Wednesday, January 1, 2025
Trang chủBiển nóngChuyện gì đang xảy ra ở Biển Đông?

Chuyện gì đang xảy ra ở Biển Đông?

Trước sự nổi lên và sức mạnh mang tính áp đặt của Trung Quốc ở Biển Đông, dễ hiểu là các nước Đông Nam Á có tranh chấp trong khu vực phải vừa thận trọng vừa cương quyết.

Có vẻ tình hình Biển Đông căng thẳng trở lại khi tàu cá Yuemaobinyu 42212, bị nghi là tàu dân quân biển Trung Quốc, đâm chìm tàu cá Gemvir-1 của Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines vào ngày 9-6-2019 rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines giữa biển khơi khi tàu họ chìm.

Số ngư dân này sau đó được tàu cá TG-90983-TS của Việt Nam cứu giúp. Vụ này cho đến nay vẫn còn là vấn đề phức tạp trong quan hệ Trung Quốc – Philippines.

Dạo đầu

Thật ra, trước đó, theo Tổ chức Sáng kiến minh bạch biển châu Á (AMTI) và nhiều nhà quan sát thì từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6-2019, ít ra là hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc 35111 và 46302 (bị phát hiện nhờ các tín hiệu AIS [hệ thống nhận dạng tự động] mà các tàu từ 300 tấn trở lên phải phát đi) đã quấy phá quanh khu vực bãi Luconia trong EEZ của Malaysia.

Các tàu này tìm cách không cho giàn khoan Sapura Esperanza được Malaysia cấp phép thực hiện hoạt động tại lô SK 308 trong vùng này, cách bờ biển bang Sarawak khoảng 85 hải lý (xem đường đi của tàu 35111 ở bản đồ 1).

Các tàu Trung Quốc cũng hù dọa hai tàu tiếp tế đi lại giữa vùng này và bờ biển Malaysia. Cuối cùng, có vẻ Trung Quốc không đạt được kết quả như mong muốn, vì có tin Sapura Esperanza vẫn tiếp tục công việc khoan sau vụ uy hiếp.

Tiếp đó, trong 5 ngày từ 29-6 đến 3-7, Trung Quốc cho tổ chức bắn đạn thật tại hai khu vực, một khu giữa Biển Đông nằm ngoài EEZ của Việt Nam lẫn Philippines (nhưng có phần nằm trong thềm lục địa 350 hải lý của Việt Nam) và một trong EEZ của Trung Quốc và có phần thuộc lãnh hải đảo Phú Lâm của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm từ năm 1956 (xem bản đồ 2).

Trung Quốc được cho là đã bắn thử 6 tên lửa chống hạm trong cuộc diễn tập và đô đốc Philip Davidson, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đã gọi động thái đó là để “gửi thông điệp đe dọa tới Hoa Kỳ”.

Sau hai màn dạo đầu trên là màn diễn mà chúng ta quan tâm nhất. Theo quan sát của AMTI và nhiều nhà quan sát khác, từ ngày 3-7 tàu khảo sát của Trung Quốc Haiyangdizhi 8 (Hải Dương Địa Chất 8, tức HYDZ 8), với sự hộ tống của các tàu cảnh sát biển – đặc biệt là tàu 37111 và tàu 3901 (trọng tải hơn 10.000 tấn), cùng tàu cá dân quân và cả tàu hải quân Trung Quốc theo dõi từ xa – tiến hành khảo sát địa chất tại khu vực trong bồn trũng Tư Chính – Vũng Mây, kéo dài cho tới hôm nay.

Khu vực này nằm hoàn toàn trong EEZ của Việt Nam, thuộc các lô 130-133 và 153-157 của PetroVN, ứng với hai lô mà Trung Quốc gọi là RJ-03 và RJ-27, cùng một phần lô YQX 18 và WAB 21.

Việt Nam không thể làm khác

Ba lô đầu, cùng 5 lô khác cũng trong EEZ Việt Nam, từng được Tổng công ty Dầu khí hải dương (CNOOC) Trung Quốc ngang ngược kêu mời đấu thầu năm 2012 nhưng chẳng ai tham dự. Còn lô WAB 21, Trung Quốc đã sang nhượng trái phép cho Công ty Crestone của Mỹ với giá chỉ 50.000 USD hồi năm 1992, viện cớ nó nằm trong đường lưỡi bò 11 đoạn do chính quyền Tưởng Giới Thạch đưa ra năm 1947.

