuchia bằng thỏa thuận bí mật?

TQ thuê căn cứ hải quân Campuchia bằng thỏa thuận bí mật?

Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) hôm Chủ Nhật (21/7) loan tin Trung Quốc thuê căn cứ hải quân Campuchia độc quyền 30 năm bằng một thỏa thuận bí mật ký kết từ mùa xuân năm nay. Tuy nhiên, cả Campuchia và Trung Quốc đều lên tiếng bác bỏ thông tin này.

WSJ dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ và đồng minh thông thạo về vấn đề Trung Quốc, Campuchia cho biết Bắc Kinh và Phnom Penh đã đạt được thỏa thuận nêu trên từ mùa xuân năm nay, nhưng không công bố công khai. Với thỏa thuận này, Trung Quốc thuê căn cứ hải quân Campuchia độc quyền 30 năm và có thể tự động gia hạn thêm 10 năm sau mỗi lần hết hạn.

Thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền tiếp cận một phần Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia tại Vịnh Thái Lan. Nếu thực sự thuê được căn cứ hải quân này, Trung Quốc sẽ lần đầu có một cơ sở hải quân chuyên dụng tại Đông Nam Á. Căn cứ này sẽ cho phép chế độ Bắc Kinh củng cố khả năng khẳng định yêu sách chủ quyền và các lợi ích kinh tế trên Biển Đông, cũng như thách thức đáng kể các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Cũng theo WSJ, Mỹ và các đối tác đồng minh trước đó đã vận động Campuchia không cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một sân bay tại Dara Sakor thời gian 99 năm. Sân bay này do một công ty tư nhân Trung Quốc đầu tư xây dựng trên đất Campuchia.

Theo WSJ, các quan chức của Trung Quốc và Campuchia đều lên tiếng phủ nhận hai nước đã bí mật ký thỏa thuận thuê và cho thuê Căn cứ Hải quân Ream.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm thứ Hai (22/7) nói với trang tin Fresh News thân chính phủ rằng: “Đây là tin tức bịa đặt tồi tệ nhất từng xảy ra đối với Campuchia.”

“Không có điều gì như vậy có thể xảy ra bởi vì việc chứa chấp các căn cứ quân sự nước ngoài là đi ngược lại với hiến pháp Campuchia,” ông Hun Sen nói.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat nói với Reuters rằng thông tin như vậy là “bịa đặt và không có cơ sở”.

Theo Reuters, vào tháng Mười Một năm ngoái Campuchia cũng đã lên tiếng bác bỏ các thông tin cho rằng chế độ Trung Quốc từ năm 2017 đã vận động Phnom Penh cho thuê một căn cứ quân sự có thể chứa tàu hộ tống, tàu khu trục và các tàu chiến khác của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Trong khi đó, tờ WSJ dẫn lời Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh Emily Zeeberg cho biết Washington “quan ngại rằng bất kỳ bước đi nào của chính quyền Campuchia về việc mời sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Campuchia” sẽ gây tổn hại cho hòa bình và ổn định khu vực.

Theo Reuters, đầu tháng này Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi một lá thư cho giới chức Campuchia. Trong thư, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằngTrung Quốc có thể đang nỗ lực đạt được chỗ đứng quân sự tại Campuchia và đặt câu hỏi tại sao chế độ Phnom Penh đã từ chối lời đề nghị của Mỹ về việc giúp sửa lại một căn cứ hải quân.

Bộ Ngoại giao Mỹ tháng này cũng phát đi một tuyên bố kêu gọi Campuchia hãy từ chối một thỏa thuận cho Trung Quốc thuê căn cứ hải quân vì động thái này vi phạm hiến pháp Campuchia yêu cầu chính phủ nước này phải theo đuổi “chính sách ngoại giao độc lập”.

“Chúng tôi quan ngại rằng việc chính quyền Campuchia thực hiện bất kỳ bước đi nào về mời sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Campuchia sẽ đe dọa tới sự đoàn kết và trung lập của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc điều phối phát triển khu vực, và gây tổn hại cho hòa bình, ổn định tại Đông Nam Á,” tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

 Việc ngoại giới dấy lên lo ngại Trung Quốc thuê căn cứ hải quân Campuchia cũng xuất phát từ quan hệ đồng minh rất gần gũi của chính quyền hai nước.

Trung Quốc – đồng minh khu vực mạnh mẽ nhất của chính quyền Hun Sen – đã rót hàng tỷ USD vào việc hỗ trợ phát triển và cấp vốn vay cho Campuchia thông qua các thỏa thuận khung song phương và sáng kiến Vành đai và Con đường.

Vài năm qua rất nhiều các liên doanh thương mại Trung Quốc hiện diện tại Campuchia, đầu tư vào các lĩnh vực như sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, du lịch v.v… Rất có thể thuê căn cứ hải quân Campuchia là bước phát triển chiến lược tiếp theo của chế độ Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này?

RELATED ARTICLES

Tin mới