Sau nhiều lần sang nhượng tiếp cho đến năm 2008, Công ty Harvest Natural Resources (Mỹ) nắm quyền thuê nhượng lô này nhưng có vẻ không có hoạt động gì (trong báo cáo của công ty này năm 2014 thấy có kê khai khoản 2,9 triệu USD chi cho lô này vào năm 2012, nhưng là tài sản chưa xác minh).

Cũng lưu ý rằng theo luật biển quốc tế thì các hoạt động nghiên cứu khoa học biển được phép thực hiện, nhưng phải được sự đồng ý của nước ven biển liên quan, tiến hành theo đúng dự án được chấp nhận, không được ảnh hưởng tới việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên… như quy định của điều 246 và những điều khác trong UNCLOS.

Trung Quốc rõ ràng đã bất chấp luật lệ khi cho tiến hành việc khảo sát địa chất này. Dĩ nhiên, với tình hình như vậy, phía Việt Nam đã phải cho lực lượng chấp pháp theo dõi và ngăn cản, các ứng dụng theo dõi giao thông hàng hải cho thấy có ít nhất hai tàu kiểm ngư KN 468 và KN 472 của Việt Nam đã tới làm nhiệm vụ trong khu vực này.

Xin nói thêm rằng đường lưỡi bò 11 đoạn do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng, còn các nước ven Biển Đông phần lớn chưa giành được độc lập hoàn toàn. Ở Việt Nam, Chính phủ của Hồ Chủ tịch vừa bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Do đó, hầu như chẳng ai biết tới đường lưỡi bò, và có vẻ chính cả Trung Quốc cũng không quan tâm (dù vào năm 1953, thủ tướng Trung Quốc lúc đó Chu Ân Lai từng bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ để tỏ tình hữu nghị với Việt Nam!) cho tới khi Randall Thompson, người sáng lập Công ty Crestone, gợi ý về nó vào năm 1991.

Lúc đó, có lẽ do tiềm lực kinh tế lẫn sức mạnh quân sự của Trung Quốc còn yếu và có vẻ họ cũng không thật tin tưởng lắm về giá trị của yêu sách kỳ quặc đó (một phần còn vì nó là di sản của phe đối nghịch) nên Bắc Kinh đã cho Crestone sang nhượng với mức giá hời như vậy.

Sau này, Trung Quốc chuyển yêu sách đó thành đường lưỡi bò 9 đoạn (không thật trùng khớp với đường 11 đoạn, xin xem bản đồ 3) và chỉ mới công bố chính thức cho các nước biết trong hồ sơ gởi Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc phản đối hồ sơ xác định EEZ và thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia vào năm 2009.

Từ đó trở đi Trung Quốc đã bám vào đường 9 đoạn này để biện hộ cho các hành động sai trái của họ ở Biển Đông, dù trong công hàm gởi Liên Hiệp Quốc của họ chẳng hề có tọa độ chính xác cũng như ý nghĩa chính xác của 9 đoạn này!

Do thực tế có sự thiếu thống nhất về cách gọi tên khu vực HYDZ 8 khảo sát, nên nhân đây cũng xin nói thêm cho rõ là khu vực đó chỉ cách đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý (tính từ góc phải dưới của lô RJ 03, xem bản đồ 4), cách bãi Tư Chính khoảng 50 hải lý và không có thực thể địa lý chìm hay nổi trong đó.

Nhưng có lẽ do trong khu vực bồn trũng Tư Chính – Vũng Mây, bãi Tư Chính gần đó to nhất và dễ nhận ra nhất, nên nhiều nguồn gọi nhầm là khu vực bãi Tư Chính.

Một màn diễn khác đồng thời với màn diễn này là tàu cảnh sát biển 35111 của Trung Quốc sau màn quậy phá ở bãi Luconia trong EEZ Malaysia đã trở về đảo Hải Nam, có thể để được tiếp liệu, sau đó quay xuống phía nam khu vực quanh lô 06-1 của PetroVN, cách bãi Tư Chính khoảng 40 hải lý.

 Từ ngày 16-7, tàu 35111 thực hiện cùng kiểu cách như đã làm ở bãi Luconia cũng như chiến thuật Trung Quốc từng làm vào tháng 7-2017 và tháng 3-2018 (đe dọa tại chỗ cùng các áp lực ngoại giao, kinh tế…) khiến Việt Nam phải hủy bỏ hợp đồng khoan dầu ở mỏ Cá Rồng Đỏ thuộc lô 07-03 gần đó với Repsol (Tây Ban Nha).

Lần này, tàu 35111 và có thể cùng nhiều tàu khác, kể cả tàu cá dân quân (nhưng hệ thống phát tín hiệu AIS trên tàu bị cố ý tắt nên các ứng dụng theo dõi đường đi của tàu bè không phát hiện được) nhằm uy hiếp giàn khoan Harakyu-5 của Nhật Bản, hoạt động theo hợp đồng với Công ty Rosneft (Nga), được Việt Nam cấp phép, thực hiện khoan mỏ trong lô này, đồng thời cũng hù dọa hai tàu tiếp tế cho giàn khoan là Sea Meadow 29 và Crest Argus 5 (xem bản đồ 5).

Đơn phương và chủ động

Màn diễn sau đó tiếp tục về phía bắc: vào ngày 17-7, Trung Quốc cho tập trận bắn đạn thật phía đông khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách mỏ Cá Voi Xanh trong lô 118 mà Việt Nam cho ExxonMobil (Mỹ) hợp đồng khoảng 90 hải lý.

Nếu vận dụng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 12-7-2016 vụ Philippines kiện Trung Quốc thì không thực thể nào trong quần đảo Hoàng Sa có thể có EEZ riêng, và cả quần đảo này không có quyền có lãnh hải và EEZ như một thể thống nhất.

Do đó, EEZ của hai phía Việt Nam và Trung Quốc, theo thông lệ quốc tế, sẽ được chia theo trung tuyến. Theo đó, khu vực Trung Quốc cho tập bắn đạn thật nằm gần như hoàn toàn bên phía Việt Nam của trung tuyến, tức hoàn toàn trong EEZ mà theo luật lệ quốc tế và phán quyết của PCA, phần chắc sẽ thuộc Việt Nam.

Dù luật lệ quốc tế không cấm hoạt động diễn tập quân sự trong EEZ của nước khác, nhưng những hành động như thế, nhất là khi diễn ra không cách quá xa mỏ dầu khí mà Trung Quốc từng ngăn cản ngay trong EEZ và rất gần bờ biển Việt Nam, rõ ràng mang tính đe dọa, hành động mà điều 301 UNCLOS khuyến nghị không nên làm.

Nếu quả đúng tàu Yuemaobinyu 42212 là của dân quân Trung Quốc cố ý đâm chìm tàu cá Philippines, thì từ đầu tháng 6 đến nay, tất cả các vụ lộn xộn vừa nêu đều do Trung Quốc đơn phương chủ động gây ra, làm tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, đi ngược các quy định trong Tuyên bố quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC) đã thỏa thuận giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, cũng như cam kết và hứa hẹn của lãnh đạo Trung Quốc với các nước liên quan, cả ở những diễn đàn đa phương và gặp mặt song phương.

Trung Quốc đến nay vẫn dùng đường 9 đoạn để biện hộ cho hành động của họ, dù đường này hoàn toàn vô lý và không có cơ sở. Chính vì vậy, PCA trong phán quyết ngày 12-7-2016 nói trên cũng đã bác bỏ nó hoàn toàn.

Tuy nhiên, dù là một thành viên UNCLOS, thậm chí từng tham gia dự thảo bộ luật biển này, Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết này. Phán quyết cũng đã nêu rõ không thực thể nào ở Trường Sa đủ điều kiện để có EEZ riêng, tức viện dẫn pháp lý của Trung Quốc là không có giá trị.

Trong khi viện dẫn lịch sử không được coi là cơ sở để phân định tranh chấp lãnh hải, ngay cả những viện dẫn lịch sử của Trung Quốc cũng rất mơ hồ. Chính sách vở Trung Quốc cho thấy các nhà sư nước này hành hương sang Ấn Độ bằng đường biển hay các sứ thần chính thức đều đi nhờ… tàu buôn của người Ả Rập hay tàu của dân Đông Nam Á.

Khảo cổ biển cho thấy trong thiên niên kỷ thứ nhất và trước đó, hầu như không có xác tàu thuyền nào của Trung Quốc trong khu vực, mà chỉ có xác tàu thuyền Ả Rập, các nước Đông Nam Á. Nhiều tên gọi các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc cũng cho thấy đó chỉ là phiên âm hay dịch lại tên do người phương Tây đặt trước, ví dụ như bãi ngầm Tăng Mẫu chỉ là phiên âm của “James Shoal”, hay đá Linh Đương là dịch tên “Antilope Reef”…

Cuối cùng, trước các hành động ngang ngược như thế của Trung Quốc, hôm 19-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng có nêu: “Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”. Sau đó, ngày 20-7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố nhấn mạnh: “Mỹ kiên quyết phản đối mạnh mẽ các hành động cưỡng ép và bắt nạt được thực hiện bởi bất kỳ bên nào tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc nên ngừng ngay các thói bắt nạt nước khác và kiềm chế, tránh các hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn khu vực”.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng xác nhận rằng phía Việt Nam “đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau” như trao công hàm phản đối, yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực, tức đã nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề đầy đủ qua đường ngoại giao.

Giờ đang chờ xem Trung Quốc sẽ ứng xử ra sao. Liệu họ có uốn nắn cách hành xử của mình trong tư cách một nước lớn biết giữ lời hứa, có trách nhiệm, tôn trọng luật lệ quốc tế, yêu chuộng hòa bình như họ từng lớn tiếng tự nhận hay không.

rước sự nổi lên và sức mạnh mang tính áp đặt của Trung Quốc ở Biển Đông, dễ hiểu là các nước Đông Nam Á có tranh chấp trong khu vực phải vừa thận trọng vừa cương quyết. Philippines, nước đã kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực năm 2016 và thắng kiện, cũng đã một thời gian dài đối diện với những yêu sách và động thái gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.

Phản ứng của nước này, dưới thời một tổng thống được coi là khó lường và thân Trung Quốc, ít ra là hơn người tiền nhiệm, như ông Rodrigo Duterte, trong giai đoạn sóng gió vừa qua cũng rất đáng chú ý.

Ngày 22-7, báo Philippine Inquirer cho biết ông Duterte đã nhắc đến “vấn đề chủ quyền ở biển Tây Philippines (tức Biển Đông) trong bài diễn văn toàn quốc thứ tư của ông”. “Tất nhiên, khi thời điểm thích hợp, chúng ta sẽ làm thế” – ông Duterte nói, ý chỉ việc thực thi phán quyết của tòa trọng tài, nhưng cảnh báo việc cố làm điều đó lúc này sẽ “dẫn tới chiến tranh”.

Ông nói ông muốn tiếp tục đối phó với Trung Quốc qua bàn thương lượng ngoại giao. “Có thể đạt được những nguồn lực nhiều hơn và tốt hơn trong sự riêng tư của một phòng họp thay vì những cãi cọ nơi công cộng.

Đó là lý do tại sao tôi sẽ làm chuyện này một cách hòa bình, chú ý tới thực tế rằng được mất ở đây là lòng tự hào dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” – ông Duterte nói.

Trước đó, tổng thống Philippines từng bị chỉ trích dữ dội khi nói ông sẽ cho phép ngư dân Trung Quốc đánh cá trong EEZ của Philippines. Lần này, ông nhắc lại cảnh báo từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sẽ có rắc rối xảy ra nếu Philippines quyết thực thi những gì Tòa trọng tài đã tuyên ở Biển Đông.

Ông Duterte khẳng định ông thậm chí không thể cử lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines ra để xua các tàu của Trung Quốc đi ở vùng biển tranh chấp. “Tôi thậm chí không thể đưa lực lượng tuần duyên ra để đuổi họ đi… Tôi đảm bảo với quý vị, sẽ không ai sống sót trở về nhà đâu”.

Có thể so sánh phản ứng của ba nước Đông Nam Á trước những động thái áp đặt gần tương tự nhau từ Trung Quốc ở khu vực để thấy được nhiều điều, nhất là đặt trong bối cảnh Philippines là nước đồng minh có hiệp ước với Mỹ.

Gần đây, giới ngoại giao từ cả hai nước đã nhắc lại tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo về Hiệp ước phòng thủ chung 1951 khi ông thăm Manila vào tháng 3-2019.

Tuyên bố của ông Pompeo “nói rõ rằng Biển Đông thuộc Thái Bình Dương, và bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào vào các lực lượng vũ trang, tàu bè dân sự, hay máy bay của Philippines ở Biển Đông đều sẽ kích hoạt điều IV Hiệp ước phòng thủ chung”.

The New York Times dẫn lời Fernando Hicap, chủ tịch Hiệp hội Đánh cá Philippines Pamalakaya, nói: “Chẳng ai muốn chiến tranh với bất kỳ đất nước nào cả. Điều chúng tôi đòi hỏi là công lý, và quyền để ngư dân Philippines được tôn trọng trong chính vùng biển của mình”.

RELATED ARTICLES

Tin mới